Thông Tin Dinh Dưỡng

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA BÉ 7 THÁNG TUỔI

Ngày đăng:

27/12/2016

Thời điểm bé đạt mốc 7 tháng tuổi, mẹ sẽ cảm thấy mình đang được “đền bù” cho những vất vả thời gian qua. Bé đã cứng cáp hơn rất nhiều, có thể ngồi không cần tựa, nằm sấp, lẫy bò để với tới đồ chơi bé thích. Khả năng giao tiếp của bé đã tiến lên một bậc và tính cách cũng được định hình rõ hơn. Tham khảo bài viết dưới đây để xem những thay đổi sẽ có và bí quyết để chăm sóc trẻ 7 tháng tuổi thật tốt mẹ nhé.

Sự phát triển của bé ở 7 tháng tuổi

+ Trí thông minh: Thời điểm này, bé đã có nhận thức về sự tồn tại của các vật dù không nhìn thấy. Khi làm rơi một vật, bé biết món đồ chơi đó vẫn còn ở đó và khóc đòi hay cố gắng với lấy. Bé cũng đoán trước được điều gì sẽ xảy ra ví dụ như nghe tiếng nước chảy, bé sẽ biết đã đến giờ tắm.

+ Kỹ năng vận động: Thời điểm này, kỹ năng vận động tĩnh và thô của bé đều có những bước tiến nhảy vọt. Bé đã có thể điều khiển bàn tay và ngón tay để nhặt các vật hay chuyển từ tay này sang tay kia. Bé cũng có thể phối hợp các nhóm cơ lớn như cánh tay và cẳng chân. Ở 7 tháng tuổi, bé đã có thể ngồi dậy mà không cần sự trợ giúp nào và lật người sấp hoặc ngửa.

+ Kỹ năng giao tiếp: Lúc này bé đã học được rằng hai người sẽ nói chuyện luân phiên khi giao tiếp và sẽ cố gắng đáp lại mẹ bằng những tiếng bập bẹ khi mẹ nói xong và sau đó sẽ tiếp tục. Bé đã có thể kết hợp nguyên âm và phụ âm, tương tự các từ hoàn chỉnh như “ba ba” hay “da da”. Đồng thời, bé đã có thể định vị vị trí của mẹ dựa vào giọng nói. Khi được gọi tên, bé sẽ phản hồi bằng cách nhìn vào người đó hoặc tìm kiếm những vật phát ra âm thanh ở ngoài tầm mắt.

+ Cảm xúc: Lúc này, bé đã có thể nhận rõ mẹ và mọi người xung quanh. Bé đã biết nhận ra người lạ và tỏ ra cảnh giác hoặc sợ hãi – khởi đầu cho giai đoạn sợ người lạ hết sức bình thường mà tất cả cậu nhóc và cô bé đều trải qua. Đây là cũng thời điểm bé phân biệt rõ cảm xúc từ giọng điệu lời nói và sử dụng giọng nói để diễn tả cảm giác khó chịu hay hạnh phúc.

+ Phát triển thể chất: Đến tháng thứ 7, cân nặng trung bình của bé khoảng 8,3kg (đối với bé trai) và 7,7kg (đối với bé gái), tăng hơn gấp đôi trọng lượng lúc bé chào đời. Đầu, chiều dài và hình dáng chân tay bé đã thay đổi và rắn chắc hơn. Bé đã tự giữ được đầu và có thể tự ngồi trên đùi người lớn nên bố mẹ sẽ dễ bế bé hơn. Nếu đang bú sữa mẹ, bé có thể sẽ thức dậy ít nhất 1 lần trong đêm để đòi bú. Nhưng khi bắt đầu ăn dặm, một số bé sẽ ngủ trọn giấc suốt đêm. Bé đã có thể ăn đa dạng các loại thức ăn rồi và muốn được khám phá nhiều món ăn với những vị, độ mềm, mùi thơm và cả màu sắc khác nhau.

Bí quyết chăm sóc bé 7 tháng tuổi

+ Giúp bé phát triển thể chất:

  • Tạo cho bé thói quen ăn uống lành mạnh và đừng kiểm soát lượng thức ăn mà bé ăn mỗi bữa, bé thích ăn hay không và ăn được bao nhiêu hãy để bé quyết định, mẹ nhé.
  • Nên cho bé nếm đủ loại thức ăn mới, nhưng nên cho bé ăn liên tục vài lần trước khi đổi để bé làm quen và chấp nhận mùi vị mới này.
  • Mẹ nên tiếp tục cho bé bú sữa mẹ vì sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ đến 24 tháng tuổi, vì trong sữa mẹ có chứa sữa non (cholostrum) để tăng sức đề kháng và giúp trẻ phát triển khỏe mạnh […]. Tuy nhiên, trong trường hợp mẹ gặp khó khăn khi nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong giai đoạn này vì những lí do đặc biệt thì nên đến cơ sở y tế để nhận được hướng dẫn từ thầy thuốc và nhân viên y tế.

+ Giữ cho bé được an toàn:

  • Mẹ nhớ rửa tay cho bé và cho mẹ sạch sẽ trước khi ăn, đặc biệt nếu trước đó bé đã chơi đùa dưới sàn nhà.
  • Giữ gìn vệ sinh hợp lý nhưng không nên quan tâm thái quá về việc giữ một môi trường “siêu” sạch sẽ cho bé để hệ miễn dịch của bé có cơ hội tiếp xúc với nhiều loại vi sinh vật khác nhau để hoạt động hiệu quả.

+ Chơi và giao tiếp:

  • Cố gắng thể hiện các cử chỉ và lựa chọn từ ngữ phù hợp vì bé sẽ học nói và giao tiếp thông qua các giờ chơi đùa với mẹ.
  • Tìm cho bé món đồ chơi phát âm thanh để bé có thể tương tác với nó.
  • Nếu là mùa hè, mẹ có thể cho bé nghịch nước mỗi ngày bằng cách đặt bé vào một cái hồ tắm nhỏ cùng vài món đồ chơi màu sắc sặc sỡ cho bé nghịch nước. Luôn ở gần và không bao giờ rời mắt theo dõi bé, mẹ nhé.

Ở tháng thứ 7 này, khi bé không cần quá nhiều sự chăm sóc nữa, mẹ nhớ dành cho thêm thời gian để chăm sóc chính mình. Hãy chia sẻ với bố thời gian và những việc chăm sóc bé, tận hưởng việc được chăm sóc và dành thời gian tập luyện, chăm sóc chính mình để nhanh chóng lấy lại “phong độ”. Nếu đi làm, mẹ nhớ đảm bảo ăn uống đầy đủ và tranh thủ ngủ trưa để nhanh chóng hồi phục sức khỏe nhé.

Bác sỹ Nguyễn Vĩnh Hoàng Oanh

Trung tâm Dinh dưỡng VNM