Thông Tin Dinh Dưỡng

THỂ CHẤT VÀ TÂM LÝ BÉ 23 THÁNG TUỔI

Ngày đăng:

28/12/2016

Bước vào giai đoạn 23 tháng tuổi, bé đã đạt một nửa chiều cao khi trưởng thành của mình. Dường như mẹ không thể cưỡng lại gương mặt bầu bĩnh đáng yêu của bé, chỉ muốn nựng nịu hôn mãi không thôi. Hãy tham khảo bài viết dưới đây để biết bé sẽ có những thay đổi nào về thể chất và trí tuệ ở thời điểm này mẹ nhé!

Sự phát triển của bé

+ Trí thông minh

Khả năng nhận thức của bé cũng có tiến triển rõ rệt. Bé có thể nhận biết được tã bẩn hay ướt và khi nào bé muốn đi vệ sinh. Ở thời điểm này, mẹ có thể dạy cho con thói quen khi tè hay buồn ị thì cần ngồi bô. Không chỉ theo mẹ trong những hoạt động hàng ngày, bé còn bày tỏ sự nhiệt tình muốn giúp mẹ trong việc nhà.

Các cột mốc phát triển:

  • Ngày càng thích thú hơn trong việc tìm hiểu tên gọi của từng đồ vật
  • Gọi tên những hình vẽ đơn giản trong sách
  • Biết được cách sử dụng những vật dụng đơn giản trong nhà (muỗng dùng để ăn, điện thoại dùng để nói chuyện)
  • Có thể gọi chính xác tên của ít nhất 6 bộ phận trên cơ thể
  • Nhớ vị trí của những món đồ yêu thích khi chúng ở ngoài tầm mắt (bánh quy ở trong tủ, đồ chơi ở trong hộp)
  • Làm theo những câu lệnh phức (gồm 2 bước)
  • Có thể bắt đầu sắp xếp đồ vật theo từng danh mục (kích thước hoặc thuộc tính)

+ Kỹ năng vận động

Khả năng vận động của bé ngày càng khéo léo đặc biệt là vận động đôi tay. Bé đã có thể sử dụng chiếc thìa, đũa hoặc các vật dụng khác trong tay một cách thuần thục. Bé thường xuyên thích nhảy nhót, hò hét, thích được chơi với các bạn bè cùng độ tuổi. Khả năng giữ thăng bằng của bé đã tiến bộ hơn, nhiều bé thậm chí có thể đi được một đoạn bằng những mũi chân của mình. Khi đi cầu thang, bé cũng không cần mẹ nắm tay và đã có thể tự mình nhảy lên, nhảy xuống bậc cuối. Khả năng phối hợp tay và mắt đã tốt hơn. Những trò chơi liên quan tới banh, ném rổ là hoạt động yêu thích của bé trong giai đoạn này.

Cột mốc phát triển:

  • Đứng trên đầu ngón chân
  • Giữ thăng bằng khi đi trên lề
  • Biết chạy
  • Leo trèo giỏi
  • Biết lên xuống cầu thang
  • Biết đá bóng
  • Có thể nhảy
  • Ném đồ vật lên trên cao
  • Nhặt kiểu gọng kìm một cách chính xác
  • Biết điều khiển những món đồ chơi
  • Có thể xoay nắm cửa và bấm nút
  • Có thể lật từng trang sách
  • Biết sử dụng muỗng và nĩa
  • Có thể lắp ghép được 6 khối xếp hình

+ Kỹ năng giao tiếp

Khả năng nói và giao tiếp xã hội của bé có nhiều tiến triể. Ở uổi này, bé đã có thể nhớ và nói được 50 từ đơn, bé cũng biết nói những từ lịch sự nếu được bố mẹ dạy thường xuyên như “Con cảm ơn”, “dạ”, “vâng ạ”, “có ạ”… Đây chính là thời điểm mẹ nên khuyến khích bé học chào hỏi, nói nhiều hơn bằng cách là một tấm gương lịch sự để con học hỏi, chẳng hạn cảm ơn khi bé lấy giúp thứ gì cho mẹ, hai mẹ con cùng chào hỏi khi tới nhà người thân… Bé đã có thể hát một vài câu với âm điệu đơn giản. Do đó bố mẹ hãy thường xuyên dạy bé hát các bài đồng dao, cho bé xem các băng video nhạc thiếu nhi để bé tập hát nhé.

Các cột mốc phát triển:

  • Có thể nói được từ 50 đến 70 từ
  • Sử dụng các cụm từ đơn giản hoặc ghép 2 từ lại với nhau (“Đi chơi”)
  • Có thể nói một câu hoàn chỉnh đầu tiên khi được 18 đến 30 tháng tuổi
  • Biết hát
  • Biết dùng tên để chỉ mình thay cho “con” (tôi, tớ)
  • Có thể hỏi “Tại sao?”
  • Người lạ có thể hiểu được một nửa số câu bé nói

+ Cảm xúc

Bé 23 tháng tuổi thường khó kiềm chế cơn giận của mình và thường xuyên đột ngột thay đổi cảm xúc. Bé bắt đầu thể hiện một chút chống đối, thường dễ nổi cáu như thể đang thử mức độ kiên nhẫn của ba mẹ vậy. Bé dễ đột ngột thấy khó chịu khổ sở, nhưng ngay lập tức lại bình thường.

Các cột mốc phát triển:

  • Kiểm soát cảm xúc kém
  • Dễ trở nên giận dữ
  • Có thể nhanh chóng thay đổi cảm xúc
  • Có thể thiên vị mẹ hơn cha hoặc ngược lại
  • Thích thú hơn khi chơi với những đứa bé khác

Bí quyết chăm sóc bé yêu

+ Giúp bé phát triển thể chất

  • Chất bột đường và chất béo cần chiếm tỷ lệ lớn trong khẩu phần ăn của bé. Để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho những hoạt động của bé, bạn cần cân đối tỷ lệ chất đạm, đạm động vật nên nhiều hơn đạm thực vật đạm.
  • Đảm bảo cho bé uống đủ 500ml sữa mỗi ngày và duy trì chế độ ăn 3 bữa chính và 1-2 bữa phụ. Tốt nhất, mẹ nên cho bé bú sữa mẹ đến 18 – 24 tháng. Nếu sữa mẹ không đủ, mẹ nên cân nhắc chọn lựa các loại sữa có các dưỡng chất cần thiết cho bé như dha, ara, lutein, taurine giúp bé phát triển trí não; canxi và vitamin d giúp bé phát triển chiều cao; đạm whey giàu alpha lactabumin giúp bé dễ tiêu hóa và hấp thu, tăng cân tốt; probiotic và fos giúp bé dễ tiêu hóa và hấp thu, ngăn ngừa táo bón, mẹ nhen.
  • Thường xuyên bổ sung thêm hoa quả tươi, rau xanh để giúp bé tiêu hóa tốt hơn. Bổ xung thêm nước ép trái cây, sữa chua, sữa tươi hoặc bánh quy có đủ chất dinh dưỡng cho lứa tuổi của bé.
  • Mẹ nên tìm hiểu thêm một số món ăn ngon bổ dưỡng và thay đổi thực đơn cho bé hàng ngày, khuyến khích bé ăn ngon miệng hơn và ăn nhiều hơn.

+ Giữ bé an toàn và khỏe mạnh

  • Thường xuyên quan tâm tới sức khỏe của bé đặc biệt là vấn đề vệ sinh thân thể, ăn uống để giúp bé tránh được một số bệnh do nhiễm khuẩn. Hãy đưa bé đến khám bác sĩ ngay khi phát hiện ra những dấu hiệu bất thường về cả thể trạng lẫn tâm lý ở bé nhé.
  • Không để chung khăn tắm và vật dụng tắm giặt của bé với đồ của gia đình và bày cho bé nhận biết đâu là của mình. Hãy chỉ cho con bàn chải đánh răng của bé bằng cách phân biệt màu sắc. Người lớn đừng dùng chung gối và khăn trải giường hãy những thứ tương tự của bé, để tránh bé bị lây nhiễm bệnh khi ai đó trong nhà bị ốm.
  • Nếu bé vừa ốm dậy, mẹ nên thay mới bàn chải đánh răng cho bé, thay khăn trải giường và rửa sạch hoặc giặt bất kỳ đồ chơi nào trước đó bé có thể chạm đến. Nếu bé đang uống kháng sinh thì nhất thiết phải tiếp tục dùng cho đến hết liều, nếu không bệnh có thể tái phát.
  • Nhớ bảo đảm trong nhà bao giờ cũng có thuốc Paracetamol, loại có liều lượng hợp với tuổi và cân nặng của bé, để tránh phải cuống cuồng đi tìm hiệu thuốc giữa đêm hôm khuya khoắt.
  • Hãy bày cho bé xả bồn toilet và sau đó rửa tay bằng xà phòng.

+ Chơi và tương tác

  • Hãy cùng bé tạo ra những khoảng thời gian thật thú vị bên nhau như chơi đồ chơi cùng con, dẫn con đi dạo, đi chơi công viên thường xuyên. Khuyến khích bé vận động, nói chuyện thật nhiều.
  • Cho bé chơi những trò chơi đòi hỏi xếp những vật tương tự nhau thành nhóm. Kỹ năng nhận biết các đặc điểm tương tự của bé sẽ tăng lên theo thời gian và mức độ tập luyện.

Khi nhìn thấy nụ cười tươi rói trên mặt khi bé chơi các trò chạy nhảy, leo trèo, chơi cầu trượt, bập bênh, đu quay ở công viên… mẹ sẽ hiểu và cảm thấy gắn bó vói bé hơn.

Hy vọng với bài viết trên mẹ đã hiểu thêm về sự phát triển của bé yêu giai đoạn 23 tháng tuổi. Tùy vào thể chất và đặc điểm riêng mà mỗi bé sẽ có quá trình phát triển khác nhau nên mẹ đừng lo lắng nếu bé con không đạt được đủ những cột mốc ở trên nhen. Chúc bé của mẹ luôn vui khỏe và phát triển vượt bậc cả về thể chất lẫn tinh thần nhé!