Thông Tin Dinh Dưỡng

NHỮNG DƯỠNG CHẤT VÀNG PHÁT TRIỂN TRÍ NÃO CHO BÉ TRONG 6 THÁNG ĐẦU

Ngày đăng:

20/11/2016

Mẹ có biết những năm tháng đầu đời chính là thời kỳ lý tưởng nhất để kích thích não bộ phát triển tối đa, trong đó giai đoạn 0-2 tuổi não bộ của bé sẽ phát triển thần tốc? Hãy cùng tìm hiểu đâu là những dưỡng chất giúp bé phát triển trí não tốt nhất trong 6 tháng đầu của giai đoạn vàng mẹ nhé!

Giai đoạn vàng để phát triển trí não

Não bộ của bé phát triển như vũ bão trong 2 năm đầu

Não bộ của bé phát triển như vũ bão trong 2 năm đầu

Khi mới sinh, trọng lượng não của bé chỉ bằng 25% so với khi trưởng thành. Nhưng chỉ sau 6 tháng, con số này đã lên đến 50% và 12 tháng là 70%. Trên thực tế, các nhà khoa học cho thấy, các tế bào thần kinh thị giác bắt đầu “gửi tin nhắn” qua lại nhanh chóng ở 2-4 tháng tuổi, cường độ đạt đỉnh vào lúc 8 tháng. Đây cũng là giai đoạn bé bắt đầu chú ý đến thế giới xung quanh. Vào 16 tuần tuổi, bé biết cười, giao tiếp bằng ánh mắt và ngắm nhìn sự vật. Đến tuần thứ 20, bé biết di chuyển cánh tay để thu hút sự chú ý của mẹ và giao tiếp bằng những tiếng ê a. Từ sau 8 tháng tuổi, bé đã nhận ra tên gọi của mình, hiểu những từ đơn giản và bắt chước người lớn…

Với tốc độ phát triển như vũ bão này, não bé sẽ cần rất nhiều dưỡng chất, nhất là các axit béo hỗ trợ trí thông minh. Vì vậy, mẹ nên bổ sung dưỡng chất phát triển trí não cho bé ngay từ 2 năm đầu đời nhé.

Những dưỡng chất vàng phát triển trí não cho bé

+ ARA (arachidonic acid): là một loại a-xít béo không sinh cholesterol và là a-xít béo omega-6 chủ chốt của não, một thành phần quan trọng của hệ thống thần kinh trung ương. Ngoài ra, ARA còn là tiền chất sinh ra chất kháng viêm prostaglandin, giúp tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể. Sữa mẹ, sữa bột, các loại hạt, dầu thực vật như dầu hướng dương, thịt gia súc, gia cầm, và lòng đỏ trứng là những nguồn thực phẩm bổ sung ARA.

+ DHA: Là một trong ba loại Omega 3, chiếm đến 20% trọng lượng não bộ và gần 60% chất liệu hình thành nên võng mạc, ảnh hưởng trực tiếp đến sự thông minh và tổng chỉ huy sự nhìn của mắt. Ngoài ra, DHA giúp các tế bào thần kinh có độ nhạy, giúp truyền tin nhanh và chính xác hơn, nhờ vào tác dụng biệt hóa (myelin hóa) tế bào thần kinh, cùng với quá trình myelin hóa thì các tế bào thần kinh còn có nhiều nhánh và dày đặc hơn, khiến chức năng điều hòa của não và hệ thần kinh trở nên hoàn thiện và tinh vi hơn. Nếu không có quá trình Myelin hóa hoặc Myelin hóa không hoàn toàn, tế bào thần kinh sẽ không hoặc kém hoạt động, dẫn đến chậm phát triển vận dộng và trí tuệ.

DHA có nhiều trong sữa mẹ, sữa bột, các loại thực phẩm như cá hồi, các loại rau lá xanh, quả óc chó, các loại quả hạch và trứng… Những acid béo không no cần thiết này cơ thể không tự tổng hợp được mà phải được đưa vào cơ thể từ nguồn thực phẩm.

+ Carbohydrat cung cấp nguồn năng lượng để bé hoạt động và tăng trưởng, giúp sử dụng hiệu quả nguồn protein để tạo thành các mô mới. Đường glucose từ carbohydrate là nguồn năng lượng chính của não và nếu được bổ sung đầy đủ sẽ giúp điều hòa năng lượng, cảm xúc và khả năng tập trung – tất cả đều cần thiết để bé học hỏi, khám phá thế giới xung quanh. Sữa mẹ, sữa bột, thực phẩm từ sản phẩm nguyên hạt như bánh mì, ngũ cốc (cereal), khoai tây, ngô, cây họ đậu… là những nguồn thực phẩm bổ sung Carbohydrat rất tốt cho bé.

+ Folate: đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành, tăng trưởng và sinh sản các tế bào khỏe mạnh, giúp tạo nên chất liệu di truyền. Thiếu hụt Folate có thể gây ra khiếm khuyết nghiêm trọng ở ống thần kinh của bào thai (làm suy giảm sự phát triển của não bộ, cột sống và tủy sống). Đối với các trẻ nhỏ, thiếu hụt Folate có thể dẫn đến thiếu máu, chậm phát triển và suy yếu chức năng miễn dịch. Nguồn bổ sung folate cho bé là Sữa mẹ, sữa bột, gan, cây họ đậu, rau lá màu xanh đậm, cam, dưa đỏ, thịt bò nạc, và thực phẩm từ ngũ cốc nguyên hạt.

+ I ốt: cần thiết cho sự tổng hợp hormôn tuyến giáp, ảnh hưởng trực tiếp đến não cũng như các cơ, tim, thận và tuyến yên. Thiếu hụt I-ốt có thể gây ra vấn đề trong sự phát triển của hệ thần kinh, ví dụ: chỉ số IQ thấp và tăng nguy cơ mắc hội chứng tăng động giảm chú ý (ADHD). Mẹ có thể bổ sung I -ốt cho bé bằng Sữa mẹ, sữa bột, cá nước mặn và các hải sản khác, bao gồm tảo và rong biển, muối I-ốt và một lượng nhỏ trong sữa, thực phẩm từ ngũ cốc, trứng.

+ Sắt: khoáng chất thiết yếu cho sự hình thành và hoạt động của các tế bào hồng cầu, vốn có nhiệm vụ mang oxy lên não, giúp não hoạt động và tăng trưởng. Thiếu sắt trong giai đoạn đầu đời có thể gây thiểu năng, chậm vận động và bất thường về mặt hành vi. Một hậu quả khác của thiếu sắt là bệnh thiếu máu do thiếu sắt. Sữa mẹ, sữa bột, thịt, gan, thịt gia cầm, cá, đậu hũ, cây họ đậu, các loại đậu, hạt, và ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm từ ngũ cốc là những nguồn thực phẩm giúp bé bổ sung sắt hiệu quả.

Như vậy, ngoài yếu tố di truyền, dinh dưỡng góp phần quan trọng trong sự phát triển trí não của bé. Do đó, để bé yêu phát triển toàn diện ngay từ những năm tháng đầu đời, mẹ nên xây dựng cho bé một chế độ ăn uống đầy đủ và cân bằng các dưỡng chất thiết yếu trên. Mẹ nên cho bé bú sữa mẹ. Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ đến 24 tháng tuổi, vì trong sữa mẹ có chứa sữa non (cholostrum) để tăng sức đề kháng và giúp trẻ phát triển khỏe mạnh […]. Tuy nhiên, trong trường hợp mẹ gặp khó khăn khi nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong giai đoạn này vì những lí do đặc biệt thì nên đến cơ sở y tế để nhận được hướng dẫn từ thầy thuốc và nhân viên y tế. Chúc bé của mẹ luôn vui khỏe nhé.

BS. Nguyễn Thị Ngọc Thanh

Trung tâm dinh dưỡng Vinamilk