Thông Tin Dinh Dưỡng

HƯỚNG DẪN CÁCH XỬ LÝ KHI BÉ ĐUỐI NƯỚC

Ngày đăng:

07/11/2016

Các bé dưới 5 tuổi thường dễ gặp tai nạn với xô, chậu, chum, vại, bể chứa nước, ao hay giếng khơi trong gia đình. Nhiều trường hợp bé bị đuối nước là do sự bất cẩn, lơ là của bố mẹ khi để bé chơi gần những khu vực ẩn chứa nguy hiểm tiềm tàng. Vì thế, bố mẹ cần giám sát thường trực khi cho bé tiếp xúc với nước. Ngoài ra, bố mẹ cần có kỹ năng xử lý khi bé đuối nước để giúp bé thoát khỏi nguy hiểm.

Kể cả khi cho bé bơi trong nhà, bố mẹ vẫn nên giữ tinh thần cảnh giác, canh chừng bé sát sao nhé

Kể cả khi cho bé bơi trong nhà, bố mẹ vẫn nên giữ tinh thần cảnh giác, canh chừng bé sát sao nhé

Quy trình sơ cứu tại chỗ khi bé đuối nước

Bước 1: Nhanh chóng đưa bé ra khỏi mặt nước, dìu bé lên bờ rồi gọi người giúp đỡ.

Bước 2: Đặt bé nằm nơi khô ráo, thoáng khí và giữ ấm cho bé.

Bước 3: Nếu bé bất tỉnh, hãy kiểm tra xem có còn thở không bằng cách quan sát sự di động của lồng ngực. Nếu lồng ngực không di động, tức là bé ngừng thở thì phải hô hấp nhân tạo (thổi ngạt bằng miệng) ngay lập tức.

+ Đặt bé nằm trên mặt phẳng đầu hơi ngửa ra sau,móc hết đàm nhớt, dị vật trong miệng bé.

+ Dùng ngón cái và ngón trỏ bịt mũi bé, sau đó hít thở thật sâu rồi thổi hơi trực tiếp qua miệng. Sau 5 lần hô hấp nhân tạo mà bé vẫn chưa thở lại được hoặc còn tím tái và hôn mê thì xem như tim của bé đã ngưng đập, cần ấn tim ngoài lồng ngực ngay. Ấn vào vùng nửa dưới xương ức theo cách như sau:

+Dùng 2 ngón tay cái (đối với bé dưới 1 tuổi) ấn ở vị trí giữa và dưới đường nối hai đầu vú 1 khoát ngón tay (tức khoảng bằng bề ngang một ngón tay).

+Dùng 1 bàn tay (đối với bé từ 1-8 tuổi) hoặc 2 bàn tay đặt chồng lên nhau (đối với bé hơn 8 tuổi) ấn vào phía trên mỏm ức 2 khoát ngón tay.

+Phối hợp ấn tim và thổi ngạt theo tỷ lệ 5/1 (đối với bé dưới 8 tuổi) hoặc 15/2 (đối với bé trên 8 tuổi).

Cần lưu ý là vẫn phải tiếp tục thực hiện các động tác cấp cứu này trên đường chuyển bé bị nạn tới cơ sở y tế,việc cấp cứu này đôi khi phải mất hàng giờ hoặc lâu hơn. Trong trường hợp chỉ có một người cấp cứu thì cứ 30 lần ép tim thì thực hiện 2 lần hà hơi thổi ngạt. Còn nếu có 2 người cùng cấp cứu thì 15 lần ép tim, 2 lần thổi ngạt. Kiên trì thực hiện cho đến khi mạch đập và bé có thể thở trở lại.

Nếu bé còn tự thở, cho bé nằm nghiêng sang một bên. Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm. Nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện gần nhất vì có thể sẽ xảy ra khó thở tái diễn.

Bước 4: Bé sẽ nôn nhiều nước khi tỉnh lại, do đó cần đặt bé ở tư thế nằm kiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để tránh trường hợp bé bị ngạt thở trở lại.

Bước 5: Kiểm tra cơ thể bé xem có bị gãy cột sống hoặc các chấn thương về xương khớp nào hay không. Nếu có, nhanh chóng cố định cổ bằng nẹp.

Bước 6: Nếu sơ cứu có kết quả, bé thở lại, cử động giãy giụa, hay vẫn còn hôn mê nhưng đã có mạch và nhịp thở thì gọi xe cấp cứu hay dùng mọi phương tiện sẵn có chuyển đến cơ sở y tế có trang bị hồi sức cấp cứu gần nhất. Quá trình vận chuyển vẫn phải tiếp tục cấp cứu và đắp giữ ấm cho bé.

Một số lưu ý phòng tránh đuối nước cho bé

  1. Đối với bé nhỏ:

– Người lớn giám sát thường xuyên khi bé bơi. Không được rời mắt để làm công việc khác như đọc sách, tán chuyện gẫu, chơi bài…

– Đậy kín nắp lu nước, thùng nước và không được để bé đến gần. Nếu có hồ bơi nên rào kín xunh quanh, khóa cửa không để bé vào.

– Nên cho bé tập bơi sớm (trên 4 tuổi). Không để bé ăn quá no hay quá đói khi xuống nước. Không cho bé xuống nước lúc nắng gắt.

– Cho bé dùng phao khi bé xuống hồ, dù là bể bơi ở nhà hay hồ bơi công cộng. Không nên ỷ y, lơ đãng dù bé đã mặc áo phao, vì bé có thể gặp những tai nạn khác khi bơi.

  1. Đối với bé lớn:

– Không nên nhảy xuống những vùng nước lạ, không biết nơi đó nông hay sâu, có lối thoát khi gặp nguy hiểm hay không.

– Nên đi bơi chung với những người lớn bơi thành thạo và mang theo phao khi đi bơi hoặc đi tàu thuyền.

– Không ăn no và không để bụng đói khi xuống nước

– Chỉ đi bơi ở các hồ bơi bảo đảm an toàn, có nhân viên cứu hộ giám sát.

Đuối nước là một tai nạn nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến tử vong. Vì thế, bố mẹ cần trang bị kiến thức xử lý đuối nước để có thể sơ cứu kịp lúc giúp bé tránh khỏi nguy hiểm, cũng như luôn giám sát mỗi khi bé đến gần khu vực nước sâu như hồ bơi, ao, sông, suối… Chúc bé có những giờ phút thư giãn vui chơi bên bố mẹ.

BS Hồ Thị Nam Huế

Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk