Thông Tin Dinh Dưỡng

NHỮNG ĐIỀU MẸ BẦU CẦN TRÁNH ĐỂ CÓ THAI KỲ KHỎE MẠNH

Ngày đăng:

04/07/2016

Không phải tự nhiên chín tháng mang thai trở thành một sự kiện trọng đại. Bên cạnh sự xuất hiện của thiên thần nhỏ sẽ giúp ba mẹ có những thay đổi tích cực và trở thành “người lớn” thật sự, thì trong suốt thai kỳ cơ thể mẹ bầu sẽ có những thay đổi kỳ diệu để nuôi lớn em bé, đi kèm với yêu cầu mẹ phải chú ý trong cách sinh hoạt và lưu tâm đến ‘tám trăm chuyện khác” để hai mẹ con thật khỏe mạnh, an toàn.

Thực ra thì, việc đảm bảo mục tiêu thai kỳ khỏe mạnh sẽ không phức tạp như mẹ nghĩ nếu bắt đầu bằng việc nhớ kỹ và làm tốt những chỉ dẫn dưới đây:

Từ chối những thực phẩm không có lợi cho sức khỏe

Trong suốt thai kỳ, dinh dưỡng luôn là một yếu tố quan trọng giúp cung cấp đủ chất cho cả hai mẹ con. Mẹ bầu thường rơi vào hai trạng thái chán ngán ăn uống hoặc cái gì cũng thèm. Chán ăn và ít ăn sẽ khiến thai nhi thiếu dinh dưỡng để phát triển tốt. Song trạng thái thèm ăn chưa hẳn đã tốt nếu như mẹ không biết chọn lọc và từ chối những thức ăn có hại cho sức khỏe và thai nhi.

Mẹ bầu luôn được nhắc nhở không nên ăn các loại thức ăn chưa được nấu chín kỹ, các loại thức ăn sẵn như xúc xích, thịt hộp…, uống nước trái cây đóng chai, các loại sữa, sản phẩm chế biến từ sữa chưa được tiệt trùng. Chúng tiềm tàng vi khuẩn gây hại cho sức khỏe. Đồng thời, mẹ cần nắm trong tay danh sách thức ăn cần tránh như: cá tầng nước sâu có chứa hàm lượng thủy ngân cao như cá thu, cá kiếm… và các loại có thể gây động thai như đu đủ xanh, rau sam, long nhãn…

Bên cạnh đó, mẹ cần chú ý thức ăn giúp bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết như: sắt, canxi, vitamin A, vitamin D, vitamin B, axit folic… Việc bổ sung sắt có thể nhờ đến sự hỗ trợ của bác sĩ. Ngoài ra, axit folic vẫn rất cần thiết cho trong tam cá nguyệt 1 nhưng mẹ bầu thường được khuyên bổ sung trước khi mang thai để có hiệu quả hơn. Nên mẹ bầu có thể hỏi ý kiến bác sĩ và cân nhắc thời điểm bổ sung axit folic.

Mẹ bầu có thể hỏi ý kiến bác sĩ và cân nhắc thời điểm bổ sung axit folic.

Nói không với thuốc lá

Khói thuốc lá làm tăng nguy cơ sẩy thai hoặc bé bị dị tật như sứt môi, hở hàm ếch. Đồng thời làm tim hoạt động mạnh, gây tăng huyết áp, giảm sữa mẹ sau sinh…

Nếu mẹ từng hút thuốc thì hãy chắc chắn rằng việc này sẽ không tiếp diễn trong thai kỳ. Thậm chí, nếu việc sinh con là có kế hoạch thì mẹ nên nói tạm biệt với thuốc lá cả trước khi mang thai. Đồng thời, mẹ cũng cần bảo bố bé bỏ luôn thuốc lá để tránh hai mẹ con hít phải khói thuốc thụ động và tránh xa khói thuốc lá ở chốn công cộng.

Không hút thuốc và tránh xa khói thuốc lá khi mang thai

Không hút thuốc và tránh xa khói thuốc lá khi mang thai

Không sử dụng chất kích thích

Các chất kích thích như rượu, bia, đồ uống có cồn, café,… và cả trà đều là cấm kỵ với mẹ bầu.

Rượu, bia làm tăng nguy cơ bé gặp “Hội chứng đồ uống có cồn ở bào thai”, tức là gặp vấn đề trong ngôn ngữ, suy giảm mức độ tập trụng, khó khăn khi học hỏi, chậm phát triển về trí tuệ lẫn thể chất. Café và trà đều chứa chất caffeine gây mất ngủ cho mẹ và rối loạn thói quen ngủ của bé… thậm chí, nếu mẹ dùng nhiều có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai.

Không thức khuya

Thức khuya là thói quen xấu gây hại cho sức khỏe của mọi người và với mẹ bầu thì càng không nên vì có thể gây tăng tình trạng căng thẳng, khiến mẹ không được thư giãn và nghỉ ngơi đầy đủ ảnh hưởng đến tâm lý bé. Bên cạnh đó, thức khuya có thể tăng phù nề, gây khó chịu cho mẹ.

Mẹ bầu nên đi ngủ đúng giờ để hạn chế stress

Mẹ bầu nên đi ngủ đúng giờ để hạn chế stress

Đừng chọn quần áo quá chật

Mang bầu không có nghĩa là mẹ bị tước mất quyền sành điệu và thời trang. Song mẹ bầu vẫn nên chú ý chọn trang phục đẹp nhưng phải phù hợp, không nên mặc quá chật vì sẽ khiến bé không thể phát triển tốt. Ngoài ra, cần tránh đi giày cao gót vì có nguy cơ ngã khi cơ thể mẹ bầu không linh hoạt. Mẹ nên chọn quần áo rộng rãi, thoáng mát và sắm cho mình đôi giày bệt thoải mái, vừa chân.

Không làm việc nặng, nguy hiểm hay tiếp xúc với chất độc hại

Khi đang mang thai, cơ thể không thể linh hoạt, phản ứng nhanh, hậu quả nếu té ngã cũng cao hơn bình thường nên có một số việc nhà sẽ trở nên nguy hiểm với mẹ bầu. Mẹ cần tránh các công việc như: bưng bê, mang vác vật nặng, làm cỏ vườn quá lâu,…sẽ dễ khiến mẹ bị động thai hoặc té ngã gây nguy hiểm cho bé.

Mẹ cũng không nên tự mình dọn dẹp thường xuyên ở những nơi nhiều buị bặm, vi khuẩn và không tiếp xúc thân mật với vật nuôi hoặc sử dụng hóa chất, các loại thuốc xịt côn trùng,… Đặc biệt chú ý, đối với những việc cần leo lên cao thì nên nhờ người thân giúp.

Không nên tiếp xúc với hóa chất, các loại thuốc xịt côn trùng độc hại

Không nên tiếp xúc với hóa chất, các loại thuốc xịt côn trùng độc hại

Không tiếp xúc với những người mắc bệnh truyền nhiễm

Những người mắc bệnh thủy đậu, rubella… rất dễ lây nhiễm cho những người xung quanh, vì thế nếu mẹ bầu chưa được tiêm chủng ngừa bệnh này thì tốt hơn là đừng tiếp xúc.

Ngoài ra, trong thời gian mang thai, mẹ không nên vì cảm thấy mệt mà cho phép mình lười vận động, nên duy trình tập thể dục với các động tác nhẹ nhàng phù hợp. Đồng thời, duy trì việc khám thai, siêu âm hàng tháng và thực hiện đầy đủ các xét nghiệm theo yêu cầu của bác sĩ mẹ nhé.

Bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Thanh