Thông Tin Dinh Dưỡng

LỢI ÍCH VÀ CÁCH LÀM SỮA CHUA KEFIR NGON, ĐƠN GIẢN TẠI NHÀ

Ngày đăng:

13/01/2024

Nấm sữa kefir hiện đang là loại thực phẩm được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng vì công dụng tuyệt vời mà nó mang lại cho sức khỏe. Vậy nấm sữa kefir là gì? Có những lợi ích gì? Cách làm sữa chua kefir như thế nào? Hãy cùng Vinamilk khám phá ngay trong bài viết dưới đây.

Sữa chua kefir

Nấm sữa kefir cùng 9 lợi ích tuyệt vời và cách làm sữa chua kefir siêu ngon

1. Nấm sữa kefir là gì?

Nấm sữa kefir (Kefir Grains) hay còn có tên gọi khác là nấm sữa Tây Tạng, nấm tuyết Tây Tạng, nấm Tuyết Liên, men sữa kefir, men sữa chua kefir, hạt kefir,... Đây là một loại nấm lactic acid tự nhiên được sử dụng để lên men sữa và tạo ra loại sữa uống lên men cùng tên là sữa nấm kefir. Nấm sữa thường có hình dạng giống bỏng ngô, mềm, trắng muốt và có mùi thơm ngầy ngậy đặc trưng. Chúng có khả năng sinh sôi nhanh và sống thành chùm nhỏ.

Nấm sữa kefir được xem như là một sinh vật sống, ăn sữa tươi và chứa nhiều loại lợi khuẩn, men tiêu hóa như các loại probiotic. Probiotic có trong nấm sữa giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, hỗ trợ hệ tiêu hóa, tăng cường hệ miễn dịch và giảm nguy cơ mắc bệnh.

Xem thêm: Sữa chua Hy Lạp là gì? Những điều cần biết về sữa chua Hy Lạp.

Nấm sữa kefir

Nấm sữa kefir là nấm lactic acid tự nhiên chứa nhiều loại lợi khuẩn

2. Nguồn gốc của sữa chua kefir 

Sữa chua Kefir hay sữa nấm kefir là một loại thức uống lên men truyền thống được làm bằng cách thêm các hạt kefir vào sữa bò hoặc sữa dê. Trong khoảng 24 giờ, các vi sinh vật trong hạt kefir nhân lên và lên men đường có trong sữa tạo thành sữa chua kefir. 

Loại sữa chua này có cấu trúc đặc, vị chua ngọt hài hòa. Đặc biệt, sữa chua kefir có hương vị đặc trưng so với các sản phẩm thông thường. Đó là vị chua nhẹ, chất sánh mịn cùng mùi thơm ngầy ngậy.

Hương vị sữa chua kefir

Sữa chua kefir có cấu trúc đặc và vị chua nhẹ

3. Lợi ích của sữa chua kefir đối với sức khỏe 

3.1. Là nguồn cung cấp vi sinh vật phong phú

Được xem như một loại chế phẩm sinh học, kefir có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tích cực theo nhiều cách khác nhau như hỗ trợ hệ tiêu hóa, kiểm soát cân nặng và cải thiện sức khỏe tâm thần. 

Sữa chua là thực phẩm chứa nhiều probiotic nổi tiếng nhất trong chế độ ăn uống của phương Tây, nhưng kefir thực sự là một nguồn cung cấp probiotic mạnh hơn. Sữa chua kefir chứa khoảng 30 chủng vi khuẩn và nấm men, khiến chúng trở thành nguồn cung cấp men vi sinh rất phong phú và đa dạng.

Tìm hiểu thêm về Sữa chua probiotic có công dụng gì đối với sức khỏe?

3.2. Có tính kháng khuẩn

Các lợi khuẩn có trong kefir như lactobacillus và bifidobacterium giúp ức chế sự sinh trưởng của các loại vi khuẩn có hại như Salmonella, Helicobacter Pylori, E.coli,... và tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.

3.3. Cải thiện sức khỏe của xương và giảm nguy cơ loãng xương

Nấm sữa kefir là nguồn cung cấp calci và vitamin K2 tuyệt vời. Chất dinh dưỡng này có vai trò quan trọng trong chuyển hóa calci và làm giảm nguy cơ loãng xương. Nghiên cứu trên động vật cho thấy kefir giúp tăng cường hấp thu calci, từ đó cải thiện sức khỏe xương khỏe mạnh.

3.4. Ngăn ngừa ung thư

Thành phần có trong sữa chua kefir có khả năng làm các tế bào ung thư tự hủy, đặc biệt là tế bào ung thư dạ dày và ung thư vú. Ngoài ra, các hoạt tính sinh học khác có trong sữa nấm kefir như Peptide, Polisaccarit và Spakenolipids giúp ngăn ngừa và gây chết tế bào ung thư. Một nghiên cứu đã chứng minh chiết xuất kefir giúp làm giảm 56% số lượng các tế bào ung thư vú ở người.

3.5. Hỗ trợ tiêu hóa 

Nấm sữa kefir là loại thực phẩm rất tốt cho hệ tiêu hóa. Việc sử dụng kefir không chỉ giúp hấp thu các dưỡng chất hiệu quả mà còn hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý liên quan đến hệ tiêu hóa như viêm loét dạ dày tá tràng, viêm đại tràng,... Ngoài ra, probiotic có trong kefir giúp khôi phục và cân bằng hệ vi sinh đường ruột.

Nấm sữa kefir tốt cho hệ tiêu hóa

Nấm sữa kefir giúp tăng khả năng hấp thu và cân bằng hệ vi sinh đường ruột

3.6. Kefir được dung nạp tốt ở những người giảm dung nạp lactose

Khi lactose không được tiêu hóa sẽ dẫn đến tình trạng không dung nạp được lactose. Hoạt chất trong kefir đã được các nhà nghiên cứu chứng minh có vai trò quan trọng trong việc tiêu hóa lactose. Các vi khuẩn lactic trong kefir chuyển lactose thành acid lactic giúp dễ hấp thu hơn.

3.7. Cải thiện triệu chứng của dị ứng và hen suyễn

Những người có hệ miễn dịch quá mẫn cảm có thể bị dị ứng hay hen suyễn. Một số nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra, kefir giúp ngăn chặn phản ứng viêm liên quan đến dị ứng và hen suyễn. 

3.8. Giảm cholesterol

Một nghiên cứu đã chứng minh rằng, phụ nữ khi uống sữa chua nấm kefir ít béo trong 8 tuần đã giảm được một lượng đáng kể cholesterol. Qua đó có thể thấy rằng nấm kefir cũng đã ít nhiều ảnh hưởng đến lượng cholesterol có trong cơ thể. 

Xem thêm công thức làm sữa chua đậu nành thơm ngon, không sợ béo của Vinamilk.

3.9. Là món tráng miệng lành mạnh và thơm ngon 

Chỉ cần pha hạt kefir cùng với sữa tươi và thêm một ít trái cây, bạn đã có cho mình một món tráng miệng thơm ngon và đầy dinh dưỡng cho sức khỏe.

Sữa chua kefir giàu dinh dưỡng

Món tráng miệng bổ dưỡng được làm từ nấm sữa kefir

4. Cách làm sữa chua kefir

4.1. Nguyên liệu làm sữa chua kefir 

  • Nấm sữa kefir: 5g
  • Sữa tươi: 500ml

Nguyên liệu làm sữa chua kefir

Nguyên liệu làm sữa chua kefir gồm nấm sữa kefir và sữa tươi

4.2. Các bước làm sữa chua kefir 

  • Bước 1: Rửa nấm
  • Chuẩn bị 1 chén nước đun sôi để nguội. Cho nấm vào rây để loại bỏ phần nước. Để nấm trong rây và nhúng nhẹ vào trong chén nước. Di chuyển qua lại vài lần đến khi nấm sạch

    Rửa nấm kefir

    Rửa nấm kefir qua rây để loại bỏ phần nước

  • Bước 2: Làm sữa chua kefir
  • Dùng muỗng gỗ hoặc nhựa múc nấm nhẹ nhàng cho vào lọ thủy tinh. Thêm 500ml sữa tươi đã chuẩn bị vào lọ. Đậy lọ thủy tinh bằng vải mùng và để nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời khoảng Sau khoảng 30 - 48 giờ kiểm tra và ngửi thấy sữa chua có mùi thơm đặc trưng thì đã thành công.

    Cách làm sữa chua kefir

    Nên để lọ thủy tinh đựng hỗn hợp sữa chua kefir ở nơi thoáng mát

  • Bước 3: Lọc sữa chua
  • Dùng rây nhựa lọc nhẹ nhàng để lấy phần sữa chua. Dùng muỗng gỗ múc nhẹ nhàng phần nấm, tiếp tục cho vào lọ và có thể nuôi mới cùng với sữa tươi. Bảo quản sữa chua trong tủ lạnh và dùng dần.

    Xem thêm: Công thức sữa chua dâu dẻo mịn, mát lạnh cho ngày hè.

    Lọc sữa chua kefir

    Dùng rây nhựa lọc nhẹ nhàng để lấy phần sữa chua

    4.3. Lưu ý khi làm sữa chua kefir 

    • Tất cả dụng cụ thao tác với nấm phải sạch sẽ, được làm bằng gỗ, thủy tinh hay nhựa. Không dùng dụng cụ kim loại vì nấm sẽ ăn mòn và sản sinh ra chất có hại cho sức khỏe.
    • Làm sạch nấm khi thấy nấm chuyển sang màu vàng ngà.
    • Không rửa nấm thường xuyên vì lớp bám ở ngoài nấm là lớp men có lợi.
    • Quá trình thay sữa cần nhẹ nhàng để tránh nấm chết.
    • Tốc độ lên men phụ thuộc thời tiết và nhiệt độ, càng lạnh thì thời gian lên men càng lâu.
    • Cần lọc sữa 1 lần/ngày hoặc để ý nấm vì khi hết sữa nấm sẽ chết.

    4.4. Dấu hiệu nhận biết nấm sữa kefir bị chết

    • Trong quá trình nuôi, nếu thấy nấm có dấu hiệu chuyển sang màu vàng ngà thì nấm đang bị thiếu sữa. Bạn cần phải bổ sung thêm sữa cho chúng, nếu không trong thời gian ngắn nấm sẽ chết. 
    • Khi cho nấm vào sữa, nếu nấm hoạt hóa bình thường thì khoảng 20 phút - 4 tiếng, khi nghiêng đáy lọ sẽ thấy nấm được bảo bọc bởi một lớp sữa đặc lại.

    Dấu hiệu nấm sữa kefir bị chết

    Nấm kefir bị chết khi có dấu hiệu chuyển sang màu vàng ngà

    5. Những lưu ý khi sử dụng sữa chua kefir

    • Sữa chua cần được bảo quản trong tủ lạnh ngăn mát để dùng dần.
    • Chỉ nên sử dụng khoảng 200 - 400ml sữa chua mỗi ngày. Nếu dùng quá ½ lít sữa/ngày và liên tục có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
    • Khi ăn sữa chua bạn nên dùng muỗng gỗ hoặc nhựa, tránh dùng muỗng kim loại. 

    Lưu ý khi sử dụng sữa chua kefir

    Nên sử dụng muỗng gỗ hoặc nhựa khi ăn sữa chua kefir

    6. Những câu hỏi thường gặp về nấm sữa chua kefir

    6.1. Nấm sữa kefir có phải sữa chua không?

    Nấm sữa kefir không phải là sữa chua. Đây là một loại nấm lactic acid tự nhiên. Trong nấm sữa bao gồm Leuconostoc, Lactobacillus Caucasus, Streptococcus species và Acetobacter species. Đây là những lợi khuẩn không có trong sữa chua. Ngoài ra, nấm kefir còn có 2 loại men có lợi Torula và Saccharomyces giúp loại bỏ các vi khuẩn có hại trong niêm mạc ruột và cải thiện hệ tiêu hóa.

    6.2. Nấm sữa kefir dùng nhiều có tốt?

    Nấm sữa kefir dùng nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe. Bạn chỉ nên dùng từ 200 - 400ml nấm kefir mỗi ngày. Nếu ăn quá nhiều và liên tục có thể dẫn đến viêm loét dạ dày hoặc gây béo phì do dư chất.

    6.3. Nấm sữa kefir mua ở đâu?

    Bạn có thể mua nấm tại các cửa hàng chuyên bán kefir hoặc trên các trang thương mại điện tử uy tín. Ngoài ra, để mua được loại nấm được kiểm định tốt hơn bạn có thể tìm mua tại các cơ sở sản xuất sữa.

    Như vậy, Vinamilk đã giúp bạn tìm hiểu về nấm sữa chua kefir, tác dụng tuyệt vời của nó đến với sức khỏe, và cách làm sữa chua kefir siêu đơn giản nhưng cực kì bổ dưỡng. Hy vọng bài viết này có thể giúp bạn khám phá thêm một loại thực phẩm tốt cho sức khỏe và làm ra được món ăn thơm ngon đầy dinh dưỡng nhé!