Thông Tin Dinh Dưỡng

TUẦN 18 CỦA MẸ VÀ THAI NHI

Ngày đăng:

04/07/2016

Dù thai kỳ có tổng cộng 40 tuần nhưng trên thực tế, đến tuần 38, mẹ đã có những dấu hiệu chuyển dạ. Vậy nên giờ đây mẹ đã vượt qua nửa chặng đường nhiều vất vả nhưng cũng đầy thú vị rồi đấy. Ở tuần 18 này, bé con trong bụng sẽ bùng nổ các giác quan. Hãy xem tuần 18 của mẹ và thai nhi diễn ra như thế nào nhé.

Những thay đổi của bé

  • Tuần này, bé đã có kích thước tương đương một củ khoai lang, dài khoảng 15cm và nặng khoảng 240g. Bé được bao quanh bởi 320ml nước ối với nhiệt độ duy trì ở mức cao hơn nhiệt độ cơ thể mẹ, giữ cho bé sự ấm áp. Ngoài ra, cơ thể nhỏ bé sẽ hình thành trên da một lớp phủ dạng sáp, gọi là vernix caseosa, để ngăn da bé bị ngấm nước ối.
  • Não bé phát triển với tốc độ thần kỳ, phân chia các vùng riêng biệt thành khứu giác, vị giác, thính giác, thị giác và xúc giác. Lúc này, bé đã nghe được những tiếng ồn ở môi trường bên ngoài tử cung cũng như nhận ra giọng nói của mẹ.
  • Tay và chân hầu như đã hoàn hảo và phát triển cân đối với toàn bộ cơ thể. Không còn mơ hồ, mẹ sẽ cảm nhận rất rõ những cú “song phi” được thực hiện bài bản, những cú đạp và nhào lộn vô cùng hăng hái. Đây là một cách báo hiệu vô cùng đáng yêu, cho mẹ biết bé của mẹ đang khỏe mạnh dường nào.
  • Ở tuần 18, xương đòn và xương chân bắt đầu chuyển hoá thành chai, xương hàm được cấu trúc và không ngừng phát triển.
  • Thận bé tiếp tục tạo ra nước tiểu và tóc trên da đầu bắt đầu mọc.
  • Lúc này, ống dẫn trứng và tử cung đã hoàn thành, nằm đúng vị trí nếu thai nhi là một bé gái. Nếu là một bé trai, mẹ sẽ thấy được bộ phận sinh dục trên màn hình siêu âm trong trường hợp bé con không cố tình “quay lưng vào khán giả”.

Những thay đổi ở mẹ

  • Càng lúc mẹ sẽ càng thấy chứng tức vùng bụng hoặc nhói ngắn ở một hay hai bên hông xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là khi đổi tư thế hoặc sau một ngày vận động nhiều, do bé con ngày càng lớn.
  • Mẹ có thể bị hạ huyết áp, chóng mặt do hệ thống tim mạch đang chịu ảnh hưởng.
  • Lượng hormone tăng cao làm thay đổi sắc tố da, có thể bắt đầu xuất hiện các vết nám.
  • Mẹ đừng lo nếu kết quả siêu âm tuần này cho thấy bánh nhau đang nằm ở đáy tử cung nhé. Bánh nhau không nhất thiết phải cố định một chỗ do tử cung sẽ ngày một lớn hơn để phù hợp với sự phát triển của bé.
  • Lúc này, tử cung cũng đã cao ngang rốn. Bụng lộ rõ khiến dáng đi thay đổi một chút. Vùng dưới cánh tay đến eo sẽ trở nên to hơn.
  • Tim phải “tăng năng suất” để bơm 7 lít máu mỗi ngày đi nuôi khắp cơ thể. Các mạch máu sẽ phình to để máu lưu thông dễ dàng hơn. Tuy nhiên, điều này lại gây chèn ép tĩnh mạch và là nguyên nhân khiến mẹ dễ bị trĩ hay giãn tĩnh mạch. Cách chứng bệnh này sẽ thuyên giảm sau khi sinh bé.
  • Mẹ cảm thấy nóng quanh vùng ngực, nách và háng, cũng như dễ đổ mồ hôi hơn. Đồng thời, những cơn chóng mặt cũng xuất hiện khá phổ biến kể từ giai đoạn này đến cuối thai kỳ.

Lời khuyên cho mẹ

  • Thường xuyên tâm tình, hát hoặc đọc truyện cho bé nghe để bé có thể nhận ra giọng nói của mẹ. Đừng đến những nơi có tiếng động quá mạnh để tránh làm tổn thương thính giác non nớt của bé.

Massage nhẹ nhàng vùng bụng dưới có thể giúp mẹ giảm đau

Massage nhẹ nhàng vùng bụng dưới có thể giúp mẹ giảm đau

  • Massage nhẹ nhàng vùng bụng dưới hoặc chườm nóng khi đau.
  • Mẹ không nên đứng quá lâu hay đột ngột bật dậy khi đang nằm, luôn đứng lên ngồi xuống chậm rãi. Hãy để cơ thể có thời gian thích nghi với tư thế mới.
  • Chọn quần áo lót bằng cotton thoáng mát, đúng kích cỡ để thoải mái hơn khi nhiệt độ cơ thể tăng cao.
  • Mẹ nên mặc áo khoác, đội mũ rộng vành và sử dụng kem chống nắng khi ra ngoài để giảm hiện tượng sạm nám trong thai kỳ.
  • Chú ý tư thế đi lại và đừng khòm lưng. Điiều chỉnh ghế ngồi làm việc sao cho thật thoải mái.
  • Mẹ nhớ thường xuyên mang vớ bầu để hỗ trợ chân và nâng đỡ vùng bụng dưới, giảm nguy cơ giãn tĩnh mạch. Tranh thủ nghỉ ngơi, thả lỏng chân tay khi có thể và hạn chế đứng quá lâu mẹ nhen.
  • Đảm bảo chế độ ăn nhiều chất xơ và uống nhiều nước để không bị trĩ. Ngoài ra, mẹ không nên cố nhịn khi có nhu cầu đi vệ sinh.
  • Tham gia ngay các lớp học tiền sản, giúp chuẩn bị tốt nhất để đón bé chào đời. Mẹ cũng nên đọc sách và tham khảo các trang web uy tín để tìm hiểu thông tin hữu ích về thay đổi trong thai kỳ, quá trình chuyển dạ và cách chăm sóc trẻ sơ sinh.
  • Luyện tập hợp lý để giảm đau lưng. Tắm nước ấm và chườm nóng cũng giúp mẹ đỡ đau lưng. Nếu cơn đau kéo dài, mẹ có thể đến bác sĩ để được làm vật lý trị liệu.
  • Mẹ nên mang những đôi giày thấp đế bằng với kích cỡ lớn hơn bình thường để giúp chân thoải mái hơn khi có khuynh hướng sưng phù, đồng thời tăng độ vững chắc khi di chuyển.
  • Mạnh dạn trao đổi với bác sĩ những băn khoăn về quá trình sinh nở để nhận được những giải đáp và lời khuyên hiệu quả nhất.
  • Tạo cơ hội cho bố em bé gần gũi và cảm nhận nhiều hơn về con bằng cách xếp lịch đi siêu âm chung và cùng tham gia các lớp tiền sản. Qua đó, ông bố tương lai sẽ biết thêm những điều mới mẻ, biết cách chăm sóc mẹ và bé sau này.
  • Bắt đầu tìm bảo mẫu cho bé nếu có nhu cầu. Tốt nhất, mẹ nên gặp trực tiếp để đánh giá về kinh nghiệm, thái độ, cần đảm bảo họ có đủ sức khỏe để chăm sóc em bé.

Tuần 18 như một mốc son trong hành trình mang thai với lần đầu tiên được nhìn thấy diện mạo cuả bé. Cũng không thể nào diễn tả được cảm giác lo lắng khi bước vào siêu âm và thở phào nhẹ nhõm khi biết con đang phát triển bình thường. Trong tất cả tình huống, điều mẹ lo nghĩ đến trước hết đều là sự an toàn của con. Đừng quá yêu bé mà quên chính mình mẹ nha. Hãy luôn giữ tinh thần thoải mái, duy trì chế độ sinh hoạt tập luyện phù hợp, tuân thủ chế độ dinh dưỡng khoa học và nói yêu con mỗi ngày là cách mẹ đang bảo vệ, tạo tiền đề phát triển tốt nhất cho bé đấy. Đừng quên uống các sản phẩm sữa có bổ sung DHA – là acid béo đóng vai trò quan trọng trong phát triển não bộ và tế bào võng mạc của bé, sắt – tạo hồng cầu, phòng ngừa bệnh thiếu máu của các bà mẹ trong thời kỳ mang thai và canxi – tham gia quá trình hình thành và phát triển hệ xương của bé một cách cứng cáp như sữa Dielac Mama mẹ nhé.

Bác sỹ Nguyễn Vĩnh Hoàng Oanh

Trung tâm Dinh dưỡng VNM