Thông Tin Dinh Dưỡng

THỂ CHẤT VÀ TÂM LÝ BÉ 22 THÁNG TUỔI

Ngày đăng:

28/12/2016

Bước vào giai đoạn 22 tháng tuổi, bé vừa có thể cư xử như khi 1 tuổi ở một vài điểm, đồng thời lại hành động đúng với độ tuổi trong những lĩnh vực khác. Hãy tham khảo bài viết dưới đây để biết bé sẽ có những thay đổi nào về thể chất và trí tuệ ở thời điểm này mẹ nhé!

Sự phát triển của bé

+ Trí thông minh

Bé vẫn tiếp tục làm mọi việc theo ý riêng của mình, điều này càng chứng tỏ khả năng độc lập cao của bé. Trí nhớ của bé cũng đã tốt hơn nên đây chính là thời điểm thích hợp để mẹ giúp bé hình thành thói quen theo giờ giấc. Ngoài việc ăn uống, ngủ nghỉ và vệ sinh đúng giờ, mẹ nên tập cho bé thói quen vui chơi và tập thể dục theo “lịch”. Bé 22 tháng tuổi đã có ý thức về hành động của mình và nhận biết những hậu quả mình gây ra. Vì vậy, hãy tập cho con những thói quen như rửa tay sau khi chơi và trước khi ăn, tự dọn dẹp đồ chơi… ngay từ bây giờ mẹ nhé!

Các cột mốc phát triển:

  • Ngày càng thích thú hơn trong việc tìm hiểu tên gọi của từng đồ vật
  • Gọi tên những hình vẽ đơn giản trong sách
  • Biết được cách sử dụng những vật dụng đơn giản trong nhà (muỗng dùng để ăn, điện thoại dùng để nói chuyện)
  • Có thể gọi chính xác tên của ít nhất 6 bộ phận trên cơ thể
  • Nhớ vị trí của những món đồ yêu thích khi chúng ở ngoài tầm mắt (bánh quy ở trong tủ, đồ chơi ở trong hộp)
  • Làm theo những câu lệnh phức (gồm 2 bước)
  • Có thể bắt đầu sắp xếp đồ vật theo từng danh mục (kích thước hoặc thuộc tính)

+ Kỹ năng vận động

Bé nhanh nhẹn hơn rất nhiều, không chỉ chạy nhảy quanh nhà mà đã có thể tự ý nhảy lên cầu thang. Đây là thời điểm bé thể hiện tay thuận của mình, thông qua cách chơi, cách bé cầm viết, và cách sử dụng chân tay. Nếu bé thuận tay trái, thay vì con đổi tay, mẹ có thể tập cho bé sử dụng thành thục cả hai tay.

Bên cạnh đó, bé có thể đòi bế, ẵm nhiều hơn và rất lười đi bộ vì đi bộ lúc này không kích thích được sự ham khám phá ở bé nữa.

Cột mốc phát triển:

  • Đứng trên đầu ngón chân
  • Giữ thăng bằng khi đi trên lề
  • Biết chạy
  • Leo trèo giỏi
  • Biết lên xuống cầu thang
  • Biết đá bóng
  • Có thể nhảy
  • Ném đồ vật lên trên cao
  • Nhặt kiểu gọng kìm một cách chính xác
  • Biết điều khiển những món đồ chơi
  • Có thể xoay nắm cửa và bấm nút
  • Có thể lật từng trang sách
  • Biết sử dụng muỗng và nĩa
  • Có thể lắp ghép được 6 khối xếp hình

+ Kỹ năng giao tiếp

Bé bây giờ đã có thể sử dụng cùng lúc 2, 3 từ để diễn tả câu nói của mình, thường có xu hướng sử dụng danh từ nhiều hơn động từ. Bé đã nói được khá sõi, có khả năng trả lời được các câu hỏi đơn giản như “có”, “vâng ạ”, “không”… Bé có thể nhận ra tên của những người quen, các đối tượng, các bộ phận cơ thể và các từ lặp lại trong một cuộc hội thoại. Bé hòa đồng và thích chơi cùng bạn hơn chơi một mình như trước. Dù đã biết sử dụng lời nói để giành đồ chơi mình mong muốn, bé vẫn chưa học được cách chia sẻ với người khác.

Các cột mốc phát triển:

  • Có thể nói được từ 50 đến 70 từ
  • Sử dụng các cụm từ đơn giản hoặc ghép 2 từ lại với nhau (“Đi chơi”)
  • Có thể nói một câu hoàn chỉnh đầu tiên khi được 18 đến 30 tháng tuổi
  • Biết hát
  • Biết dùng tên để chỉ mình thay cho “con” (tôi, tớ)
  • Có thể hỏi “Tại sao?”
  • Người lạ có thể hiểu được một nửa số câu bé nói

+ Cảm xúc

Bé thường đột ngột biểu hiện những cảm xúc tiêu cực, nhất là những lúc mệt mỏi hoặc cảm thấy buồn chán. Bé dễ bị “cuốn” theo những cảm xúc của bản thân và nhanh chóng cảm thấy buồn chán. Những lúc này, mẹ nên an ủi vỗ về thay vì la mắng bé. Tuy nhiên, nếu bé giận dỗi vì không được làm theo ý mình, mẹ có thể lờ bé đi.

Các cột mốc phát triển:

  • Kiểm soát cảm xúc kém
  • Dễ trở nên giận dữ
  • Có thể nhanh chóng thay đổi cảm xúc
  • Có thể thiên vị mẹ hơn cha hoặc ngược lại
  • Thích thú hơn khi chơi với những đứa bé khác

Bí quyết chăm sóc bé yêu

+ Giúp bé phát triển thể chất

  • Bé vẫn cần được cung cấp đủ 500 ml hàng ngày. Tốt nhất, mẹ nên cho bé bú sữa mẹ đến 18 – 24 tháng. Nếu sữa mẹ không đủ, mẹ nên cân nhắc chọn lựa các loại sữa có các dưỡng chất cần thiết cho bé như dha, ara, lutein, taurine giúp bé phát triển trí não; canxi và vitamin d giúp bé phát triển chiều cao; đạm whey giàu alpha lactabumin giúp bé dễ tiêu hóa và hấp thu, tăng cân tốt; probiotic và fos giúp bé dễ tiêu hóa và hấp thu, ngăn ngừa táo bón, mẹ nhen.
  • Bổ sung dinh dưỡng cho bé bằng các bữa phụ để bù đắp năng lượng tiêu hao trong các trò vận động của bé như snack, bánh bích quy, nước ép, sữa tươi, sữa chua, hoa quả tươi.
  • Cần đặc biệt lưu ý nên cho bé ăn hoa quả sau bữa ăn chừng 20 phút, hạn chế cho bé ăn hoa quả trước lúc đi ngủ vì không tốt cho men răng của bé.
  • Tập cho bé thói quen luôn ăn sáng, vì đây là bữa quan trọng nhất trong ngày.

Mẹ có thể bắt đầu dạy bé các thói quen tự chăm sóc bản thân như nhớ đội nón khi ra đường

+ Giữ bé an toàn và khỏe mạnh

  • Thường xuyên đưa bé tới khám bệnh và tiêm phòng định kỳ.
  • Thoa kem chống nắng cho bé, dạy bé cách bảo vệ da khỏi cháy nắng và nhớ đội mũ khi ra ngoài. Chỉ cho bé chơi dưới bóng cây, mặc quần áo chống nắng và chỉ cho bé ra ngoài trời trước 10 giờ sáng và sau 3 giờ chiều mẹ nhen

+ Chơi và tương tác

  • Dạy bé cách chia sẻ đồ chơi hoặc đồ ăn khi chơi với các bạn, tuân thủ luật chơi và biết phát hiện những mối nguy hiểm không an toàn cho bản thân để tránh như những nơi cao, có vật sắc nhọn…
  • Dạy bé cách tự vệ sinh thân thể như rửa chân tay trước khi ăn hoặc sau khi đi vệ sinh, đánh răng hàng ngày để tránh mắc bệnh.
  • Hạn chế thời gian xem ti vi/máy tính của bé để không ảnh hưởng việc chơi đùa tương tác thực tế.
  • Khuyến khích bé tìm hiểu và yêu thích thiên nhiên bằng cách đưa bé ra ngoài đến công viên hoặc đi dạo quanh khu nhà.
  • Giúp bé phát huy sức bằng cách bày đầu vài trò chơi, sau đó cứ để bé chơi tiếp. Những trò chơi đó nhằm giúp cho bé tự tìm lấy hứng thú và kích thích não bộ bé phát triển. Cho bé chơi những đồ chơi vừa có màu sắc, vừa có âm thanh và tương tác với bé.

Hy vọng với bài viết trên mẹ đã hiểu thêm về sự phát triển của bé yêu giai đoạn 22 tháng tuổi. Tùy vào thể chất và đặc điểm riêng mà mỗi bé sẽ có quá trình phát triển khác nhau nên mẹ đừng lo lắng nếu bé con không đạt được đủ những cột mốc ở trên nhen. Chúc bé của mẹ luôn vui khỏe và phát triển vượt bậc cả về thể chất lẫn tinh thần nhé!