Ăn khoẻ - Ăn ngon

MẸO BẢO QUẢN THỨC ĂN DẶM CHO BÉ AN TOÀN, GIỮ NGUYÊN DINH DƯỠNG

Ngày đăng:

08/02/2024

Bảo quản thức ăn dặm cho bé là điều cần thiết, quan trọng. Bởi vì thức ăn dặm của bé thường được chế biến từ nguyên liệu tươi sống, bảo quản đúng cách giúp đảm bảo an toàn vệ sinh. Đồng thời giúp tiết kiệm được thời gian trong việc chuẩn bị đồ ăn và giữ nguyên giá trị dinh dưỡng. Hãy cùng Vinamilk tìm hiểu cách bảo quản thức ăn dặm cho bé đúng cách và an toàn ở bài viết dưới đây. 

Cách bảo quản thức ăn dặm cho bé

Cách bảo quản đồ ăn dặm cho bé

1. Đồ ăn dặm của bé có thể bảo quản trong bao lâu? 

1.1. Các loại thịt đỏ 

  • Bảo quản ở ngăn mát: với mức nhiệt dưới 5 độ C, thời gian bảo quản là dưới 2 ngày
  • Bảo quản ở ngăn đá: với nhiệt độ dưới -18 độ C, bạn có thể bảo quản thịt trong vòng 3 tháng. Tuy nhiên theo khuyến cáo của Hiệp hội dinh dưỡng Anh, thịt để chế biến đồ ăn dặm cho bé chỉ nên trữ đông trong khoảng 7 ngày

1.2. Cá, hải sản, thịt gia cầm

  • Bảo quản ở ngăn mát: nên bảo quản ở mức nhiệt dưới 5 độ C, thời gian bảo quản là 1 ngày.
  • Bảo quản ở ngăn đông: thời gian bảo quản trong vòng 3 tháng. Tốt nhất mẹ chỉ nên cho bé sử dụng những thực phẩm bảo quản ở ngăn đông trong vòng 4 - 5 ngày

1.3. Rau củ và trái cây

  • Các loại rau: thời gian bảo quản các loại rau ăn lá trong ngăn mát là 2 - 4 ngày
  • Củ: thời hạn bảo quản lâu hơn rau, khoảng 10 ngày
  • Rau củ nấu chín hoặc nghiền nát: với nhiệt độ lạnh dưới -18 độ C của ngăn đông, thời hạn bảo quản của rau củ đã nấu chín là từ 2 - 3 tuần
  • Trái cây: bảo quản trái cây trong ngăn mát sẽ giúp giảm thời gian hư hại và trái cây được tươi lâu hơn. 

Thời gian bảo quản đồ ăn dặm cho bé

Nên bảo quản đồ ăn dặm cho bé ở mức nhiệt và thời gian thích hợp

2. Cách bảo quản đồ ăn dặm cho bé

2.1. Bảo quản thông thường 

Đối với cách bảo quản thức ăn dặm cho bé ở điều kiện thường từ 25 - 30 độ C, không có tủ lạnh hoặc tủ đông thì nên cho vào hũ thủy tinh hoặc hộp kín có nắp đậy. Bảo quản thức ăn dặm ở nơi thoáng mát, khô ráo và tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào. 

Thức ăn dặm của bé chỉ nên được bảo quản ở điều kiện thông thường trong vòng 2 - 4 tiếng. Không nên bảo quản thức ăn dặm đã được hâm nóng lại. 

2.2. Bảo quản lạnh

2.2.1. Bảo quản trong ngăn mát 

Các loại thực phẩm đã được chế biến sẵn cần được cho vào hộp, đậy kín và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Khi cần cho bé ăn, mẹ chỉ việc lấy ra rồi đem hâm nóng. Tuy nhiên cách bảo quản này có nhược điểm là làm hao hụt chất dinh dưỡng của đồ ăn, thời gian bảo quản cũng tương đối ngắn. 

2.2.2. Bảo quản đông lạnh  

Cách bảo quản thức ăn dặm cho bé này được các bà mẹ áp dụng nhiều nhất. Bảo quản đông lạnh đồ ăn dặm cho bé có nguồn gốc từ Nhật và mẹ có thể thực hiện theo 2 cách dưới đây:

  • Dùng khay thực phẩm: bạn có thể áp dụng đối với những loại thực phẩm dạng lỏng là nước hầm xương, nước hầm rau củ (nước dashi), cháo… Đổ chất lỏng vào khay làm đá để chúng đông lại thành các viên nhỏ. Sau đó bỏ các viên vào bao bì rồi lấy một lượng vừa đủ cho mỗi lần sử dụng. 
  • Dùng bao đựng: thường áp dụng cho thực phẩm rắn. Các thực hiện vô cùng đơn giản là bạn cho thực phẩm vào bao đựng rồi dàn đều. Sau đó lấy đũa chia các phần nhỏ vừa ăn rồi bỏ vào trong ngăn đá. 

Bảo quản thức ăn dặm trong ngăn đá

Thực phẩm bảo quản đông lạnh trong khay đựng

2.3. Cách rã đông thực phẩm ăn dặm cho bé khi cần dùng 

2.3.1. Đun cách thủy

Là phương pháp rã đông truyền thống giúp giữ nguyên vitamin và khoáng chất của thực phẩm. Đối với phương pháp này, mẹ chỉ việc bỏ các viên thức ăn vào bát rồi đem hấp cách thủy. Mẹ lưu ý nên cho một lượng nước vừa đủ để khi sôi nước không bị tràn vào thức ăn. Nên đun sôi thức ăn trong lửa nhỏ cho tới khi thức ăn tan ra là được. 

Đun cách thủy rã đông thức ăn dặm

Rã đông bằng phương pháp đun cách thủy giúp giữ nguyên vitamin và khoáng chất

2.3.2. Sử dụng lò vi sóng

Dùng lò vi sóng để rã đông thực phẩm ăn dặm cho bé là phương pháp đơn giản nhất. Mẹ chỉ việc cho thức ăn vào bát rồi bỏ trong lò vi sóng, lựa chọn thời gian và mức nhiệt thích hợp. Phương pháp rã đông này vô cùng nhanh chóng và tiện lợi, giúp mẹ tiết kiệm thời gian một cách hiệu quả. 

Rã đông đồ ăn dặm bằng lò vi sóng

Có thể rã đông thức ăn dặm bằng lò vi sóng

2.3.3. Rã đông trong ngăn mát

Cách này được xem là tối ưu và an toàn nhưng lại tốn khá nhiều thời gian. Những sản phẩm rã đông trong ngăn mát nếu chưa sử dụng ngay vẫn có thể bảo quản được trong vòng 3 - 5 ngày. 

Rã đông trong ngăn mát

Bạn có thể rã đông thức ăn dặm cho bé trong ngăn mát 

2.3.4. Ngâm rã đông

Đối với phương pháp rã đông này, mẹ cần đặt khối thực phẩm đông lạnh đã được xay nhuyễn vào trong túi zip nhựa. Sau đó đóng kín túi rồi ngâm trong bát nước nóng hoặc ấm. Phương pháp rã đông này tốn khoảng từ 10 - 20 phút để thực phẩm tan đá hoàn toàn nhưng bù lại chúng sẽ được hâm nóng đồng đều. 

Ngâm rã đông đồ ăn dặm

Ngâm rã đông thức ăn trong nước ấm 

3. Nguyên tắc khi bảo quản đồ ăn dặm cho bé

  • Bảo quản càng sớm càng tốt: nên bảo quản bột ăn dặm cho bé tại ngăn mát hoặc ngăn đá tủ lạnh trong vòng 1 giờ sau khi nấu. 
  • Không bảo quản bột ăn dặm còn thừa của bé: bảo quản cháo tươi, bột thừa có thể khiến chúng bị vữa, hỏng hoặc sản sinh nhiều độc tố và vi khuẩn có hại cho hệ tiêu hóa, sức khỏe của bé. Tốt nhất là mẹ đem đổ hoặc ăn phần bột thừa này. 
  • Ghi tên và ngày bảo quản các loại bột ăn dặm trên hộp: đây là cách giúp mẹ có thể dễ dàng phân loại, không bị quên khiến bột ăn dặm bị hư hoặc biến chất. 
  • Chia bột ăn dặm của bé theo từng phần: việc chia bột ăn dặm của bé theo từng phần giúp mẹ có thể sử dụng ngay khi cần và tiết kiệm thời gian đo lường. 
  • Giữ ấm bột ăn dặm thay vì phải hâm nóng liên tục: hâm bột ăn dặm của bé liên tục trong suốt thời gian ăn là cách làm không khoa học. Bởi vì sẽ làm biến đổi mùi vị, chất dinh dưỡng. Mẹ nên đặt chén bột vào trong bát nước ấm hoặc cho bột vào bình giữ nhiệt để bột luôn ấm, bé ăn ngon miệng hơn. 
  • Để bột ăn dặm vào ngăn mát trước khi đem hâm nóng: nếu mẹ bảo quản bột trong ngăn đá, mẹ nên cho xuống ngăn mát từ tối hôm trước để bé có thể sử dụng vào ngày hôm sau. Hoặc có thể ngâm vào nước nóng hoặc lò vi sóng. 

4. Lưu ý khi bảo quản đồ ăn dặm cho bé

  • Không dùng sản phẩm từ thủy tinh để đựng đồ ăn dặm rồi đem bảo quản trong ngăn đá vì thủy tinh có thể nứt vỡ, gây nguy hiểm. 
  • Đồ ăn dặm của bé khi được rã đông nên được sử dụng ngay hoặc chỉ được bảo quản ở ngăn mát tối đa 1 ngày, tuyệt đối không được để đông lạnh một lần nữa.
  • Tủ lạnh nhà bạn cần được duy trì một mức nhiệt ổn định, nên hạn chế việc mở và đóng tủ liên tục vì như vậy sẽ rất dễ làm hỏng đồ ăn dặm của bé. 
  • Tuyệt đối không được rã đông đồ ăn dặm của bé ngoài không khí. Môi trường bên ngoài chính là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn xâm nhập, làm ảnh hưởng tới chất lượng đồ ăn. 
  • Cần vệ sinh tủ lạnh thường xuyên để ngăn chặn vi khuẩn lây lan, phát triển. 
  • Mẹ chỉ nên cho bé sử dụng thức ăn đông trong vòng 1 tuần và không nên để quá lâu. Cho dù phương pháp của bạn có tối ưu đến mấy thì cũng chỉ có thể bảo quản đồ ăn dặm trong một khoảng thời gian nhất định. 
  • Nếu sử dụng đồ ăn rã đông vẫn còn thừa, mẹ nên đổ thức ăn thừa và không được bảo quản thêm một lần nữa. Khi rã đông lần hai, các chất dinh dưỡng trong thực phẩm sẽ không còn. 
  • Nên chia nhỏ thức ăn theo khẩu phần của bé trong một lần ăn. Làm vậy sẽ tiết kiệm thời gian rã đông, tránh hâm nóng đồ ăn trong nhiều lần làm mất đi chất dinh dưỡng. 

Trên đây là toàn bộ thông tin về cách bảo quản đồ ăn dặm cho bé từ Vinamilk mà mẹ cần biết. Hy vọng thông tin này sẽ hữu ích để bạn có thể chăm sóc chu đáo cho bé trong giai đoạn ăn dặm.