Thông Tin Dinh Dưỡng

THỰC ĐƠN ĂN DẶM NGON MIỆNG VÀ GÂY HỨNG THÚ CHO BÉ CÙNG THÀNH PHẦN DINH DƯỠNG ĐI KÈM

Ngày đăng:

06/10/2016

Thông thường các bé chuyển tiếp sang giai đoạn ăn dặm vào tháng thứ 6, một số bé có dấu hiệu và nhu cầu ăn dặm sớm hơn thì có thể bắt đầu từ tháng thứ 5. Một số mẹ cho bé ăn bột được nấu một lần cho một ngày và hâm lại mỗi lần bé ăn, song cách làm này lại có thể khiến bé biếng ăn vì khẩu vị không được thay đổi. Mẹ có thể tham khảo những chỉ dẫn sau đây để tạo ra thực đơn ăn dặm thật hấp dẫn và đủ đầy dinh dưỡng cho bé những bữa ăn ngon lành, mẹ nhé!

Nguyên tắc lên thực đơn ăn dặm

Thực đơn ăn dặm kiểu Nhật đang được rất nhiều mẹ áp dụng cho bé mặc dù trong thời gian đầu ăn dặm kiểu Nhật bé sẽ tăng cân khá chậm do không quá tập trung vào lượng thức ăn mỗi ngày mà giúp bé học cách ăn, nhận biết mùi vị và thực phẩm. Ưu điểm của phương pháp này là giúp bé kích thích vị giác, học được thói quen ăn uống tốt, cảm thấy thích thú với việc ăn dặn, tránh được nguy cơ biếng ăn về sau và dần dần tăng cân. Đồng thời bé còn học được cách tự lập trong ăn uống, hoàn thiện kỹ năng nhai nuốt đồng thời biến quá trình ăn dặm thành một hành trình trải nghiệm mùi vị đầy thú vị.

Khi bé đã có khả năng cầm muỗng mẹ nên cho bé tập cầm muỗng và tự ăn

Khi bé đã có khả năng cầm muỗng mẹ nên cho bé tập cầm muỗng và tự ăn

Một số nguyên tắc mẹ cần chú ý khi hướng bé vào cách ăn dặm kiểu Nhật

  • Thông thường, trong thời gian đầu ăn dặm thực phẩm chính của bé vẫn là sữa, bé chỉ ăn dặm mỗi ngày một bữa. Giờ ăn của bé cũng nên được canh đúng bữa.
  • Nguyên tắc ăn là từ loãng đến đặc. Bé bắt đầu ăn dặm bằng bột hoặc cháo loãng, tỷ lệ 1:10 và độ đặc sẽ tăng dần.
  • Trong thực đơn cần phải đủ 3 nhóm thực phẩm chính là: Tinh bột – Đạm – Vitamin. Các loại thực phẩm được thay đổi phong phú để bé tập làm quen. Và mỗi món mới được thử trong vòng 3 – 4 ngày.
  • Trong thức ăn không nêm gia vị mà chú trọng đến hương vị tự nhiên của thực phẩm.
  • Khi bé có khả năng cầm muỗng, mẹ nên hướng bé đến cách ăn tự lập, tự cầm muỗng khi ăn.
  • Việc ăn uống không nên ép buộc và không nên kéo dài bữa ăn quá 30 phút vì những bữa ăn kéo dài quá lâu sẽ khiến bé có thói quen biếng ăn.

Thực đơn ăn dặm phong phú và đủ đầy dinh dưỡng cho bé theo từng giai đoạn

  • Bé từ 5 – 6 tháng tuổi

Thức ăn dặm của bé gồm bột hoặc cháo loãng và rau củ quả xay thật nhuyễn. Tỷ lệ gạo/nước trong khi nấu cho bé là 1/10. Vì đây là giai đoạn đầu ăn dặm, hệ tiêu hóa của bé còn yếu, thực đơn của bé nên bao gồm các loại rau, củ, quả dễ tiêu hóa. Ngoài ra bữa ăn của bé còn phải đủ các nhóm chất như tinh bột (từ gạo, khoai tây, khoai môn, khoai sọ, chuối), protein (từ lòng đỏ trứng, phomai tươi, đậu Hà Lan, đậu hũ), vitamin (từ củ cải, cà rốt, bắp cải, táo, dâu, quýt, bơ, hành tây..). Và mỗi bữa ăn bé chỉ nên làm quen với một loại hương vị. Ví dụ như bé có thể ăn cà rốt nghiền nhuyễn trong 2 – 3 ngày rồi chuyển qua ăn khoai tây nghiền nhuyễn trong 2 – 3 ngày tiếp theo… Cứ thế tiếp tục cho bé dần làm quen hương vị và không bị ngán thức ăn.

  • Bé từ 7 – 8 tháng tuổi

Bé được cho ăn dặm 2 bữa/ngày, đồng thời độ đặc trong thức ăn của bé có thể tăng thêm, bé thậm chí còn có thể được ăn rau củ nấu thật mềm. Tỷ lệ gạo/nước khi nấu cho bé là 1/7. Mẹ có thể cho bé ăn cùng lúc nhiều loại thực phẩm để giúp bé làm quen với hương vị thức ăn hỗn hợp. Lúc bé ăn mẹ có thể chú ý loại thức ăn nào được bé thích để đưa vào thực đơn nhiều hơn. Danh sách thực phẩm dành cho bé lúc này có thể thêm vào: ngũ cốc, thịt gà, nấm, sữa chua… Ngoài ra, bé đã có thể ăn được cá, tôm, cua và trong bữa ăn có thêm dầu, mỡ giúp bé chuyển hóa protein trong thức ăn.

  • Bé từ 9 – 12 tháng tuổi

Một số bé đã có thể nhai được thức ăn, nên thức ăn của bé cũng dần đặc hơn và thô hơn giúp bé hoàn thiện kỹ năng nhai. Lúc này, tỷ lệ gạo/nước khi nấu thức ăn dặm cho bé là 1/5. Thực đơn của bé thêm phong phú vì mẹ có thể bổ sung thêm thực phẩm như: thịt bò, thịt heo, bột tôm, cua, cá, lươn,.. để giúp bé thay đổi hương vị mới.

Ngoài ra, kết hợp với thức ăn, mẹ cũng có thể cho bé nếm thử những thức uống vừa ngon vừa bổ dưỡng từ nước ép rau củ quả, hoặc được ăn thêm trái cây để bổ sung vitamin và chất xơ.

Khi chọn ăn dặm theo kiểu Nhật, mẹ và bé nhận được những lợi ích như đã nói ở trên: bé tự lập, thích thú với hương vị, kích thích vị giác… nhưng đồng thời cũng chấp nhận bé tăng cân chậm trong thời gian đầu và những lúc bé cầm muỗng chưa quen mẹ có thể phải dọn dẹp “bãi chiến trường” bé gây ra khi làm thức ăn rơi vãi. Nhưng trải qua được đoạn thời gian đầu, cả mẹ và bé đều sẽ nhận thấy sức hấp dẫn của những bữa ăn phong phú, đầy hương vị và khả năng tiết kiệm thời gian của mẹ khi bé hào hứng với các bữa ăn và tự mình ăn. Chấp nhận dọn những “bãi chiến trường” nhỏ để tránh những “cuộc chiến ăn dặm” của mẹ và con trong thời gian dài sau này không phải là một lựa chọn tồi phải không mẹ?

BS. Nguyễn Vĩnh Hoàng Oanh

Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk