Thông Tin Dinh Dưỡng

MÁCH NƯỚC KẾ HOẠCH VƯỢT CẠN HOÀN HẢO CHO MẸ BẦU

Ngày đăng:

07/05/2017

Thời điểm dự sinh ngày càng gần cũng là lúc mẹ phải tất bật chuẩn bị nhiều thứ, đặc biệt với những mẹ lần đầu có em bé, bối rối và lo lắng là điều không tránh khỏi. Mẹ đừng lo, chỉ cần mẹ chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng, giữ sức khoẻ hàng ngày, duy trì uống sữa cho bà bầu và thư giãn mỗi ngày, mẹ sẽ vượt cạn dễ dàng thôi. Bài viết dưới đây sẽ giúp mẹ lên danh sách các việc cần làm, những đồ vật cần chuẩn bị, cũng như bí quyết để vượt cạn thành công, giảm thiểu những đau đớn. Cùng tham khảo mẹ nhé!

Lên kế hoạch sinh nở

  • Luôn đảm bảo trong nhà có người đồng hành khi mẹ có dấu hiệu chuyển dạ: Đó có thể là bố em bé, người thân trong gia đình hoặc nữ hộ sinh mà mẹ tin tưởng. Các dấu hiệu chuyển dạ có thể đến mà không báo trước nên mẹ cần có người ở bên để có thể thu xếp và đưa mẹ đến bệnh viện, bảo đảm an toàn và tránh được các rủi ro khi mẹ phải tự xử lý mọi việc một mình.
  • Chọn lựa bác sĩ và cơ sở sinh con hợp lý: Chọn bệnh viện để sinh luôn là mối quan tâm hàng đầu của các mẹ bầu. Tốt nhất, mẹ nên chọn bệnh viện của bác sĩ mình đã theo thăm khám ngay từ đầu. Với những mẹ bầu sức khỏe yếu, trong thai kỳ đã gặp các biến chứng hay thuộc thai kỳ có nguy cơ cao, nên chọn bệnh viện tuyến trên để đảm bảo an toàn khi sinh nở.
  • Chọn phương tiện: Bố mẹ cần bàn bạc phương án hoặc phương tiện giúp mẹ nhanh chóng, an toàn đến bệnh viện ngay khi có yêu cầu từ bác sĩ hoặc khi có dấu hiệu chuyển dạ.
  • Tham khảo các bí quyết giảm đau của người đi trước: Mẹ có thể tham khảo từ các nguồn khác nhau để tìm liệu pháp phù hợp giúp dễ chịu hơn khi đến cơn đau chuyển dạ.
  • Tiếp năng lượng và giữ nước cho cơ thể: Cơ thể sẽ cần rất nhiều năng lượng và thoát một lượng nước đáng kể trong suốt quá trình chuyển dạ và sinh em bé. Vì thế, mẹ nên ăn thêm các thức ăn nhẹ giàu chất đường bột như bánh mì nướng, mì sợi, bột ngũ cốc, sữa chua, bánh quy, bánh sandwich…, vì chúng dễ tiêu hóa hơn các loại thức ăn khác và năng lượng từ đường bột có thể được dự trữ lâu hơn.
  • Tập thể dục: Trước thời gian dự sinh một tuần, mẹ cần tập trung nghỉ ngơi. Ngoài tăng cường về dinh dưỡng để cơ thể đủ sức khi sinh, mẹ cần ngủ đủ giấc và vận động thích hợp để hỗ trợ quá sinh nở diễn ra dễ dàng hơn.
  • Loại bỏ lo lắng: Tâm lý sợ hãi, lo lắng, vội vàng sẽ có ảnh hưởng không tốt đến quá trình vượt cạn của mẹ. Vì vậy, mẹ nên cố gắng duy trì tâm trạng thoải mái, vui vẻ để phối hợp với bác sĩ và các nữ hộ sinh chào đón sự xuất hiện của bé yêu.
  • Chuẩn bị sẵn đồ đi sinh: Mẹ nên sắp xếp hết tất cả đồ đạc cần thiết cho ngày sinh của cả mẹ và em bé vào một giỏ lớn, để có thể sẵn sàng đến bệnh viện bất cứ khi nào.

Liệu pháp thở giúp mẹ vượt cạn dễ dàng

  1. BS.Hoàng Thị Diễm Tuyết, giám đốc bệnh viện Hùng Vương đã chia sẻ các cách thở giúp mẹ bầu vượt cạn như sau:

 width=

  • Thở chậm và sâu khi bắt đầu chuyển dạ, cổ tử cung mở ít nhất 3 cm.
    • Khi cơn co tử cung xuất hiện, hít vào một hơi thật sâu, rồi thở ra chậm, đều đặn.
    • Hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng. Khi hít vào, bụng phải phồng lên mới đúng cách.
    • Thực hiện 4-6 nhịp thở cho một cơn co tử cung trong khoảng 25-30 giây.
  • Thở nhanh và nông khi cổ tử cung đã mở khoảng 4 -7 cm, các cơn cơ thắt xuất hiện dồn dập hơn:
    • Khi cơn gò tử cung đến, hít thật sâu, thở nhanh ra bằng ngực.
    • Khi cơn gò giảm, thở chậm lại, và hít sâu nếu cơn co tăng.
    • Thở chậm hơn ở đầu và cuối cơn co thắt, thở nhanh hơn ở giữa cơn co.
    • Cố gắng thở 20 – 25 lần/phút.
  • Thở như thổi nến trong giai đoạn chuyển tiếp, khi cổ tử cung mở 7-9 cm, cơn co tử cung bắt đầu xuất hiện với cường độ cao hơn, khoảng cách giữa 2 cơn co ngắn dần.
  • Lúc này, thở như thổi nến giúp giảm áp lực tử cung, tránh rặn sớm.
  • Khi cơn co bắt đầu, hít một hơi thật sâu, sau đó thực hiện 4 nhịp thở nhanh, nông bằng cách thổi phù.
  • Làm lặp đi lặp lại đến khi cơn co dừng lại, kết thúc với hơi thở sâu.
  • Thở để rặn khi cổ tử cung mở hoàn toàn và mẹ đã sẵn sàng để rặn đẻ:
    • Khi xuất hiện cơn co, thở sâu 2 lần liên tiếp, sau đó hít một hơi dài, giữ hơi trong phổi và bắt đầu rặn.
    • Khi rặn, nhấn cằm giữ tại ngực, giữ cho tầm nhìn của mắt trên rốn, tiếp tục rặn và thở sâu nếu hết hơi.
    • Thực hiện những hơi thở chậm và sâu, mẹ có thể chọn tư thế phù hợp nhất như nằm, đứng hoặc ngồi. Chỉ cần mẹ thấy thư giãn, hơi thở sẽ hiệu quả hơn.

Những đồ dùng cần thiết khi đi sinh
Mẹ hãy chuẩn bị tất cả đồ dùng cần thiết vào một giỏ xách lớn để sẵn sàng khi chuyển dạ nhé

Mẹ hãy chuẩn bị tất cả đồ dùng cần thiết vào một giỏ xách lớn để sẵn sàng khi chuyển dạ nhé

  • Đồ cho bé

– Áo len, áo ấm, áo sơ sinh

– Bộ đồ mặc lúc ra đời: áo, tã, mũ, găng, tất, băng rốn, khăn quấn bé dùng khi bé xuất viện. Mẹ bầu có thể yên tâm vì khi bé chào đời, toàn bộ quần áo, tã lót, khăn quấn…đều được bệnh viện cung cấp.

– Khăn giấy ướt cho trẻ sơ sinh để dùng khi bé đi vệ sinh.

– Khăn sữa

– Mền, gối, mũ ấm đi đường, mũ vải đội trong phòng.

– Tất tay, tất chân, tã giấy.

Tất cả đồ dùng của bé phải được giặt sạch sau khi mua về để tránh dị ứng da cũng như viêm nhiễm cho bé, mẹ nhé. Tuyệt đối không cho bé mặc ngay những quần áo, khăn quấn… vừa mua ở siêu thị về còn chưa bóc tem.

  • Đồ dùng cho mẹ:

– Áo ấm, khăn, mũ, áo lót cho con bú, quần lót giấy hoặc quần dùng 1 lần, tất chân, bộ đồ cotton mặc lúc từ bệnh viện về nhà.

– Dầu, dung dịch vệ sinh, băng vệ sinh, giấy vệ sinh loại to và mềm, lược, khăn mặt, bàn chải, kem đánh răng.

– Miếng lót thấm sữa, nước uống, phích nước nóng, cốc, thìa, bát đũa, dao nhỏ gọt hoa quả.

– Tiền, điện thoại di động, túi hồ sơ theo dõi thai kỳ, túi nilon đựng đồ bẩn.

  • Giấy tờ cần thiết:

– Tất cả các loại hồ sơ, sổ khám thai, kết quả xét nghiệm, siêu âm kể từ ngày bắt đầu đi khám thai để bác sĩ có thể xem lại lịch sử phát triển của thai nhi, đánh giá đúng hơn tuổi cũng như các tình trạng khác của thai, bệnh lý của mẹ.

– Các loại giấy tờ tùy thân: chứng minh nhân dân, hộ khẩu, bảo hiểm y tế (nếu có). Nên photocopy sẵn hai bản, không cần thiết phải công chứng nhưng bố mẹ nhớ mang theo bản gốc nhé. Các sản phụ nên để sẵn các loại giấy tờ này ở nơi dễ lấy, để người nhà có thể lấy hộ khi cần thiết.

– Tiền để đóng phí tạm ứng.

Hy vọng bài viết này đã cung cấp đủ thông tin cần thiết, giúp mẹ lên kế hoạch vượt cạn, chuẩn bị mọi thứ để chào đón sự ra đời của bé yêu. Bố mẹ có thể chuẩn bị sẵn máy quay phim hoặc chụp hình để ghi lại giờ phút trọng đại đối với cả nhà. Chúc mẹ vượt cạn thành công, mẹ tròn con vuông nhé!

TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết

Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương