Thông Tin Dinh Dưỡng

TRẺ 1 TUỔI – THỂ CHẤT VÀ CÁCH CHĂM SÓC TỐT NHẤT

Ngày đăng:

19/07/2016

Sự phát triển của bé

Khi được 1 tuổi, các mẹ nên cho bé tập đi. Trẻ nhỏ thường hiếu động và thích tìm tòi thế giới xung quanh. Hãy cổ vũ cho bé tự tin với những bước đi đầu tiên, điều đó sẽ giúp trẻ dạn dĩ hơn.

Về mặt cảm xúc, tùy vào tính cách của từng đứa trẻ để các mẹ có thể quyết định phương pháp hoặc cách dạy phù hợp. Bên cạnh những đứa trẻ lanh lợi, dạn dĩ cũng có không ít các bé nhút nhát hoặc dễ bị kích thích với người lạ. Chỉ cần rời vòng tay bố mẹ một lúc, bé sẽ quấy khóc hoặc sợ hãi. Do đó, tập cho trẻ làm quen với môi trường sống xung quanh và điều rất cần thiết.

Chơi và tương tác với trẻ là cách dạy bảo tuyệt vời nhất. Thông qua các trò chơi với những món đồ ngộ nghĩnh, đáng yêu, trẻ dần bộc lộ tính cách cũng như phát triển khả năng tư duy. Chọn đồ chơi phù hợp cho bé cũng là điều các mẹ nên quan tâm. Các toa tàu, xe hơi đồ chơi, lục lạc, túi giấy… dần trở thành những món đồ chơi yêu thích của trẻ từ lúc nào không hay.

Từ sau sinh nhật 1 tuổi, bé sẽ ngày càng hiếu động hơn

Từ sau sinh nhật 1 tuổi, bé sẽ ngày càng hiếu động hơn

Thức ăn và dinh dưỡng cho bé 13 tháng tuổi

Sau năm đầu đời, nhu cầu dinh dưỡng của bé sẽ có thay đổi nhất định. Bé ăn không ngon miệng, ăn ít hơn hoặc kén chọn hơn khi ăn là những biểu hiện thường gặp của giai đoạn này. Nhưng các mẹ đừng vì thế mà lo lắng. Trẻ chưa cần quá nhiều chất dinh dưỡng để thúc đẩy tăng trưởng như năm đầu. Mẹ vẫn nên cho bé ăn thật đa dạng với khẩu phần ăn đảm bảo đầy đủ dưỡng chất mỗi ngày.

Nếu bé vẫn còn lưu luyến sữa mẹ, các mẹ nên duy trì điều đó vì nó hoàn toàn có lợi cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ. Sữa mẹ luôn là nguồn dinh dưỡng tự nhiên giàu dưỡng chất và an toàn nhất. Tuy nhiên, đừng vì vậy mà cho bé bú quá nhiều, từ 3-5 lần/ngày là tần suất cho bú tốt nhất. Sữa mẹ nên là nguồn dưỡng chất bổ sung không thể thiếu bên cạnh thức ăn mỗi ngày hay các loại sữa bột công thức.

Trên 1 tuổi nguồn dinh dưỡng chính của trẻ là thức ăn đặc, chứ không phải là sữa. Các mẹ đừng cho bé dùng quá nhiều sữa bột công thức. Bởi trong sữa có chứa một lượng rất ít sắt. Chính bởi vậy, khi bé quá “chú trọng” việc uống sữa thì sẽ không chịu ăn những loại thực phẩm khác có chứa sắt, dẫn đến thiếu sắt và thiếu máu (Sắt là thành phần không thể thiếu sản sinh ra máu)”. Hơn nữa, các thành phần dinh dưỡng ( các vitamin, muối khoáng ) được bổ sung trong sữa cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu hàng ngày của trẻ. Vì vậy, cần cho trẻ ăn đa dạng các thực phẩm tự nhiên thông qua việc chế biến chén bột, cháo, súp của trẻ, như vậy mới có thể cung cấp đầy đủ các thành phần dinh dưỡng, đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ. Trái cây, rau, thịt, cá, trứng, ngũ cốc là các loại thực phẩm cần được sử dụng luân phiên trong bữa ăn hằng ngày của trẻ.

Bé phải luôn được khỏe mạnh

Hãy đưa trẻ đi tiêm Vacxin trong thời gian sớm nhất để phòng tránh các bệnh thường gặp, đảm bảo bé luôn khỏe mạnh. Lịch tiêm Vắcxin cho trẻ nhỏ có thể thay đổi thường xuyên, nên hãy theo dõi định kỳ ở các cơ sở y tế hoặc y tế dự phòng tại địa phương bạn để cập nhật thông tin. Hiện tại, chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 12 tháng bao gồm:

  • Vắc xin Viêm gan B (HepB)
  • Vắc xin BCG: phòng bệnh lao
  • Vắc xin phòng bệnh Bạch hầu – Uốn ván- Ho gà.
  • Uống vắc xin bại liệt
  • Vắc xin phòng bệnh viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Heamophilus Influenza tuýp b (Hib)
  • Sởi

Đừng quên tập thói quen rửa tay cho trẻ trước khi ăn và khi đi ngủ. Các mẹ có thể mua một số loại sửa rửa tay dùng cho gia đình và thân thiện với da của trẻ. Hệ miễn dịch của trẻ vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện và phải đương đầu với hàng ngàn loại vi khuẩn mỗi ngày. Vì vậy, hãy tạo một môi trường thật sạch và trong lành trong chính căn nhà của các mẹ. Tuyệt đối không để phòng của bé hoặc phòng khách trong nhà có quá nhiều tiếng ồn, khói bụi hoặc khói thuốc khiến bé có nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm về đường hô hấp

Bác sỹ Hồ Thị Nam Huế

Trung tâm Dinh dưỡng VNM