Thông Tin Dinh Dưỡng

THỂ CHẤT - TÂM LÝ CỦA TRẺ 16 THÁNG TUỔI VÀ CÁCH CHĂM SÓC PHÙ HỢP

Ngày đăng:

28/12/2016

Trẻ 16 tháng tuổi sẽ bước vào giai đoạn tò mò, thích khám phá và tìm hiểu về môi trường xung quanh. Do đó, trẻ cần có sự phát triển cả về thể chất lẫn tâm lý để khám phá thế giới xung quanh tốt hơn cũng như rèn luyện nhiều kỹ năng hữu ích. Sự phát triển này của trẻ 16 tháng tuổi có được diễn ra thuận lợi hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cách chăm sóc của ba mẹ. Mẹ có thể tham khảo những kiến thức dưới đây để biết cách chăm sóc phù hợp về thể chất và tâm lý để trẻ 16 tháng tuổi phát triển hoàn hảo hơn.

Thể chất của trẻ 16 tháng tuổi và cách chăm sóc phù hợp

Sự phát triển thể chất của trẻ 16 tháng tuổi được thể hiện bằng sự thay đổi khá rõ rệt trong các kỹ năng vận động. Tùy từng cơ địa mà trẻ có thể đi bằng cách vịn vào các vật dùng trong nhà hoặc biết chạy những bước ngắn. Ngoài ra, kỹ năng vận động tĩnh ở trẻ đã được nâng cao đủ để thực hiện được những hành động phức tạp như: cởi tất, cầm muỗng hoặc vẽ nguệch ngoạc bằng bút chì màu. Mẹ hãy luôn sẵn sàng theo dõi mọi thay đổi thể chất của trẻ trong giai đoạn này có hỗ trợ bé nhé!

  • Những thay đổi đánh dấu sự phát triển thể chất của trẻ 16 tháng tuổi

Dưới đây là một số kỹ năng vận động thường thấy ở trẻ 16 tháng tuổi, đánh dấu sự phát triển thể chất khá rõ rệt.

– Trèo lên các đồ vật, có thể tự mình leo ra khỏi cũi

– Tự đi một mình hoặc ít nhất có thể vịn vào đồ vật và bước đi

– Có thể đi lùi và đi theo vòng tròn

– Có thể cố gắng đá vào một quả bóng với độ chính xác không cao

– Có khả năng chạy

– Bò lên cầu thang, có thể đi lên cầu thang nếu được giúp đỡ

– Có thể nhảy múa

– Có chủ ý khi thả vật dụng ra khỏi tay, nhất là vào thời điểm gần 18 tháng tuổi

– Sử dụng muỗng hoặc nĩa

-Tự cởi quần áo ra; giơ thẳng tay chân lúc mặc quần áo

– Biết lật các trang sách

– Có thể vẽ nguệch ngoạc

– Có khả năng ném các vật lên cao

  • Cách chăm sóc thể chất phù hợp cho trẻ 16 tháng tuổi

– Về dinh dưỡng:

+ Thức ăn phải được nấu nhừ nhuyễn để dễ tiêu hóa:

Mặc dầu bé đã có 11- 13 răng sữa, nhưng vẫn chưa đủ “ lực” để nhai và nghiền nát tất cả thức ăn như trẻ lớn. Vì vậy chế độ ăn của bé lúc này vẫn là cháo và bột. Ngoài cháo và bột, có thể tập bé ăn các thức ăn mềm như bún, phở, mì, nui. Trong mỗi chén cháo của bé cần có 4 nhóm thực phẩm sau: gạo; chất đạm băm nhuyễn (Thịt, cá, tôm, cua, trứng… ); rau lá hoặc củ quả băm nhuyễn (rau muống, rau dền, bí đỏ, cà rốt..) và dầu ăn. Thời điểm này, bé đã có thể ăn được nhiều loại thực phẩm như người lớn, mẹ cần cho bé ăn đa dạng các nhóm thực phẩm, đổi món thường xuyên, bổ sung các món ăn phụ như sữa chua, phô mai, chuối, đu đủ, nho… để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ phát triển và khỏe mạnh.

+ Cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày: Mẹ nhớ rằng dạ dày của trẻ lúc này còn rất nhỏ nên cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày. Bé cần 3 bữa ăn chính, xen kẽ là 3-4 cữ bú sữa mẹ.

Lựa chọn thực phẩm an toàn: Mẹ không nên lựa chọn cho trẻ những loại ngũ cốc đã chế biến, hoa quả đóng hộp, một gói bánh quy hay một ít đồ ăn nhanh chế biến sẵn vì đây là những thực phẩm không an toàn cho trẻ. Nên chọn thực phẩm tươi, sống đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để chế biến trong mỗi bữa ăn của trẻ. Mẹ cũng nhớ cho trẻ uống thêm sữa non Colostrum để tăng sức đề kháng giúp trẻ phát triển khỏe mạnh, hoặc chọn những dòng sữa có thành phần đạm Whey giàu Alpha Lactabumin để giúp trẻ dễ tiêu hóa và hấp thụ nguồn dinh dưỡng tốt hơn.

– Về môi trường sống:

+ Cẩn thận khi lựa chọn cây trồng: Những loại cây trồng có cành lá dài, cứng hoặc sắc nhọn có thể trở nên nguy hiểm đối với trẻ 16 tháng tuổi. Mẹ nên tìm hiểu về danh sách các loài cây nguy hiểm cho trẻ nhỏ trước khi bày biện trong gia đình.

+ Giữ các chất độc hại tránh xa tầm tay trẻ: Thời điểm này trẻ đã biết leo trèo, khám phá mọi ngõ ngách trong nhà, do đó khả năng trẻ tiếp cận với những hợp chất nguy hiểm cũng tăng lên. Trẻ cũng có thể tự mở nắp hộp nên mẹ đừng cho rằng đóng chặt nắp là đã an toàn. Mẹ cần cho các đồ độc hại như hóa chất, đồ sắc nhọn vào tủ hoặc những nơi trẻ không thể chạm tới để đảm bảo an toàn cho bé.

– Về các trò chơi kích thích khả năng vận động cho trẻ: Ở giai đoạn này, trẻ cực kỳ thích thú với những món đồ chơi có kiểu dáng, hình khối và màu sắc lạ mắt. Để giúp trẻ phát triển kỹ năng vận động một cách tốt nhất, mẹ có thể bày biện những món đồ chơi với hình dạng và màu sắc khác nhau khắp nơi. Và mẹ nhớ chỉ cho trẻ tên, màu sắc, hình dạng của các món đồ để trẻ có thêm kiến thức nhé.

Mẹ có thể cho trẻ 16 tháng tuổi chơi với những hình khối có màu sắc bắt mắt để trẻ tăng cường khả năng vận động thể chất

Tâm lý của trẻ 16 tháng tuổi và cách chăm sóc phù hợp

  • Các biểu hiện cảm xúc thể hiện tâm lý thường gặp ở trẻ 16 tháng tuổi

Trẻ 16 tháng tuổi thường có những biểu hiện tâm lý như sau:

– Dễ cảm thấy thất vọng

– Vẫn tỏ ra lo lắng khi không thấy người thân bên cạnh cho đến giai đoạn 18 tháng tuổi

– Có thể đặc biệt yêu thích một chiếc chăn hoặc một món đồ chơi

– Biểu lộ sự yêu thích với một số người hoặc đồ vật

– Hiểu rõ hơn rằng bản thân và mẹ là hai cá thể riêng biệt với những điều sở thích, cảm xúc và suy nghĩ khác nhau.

– Có thể nói “không” hoặc lắc đầu để biểu lộ sự phản kháng

– Có thể biểu lộ sự cảm thông (ví dụ như vỗ vào lưng mẹ khi thấy mẹ không vui)

– Thích chơi ở gần những đứa trẻ khác hơn là trực tiếp chơi cùng nhau (chơi song hành)

* Cách chăm sóc tâm lý phù hợp cho trẻ 16 tháng tuổi

Trẻ 16 tháng tuổi sẽ khá nhạy cảm trước mọi tình huống và cách cư xử trong giao tiếp. Do đó, mẹ cần chú ý hơn trong cách chăm sóc và chia sẻ cùng trẻ.

– Không cần ép buộc trẻ chơi cùng bạn: Hầu hết trẻ không học được cách chia sẻ cho đến lúc 3 tuổi. Do đó, nếu như trẻ yêu không sẵn sàng cho những mối quan hệ và giao tiếp xã hội trong giai đoạn 16 tháng tuổi thì mẹ không cần phải quá lo lắng. Khi thấy trẻ không chơi cùng bạn, mẹ không nên cho đó là thất bại hay tự chẩn đoán con có vấn đề về tâm lý. Không cần ép buộc trẻ chơi cùng bạn, hãy tận dụng cơ hội này để giúp con phát triển ý tưởng hay tập trung khám phá một trò chơi mới.

Để trẻ vui chơi và khám phá theo ý thích: Khi bước vào giai đoạn 16 tháng tuổi, trẻ rất bận rộn khám phá thế giới của riêng mình. Mẹ nên làm quen với hình ảnh trẻ ném, kéo, đập phá, cho vào miệng, lục tung, xếp thành đống rồi đạp đổ những món đồ chơi. Đừng ngăn cản, mẹ hãy cho trẻ tự chơi theo ý thích. Và, mẹ nhớ là đừng lớn tiếng hay tỏ thái độ không bằng lòng để tránh làm con căng thẳng nhé.

– Khuyến khích trẻ xem truyện tranh, sách ảnh: Có những lúc, trẻ lại tỏ ra thích thú với những hoạt động yên tĩnh hơn như xem sách ảnh một mình hoặc cùng với mẹ. Mẹ có thể mua nhiều truyện tranh với màu sắc bắt mắt để trẻ luôn cảm thấy vui vẻ, thoải mái cũng như giúp trẻ phát triển thị giác tốt hơn.

– Để trẻ thoải mái chơi trò đóng vai: Ở độ tuổi này, trẻ cũng dần bắt đầu hiểu được mục đích sử dụng của từng đồ vật, chẳng hạn như bàn chải và chiếc muỗng. Trẻ sẽ dùng chính những đồ vật này để chơi trò đóng vai, giả vờ dùng bản chải để chải lông thú nhồi bông hoặc dùng muỗng đưa thức ăn vào miệng. Trẻ hiểu được rằng những việc này hoàn toàn không có thật mà chỉ có mục đích giải trí nên đừng quá lo lắng mẹ nhé.

– Đánh thức khiếu hài hước của trẻ: Khiếu hài hước của trẻ cũng đang dần được định hình trong thời gian này. Trẻ sẽ cười thích thú mỗi khi mẹ làm mặt ngộ nghĩnh hoặc khi xem một tình tiết thú vị trên tivi. Mẹ nhớ dành thời gian chọc cười trẻ để con cảm nhận sự quan tâm và thoải mái hơn nhé.

– Giữ bình tĩnh khi trẻ quấy khóc: Trẻ 16 tháng tuổi chưa thực sự kiểm soát được cảm xúc nên có thể khóc nhè hoặc thậm chí nổi giận khi mọi chuyện không theo đúng ý của mình. Giận dữ là một phần bình thường của quá trình phát triển nhưng thường có xu hướng xuất hiện khi trẻ đang đói, mệt hoặc căng thẳng. Hãy giữ bình tĩnh, cho trẻ sinh hoạt theo thời gian biểu thường lệ và thu hút sự chú ý bằng cách chọc cười hoặc làm phân tâm để giúp trẻ mau chóng quên đi cơn giận ấy.

Với những kiến thức trên đây, hi vọng mẹ sẽ có được cái nhìn tổng quan về sự thay đổi thể chất và tâm lý ở trẻ cũng như cách chăm sóc phù hợp để trẻ luôn cảm thấy thoải mái và phát triển tốt nhất. Tùy từng trẻ mà chế độ chăm sóc về thể chất và tâm lý cũng trở nên khác nhau, do đó, mẹ nhớ theo sát các biểu hiện của con để có sự can thiệp đúng lúc và đúng cách nhé! Chúc bé yêu nhà bạn sẽ trải qua giai đoạn 16 tháng tuổi thật khỏe mạnh và thoải mái nhất.

 

Đọc thêm:

Dòng sữa phát triển trí não cho bé 1 tuổi

Mẹ nào chả mong con mình lớn lên được lanh lợi thông minh, ngoài dinh dưỡng hàng ngày, mẹ cần bổ sung sữa phát triển trí não cho bé từ sớm để bé lanh lợi và học hỏi tốt.

Sữa dành cho bé suy dinh dưỡng dưới 1 tuổi

Sữa dành cho trẻ suy dinh dưỡng dưới 1 tuổi phải có tỉ lệ đạm Whey : Casein tương đương với sữa mẹ, nghĩa là có tỉ lệ 55/45, 60/40 hoặc cao hơn sữa mẹ. Chỉ khi đạt những tỉ lệ này, loại sữa mẹ chọn cho bé mới đảm bảo bé tiêu hóa và phát triển tốt.

Sữa cho trẻ suy dinh dưỡng dưới 1 tuổi

Đâu là sữa dành cho trẻ suy dinh dưỡng dưới 1 tuổi với những dưỡng chất quan trọng và thiết yếu, giúp bé thoát nhanh tình trạng suy dinh dưỡng? Để tìm hiểu rõ hơn, mời mẹ cùng xem qua bài viết.

Loại sữa tăng cân cho bé dưới 1 tuổi

Khi chọn sữa tăng cân cho bé dưới 1 tuổi, mẹ cần kiểm tra thành phần để đảm bảo có những dưỡng chất giúp bé phát triển khỏe mạnh và tăng cân. Các dưỡng chất thiết yếu cần có trong sữa tăng cân cho bé 1 tuổi là protein, chất béo, vitamin và khoáng chất…