Thông Tin Dinh Dưỡng

GIÚP MẸ PHÒNG TRÁNH VÀ ĐIỀU TRỊ CHO BÉ NÔN TRỚ

Ngày đăng:

10/07/2016

Rất khó để phân biệt nôn trớ vì chúng có biểu hiện gần giống nhau. Trớ là hiện tượng một lượng thức ăn bị trào khỏi miệng ngay sau hoặc trong bữa ăn. Nôn là hiện tượng sự co bóp của dạ dày phối hợp với co bóp của cơ hoành và thành bụng khiến thức ăn trong dạ dày bị đưa hết ra ngoài. Nôn trớ là hiện tượng rất phổ biến ở các bé sơ sinh. Đây có thể là hiện tượng sinh lý tự nhiên nhưng có thể là dấu hiện của một số bệnh lý. Bài viết dưới đây sẽ giúp mẹ hiểu thêm về tình trạng nôn trớ ở bé cũng như cách phòng tránh, điều trị cho bé.

Nôn trớ là tình trạng rất phổ biến ở bé sơ sinh

Nôn trớ là tình trạng rất phổ biến ở bé sơ sinh

Các nguyên nhân gây nôn trớ ở bé em

Khi mới sinh, dạ dày còn nằm ngang, cơ thắt tâm vị (đầu trên dạ dày) đóng lỏng lẻo trong khi đó cơ thắt môn vị ( đầu dưới dạ dày) đóng chặt nên bé rất hay nôn trớ. Nếu bé nôn trớ mà vẫn ăn bình thường, ngủ ngoan, lên cân thì mẹ không cần phải lo. Tuy nhiên cũng không nên chủ quan vì nôn trớ cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh nguy hiểm

+ Nguyên nhân gây nôn trớ sinh lý

  • Bé ăn quá nhiều, quá no hoặc nuốt quá nhiều không khí, khi ngậm vú giả hoặc bú bình không nghiêng cho sữa ngập cổ bình.
  • Nằm ngay sau khi bú sữa hoặc ăn.
  • Cũng có thể do quấn tã bụng quá chặt hoặc do rối loạn thần kinh thực vật, rối loạn co bóp dạ dày.

+ Nguyên nhân gây nôn trớ bệnh lý

  • Viêm dạ dày, ruột do virus (phổ biến nhất)
  • Ngộ độc thức ăn (thức ăn bị nhiễm khuẩn do bảo quản không tốt); Viêm dạ dày ruột do vi khuẩn (thường không quá nặng)
  • Ho, cảm, nhiễm trùng đường hô hấp (bé thường nôn sau cơn ho nặng)
  • Viêm tai, viêm ruột thừa
  • Nhiễm trùng tiết niệu (nhiễm trùng bàng quang)
  • Tắc ruột
  • Lồng ruột
  • Hẹp môn vị

Cách xử lý khi bé bị nôn trớ

  • Khi bé bị nôn trớ, mẹ hãy để bé nằm nghiêng một bên để không bị hít chất nôn vào phổi, tuyệt đối tránh bế xốc bé lên khi đang nôn trớ vì sẽ làm tăng nguy cơ trào dịch nôn vào phổi.
  • Khi bé đang bị nôn trớ sữa hay thức ăn ra ngoài, mẹ lấy khăn sạch lau nhẹ miệng cho bé và quàng khăn vào cổ bé đề phòng bé nôn trớ tiếp. Sau đó, lau mặt miệng cho bé, thay áo, súc miệng để tránh mùi khó chịu do chất nôn gây ra.
  • Khi bé nôn nhiều, mẹ cần bổ sung nước cho bé bằng dung dịch Oresol, nước chín, đừng ép bé ăn. Khi bé không nôn nữa, mẹ hãy cho bé ăn các thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa và cho bé ăn từng tí một.
  • Trường hợp bé nôn trớ kéo dài hoặc ngoài nôn bé có kèm các triệu chứng khác như: sốt, đau bụng, lơ mơ, co giật, hay nôn ói liên tục, có dấu hiệu mất nước như: miệng khô, ít nước mắt, tiểu ít… thì cần đưa bé đến ngay cơ sở y tế để được chữa trị kịp thời mẹ nhé.

Biện pháp phòng tránh, hạn chế việc nôn trớ ở bé

+ Đối với bé bú sữa mẹ hoặc bú bình

  • Mẹ nên cho bé bú từ từ, không cho bé bú quá no. Mẹ cần bế đầu và thân bé nằm trên một đường thẳng, mặt của bé quay vào vú, mũi của bé đối diện với núm vú. Mẹ phải ôm bé sát vào người và đỡ mông bé. Chạm vú vào môi trên của bé, đợi đến khi miệng bé mở rộng, mẹ đưa miệng bé vào vú sao cho môi dưới của bé ở dưới núm vú. Không nên cho trẻ nằm bú vì trẻ dễ bị sặc sữa.
  • Mẹ nên cho bé bú bên trái trước vì lúc này lượng sữa trong dạ dày còn ít, bé có thể nằm nghiêng bên phải. Sau đó, chuyển bé sang bên phải vì lúc đó dạ dày bé nhiều sữa, cần nằm nghiêng trái. Như vậy, sữa sẽ dễ dàng đi xuống dạ dày không gây trào ngược.
  • Sau khi cho bé bú xong, mẹ đừng cho bé nằm ngay mà cần bế bé lên và vỗ nhẹ phần lưng để bé ợ hơi, giảm lượng hơi bé nuốt vào dạ dày.
  • Nếu cho bé bú bình, mẹ nhớ nghiêng bình sữa cho bé bú, sao cho sữa ngập cổ bình để tránh nuốt không khí vào dạ dày gây nôn trớ.

+ Với bé ăn dặm

  • Mẹ không nên ép bé ăn quá nhiều. Tâm lý sợ hãi cũng có thể dẫn đến tình trạng nôn trớ.
  • Chia thức ăn làm nhiều bữa nhỏ trong ngày. Các bữa ăn của bé nên tập trung và chỉ nên kéo dài không quá 30 phút/ bữa. Thời gian ăn lâu sẽ khiến bé mệt mỏi, chán ăn, khóc và quấy phá.
  • Một số bé có thể bị dị ứng sữa bò tươi, mẹ có thể thay thế bằng sữa đậu nành hoặc sữa bò dưới dạng sữa chua.

Hy vọng với những thông tin trên, mẹ đã có cách phòng tránh cũng như xử lý khi bé nôn trớ. Chúc bé của mẹ luôn bú ngoan, ngủ ngon và khỏe mạnh để mẹ yên tâm nhé!

Bác sỹ Hồ Thị Nam Huế

Trung tâm Dinh dưỡng VNM