Sức Khoẻ Bệnh

HUYẾT ÁP BÌNH THƯỜNG THEO WHO LÀ BAO NHIÊU? CÁCH DUY TRÌ

Ngày đăng:

26/02/2024

Huyết áp được xem như một trong những thông số quan trọng giúp bác sĩ đưa ra đánh giá về trạng thái sức khỏe tổng thể của cơ thể, đặc biệt là liên quan đến sức khỏe và hoạt động của hệ thống tim mạch. Vậy huyết áp bình thường là bao nhiêu và cách duy trì huyết áp ổn định như thế nào? Cùng Vinamilk đi tìm lời giải đáp ngay trong bài viết dưới đây.

Giải đáp huyết áp bình thường là bao nhiêu

Huyết áp bình thường là bao nhiêu? Cách duy trì huyết áp ổn định

1. Huyết áp bình thường là bao nhiêu?

Khi đo huyết áp, người ta sẽ ghi nhận 2 chỉ số là huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Đây là 2 chỉ số áp lực của máu lên động mạch khi tim co bóp và giãn ra.

Ở trạng thái bình thường, chỉ số huyết áp chuẩn thường nằm trong khoảng:

  • Huyết áp tâm thu: từ 90 đến 129 mmHg.
  • Huyết áp tâm trương: từ 60 đến 84 mmHg.

Tuy nhiên, các chỉ số này có thể biến đổi tùy theo thời điểm trong ngày, tùy thuộc vào thể trạng của mỗi người. Nếu chỉ số này cao hơn hoặc thấp hơn so với mức bình thường là những dấu hiệu cảnh báo về sức khỏe không bình thường, tuyệt đối không nên chủ quan.

Huyết áp bình thường là bao nhiêu

Khi đo huyết áp, 2 chỉ số được ghi nhận là huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương

2. Chỉ số huyết áp bình thường theo chuẩn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)

2.1 Huyết áp bình thường

Hiện nay, việc kiểm tra sức khỏe thông qua máy đo huyết áp tại nhà trở nên phổ biến và dễ dàng. Màn hình của máy đo huyết áp sẽ hiển thị hai chỉ số: huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương.

Chỉ số huyết áp được coi là bình thường khi huyết áp tâm thu dưới 120 và huyết áp tâm trương dưới 80.

2.2 Huyết áp cao

Nếu kết quả huyết áp vượt quá 120/80 mmHg, đó có thể là dấu hiệu của huyết áp cao.

Khi huyết áp tâm thu của bạn (số phía trên) nằm trong khoảng từ 120 đến 129 mmHg hoặc huyết áp tâm trương của bạn (số dưới) là 80, bạn có thể đang trải qua giai đoạn "tiền tăng huyết áp".

Mặc dù trong khoảng này vẫn chưa được coi là tăng huyết áp và chưa gây ra ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe, nhưng đây không phải là chỉ số huyết áp bình thường. Vì vậy, có khả năng bạn đang tiến tới tình trạng tăng huyết áp.

Huyết áp bình thường là mức 120/80 mmHg

Nếu kết quả huyết áp vượt quá 120/80 mmHg, đó có thể là dấu hiệu của huyết áp cao

2.3 Tăng huyết áp độ I

Bạn sẽ được chẩn đoán là mắc bệnh tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu nằm trong khoảng từ 130 đến 139 mmHg, hoặc khi huyết áp tâm trương nằm trong khoảng từ 80 đến 89 mmHg. Đây được coi là tăng huyết áp độ 1.

Tuy nhiên, nếu bạn chỉ đo huyết áp một lần và nhận được kết quả này, vẫn chưa đủ để kết luận bạn thực sự có bị tăng huyết áp hay không. Bạn cần tiếp tục kiểm tra chỉ số huyết áp thường xuyên và tham khảo ý kiến của bác sĩ. Nếu chỉ số huyết áp cao vẫn luôn duy trì trong thời gian dài thì có khả năng bạn đã mắc bệnh tăng huyết áp.

2.4 Tăng huyết áp độ II

Tăng huyết áp độ II là tình trạng chỉ số huyết áp tâm thu sẽ ở mức 140 mmHg trở lên, hoặc khi huyết áp tâm trương ở khoảng 90 mmHg trở lên. Ở giai đoạn này, bạn cần thay đổi lối sống và tuân thủ các chỉ định của bác sĩ.

Tăng huyết áp độ 2 là khi huyết áp tâm trương ở khoảng 90 mmHg trở lên

Tăng huyết áp độ II là tình trạng chỉ số huyết áp tâm thu sẽ ở mức 140 mmHg trở lên

2.5 Huyết áp thấp

Khi bị hạ huyết áp, người bệnh sẽ đột ngột cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, tim đập nhanh và có thể mất ý thức.

Nếu bạn đo huyết áp sẽ thấy chỉ số huyết áp tâm thu thấp hơn 90 mmHg và huyết áp tâm trương thấp hơn 60 mmHg. Đây là dấu hiệu của huyết áp thấp và đòi hỏi sự can thiệp y tế kịp thời.

3. Những yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số huyết áp bình thường

3.1 Yếu tố tâm lý và vận động

Hoạt động mạnh hoặc trạng thái tinh thần căng thẳng, lo âu, hoặc hồi hộp có thể làm cho tim co bóp nhanh hơn, tạo ra áp lực máu cao hơn lên thành động mạch. Kết quả là chỉ số huyết áp sẽ cao hơn mức bình thường.

3.2 Tình trạng của động mạch

Máu được vận chuyển qua động mạch để cung cấp dưỡng chất cho các tế bào trong cơ thể. Nếu động mạch khỏe mạnh và linh hoạt, không có sự cản trở, máu có thể lưu thông dễ dàng mà không làm ảnh hưởng đến chỉ số huyết áp.

Tuy nhiên, ở những người bị xơ vữa động mạch, đặc biệt là người cao tuổi, tính linh hoạt và sự co dãn của động mạch giảm đi. Điều này làm cho việc lưu thông máu trở nên khó khăn, thậm chí có thể dẫn đến tắc nghẽn mạch máu. Do đó, áp lực trong thành của động mạch tăng lên, dẫn đến tăng huyết áp thường xuyên hơn.

3.3 Thiếu máu

Nếu cơ thể thiếu máu, áp lực cần thiết để đẩy máu qua động mạch sẽ giảm. Điều này có thể dẫn đến huyết áp thấp, gây ra các vấn đề sức khỏe. Tình trạng này xảy ra ở những người có sức khỏe yếu, thường xuyên trải qua căng thẳng, mất ngủ, thiếu máu hoặc mất máu nhiều, có thể dẫn đến ngất xỉu và thậm chí tử vong.

Một vài yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số huyết áp bình thường

Nếu cơ thể thiếu máu, áp lực cần thiết để đẩy máu qua động mạch sẽ giảm

3.4 Do các yếu tố tăng

Chỉ số huyết áp chuẩn có thể bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bên ngoài cơ thể như sau:

  • Tư thế ngồi: Ngồi không đúng tư thế có thể làm máu không lưu thông, dẫn đến tăng hoặc giảm huyết áp.
  • Sinh hoạt hàng ngày: Thói quen sinh hoạt, như ăn nhiều muối, ăn mỡ, và tiêu thụ chất kích thích có thể gây xơ cứng động mạch, gây ra tình trạng tăng huyết áp.
  • Thể dục: Thiếu vận động và thể dục đều đặn có thể dẫn đến chỉ số huyết áp không ổn định. Thể dục thường xuyên giúp cải thiện lưu thông máu và ngăn chặn tình trạng tăng huyết áp không bình thường.

4. Cách duy trì huyết áp ổn định

4.1 Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý

Nên thiết lập một thực đơn ăn uống lành mạnh và khoa học, hạn chế tiêu thụ thức ăn mặn, đồ chiên rán và thực phẩm có nhiều dầu mỡ. Thay vào đó, tăng cường ăn các loại thực phẩm tươi, giàu vitamin để tăng cường hệ miễn dịch. Đồng thời, tránh sử dụng rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích khác.

4.2 Thể dục đều đặn

Nên thường xuyên rèn luyện thói quen tập thể dục đều đặn để giảm hấp thụ nhiệt lượng và tăng cường lưu thông máu. Tùy thuộc vào độ tuổi và thể trạng, hãy lựa chọn những bài tập phù hợp và duy trì chúng hàng ngày.

Một vài cách khiến huyết áp ổn định

Nên rèn luyện thói quen tập thể dục đều đặn để duy trì huyết áp ổn định

4.3 Cân bằng về tâm lý

Người bị các bệnh về huyết áp không nên làm việc quá căng thẳng. Thay vào đó, hãy phát triển thói quen sống và làm việc khoa học và có thời gian nghỉ ngơi hợp lý.

4.4 Theo dõi huyết áp và tầm soát bệnh về huyết áp

Nên sở hữu một máy đo huyết áp để tự kiểm tra huyết áp tại nhà, đặc biệt là đối với những người có tiền sử bệnh lý liên quan đến huyết áp. Đối với người trẻ có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, việc thực hiện kiểm tra huyết áp định kỳ có thể giúp phát hiện và phòng ngừa các bệnh lý nguy hiểm liên quan đến huyết áp.

5. Cách nhận biết huyết áp cao, hạ huyết áp

5.1 Cách nhận biết huyết áp cao

  • Biểu hiện bệnh huyết áp cao thường diễn biến thầm lặng, ít có triệu chứng rõ ràng.
  • Triệu chứng thoáng qua bao gồm: nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, mất ngủ nhẹ.
  • Các biểu hiện dữ dội hơn gồm: đau nhói vùng tim, suy giảm thị lực, thở gấp, mặt đỏ phừng, nôn ói, hồi hộp, đánh trống ngực, hốt hoảng.

5.2 Cách nhận biết hạ huyết áp

  • Người bị hạ huyết áp thường gặp các triệu chứng như hoa mắt hoặc chóng mặt khi thay đổi tư thế đột ngột như đứng dậy sau khi ngồi lâu hoặc ngồi bật dậy khi đang nằm.
  • Bệnh nhân hạ huyết áp thường xuyên cảm thấy đau đầu, đặc biệt là khi căng thẳng hoặc tham gia vào hoạt động thể lực nặng, thường đau nặng hơn ở vùng đỉnh đầu.
  • Người bị hạ huyết áp nghiêm trọng có thể trải qua các dấu hiệu như mất thính giác, tình trạng mờ mắt và ngất xỉu.
  • Các triệu chứng khác của hạ huyết bao gồm nhịp tim nhanh, giảm tập trung và cảm thấy mệt mỏi.


Trên đây là toàn bộ các thông tin liên quan về huyết áp bình thường là bao nhiêu. Hy vọng qua bài viết này bạn đã hiểu thêm về chỉ số huyết áp, các yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp và cách duy trì huyết áp ổn định. Thường xuyên theo dõi huyết áp và nên đến bệnh viện ngay khi có các dấu hiệu bất thường về huyết áp.