Thông Tin Dinh Dưỡng

TIÊM PHÒNG KHI MANG THAI NHƯ THẾ NÀO?

Ngày đăng:

06/10/2016

Biết rằng tiêm phòng là cách hiệu quả để tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng, nhưng mẹ đang có vô vàn thắc mắc như nên tiêm vắc xin nào khi mang thai, có nên tiêm hay không, việc tiêm ngừa liệu có an toàn không. Mẹ hãy tham khảo bài viết dưới đây để có giải đáp cho những vấn đề trên nhé!

Mẹ bầu có nên tiêm phòng không?

Trong tình hình hiện nay, ngày càng phát sinh nhiều bệnh tật và virus mới. Cơ thể con người lại không phải là hệ thống máy tính có thể “cập nhật” và “nâng cấp” liên tục. Thế nên, tiêm phòng là phương pháp được sử dụng rộng rãi để ngăn ngừa bệnh tật, đặc biệt là trẻ em. Vì thế, theo các chuyên gia y tế, để bé sinh ra khỏe mạnh, có sức đề kháng và khả năng miễn dịch cao, tiêm phòng khi bé còn trong bụng mẹ là việc nên làm.

Tốt nhất, mẹ nên chủ động nói chuyện với bác sĩ để xác định cơ thể mẹ cần những vắc-xin nào và có nên tiêm ngừa trong thai kỳ hay chờ đến sau sinh bé.

Tiêm phòng là cách hiệu quả để tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng

Tiêm phòng là cách hiệu quả để tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng

Mẹ bầu nên tiêm ngừa vắc-xin gì?

Các loại vắc-xin dưới đây được cho là an toàn với thai phụ có nguy cơ nhiễm bệnh:

  • Viêm gan siêu vi B: Tiêm phòng viêm gan siêu vi B là an toàn cho những mẹ bầu có nguy cơ mắc bệnh cao lẫn đã mắc bệnh. Mẹ sẽ được tiêm 3 liều để tạo miễn dịch với bệnh, bảo vệ mẹ và bé trước lẫn sau khi sinh. Bạn sẽ cần 3 liều tiêm ngừa để tạo miễn dịch cho bệnh. Các liều thứ 2 và 3 được tiêm vào tháng thứ nhất và tháng thứ sáu sau liều thứ nhất. Lưu ý tác dụng phụ: Đau nhức chỗ tiêm, sốt.
  • Cúm (bất hoạt): Tất cả phụ nữ sẽ mang thai (bất kỳ tháng nào) trong mùa cúm đều nên đi tiêm ngừa vắc-xin này để phòng bệnh trong suốt thai kỳ. Lưu ý tác dụng phụ: Nổi đỏ và sưng tại chỗ tiêm có thể kéo dài đến hai ngày, sốt.
  • Uốn ván/ Bạch hầu/ Ho gà (Tdap): Tdap được khuyến cáo trong thời kỳ mang thai, tốt nhất là trong ba tháng cuối thai kỳ hoặc cuối ba tháng giữa thai kỳ (sau 20 tuần). Nếu không được chỉ định tiêm ngừa trong thai kỳ, mẹ nên tiêm ngừa Tdap ngay sau khi sinh bé. Lưu ý tác dụng phụ: sốt nhẹ, đau nhức và sưng tại chỗ tiêm.

Vắc-xin nào nên tránh dùng cho thai phụ?

Do chưa xác định được sự an toàn nên mẹ cần tránh tiêm ngừa các loại vắc-xin để tránh nguy cơ truyền sang bé, dẫn đến sảy thai, sinh non hoặc dị tật bẩm sinh:

  • Viêm gan siêu vi A: Nếu có nguy cơ phơi nhiễm cao, mẹ bầu nên thảo luận với bác sĩ những rủi ro và lợi ích khi tiêm.
  • Sởi, Quai bị, Rubella (MMR): Nên có biện pháp tránh thai ít nhất một tháng sau khi tiêm vắc-xin sống này. Tuy vậy, nếu xét nghiệm rubella ban đầu cho thấy cơ thể mẹ không miễn dịch với rubella thì sau khi sinh, mẹ sẽ được tiêm ngừa.
  • Varicella (thủy đậu/trái rạ): Nên tiêm vắc xin này ít nhất một tháng trước khi mang thai để ngăn ngừa bệnh thủy đậu (trái rạ).
  • Pneumococcal (phế cầu): Nên tránh sử dụng trong thời kỳ mang thai trừ những mẹ bầu có nguy cơ cao hoặc mãn tính. Tất nhiên vẫn thực hiện theo chỉ định của bác sĩ.
  • Oral Polio Vaccine (OPV – vắc-xin bại liệt dạng uống) và Inactivated Polio Vaccine (IPV – vắc-xin bại liệt bất hoạt): OPV (có virus sống đã giảm độc lực) lẫn IPV (bất hoạt) của vắc-xin này được khuyến cáo không tiêm ngừa cho phụ nữ mang thai.

Việc tiêm phòng vắc-xin có an toàn không?

Tất cả các loại vắc-xin đều được kiểm tra dưới sự giám sát của các cơ quan có thẩm quyền về độ tinh khiết, tính hiệu quả và an toàn. Tuy vậy, một số mẹ bầu có thể dị ứng với nguyên liệu sử dụng để sản xuất vắc-xin. Vậy nên, mẹ bầu nên nói chuyện trước hoặc thực hiện tiêm phòng khi có sự yêu cầu của bác sĩ sản khoa.

Lưu ý chung khi tiêm phòng

  • Mẹ cần thực hiện các biện pháp tránh thai an toàn trong thời gian quy định cho từng loại vắc – xin đã tiêm. Nếu bị vỡ kế hoạch cần tham khảo bác sĩ.
  • Nên tiêm phòng trước khi mang thai.
  • Khi mang đa thai hay thai có nguy cơ sinh non, mẹ nhớ tiêm vắc – xin phòng uốn ván sớm hơn. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ để được tiêm thuốc hỗ trợ phổi cho bé nhé.
  • Nếu trong thai kỳ, mẹ bị sốt cao hay các bệnh khớp, thận…, mẹ hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tiêm phòng nhé.
  • Cần theo dõi cơ thể trong vòng 24 – 48h sau tiêm phòng.

Một số địa chỉ tiêm phòng cho mẹ bầu

Tại Hà Nội:

– Trung tâm Y tế dự phòng

50C Hàng Bài. ĐT: 04. 38229263

70 Nguyễn Chí Thanh. ĐT. 04. 37730268

Đường Nguyễn Viết Xuân (Hà Đông)

– Phòng tiêm chủng quốc tế

Địa chỉ: số 3 Ông Bích Khiêm. ĐT: 04. 3733.9803

– Trung tâm tiêm phòng

Địa chỉ: số 35 Trần Bình – Mai Dịch – Cầu Giấy (Đối diện Viện 198). ĐT: 04-3768.5512

– Phòng tiêm chủng SAFPO

Địa chỉ: 135 Lò Đúc. ĐT: 04. 39727071

– Bệnh viện Việt Pháp: – Các trạm y tế tại các phường trên địa bàn Hà Nội (lịch cụ thể tùy theo phường)

Tại TP Hồ Chí Minh:

– Bệnh viện Đại học Y Dược

Địa chỉ: 221B Hoàng Văn Thụ, Q. Phú Nhuận.

– Viện Pasteur

Địa chỉ: 167 Pasteur, Phường 8, Quận 3 ĐT: 08. 38230352

– Bệnh viện Từ Dũ

Địa chỉ: 284 Cống Quỳnh ĐT: 08. 38391229-Các bệnh viện có chức năng ; các Trung tâm y tế dự phòng và trạm y tế tại các phường tại TP.HCM

Tại các tỉnh thành khác:

– Các bệnh viện có chức năng và các Trung tâm y tế dự phòng và trạm y tế tại các phường tại nơi ở.

Hi vọng với bài viết trên, mẹ bầu đã có những giải đáp thỏa đáng cho những thắc mắc về việc tiêm phòng trong giai đoạn thai kỳ của mình. Để bảo đảm an toàn, luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi quyết định tiêm phòng bất kỳ một loại vắc xin nào mẹ nhé. Chúc mẹ và bé trải qua những ngày mang thai thật khỏe mạnh và đáng nhớ!

BS. Nguyễn Thu Vân

Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk