Thông Tin Dinh Dưỡng

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ HAI THÁNG TUỔI

Ngày đăng:

20/11/2016

Đến tháng thứ hai, mẹ đã chuẩn bị sẵn sàng để đón chờ khoảnh khắc kỳ diệu khi bé yêu cười với mẹ chưa? Lúc này, nụ cười của bé không còn là phản xạ tự nhiên mà là lời đáp lại tình yêu của mẹ dành cho bé. Bên cạnh đó, giai đoạn này, bé cũng có nhiều phát triển để thích ứng và tương tác nhiều hơn với thế giới xung quanh. Cùng xem những thay đổi sẽ có ở bé và bí quyết để chăm sóc trẻ hai tháng tuổi thật tốt nhé.

Sự phát triển của bé trong tháng thứ 2

+ Trí thông minh: Lúc này, khả năng theo dõi các chuyển động của bé đã tốt hơn, đặc biệt với những vật di chuyển chậm ngang tầm mắt. Khi mẹ lắc tay hay giơ đồ chơi trước mặt, bé có thể theo dõi theo. Bé đã bắt đầu nhìn rõ các hình dạng phức tạp và đa sắc nhưng vẫn thích thú nhất khi nhìn vào khuôn mặt mọi người xung quanh. Trên thực tế, bé con rất thích sự biểu lộ cảm xúc trên gương mặt mẹ, quan sát cử động miệng của mẹ một cách vui vẻ và cố gắng đáp lại bằng âm thanh riêng của bé. Vì vậy, mẹ hãy thường xuyên tâm sự với bé và khuyến khích bé giao tiếp với mẹ nhiều hơn nhen.

+ Kỹ năng vận động: Bước sang tháng thứ hai, bé đã từng bước nắm bắt khả năng điều khiển cơ thể, đã học được cách giơ tay và vung chân có chủ đích. Bé có thể cố với đồ chơi trên cao dù chưa chính xác. Chân bé đã khỏe hơn, thậm chí vài trẻ có thể đá hoặc đạp khi đang nằm sấp và tự lật ngửa.

+ Kỹ năng giao tiếp: Mẹ sẽ thấy bé “ê”, “a” nhiều hơn bên cạnh phương thức giao tiếp chính là khóc. Bé bắt đầu biết bắt chước cử chỉ và cách biểu lộ cảm xúc của mẹ. Đây đều là những bước đệm quan trọng để bé phát triển ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp trong tương lai.

+ Cảm xúc: Bé có thể nhận ra bố mẹ, vui sướng khi mẹ quơ tay hoặc lúc lắc đầu khi đến gần và có thể đáp lại bố mẹ bằng nụ cười hạnh phúc. Từ giờ, bé sẽ cười với mẹ thường xuyên hơn. Khi mọi người, nhất là mẹ, cười đáp lại bé, bản năng tự tin của bé sẽ được nâng cao.

Đến tháng thứ 2, bé đã chính thức cười đáp lại mẹ rồi đấy!

Đến tháng thứ 2, bé đã chính thức cười đáp lại mẹ rồi đấy!

+ Thể chất: Bé 2 tháng tuổi đã nặng trung bình khoảng 5,6kg (đối với bé trai) và 5,1 kg (đối với bé gái) với mức tăng khoảng 150-200 gr mỗi tuần. Đừng quá lo lắng nếu bé tăng cân không ổn định ở tất cả các tuần. Mẹ nên theo dõi cân nặng và sự phát triển bé trong vài tuần liên tiếp chứ không phải từng tuần riêng biệt.

Bí quyết chăm sóc bé hai tháng tuổi

+ Giúp bé khỏe mạnh về thể chất

  • Đây là thời gian bé cần được tiêm phòng vắc xin. Hãy đánh dấu ngày này trong lịch hoặc nhật kí của bạn khi con bạn bước qua tháng thứ hai. Mẹ đưa bé đến trung tâm y tế để tiêm phòng theo đúng lịch. Mẹ nhớ mang theo sổ tiêm phòng vắc xin để ghi lại ngày tiêm và ngày cần tiêm mũi nhắc lại cho bé lần tới nhé.
  • Chế độ dinh dưỡng lúc này của bé chủ yếu là sữa mẹ – thức ăn tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ đến 24 tháng tuổi, vì trong sữa mẹ có chứa sữa non (cholostrum) để tăng sức đề kháng và giúp trẻ phát triển khỏe mạnh […]. Tuy nhiên, trong trường hợp mẹ gặp khó khăn khi nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong giai đoạn này vì những lí do đặc biệt thì nên đến cơ sở y tế để nhận được hướng dẫn từ thầy thuốc và nhân viên y tế.
  • Hãy cho bé tắm nắng mỗi sáng sớm khoảng 10-20 phút trước 9h mẹ nhé. Cho bé tắm nắng là việc đơn giản nhưng vô cùng cần thiết để giúp cơ thể của con tổng hợp vitamin D, giúp bé hấp thụ canxi hiệu quả giúp xương chắc khoẻ và cơ thể khoẻ mạnh. Vì 80% vitamin D được tổng hợp ở da dưới tác dụng của tia cực tím tiếp xúc trực tiếp lên da, 20% vitamin D còn lại có từ sữa mẹ và thức ăn (thịt, dầu cá thu, cá mòi, trứng, bơ, nấm, đậu…).

+ Bảo vệ an toàn cho bé

  • Giữ thú nuôi tránh xa bé
  • Luôn để mắt tới bé, không nên để bé ở những nơi không quan sát được hoặc không an toàn.
  • Kiểm tra trước nơi bé nằm chơi, đảm bảo đồ chơi của bé tròn, mềm, không có cạnh nguy hiểm.

+ Chơi đùa và giao tiếp

Quan sát cách bé nhảy lên hoặc giật mình khi có âm thanh, điều đó cho thấy thính giác bé bình thường. Thường bé sẽ được kiểm tra thính giác lúc mới sinh. Hãy liên hệ ngay với bác sĩ nếu mẹ nghi ngờ bé có vấn đề về tai.

Song song với việc chăm sóc bé, mẹ hãy dành khoảng thời gian riêng tư để nghĩ về những điều tốt đẹp, thư giãn và chăm sóc cơ thể mình. Nếu cuống cuồng tất bật với việc chăm sóc bé cả ngày, cộng với việc thiếu ngủ do chăm bé về đêm, mẹ rất dễ mắc phải chứng trầm cảm sau sinh. Mạnh mẽ lên mẹ nhen, bố và bé đều rất yêu thương mẹ mà.

BS. Hồ Thị Nam Huế

Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk