Ăn khoẻ - Ăn ngon

TRẺ 20 THÁNG BIẾT LÀM GÌ? CÁCH CHĂM SÓC, NUÔI DẠY HIỆU QUẢ

Ngày đăng:

26/02/2024

20 tháng tuổi là giai đoạn phát triển của trẻ mang đến cho các bậc cha mẹ nhiều cảm xúc. Ở giai đoạn này, trẻ đã có thể tự đi, hiểu những gì bố mẹ nói và bắt chước theo, bập bẹ những câu đơn giản. Tuy nhiên, cách hành xử của trẻ 20 tháng tuổi vẫn còn theo bản năng non nớt bởi não bộ chưa hoàn thiện. Vì vậy, đây cũng là thời điểm quan trọng mà các phụ huynh cần để mắt đến sự phát triển về tâm lý, sức khỏe và chế độ dinh dưỡng của trẻ. Hãy cùng Vinamilk tham khảo ngay bài viết dưới đây để giải đáp thắc mắc trẻ 20 tháng biết làm gì? Và cách nuôi dạy trẻ phù hợp nhất nhé!

Trẻ 20 tháng biết làm gì

Bé 20 tháng biết làm gì? Cách chăm sóc giúp trẻ phát triển toàn diện

1. Trẻ 20 tháng biết làm gì?

Trẻ 20 tháng tuổi là giai đoạn phát triển đầy hồn nhiên. Do đó, việc chăm sóc và nuôi dạy cần cho bé cảm nhận được tình yêu thương. Dưới đây là những việc trẻ 20 tháng tuổi đã biết làm:

  • Bước đi: Trẻ 20 tháng tuổi đã có thể đi vững hoặc thậm chí là chạy. Bé cũng có thể học cách bước lên bậc thang hoặc đi lùi. Một số bé còn có thể đứng bằng một chân khi bám vào tường hoặc ghế.
  • Bập bẹ nói: Bé yêu đã có thể bập bẹ nói những câu đơn giản hoặc đặt câu hỏi cho cha mẹ để có thể thỏa mãn trí tò mò.
  • Lắc đầu từ chối: Nếu trẻ không thích điều gì đó, trẻ có thể lắc đầu nhằm biểu đạt sự khó chịu.
  • Tập ngồi bô: Một số bé 20 tháng tuổi đã có thể sẵn sàng tập ngồi bô. Tuy nhiên, nếu trẻ chưa thật sự sẵn sàng, các mẹ cũng không nên ép bé. Hầu hết trẻ sẽ biết ngồi bô vào khoảng 27 - 32 tháng tuổi.
  • Bé 20 tháng biết đi và bập bẹ nói

    Trẻ 20 tháng tuổi đã có thể bước đi và bập bẹ nói những câu đơn giản

    2. Cách chăm sóc, nuôi dạy trẻ 20 tháng tuổi tốt nhất

    2.1 Giúp trẻ phát triển thể chất

    Bé 20 tháng tuổi vẫn cần được tiếp tục bú sữa mẹ hoặc bổ sung thêm sữa công thức ngày ít nhất 3 - 4 lần và ăn 3 - 4 bữa cháo hoặc cơm. Các bữa cháo chính trong ngày của bé 20 tháng tuổi vẫn phải có đủ thành phần dinh dưỡng cần thiết như: chất bột, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất.

    Bên cạnh đó, bé vẫn cần được cung cấp đủ 500ml sữa cho trẻ sơ sinh 0 – 6 tháng hoặc các chế phẩm từ sữa hàng ngày. Tốt nhất, mẹ nên cho bé bú sữa mẹ đến 18 – 24 tháng. Nếu sữa mẹ không đủ, mẹ nên cân nhắc chọn lựa các loại sữa có các dưỡng chất cần thiết cho bé như DHA, ARA, lutein, taurine giúp bé phát triển trí não; canxi và vitamin D giúp bé phát triển chiều cao; đạm whey giàu Alpha Lactalbumin giúp bé dễ tiêu hóa và hấp thu, tăng cân tốt; probiotic và FOS giúp bé dễ tiêu hóa và hấp thu, ngăn ngừa táo bón.

    2.2 Giữ trẻ an toàn và khỏe mạnh

    Các mẹ nên đưa bé đến khám bệnh định kỳ để phát hiện sớm một số bệnh có thể xảy ra và điều trị đúng cách. Trong giai đoạn này, sức khỏe của các bé sẽ có những thay đổi bất ngờ. Vì vậy, mẹ nên dành sẵn một ít thuốc paracetamol và sử dụng thuốc theo hướng dẫn trên lọ thuốc khi chăm sóc bé. Nếu bé sốt cao hơn, cần sớm đưa bé đến bác sĩ.

    2.3 Chơi và tương tác với trẻ nhiều hơn

    Các mẹ hãy tạo ra cách giao tiếp với những thông điệp riêng dành cho bé 20 tháng tuổi. Nếu nghe “đừng” hay “không được” quá thường xuyên, đến khi thật sự cần thiết, bé sẽ không nghe theo lời. Ngược lại, hãy khen ngợi bé để khuyến khích và củng cố các hành vi tích cực của bé.

    Mẹ cũng có thể tạo ra cho bé yêu môi trường sống đầy âm nhạc, màu sắc cùng những hoạt động vui nhộn và chơi với bé hằng ngày. Hãy khuyến khích sự độc lập cho bé bằng cách động viên bé nhấc chân, nâng tay khi mẹ mặc đồ cho bé. Hoặc bạn cũng có thể để bé tự xoay sở để tháo giày, dép hay tất.

    Có thể mẹ sẽ nghe thấy bé thỏ thẻ một mình hoặc trò chuyện với những món đồ chơi, đó là lúc bé phát huy khả năng sáng tạo nên mẹ hãy khuyến khích bé trò chuyện như thế. Tránh sửa sai khi bé phát âm chưa chính xác hoặc gọi sai tên một đồ vật nào đó. Bởi chính điều này có thể vô hình chung làm giảm lòng tự tin của bé về sau.

    Cha mẹ nên chơi với con

    Cha mẹ nên thường xuyên chơi và giao tiếp cùng con

    3. Chế độ dinh dưỡng giúp trẻ 20 tháng tuổi phát triển toàn diện

    3.1 Lượng thức ăn trẻ 20 tháng tuổi cần mỗi ngày?

    Lượng thức ăn trẻ 20 tháng tuổi cần mỗi ngày đó là 3 bữa ăn dặm kết hợp thêm 2 bữa phụ. Trong mỗi bữa ăn, các bậc phụ huynh cần lưu ý cung cấp đa dạng nhiều loại thực phẩm, bổ sung đầy đủ những nhóm chất chính cho con như: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất từ rau củ.

    Ngoài ra, trẻ 20 tháng tuổi cần được uống 3 cữ sữa/ngày để bổ sung thêm canxi, chất béo và các dưỡng chất thiết yếu khác.

    Lượng thức ăn cho trẻ 20 tháng mỗi ngày

    Trẻ 20 tháng tuổi nên ăn 3 bữa ăn dặm kết hợp thêm 2 bữa phụ mỗi ngày

    3.2 Trẻ 20 tháng tuổi ăn được những gì?

    3.2.1 Sữa và các chế phẩm từ sữa

    Sữa là một trong những thực phẩm không thể thiếu trong chế độ dinh dưỡng của bé. Các mẹ nên cho trẻ 20 tháng tuổi uống 500ml sữa/ngày và chia làm 3 cữ để giúp bé hấp thu tốt hơn, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng bên cạnh việc ăn dặm.

    Ngoài cho trẻ uống sữa, mẹ cũng có thể làm đa dạng khẩu phần ăn của trẻ hơn cách bổ sung thêm các chế phẩm từ sữa như: sữa chua, phô mai,... để làm đa dạng khẩu phần ăn của trẻ. Ở trẻ 20 tháng tuổi, mẹ có thể cho bé ăn sữa chua ít đường 1 hũ/ngày. Đối với phô mai, mẹ nên cho bé ăn vào buổi sáng với lượng vừa phải khoảng 50 - 100g mỗi ngày để tránh tình trạng khó tiêu, đầy bụng.

    3.2.2 Trái cây

    Bố mẹ nên tập cho trẻ ăn trái cây từ nhỏ để khơi gợi vị giác của trẻ và bổ sung thêm các dưỡng chất đến từ trái cây như vitamin C, A, B, chất xơ, sắt,... Những loại trái cây trẻ 20 tháng có thể ăn như: xoài chín, kiwi, táo, dưa hấu, dâu, chuối, nho,...

    3.2.3 Trứng

    Trứng có thể dễ dàng chế biến thành các món ăn khác nhau như trứng hấp, trứng chiên,... Đặc biệt, trứng còn cung cấp protein, chất béo tốt, các loại vitamin,... giúp cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ 20 tháng.

    Trẻ 20 tháng có thể ăn trứng

    Trứng chứa nhiều protein và chất béo tốt cung cấp dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ 20 tháng

    3.2.4 Chất béo tốt

    Các chất béo tốt có trong dầu dừa, dầu mè, dầu oliu, dầu bơ và dầu gấc rất quan trọng trong chế độ dinh dưỡng của trẻ. Những chất béo này tạo ra năng lượng dự trữ giúp cơ thể trẻ hoạt động tốt hơn.

    3.2.5 Rau củ

    Trong chế độ dinh dưỡng của trẻ 20 tháng, mẹ cũng đừng quên bổ sung thêm rau củ để cung cấp chất xơ. Các loại rau củ sẽ giúp phòng tránh tình trạng táo bón ở trẻ và cung cấp lượng khoáng chất cần thiết. Một số loại rau củ quả tốt cho bé đó là: cà rốt, khoai tây, hạt chia, bắp cải, cải thìa, súp lơ, các loại đậu.

    Trẻ 20 tháng nên ăn rau củ

    Các mẹ nên cho trẻ ăn thêm rau củ để bổ sung chất xơ

    3.2.6 Thịt

    Các loại thịt như: thịt gà, thịt heo, thịt bò,... nên thay phiên xuất hiện trong chế độ dinh dưỡng của trẻ. Ở độ tuổi này, trẻ rất hiếu động nên cần được cung cấp đủ năng lượng và protein.

    3.3 Trẻ 20 tháng tuổi nên ngủ bao nhiêu là đủ?

    Trẻ 20 tháng tuổi nên ngủ 11 - 12 tiếng vào ban đêm và thêm 1 giấc ngủ ngắn khoảng 1,5 - 3 tiếng vào ban ngày. Như vậy, bé nên ngủ tổng cộng 13 - 14 tiếng mỗi ngày.

    Thời gian ngủ của bé 20 tháng

    Trẻ 20 tháng tuổi cần được ngủ 13 - 14 tiếng mỗi ngày

    4. Lời khuyên khi chăm sóc, nuôi dạy trẻ 20 tháng tuổi

    • Tập cho trẻ vệ sinh cá nhân tốt. Cha mẹ có thể bắt đầu bằng việc rửa và lau khô tay cùng trẻ.
    • Cùng đánh răng với trẻ để bảo vệ sức khỏe răng miệng của bé. Các nha sĩ thường khuyên trẻ từ 20 tháng tuổi nên sử dụng một lượng nhỏ kem đánh răng có fluoride. Sau một thời gian, trẻ có xu hướng muốn tự đánh răng mà không cần sự trợ giúp của cha mẹ. Hãy để bé tự trải nghiệm và sau đó bạn có thể hỗ trợ bé đánh răng lần thứ hai để đảm bảo sạch sẽ.
    • Các mẹ nên tham khảo phương pháp giảm đau khi bé mọc răng, vì đây là giai đoạn răng hàm dưới của bé bắt đầu mọc.
    • Đảm bảo an toàn khi bé vận động như rào cửa sổ trên lầu cao, cố định vật nặng,…
    • Hạn chế cho trẻ 20 tháng tuổi sử dụng tivi, điện thoại, máy tính và các thiết bị điện tử khác. Khi cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử quá sớm có thể tác động tiêu cực đến trí nhớ ngắn hạn và khả năng tập trung của trẻ. Nó cũng có thể làm chậm sự phát triển ngôn ngữ và làm gián đoạn giấc ngủ của trẻ.

    Lưu ý khi chăm sóc trẻ 20 tháng

    Hạn chế cho trẻ 20 tháng tuổi tiếp xúc sớm với các thiết bị điện tử

    Như vậy, Vinamilk đã giải đáp thắc mắc “trẻ 20 tháng biết làm gì”, đồng thời cung cấp thêm những kiến thức nuôi dạy để trẻ phát triển toàn diện. Hy vọng bài viết này có thể giúp bạn hiểu hơn về trẻ 20 tháng tuổi, từ đó xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp để đồng hành cùng con trong giai đoạn phát triển này nhé!