Sự phát triển của trẻ một tháng tuổi

Sự xuất hiện của bé đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của mẹ. Mỗi ngày mẹ lại tất bật với chuyện cho bé bú, chăm bé ngủ. Trong tháng đầu tiên này, sẽ rất khó để mẹ nhận ra những thay đổi của bé vì bé hầu như ngủ liên tục, chỉ thức dậy để bú và chơi đùa trong một thời gian ngắn. Tuy vậy, có những thay đổi quan trọng trong tháng đầu tiên mẹ cần biết để giúp bé phát triển theo đúng cách. Cùng theo dõi bài viết để biết cách chăm sóc trẻ về dinh dưỡng lẫn những hành động mang tính động viên tốt nhất cho bé nhé.

Sự phát triển của bé trong tháng đầu tiên

+ Trí thông minh: Khi thức, bé thường lắng nghe tiếng động và quan sát những việc xung quanh. Mẹ có thể bắt gặp bé đang quan sát hay lắng nghe giọng nói của mẹ. Bé cũng biết chán và tỏ thái độ cáu kỉnh nếu phải nhìn những sự việc được lặp lại từ ngày này sang ngày khác. Ở giai đoạn này, những vật có độ tương phản rõ ràng về màu sắc sẽ thu hút sự chú ý của bé hơn. Bé cũng thích quan sát những vật thể di chuyển chậm.

Bé có thể quan sát và lắng nghe giọng nói của mẹ

Bé có thể quan sát và lắng nghe giọng nói của mẹ

+ Kỹ năng vận động: Cơ cổ là khác biệt lớn nhất của bé sơ sinh và bé một tháng tuổi. Ban đầu, bé có thể ngẩng đầu lên trong vòng vài giây và mẹ phải đỡ đầu bé. Khi cơ cổ trở nên cứng cáp hơn, bé có thể ngẩng đầu mỗi khi nằm sấp. Thậm chí, còn có thể ngẩng đầu để nhìn thẳng ra phía trước, hoặc quay đầu sang hai bên. Bài tập cơ cổ là bước đệm quan trọng cho những động tác vận lẫy, lật, ngồi, và bò của bé trong tương lai.

+ Kỹ năng giao tiếp: Bé khóc rất nhiều từ 6 – 8 tuần tuổi. Đây là phương thức giao tiếp chủ yếu của bé với mẹ và cũng là cách bày tỏ khó chịu với các kích thích diễn ra trong ngày. Sau những cơn khóc, bé sẽ bi bô những tiếng “A”, “Ư” như bù lại cho mẹ. Những thanh âm này được phát ra từ thanh quản, là bước khởi đầu quan trọng cho sự phát triển ngôn ngữ của bé sau này. Mẹ hãy trò chuyện với bé nhiều hơn nhé.

Cảm xúc: Bé đã có thể nhận biết và vui thích khi nhìn thấy mẹ. Bé sẽ vung tay, múa chân, thậm chí cười khi mẹ đến gần. Nụ cười phản xạ đầu tiên của bé sẽ đến vào tuần thứ 4 sau khi chào đời. Cuối tháng đầu tiên, bé sẽ cười nhiều hơn và đáp lại mọi người xung quanh.

 + Thể chất: Bé sẽ tăng cân rất nhanh trong tháng đầu tiên, khoảng 200-250 gram/ tuần. Khi đầy tháng, bé sẽ nặng khoảng 4,5kg (đối với bé trai) và 4,2kg (đối với bé gái). Mỡ tích tụ nhiều nhất ở đùi, bụng và trên khuôn mặt bé. Bé được nuôi bằng sữa mẹ thường tăng cân nhanh trong những tháng đầu tiên, những tháng sau đó sẽ tăng cân ít hơn. Nếu bé không tăng cân hoặc tăng cân chậm và phát triển thể chất kém mẹ nên đưa bé đến bác sĩ.

Bí quyết chăm sóc bé một tháng tuổi

+ Giúp bé khỏe mạnh về thể chất

  • Tìm hiểu thông tin và địa điểm tiêm phòng cho bé.
  • Hạn chế khả năng bé tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nguồn lây nhiễm.
  • Luôn rửa tay và lau khô sau khi thay tã và trước khi cho bé bú mẹ nhé.
  • Chế độ dinh dưỡng lúc này của bé chủ yếu là sữa mẹ – thức ăn tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ đến 24 tháng tuổi, vì trong sữa mẹ có chứa sữa non (cholostrum) để tăng sức đề kháng và giúp trẻ phát triển khỏe mạnh […]. Tuy nhiên, trong trường hợp mẹ gặp khó khăn khi nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong giai đoạn này vì những lí do đặc biệt thì nên đến cơ sở y tế để nhận được hướng dẫn từ thầy thuốc và nhân viên y tế.
  • Để có nhiều sữa cho bé bú mẹ cần: luôn có tinh thần thoải mái, ăn đầy đủ dinh dưỡng, uống nhiều nước, uống thêm 2-3 ly sữa mỗi ngày và mẹ hãy cho bé bú thường xuyên và bú đúng cách nữa mẹ nhé.
  • Cho bé tắm nắng mỗi sáng sớm (sau khi sinh 10 ngày) để giúp cơ thể của bé tổng hợp vitamin D, giúp bé hấp thụ canxi hiệu quả giúp xương chắc khoẻ, phòng chống còi xương suy dinh dưỡng.

+ Bảo vệ an toàn cho bé

  • Hãy tập thói quen đóng cửa cũi trước khi mẹ đi làm chuyện khác. Luôn giữ bé khi bé nằm trên bàn, trên ghế hay trên bất kỳ mặt phẳng nào khác. Mẹ cần chú ý đặc biệt với những bé hiếu động.
  • Luôn luôn cột dây an toàn khi bé nằm trong xe đẩy hoặc xích đu dù dây an toàn có thể hơi to so với bé. Nếu xe đẩy có một vòng đeo cổ tay, mẹ hãy đeo nó cho bé.
  • Làm quen với các dụng cụ được thiết kế riêng cho bé. Mẹ nên dành thời gian đọc hướng dẫn sử dụng. Không vừa giữ bé, vừa ráp đồ đạc hoặc đọc hướng dẫn.

+ Chơi đùa và giao tiếp

  • Mẹ có thể tập cho bé nằm sấp mỗi ngày một ít, giúp bé phát triển cơ cổ và cơ lưng. Không nên tập lâu mẹ nhen.
  • Mẹ hãy tập cho bé nghe nhạc để làm quen với âm thanh. Không cần phải hạn chế tất cả âm thanh, thậm chí đi nhón chân khi bé ngủ vì sẽ làm bé nhạy cảm với tiếng ồn. Hãy để bé học cách thích nghi với những âm thanh bình thường trong nhà, đó cũng là một phần cuộc sống của bé mà.

Bên cạnh việc chăm sóc con yêu, mẹ cần chú ý đến việc giữ sức khỏe bản thân sau khi sinh. Hãy cố gắng tận dụng mọi khoảng thời gian để nghỉ ngơi hoặc ngủ bởi trong những tháng đầu, mẹ sẽ mất nhiều sức để chăm con ban đêm. Chúc bé và mẹ sẽ trải qua “tháng trăng mật” thật đáng nhớ!

BS. Hồ Thị Nam Huế

Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk

Mẹ cần hỗ trợ?

Trung tâm tư vấn dinh dưỡng Vinamilk

Trung tâm tư vấn dinh dưỡng

1900545425
Email Vinamilk

Viết cho chúng tôi

Email

GỬI CÂU HỎI CHO CHÚNG TÔI

* Dưới 200 ký tự