Thông Tin Dinh Dưỡng

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA BÉ 9 THÁNG TUỔI

Ngày đăng:

27/12/2016

Đến 9 tháng tuổi, mọi thứ xung quanh bé đều vô cùng mới mẻ và luôn mời gọi bé khám phá. Trong nhà sẽ xuất hiện một “nhà thám hiểm” tí hon và bò khắp mọi ngóc ngách để tìm hiểu. Bé cũng hào hứng với tất cả các món có được trong tay. Hãy cùng xem bé của mẹ sau 9 tháng đã phát triển thế nào và cách chăm bé tốt nhất, mẹ nhé!

Sự phát triển của bé ở 9 tháng tuổi

+ Trí thông minh: Sự phát triển của trí nhớ khiến bé chán ngán với những thứ quen thuộc xung quanh và tìm kiếm những trải nghiệm mới. Bé kiên trì hơn trong việc tìm kiếm các đồ chơi, thậm chí sẽ khóc đòi khi đồ vật tự dưng biến mất. Bé sẽ tiếp tục thử nghiệm về sự tổn tại của các vật. Trí thông minh của bé còn thể hiện rõ ở việc bé đã bắt đầu hiểu người và vật đều có tên riêng, đoán trước được những trình tự quen thuộc trong ngày như mẹ mở nước nghĩa là đến giờ tắm.

+ Kỹ năng vận động: Hầu hết các bé ở giai đoạn này đều nỗ lực vận động dù ở các hình thức khác nhau như trườn, bò, lăn lộn hoặc thậm chí tập đi bằng cách vịn tay vào các vật khác. Kỹ năng vận động tĩnh của bé cũng đang được cải thiện dần. Nhờ vậy, bé có thể tự ăn hoặc tự cầm bình sữa và ly để uống mà không cần sự giúp đỡ của mẹ, cũng như nhặt và cầm nắm đồ vật thuần thục hơn.

+ Kỹ năng giao tiếp: Ở giai đoạn này, bé học giao tiếp bằng cử chỉ với các động tác như chỉ tay, vỗ tay và vẫy tay chào hay chỉ vào vật gì đó để bày tỏ mong muốn. Bé sẽ thể hiện sự yêu ghét với ngôn ngữ cơ thể bằng cách cười và đá chân khi thích hoặc cau mày khi không hài lòng. Đồng thời, mẹ sẽ thấy bé liên tục bập bẹ những từ ngữ hoàn chỉnh kết hợp cả nguyên âm và phụ âm như “baba”, “dada”, “mama”.

+ Cảm xúc: Bên cạnh sự phân biệt người quen – người lạ, bé bắt đầu học được một số hành vi như vẫy tay chào tạm biệt, thử làm mẹ không hài lòng để quan sát xem phản ứng của mẹ, hoặc tỏ ra buồn bã khi mẹ nói “không”. Mẹ hãy ghi nhận và phản hồi lại những hành động này để bé có thể phát triển kĩ năng xã giao của mình tốt hơn.

+ Phát triển thể chất: Tháng thứ 9, bé yêu đã nặng trung bình khoảng 9,2kg (đối với bé trai) và 8,6kg (đối với bé gái). Đôi chân của bé giờ đã cứng cáp hơn rất nhiều, do đó bé thường xuyên vịn vào ghế hoặc thành giường để đứng dậy. Mẹ hãy đặc biệt chú ý tới việc mọc răng của bé nhé. Bé có thể đã mọc 2 răng cửa dưới, 1 răng cửa và 1 răng bên hàm trên

Bí quyết chăm sóc bé 9 tháng tuổi

+ Phát triển thể chất cho bé

  • Mẹ hãy cứ để bé khám phá các món ăn và nghiên cứu cách ăn của riêng của mình càng sớm càng tốt. Mẹ chỉ cần chú ý làm sao cho các món ăn nhiều màu sắc và bắt mắt để kích thích bé.
  • Dù giai đoạn này, bé chỉ còn ngủ 2 giấc/ ngày, nhưng ngủ vẫn là giai đoạn quan trọng với bé. Mẹ nên để ý các dấu hiệu của bé mỗi khi bé mệt hoặc buồn ngủ, ví dụ như là dụi mắt, mè nheo, gục đầu trên vai mẹ hoặc tỏ ra chán các món đồ chơi hấp dẫn.
  • Đừng để bé trở nên quá mệt mỏi hay thức khuya hơn ngày thường, để tránh việc bé cáu gắt ầm ĩ. Nên tập cho bé đi ngủ sớm & đúng giờ.
  • Hãy đảm bảo chế độ ăn của bé có đủ 600 ml sữa và 3 bữa ăn dặm chính trong ngày, mẹ nhé. Tiếp tục cho bé bú sữa mẹ vì sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ đến 24 tháng tuổi, vì trong sữa mẹ có chứa sữa non (cholostrum) để tăng sức đề kháng và giúp trẻ phát triển khỏe mạnh […]. Tuy nhiên, trong trường hợp mẹ gặp khó khăn khi nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong giai đoạn này vì những lí do đặc biệt thì nên đến cơ sở y tế để nhận được hướng dẫn từ thầy thuốc và nhân viên y tế.

+ Giữ bé an toàn

  • Khi có tiếng ồn đột ngột, mẹ nên để ý phản ứng của bé và quan sát xem hai mắt bé có di chuyển đều nhau không, bé có tập trung nhìn vào một vật gì đó không. Đồng thời mẹ cũng nên chú ý cách bé di chuyển để phát hiện sớm những bất thường về thể chất cũng như tinh thần của bé.
  • Mẹ nhớ xem lịch chủng ngừa để xem bé 9 tháng cần chích ngừa những bệnh gì nhé.
  • Mẹ nên kiểm tra sàn nhà và xung quanh trước khi cho bé chơi.
  • Nếu bé bú bình, mẹ có thể không cần tiệt trùng bình và chén bát cho bé nữa nhưng vẫn phải đảm bảo rửa sạch sẽ. Sữa nên được trữ ở giữa tủ lạnh, không để ở cửa tủ – nơi nhiệt độ thường xuyên thay đổi và không nên sử dụng nếu sữa đã quá 24 tiếng nhé.

+ Chơi và giao tiếp

  • Để phát triển ngôn ngữ và giao tiếp cho bé, mẹ hãy tiếp tục gọi tên các đồ vật hoặc kể cho bé nghe về những hoạt động trong ngày của mẹ.
  • Đây là thời điểm tuyệt vời để mẹ và bé thử một vài trò chơi đơn giản như tìm đồ vật hoặc vỗ tay, sẽ học được nhiều từ sự tương tác với bố mẹ.
  • Mẹ có thể khuyến khích bé vận động nhiều hơn bằng cách cùng ngồi xuống sàn nhà và chơi trò đuổi bắt.
  • Bố mẹ cứ yên tâm để bé tự do chơi dưới sàn, bé sẽ có nhiều cơ hội hoàn thiện các kỹ năng hơn.

Có thể lúc này, mẹ sẽ cảm thấy mình trở nên nóng tính và nhạy cảm với bất kỳ điều gì liên quan đến bé. Nhưng mẹ không nên trầm trọng hóa mọi việc. Chính tình thương và chế độ dinh dưỡng của mẹ sẽ giúp bé phát triển tinh thần và thể chất đúng hướng. Ngoài việc chăm sóc bé, mẹ nhớ dành thời gian để luyện tập thể dục để tăng cường sức khỏe và lấy lại cân nặng mong muốn nhé. Mẹ có thể cùng bé dạo chơi cuối tuần. Gặp gỡ mọi người sẽ giúp bé phát triển các kỹ năng và giảm chứng sợ người lạ nhé.