Thông Tin Dinh Dưỡng

THAY ĐỔI THỂ CHẤT CỦA MẸ SAU SINH VÀ LỰA CHỌN CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG PHÙ HỢP

Ngày đăng:

06/10/2016

Nếu mẹ hy vọng cơ thể mình sẽ quay lại như trước lúc mang thai chỉ sau khi sinh em bé một vài tháng thì có thể mẹ sẽ phải thất vọng. Để có thể đối diện với sự thật rằng: “phải mất nhiều thời gian hơn là một vài tháng thì mẹ mới “chuẩn” lại được như ban đầu” một cách thoải mái và nhẹ nhàng, mẹ cần hiểu rõ đâu là những thay đổi thể chất một cách bình thường của mẹ sau sinh và cách lựa chọn chế độ dinh dưỡng sao cho phù hợp để “mẹ đẹp, con khỏe”.


Em bé xuất hiện kéo theo nhiều thay đổi về thể chất lẫn sức khỏe của mẹ

Em bé xuất hiện kéo theo nhiều thay đổi về thể chất lẫn sức khỏe của mẹ

Thay đổi thể chất ở mẹ

+ Bụng lỏng lẻo, vẫn còn giữ kích thước lớn như lúc mang bầu là tình trạng mẹ sẽ phải chấp nhận sau khi sinh trong vòng vài tuần đến vài tháng. Bởi vì tử cung của mẹ giãn ra khá nhiều để có chỗ cho em bé lúc mang thai nên để có thể trở về kích thước ban đầu mẹ phải đợi đến vài tuần. Việc giảm cân của mẹ cũng phải dựa vào nhiều yếu tố, bao gồm cho bé bú mẹ, thực hiện ăn uống theo chế độ hợp lý, bắt đầu các bài tập thể dục nhẹ nhàng. Đối với ám ảnh muốn mau chóng giảm cân, thon gọn bằng cách ăn kiêng, tập thể dục ở cường độ cao… mẹ cần cân nhắc lại và xin lời khuyên của bác sĩ. Dù sao, đó chắc chắn không phải là điều mẹ nên ưu tiên làm trong 6 tuần đầu sau sinh.

Sau khi cơ thể mẹ có dấu hiệu thon gọn trở lại, có thể mẹ sẽ nhận ra rằng vóc dáng săn chắc như trước khi mang thai dường như bất khả thi vì hông của mẹ đã nở rộng hơn, bụng vẫn còn lưu lại dấu vết chảy xuống…

Bên cạnh đó, nguyên nhân mẹ cảm thấy bụng lỏng lẻo là do cơ bụng từng bị kéo dài ra hết cỡ nên thời gian đầu sau sinh mẹ sẽ cảm thấy dạ dày dường như lỏng lẻo và bị lệch so với bình thường.

+ Sản dịch; Quá trình tiết sản dịch kéo dài trong khoảng 3-6 tuần sau sinh, giúp cơ thể mẹ tống tất cả những gì còn lại của tử cung sau khi kết thúc thai kỳ.

Mẹ có thể phân biệt sản dịch trong 3 giai đoạn:

  • Sản dịch đỏ gồm máu đỏ tươi, dịch nhầy, mô nhau thai được đưa ra, kéo dài trong 24 giờ đầu tiên khiến mẹ mất máu rất nhiều. Lượng sản dịch giảm dần sau 4 đến 5 ngày và màu sắc cũng có sự thay đổi.
  • Sản dịch loãng bắt đầu từ khoảng ngày thứ 4 sau sinh, được đưa ra cùng với lớp niêm mạc tử cung bị bong ra, thường có màu hồng hoặc nâu nhạt. Kéo dài đến khoảng ngày thứ 10 hoặc thời điểm 2 tuần sau sinh.
  • Sản dịch trắng (sản dịch alba) là giai đoạn cuối cùng với dịch có màu vàng hoặc trắng và thường sẽ kết thúc ở thời điểm 6 tuần sau sinh.

Mẹ đừng hoảng nếu thấy hiện tượng tiết dịch ở âm đạo không dừng ngay ở một vài ngày và chỉ phải lo lắng, cần khám bác sĩ trong các trường hợp: sản dịch tạo thành các cục máu đông lớn, mất máu nhiều kéo dài đến 2 tuần, sản dịch có mùi tanh hôi.

+ m đạo bị giãn rộng và sưng đỏ sau khi em bé đi qua để ra ngoài. Mẹ cũng có cảm giác đau rát khi phải di chuyển hoặc đi vệ sinh. May mắn là hiện tượng sưng, đau giảm hẳn sau một tuần. Tuy nhiên, để âm đạo trở lại bình thường mẹ cần phải thực hiện các bài tập luyện cho cơ bắp vùng âm đạo kết hợp xông hơ.

+ Cổ tử cung sau khi sinh em bé sẽ lưu lại cảm giác đau và mất hơn khoảng một tuần để trở lại hình dạng và kích thước bình thường.

Đồng thời, tử cung cũng phải mất một thời gian để phục hồi. Những lúc em bé bú, mẹ có thể cảm thấy những cơn đau thắt tương tự như cơn gò Braxton Hicks trong thai kỳ tuy nhiên, nếu thường xuyên cho bé bú thì những cơn đau này cũng sẽ nhanh chóng thuyên giảm. Để giúp giảm đau và giúp tử cung phục hồi nhanh hơn mẹ có thể thực hiện massage vùng bụng dưới. Có một tin vui cho những bà mẹ cho con bú là việc cho bé bú sẽ giúp mẹ phục hồi tử cung nhanh hơn.

Sau khi sinh con, trong thời kỳ vài tháng đầu, những bà mẹ cho con bú sẽ không gặp phải hiện tượng kinh nguyệt do kích thích tố chưa ổn định. Song mẹ vẫn nên có biện pháp chủ động phòng ngừa nếu như sinh hoạt vợ chồng vì có khả năng trứng rụng vào thời điểm “không thích hợp” ấy.

+ Những vết thương như vết rạch tầng sinh môn hoặc vết mổ cần phải được chăm sóc tốt và sẽ khiến mẹ đau đớn nhiều. Trong trường hợp này, mẹ có thể dùng một chiếc khăn thấm nước ấm đặt lên vết khâu tầng sinh môn khi đi vệ sinh. Thông thường, mũi khâu tầng sinh môn sẽ tiêu biến sau 5 ngày và vết mổ được tháu chỉ sau sinh 5 ngày.

+ Ngực mẹ nở nang hơn cả khi mang thai với kích thước biến lớn và khiến mẹ cảm thấy đau nhức trong khoảng thời gian 1-2 tuần sau sinh. Nhũ hoa có thể sẫm màu hơn, dãn hơn trong thời gian đầu và mờ bớt trong một vài tháng sau. Mẹ không nên mặt áo ngực dày mà nên chọn loại áo lót phù hợp cho những bà mẹ đang cho con bú vì nhũ hoa thời kỳ này khá mềm và nhạy cảm. Tuy nhiên, sau khi kết thúc thời kỳ cho con bú mẹ cần chọn áo nâng ngực phù hợp để giúp phục hồi bầu ngực sau vấn đề chảy xệ ngực sau sinh.

+ Làn da của mẹ bị ảnh hưởng sau sinh. Có thể là dấu hiệu tốt với mẹ khi các nốt tàn nhang, nám, mặt nạ thai kỳ vẫn ám ảnh mẹ trong thời kỳ mang thai đang dần mờ đi. Hoặc mẹ phải chấp nhận việc làn da được hormone thai kỳ giúp sáng lên vào 2 tam cá nguyệt sau đang bớt đẹp. Đặc biệt, vết rạn da khi mang thai sẽ dần mờ đi.

Rụng tóc sau sinh là bình thường. Vì nội tiết tố trong thời gian mang thai giúp tóc mẹ dày hơn, mượt hơn đã giảm lại sau khi sinh, dẫn đến tóc mẹ bị rụng nhiều trong thời gian từ tháng thứ 2 – tháng thứ 5, sau đó sẽ trở lại bình thường.

Những thay đổi có ích cho mẹ

Sau khi sinh không chỉ có những dấu hiệu khiến mẹ ám ảnh mà còn mang đến những lợi ích về sức khỏe cho mẹ:

  • Khả năng ung thư vú, ung thư tử cung, ung thư buồng trứng giảm nhờ mang thai, sinh con và cho con bú.
  • Thời gian nghỉ thai sản quý giá có tác động tích cực lên sức khỏe của hai mẹ con.

Chế độ dinh dưỡng phù hợp

Việc thiết lập được chế độ dinh dưỡng phù hợp với các nhóm chất được cân đối đảm bảo dinh dưỡng khi cho con bú, phục hồi sức khỏe cho mẹ là vô cùng quan trọng. Mẹ cần chú ý bổ sung đầy đủ các nhóm chất sau đầy:

  • Tinh bột giúp cơ thể có đầy đủ năng lượng, phục hồi sau cơn vượt cạn và có đủ sữa cho em bé. Các nguồn cung cấp tinh bột cho mẹ bao gồm: cơm, bánh mì, khoai tây…
    Protein giúp bổ sung dưỡng chất cho các cơ. Để bổ sung protein mẹ nhớ đưa các loại thực phẩm sau đây vào thực đơn dinh dưỡng: thịt nạc, thịt gà, cá, trứng, các loại đậu…
  • Trái cây và rau xanh cung cấp vitamin và chất xơ cho cơ thể, đồng thời giúp mẹ tránh táo bón, ổn định hệ tiêu hóa.
  • Uống đủ nước giúp hỗ trợ quá trình trao đổi chất diễn ra thuận lợi hơn.
  • Ngoài ra, mẹ cũng cần lựa chọn loại sữa dành cho phụ nữ sau sinh phù hợp giúp cung cấp đủ đầy các loại khoáng chất, bổ sung dinh dưỡng cho việc tạo sữa nuôi em bé.
  • Ăn các thức ăn lợi sữa như chân giò hầm đu đủ, đậu đỏ, cá chép, gạo nếp…

Những điều mẹ cần tránh trong chế độ dinh dưỡng

  • Hạn chế ăn nhiều chất béo ngay sau khi sinh vì khiến mẹ tích lũy mỡ thừa.
  • Tránh các thức ăn cay, nóng, chua vì sẽ ảnh hưởng mùi vị của sữa, gây khó khăn cho hệ tiêu hóa của bé.
  • Không ăn thức ăn tươi sống hoặc chín tái có nguy cơ gây hại cho hệ tiêu hóa và không an toàn vệ sinh.

Những điều mẹ nên làm

  • Chia nhỏ bữa ăn và kết hợp đủ đầy các nhóm chất để phục hồi cơ thể và nuôi bé khỏe mạnh.
  • Hạn chế các món xào, chiên dầu mỡ mà nên ăn món hấp, luộc thanh đạm.
  • Nhai kỹ trong khi ăn để dễ tiêu.
  • Nên ăn khi thức ăn còn ấm từ 40-50 độ.
  • Thức ăn phải mềm và dễ tiêu hóa, đặc biệt là phải chú ý trong thời gian đầu sau sinh.

Mẹ không có gì phải ngại ngùng hay xấu hổ về những thay đổi trên cơ thể mình. Tất cả những điều đó là chứng tích cho thấy mẹ đã dũng cảm và mạnh mẽ thế nào để bé yêu được chào đời. Mặt khác, chỉ cần mẹ chăm chỉ tập luyện và duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, chẳng mấy chốc mẹ sẽ lại tỏa sáng như trước thôi. Và dù mẹ có thế nào đi nữa, với bé, mẹ vẫn sẽ luôn là người phụ nữ xinh đẹp và dịu dàng nhất thế giới.

PGS. TS. BS Trần Đình Toán

Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk

 

Một số bài viết liên quan về mang thai:

Quá trình hình thành và phát triển thai nhi

Bà bầu mang thai nên uống sữa gì ?

Những điều bà bầu cần biết

Những món ăn tốt cho bà bầu