Thông Tin Dinh Dưỡng

MÓN QUÀ SỨC KHỎE TUYỆT VỜI TỪ THIÊN NHIÊN

Ngày đăng:

07/04/2018

Ngày nay, sữa được sử dụng rộng rải trên toàn cầu với vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bổ sung dưỡng chất, năng lượng cho khẩu phần dinh dưỡng hợp lý hàng ngày cũng như tăng cường sức khỏe toàn diện.

Cùng với hàng triệu năm tiến hóa, sữa động vật với đầy đủ các thành phần dinh dưỡng thiết yếu, dễ tiêu hóa, bảo đảm cho con non sinh trưởng và phát triển tốt nhất cho đến khi chúng có khả năng ăn và tiêu hóa các loại thức ăn khác ngoài sữa.

Từ ngàn xưa với sự thông minh trong quá trình lao động sáng tạo nhằm tồn tại và phát triển, con người đã hiểu giá trị của sữa và biết sử dụng sữa từ các loài động vật có vú trong khi thuẩn hóa chúng. Đến tận ngày nay, sữa vẫn được biết như là nguồn dưỡng chất tuyệt vời phục vụ nhu cầu và lợi ích con người.

Chúng ta cùng đi sâu vào khám phá thành phần dưỡng chất trong sữa có những gì? và vai trò của chúng như thế nào? trong việc tăng cường sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật.
Thành phần và hàm lượng dưỡng chất trong sữa bị tác động bởi nhiều yếu tố như kiểu di truyền giống nòi, điều kiện môi trường sống, giai đoạn và thời gian tiết sữa, tình trạng dinh dưỡng của từng cá thể, từng loài động vật có vú.


Thành phần và tính năng của sữa bò:

Trung bình sữa bò chứa khoảng 4-5% lactose; 3,2% protein; 3-4% chất béo; 0,8% khoáng chất và 0,1% vitamin các loại, còn lại khoảng 87% là nước.

DƯỠNG CHẤT QUAN TRỌNG CẦN THIẾT CHO CẢ VÒNG ĐỜI

Chất đạm (Protein) bao gồm 2 loại:

  • Đạm Whey, chiếm khoảng 20%, gồm nhiều các acid amin phân nhánh như leucine, isoleucine, lysine, valine dễ dàng hấp thu qua đường tiêu hóa và đến thẳng cơ quan đích giúp xây dựng và sửa chữa các mô, tế bào cơ thể, bao gồm cơ bắp và xương… Ngoài ra, đạm Whey còn có các protein sinh học như Beta-lactoglobulin, alpha-lactoalbumin có chức năng phòng chống sự phát triển các khối u; các immunoglobulins (IgA, IgM, IgE, IgG), lactoferrin, lactoperoxidase, lysozyme, proteose-peptone và transferrin có tác dụng phòng chống các tác nhân vi sinh gây bệnh.
  • Đạm Casein, chiếm khoảng 80%, chủ yếu là histidine, methionine và phenylalanine và các chuỗi peptide Alpha – Beta và K casein. Đạm Casein giữ vai trò vận chuyển hấp thu các khoáng chất quan trọng như can xi, phôt pho…, xây dựng sửa chữa mô tế bào và hỗ trợ hệ thần kinh, tim mạch, tiêu hóa và miễn dịch.

Chất béo, có thành phần chủ yếu là các Triacylglycerol (TAG) với hơn 400 loại acid béo. Các thành phần khác như Diacylglycerol; cholesterol; phospholipid và acid béo tự do chiếm tỷ lệ rất ít. Cơ cấu chất béo trong sữa là khoảng 70% acid béo bảo hòa và 30% acid béo chưa bảo hòa gồm Linoleic vat Alpha-linolenic chiếm khoảng 24-35%. Đây là phức hợp 2 loại acid béo có rất nhiều lợi điểm cho sức khỏe, như làm giảm mỡ có hại trong máu; hỗ trợ hệ tim mạch, tăng cường hệ miễn dịch và phòng chống ung thư.

Vitamin và khoáng chất, với thành phần giàu vitamin và khoáng chất, sữa được biết đến như một phức hợp đầy đủ nhất các thành phần vi lượng cần thiết cho quá trình tiêu hóa, hấp thu, chuyển hóa thức ăn giúp cơ thể hình thành mô – tế bào, tăng trưởng và phát triển toàn diện cũng như phòng chống bệnh tật.

  • Vitamin A: Hỗ trợ hệ miễn dịch, quá trình tăng trưởng, phát triển xương và răng, duy trì tầm nhìn ban đêm, mắt khỏe – tinh anh và làn da khỏe mạnh.
  • Vitamin B1 (Thiamine): Hỗ trợ sản xuất năng lượng từ carbohydrate và quá trình tăng trưởng.
  • Vitamin B2 (Riboflavin); Vitamin B3 (Niacin); Vitamin B5 (Axit pantothenic): Hỗ trợ chuyển hóa carbohydrate, protein và lipid; tổng hợp DNA, vật liệu di truyền trong các tế bào, giúp hình thành sửa chữa mô, tế bào, bao gồm xương.
  • Vitamin B4 (Choline): Tạo nên lớp vỏ bao myelin, bảo vệ sợi thần kinh và tăng cường chức năng dẫn truyền thần kinh, làm tăng khả năng nhận thức – ghi nhớ.

  • Vitamin B6 (Pyridoxine): Giúp ổn định đường huyết, bảo vệ hệ tim mạch, tăng cường hệ miễn dịch và duy trì chức năng não khỏe mạnh
  • Vitamin B9 (Folate hay acid folic); B12 (cobalamin): Hỗ trợ hình thành hồng cầu, phòng ngừa nguy có khuyết tật ống thần kinh thai nhi trong những tuần đầu sau khi thụ tinh.
  • Vitamin C: Tham gia nhiều quá trình chuyển hoá quan trọng, kích thích tạo colagen mô liên kết, sụn, xương, răng, mạch máu, giúp tăng sức bền mao mạch, tăng khả năng lao động dẻo dai và tăng sức đề kháng.
  • Vitamin D : Hỗ trợ tăng cường hấp thu canxi và phốt pho, giúp bền chắc xương – răng và phát triển tối ưu chiều cao. Ngoài ra Vitamin D còn được chứng minh hỗ trợ phòng ngừa loãng xương, phòng chống ung thư, bảo vệ hệ tim mạch và tăng cườngmiễn dịch.
  • Vitamin E: Giúp tăng cường hệ miễn dịch; tuần hoàn – tim mạch, chống oxy hóa, thảy loại gốc tự do, ngăn ngừa thoái hóa võng mạc mắt, hình thành mô tế bào, đặc biệt mô cơ.
  • Canxi và Phốt pho: Hỗ trợ hình thành, duy trì và phát triển xương răng chắc và khỏe mạnh, giúp tối ưu hóa chiều cao. Ngoài ra, can xi còn hỗ trợ sức khỏe tim mạch, giảm ngưng tập tiểu cầu, tránh các tắt nghẽn mạch máu và hỗ trợ dẫn truyền thần kinh.
  • Magiê : Hỗ trợ sức khỏe xương và răng, tham gia các quá trình chuyển hòa thức ăn thành năng lượng và hình thành mô – tế bào.
  • Kali : Hỗ trợ chức năng dẫn truyền chính xác của các dây thần kinh và hoạt động cơ bắp.
  • Kẽm: Tham gia vào hàng trăm qua trình sinh-hóa trong cơ thể, hỗ trợ sự hình thành, phát triển, chỉnh sửa, phân chia, biệt hóa và kích hoạt tế bào. Nó cũng đóng một vai trò quan trọng trong tổng hợp ADN và phiên mã RNA ngoài ra còn tham gia chuyển hóa thực phẩm thành năng lượng.
  • Selenium : có tác dụng chống ô xy hóa, chống lão hóa, giải độc các kim loại nặng, hỗ trợ hệ miễn dịch, phòng chống ung thư và còn có tác dụng kích hoạt nội tiết tốtuyến giáp.
  • Sắt: tham gia cấu tạo hồng cầu, hỗ trợ sức cơ, tăng cường hệ miễn dịch, tăng khả năng dẫn truyền thần kinh và quá trình chuyển hóa tạo năng lượng cho cơ thể.
  • I-ốt: Một vi chất quan trọng đối với sự phát triển của cơ thể con người, tham gia vào quá trình tổng hợp nội tiết, điều chỉnh sự phát triển và vận hành tuyến giáp, hệ thần kinh trung ương, hệ sinh dục, tim mạch, tiêu hóa.

Nhu cầu dưỡng chất trong sữa đối với từng lứa tuổi

Hầu hết các nhu cầu về dưỡng chất cho từng lứa tuổi đều có thể tìm thấy trong Sữa bò

Lưu ý: Dưỡng chất màu đỏ là cực kỳ quan trọng cho quá trình tăng trưởng và duy trì
Nguồn: Thông tư 43-2014 Bộ Y tế; RNI Hoa Kỳ


Sữa bò đối với sức khỏe và phòng chống bệnh tật

Tình trạng không hoặc kém dung nạp lactose – một loại đường đôi bao gồm phức hợp Glucose và galactose có trong sữa. Việc dung nạp lactose phụ thuộc vào khả năng bài tiết men lactase của ruột. Lượng men này giảm đáng kể sau khi con non động vật có vú cai sữa. Tuy nhiên, điều này không xảy ra ở loài người, nghĩa là chúng ta vẫn còn tiết đủ lactase để tiêu hóa sữa với một lượng vừa phải – hợp lý. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng khoảng 70% dân số thế giới (5) vẫn tiết đủ lactase để tiêu hóa sữa. Tất nhiên việc kém dung nạp hay thậm chí không dung nạp được lactose vẫn hiện hữu nhưng tỷ lệ không cao, do nguyên nhân rối loạn cấu trúc ruột non, bệnh lý, … khiến ruột giảm hay không sản xuất được men lactase. Giải pháp đối với tình trạng không hay kém dung nạp lactose là chuyển đổi sữa động vật sang loại thực phẩm thích hợp khác. Nhưng một số nghiên cứu gần đây cho thấy, những người kém dung nạp lactose có thể dùng một lượng ít sữa (khoảng 11g lactose/ngày)(6), bên cạnh đó, việc bổ sung lợi khuẩn đường ruột cũng cải thiện dung nạp lactose.(7;8;9)

Tại Việt nam, Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, tỷ lệ trẻ em Việt nam dị ứng với sữa bò khoảng 2,1%. (1) Nhưng tỷ lệ này của cả thế giới là 2-7,5% tùy quốc gia (10;11). Giải pháp cho tình trạng này là dùng sữa đã qua xử lý thủy phân đạm casein hay thay thế sữa bò bằng các loại sữa hạt thực vật (12). Khi bị dị ứng với sữa, thay sữa bò bằng các loại sữa động vật khác (cừu, dê) thường không hiệu quả vì đạm casein của chúng có cấu trúc và thành phần gần như là giống nhau.

Sữa mang đến nhiều lợi ích quan trong cho sức khỏe – Đối với sức khỏe tim mạch, 70% acid béo trong sữa là bảo hòa (palmitic, myristic và lauric) nhưng chúng lại được chuyển hóa theo một mô hình có lợi. Bộ ba acid béo này làm tăng lượng Cholesterol toàn phần. Trong đó chúng làm tăng LDL (Low Density Lipoprotein), một loại cholesterol có lợi cho hệ tim mạch (13). Các thành phần khoáng chất trong sữa như Kali, Magnesium và Can xi hỗ trợ phòng chống bệnh mạch vành và tăng huyết áp (14). Một nghiên cứu tại Rotterdam – Hà lan chứng minh rằng sử dụng sữa hàng ngày làm giảm 20% tỷ lệ mắc mới Tăng huyết áp(15). Hơn thế nữa, 30% acid béo chưa bảo hòa trong sữa (Triacylglycerol) rất cơ lợi cho sức khỏe tim mạch, phòng ngừa tăng hyết áp, xơ vữa động mạch làm giảm tỷ lệ hiện mắc bệnh mạch vành và các bệnh liên quan mạch máu (13,16).

Đối với phòng chống Ung thư – Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng Vitamin D trong sữa có hiệu quả phòng chống ung thư và bệnh tim mạch (17). Các khuyến nghị sử dụng sữa ở mức hợp lý trong khẩu phần hàng ngày và thường xuyên có liên quan đến phòng ngừa hiệu quả các bệnh mãn tính không lây cũng như ung thư (18). Các thành phần chất béo chưa bảo hòa trong sữa hỗ trợ ngăn chặn sự biệt hóa và nhân đôi các tế bào ung thư (105).

Đối với thừa cân, béo phì, Đái tháo đường type 2 và hội chứng chuyển hóa – Nhiều nghiên cứu đoàn hệ và phân tích gộp chỉ ra rằng, dung nạp sữa trong khẩu phần hàng ngày, làm giảm yếu tố liên quan cũng như nguy cơ mắc bệnh Đái tháo đường type 2(19) nhờ hiệu quả của hai khoáng chất can xi và magnesium, chúng làm tăng độ nhạy cảm của insulin.

Đối với thừa cân – béo phì, Đạm Whey làm tăng khả năng kiểm soát đường huyết và đáp ứng insulin, làm giảm cảm giác đói khi dạ dày trống, ăn ít hơn và như thế làm giảm tình trạng thừa , tăng cân – béo phì(20). Một nghiên cứu đoàn hệ thực hiện tại Hongkong theo dõi suốt 15 năm. Kết luận là không có liên quan giữa dung nạp sữa và thừa cân – béo phì ở trẻ vị thành niên. Một nghiên cứu khác tại châu Mỹ Latin cho thấy, dùng sữa còn có tác dụng bảo vệ trẻ béo phì và giảm tỷ lệ mắc mới thừa cân – béo phì. Theo Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, chưa có bằng chứng nào thuyết phục cho thấy có sự liên quan giữa việc uống sữa và thừa cân béo phì (4).

Đối với các hội chứng chuyển hóa, đạm Whey có tác dụng kiểm soát tốt mức dung nạp đường, mức nhạy cảm insilin, kiểm soát cân nặng, huyết áp, có tác dụng kháng viêm, chống oxy hóa. Tập hợp những lợi điểm này, Sữa có tác dụng phòng chống các hội chứng chuyển hóa rất tốt (21).

Đối với phòng ngừa loãng xương – Với hàm lượng can xi, phốt pho, magnesium, vitamin D… Sữa được biết như là một giải pháp phòng chống loãng – mất xương ở tuổi trung niên(22).


Khuyến nghị lượng dùng sữa hàng ngày

Theo Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, không có mức khuyến nghị toàn cầu về lượng sữa dùng hàng ngày cho mỗi cá thể. Các quốc gia đều có khuyến nghị nhu cầu dinh dưỡng tương thích với tình hình kinh tế, nguồn lực thực phẩm, thói quen ăn uống … của họ. Tuy nhiên, tất cả các nước trên thế giới đề khuyến nghị nên bổ sung thêm sữa trong khẩu phần hàng ngày, ít nhất khoảng 250ml và nhiều nhất khoảng 750ml sữa (Hoa Kỳ) tùy theo độ tuổi, thực trạng dinh dưỡng và tình hình kinh tế gia đình.

Riêng tại Việt Nam, Viện dinh dưỡng quốc gia khuyến nghị như sau

  • 3 – 5 tuổi: # 400ml/ngày;
  • 6 – 7 tuổi: # 450 ml/ngày;
  • 8 – 9 tuổi: # 500 ml/ngày;
  • 10 – 18 tuổi: # 600ml/ngày.
  • Người trưởng thành: 300 – 500ml/ngày tùy theo độ tuổi.

Tóm lại, sữa là một thực phẩm giàu dinh dưỡng cần được bổ sung thường xuyên cho khẩu phần hàng ngày, không nên thay thế hoàn toàn sữa cho các bữa chính. Dinh dưỡng hợp lý cần phải đủ và cân đối các thành phần dưỡng chất quan trọng và phân bố các bữa ăn thích hợp theo từng độ tuổi cũng như thực trạng dinh dưỡng – sức khỏe của mỗi người.

Những điều cần lưu ý về sữa:

  • Sữa có hầu như đầy đủ mọi thành phần dưỡng chất thiết yếu cho quá trình hình thành, tăng trưởng và phát triển cơ thể.
  • Các thành phần dưỡng chất có trong sữa đáp ứng nhu cầu tăng trưởng cho mọi độ tuổi vòng đời cũng như rất tốt đối với sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật.
  • Không có chứng cứ đủ mạnh để nói rằng có sự liên quan giữa thừa cân – béo phì và dung nạp sữa.

Tài liệu tham khảo:

Milk nutritional composition and its role in human health. https://pdfs.semanticscholar.org/5fe2/2029066d31059326170af9fdc6bd37fc03b2.pdf

1. Chu Thị Thu Hà , Lê Thị Minh Hương, Nguyễn Gia Khánh. DỊ ỨNG ĐẠM SỮA BÒ Ở TRẺ NHỎ: TỈ LỆ, ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, CẬN LÂM SÀNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN http://hoinhikhoavn.com/upload/medias/bai3_2.pdf

2. The Role of Dairy Products and Milk in Adolescent Obesity: Evidence from Hong Kong’s “Children of 1997” Birth Cohort
http://journals.plos.org/plosone/article?id=10.1371/journal.pone.0052575

3. Full fat milk consumption protects against severe childhood obesity in Latinos
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5552381/

4.http://www.fao.org/fileadmin/user_upload/newsroom/docs/Milk%20and%20Dairy%20Q&A.pdf

5. Matthews SB, Waud JP, Roberts AG, Campbell AK. Systemic lactose intolerance: a new perspective on an old problem. Postgrad Med J 2005;81:167–73.

6. Shaukat A, Levitt MD, Taylor BC, MacDonald R, Shamliyan TA, Kane RL, et al. Systematic review: effective management strategies for lactose intolerance. Ann Intern Med 2010;152:797–803.

7. He T, Venema K, Priebe MG, Welling GW, Brummer R-JM, Vonk RJ. The role of colonic metabolism in lactose intolerance. Eur J Clin Invest 2008;38:541–7

8. He T, Priebe MG, Harmsen HJM, Stellaard F, Sun X, Welling GW, et al. Colonic fermentation may play a role in lactose intolerance in humans. J Nutr 2006;136:58–63.

9. Kalliomäki M, Antoine J-M, Herz U, Rijkers GT, Wells JM, Mercenier A. Guidance for substantiating the evidence for beneficial effects of probiotics: prevention and management of allergic diseases by probiotics. J Nutr 2010;140:713S–21S.

10. Caffarelli C, Baldi F, Bendandi B, Calzone L, Marani M, Pasquinelli P. Cow’s milk protein allergy in children: a practical guide. Ital J Pediatr 2010;36:5

11. Fiocchi A, Schünemann HJ, Brozek J, Restani P, Beyer K, Troncone R, et al. Diagnosis and Rationale for Action Against Cow’s Milk Allergy (DRACMA): a summary report. J Allergy Clin Immunol 2010;126.1119–28.e12

12. Koletzko S, Niggemann B, Arato A, Dias JA, Heuschkel R, Husby S, et al. Diagnostic approach and management of cow’s-milk protein allergy in infants and children: ESPGHAN GI Committee practical guidelines. J Pediatr Gastroenterol Nutr 2012;55:221–9.

13. Ohlsson L. Dairy products and plasma cholesterol levels. Food Nutr Res2010;54:1–9. http://www.pubmedcentral.nih.gov/

14. Engberink MF, Hendriksen MAH, Schouten EG, van Rooij FJA, Hofman A, Witteman JCM, et al. Inverse association between dairy intake and hypertension: the Rotterdam Study. Am J Clin Nutr 2009;89:1877–83.

15. Massey LK. Dairy Food Consumption, Blood Pressure and Stroke. J Nutr 2001;131:1875–8.

16. Wang L, Manson JE, Buring JE, Lee I-M, Sesso HD. Dietary intake of dairy products, calcium, and vitamin D and the risk of hypertension in middleaged and older women. Hypertension 2008;51:1073–9

17. Krishnan AV, Feldman D. Mechanisms of the anti-cancer and anti-inflammatory actions of vitamin D. Annu. Rev. Pharmacol. Toxicol.Annual Reviews 2011;51:311–36

18. Park Y, Leitzmann MF, Subar AF, Hollenbeck A, Schatzkin A. Dairy food, calcium, and risk of cancer in the NIH-AARP Diet and Health Study. Arch Intern Med 2009;169:391–401

19. Aune D, Norat T, Romundstad P, Vatten LJ. Dairy products and the risk of type 2 diabetes: systematic review and dose-response meta-analysis of cohort studies. Am J Clin Nutr 2013;98:1066–83

20. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/23858091

21. Sousa GT, Lira FS, Rosa JC, de Oliveira EP, Oyama LM, Santos RV, et al. Dietary whey protein lessens several risk factors for metabolic diseases: areview. Lipids Health Dis 2012;11:67

22. Korhonen H, Cashman KD. Milk minerals (including trace elements) and bone health. Int Dairy J 2006;16:1389–98

Bs. Nguyễn Vũ Linh – ĐTTT- TTDD Vinamilk