
Đạm whey α-lactalbumin – dưỡng chất hỗ trợ tăng cường thể chất và miễn dịch ở trẻ nhỏ
Dưỡng chất α-lactalbumin là gì?
Alpha-lactalbumin (α-lactalbumin) là một protein thuộc nhóm whey, chiếm tỷ lệ lớn trong sữa của các loài động vật có vú, đặc biệt là sữa mẹ. Cụ thể, α-lactalbumin cấu thành khoảng 22% tổng lượng protein trong sữa mẹ và khoảng 3,5% protein trong sữa bò[1]. Trong sữa mẹ, α-lactalbumin là protein whey chiếm ưu thế, tiếp theo là lactoferrin và globulin miễn dịch. Trong sữa bò, β-lactoglobulin mới là protein whey chính và α-lactalbumin chỉ đứng thứ hai xét về hàm lượng. Đáng chú ý, β-lactoglobulin hoàn toàn không có trong sữa mẹ – đây là điểm khác biệt quan trọng mà bạn đọc sẽ được tìm hiểu lý do độc đáo trong những phần sau [1].
Tại sao α-lactalbumin quan trọng đối với hệ miễn dịch trẻ nhỏ?
1. Hỗ trợ hoàn thiện hệ miễn dịch bẩm sinh
Ngay từ những tháng đầu đời, khi hệ miễn dịch thích ứng chưa hoàn thiện, bên cạnh miễn dịch thụ động mẹ cho, trẻ sơ sinh phải dựa vào hệ miễn dịch bẩm sinh để chống lại các tác nhân gây bệnh. α-lactalbumin và các peptide sinh ra từ nó giúp củng cố “hàng rào” miễn dịch ban đầu này, có thể tiêu diệt hoặc hạn chế sự phát triển của các mầm bệnh thường gặp, qua đó có thể phòng ngừa các bệnh lý nhiễm trùng bao gồm nhiễm trùng phổ biến ở đường ruột. α-lactalbumin còn được biết đến như một hoạt chất hỗ trợ điều hòa hệ miễn dịch, gián tiếp làm giảm đáp ứng viêm và tăng cường khả năng nhận diện vi khuẩn một cách phù hợp, tránh tổn thương mô do viêm, α-lactalbumin còn kích thích hoạt động của các tế bào miễn dịch [1].
2. Hỗ trợ phòng chống các bệnh lý viêm nhiễm
α-lactalbumin gián tiếp tạo ra glutathione – giúp cơ thể chống lại các gốc tự do và giảm viêm. Hơn nữa, α-lactalbumin còn chứa tryptophan, giúp cải thiện hệ miễn dịch và hỗ trợ hệ tiêu hóa, giúp tạo ra serotonin - điều hòa nhiều chức năng trong cơ thể, bao gồm cả hệ tiêu hóa. [1]. Bên cạnh đó, α-lactalbumin còn là nguồn sinh ra nhiều peptide có hoạt tính sinh học tiềm năng khác, có các đặc tính kháng khuẩn hỗ trợ sức khỏe hệ miễn dịch & tiêu hóa, hỗ trợ trẻ phát triển hoàn thiện hơn trong những năm tháng đầu đời. [1].
3. Góp phần hoàn thiện hệ miễn dịch thích ứng và cân đối hệ vi sinh đường ruột
α-lactalbumin gián tiếp hỗ trợ quá trình hoàn thiện hệ miễn dịch thích ứng của trẻ thông qua việc cân đối hệ vi sinh vật đường ruột, khỏe mạnh (đặc biệt là sự hiện diện ưu thế của chủng loài Bifidobacteria và Lactobacillus) [1]. Đồng thời, quá trình lên men của lợi khuẩn tạo acid lactic làm giảm độ pH ruột kết là môi trường không thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh, giúp cải thiện hấp thu một số khoáng chất và cũng có thể kích thích hệ thống miễn dịch tại niêm mạc ruột. α-lactalbumin còn liên quan đến việc tăng cường sản xuất kháng thể IgA tiết (sIgA) ở đường tiêu hóa, hỗ trợ quá trình “vô hiệu hóa” các tác nhân lạ ngay tại đường ruột, một cửa ngõ xâm nhập phổ biến.
Một nghiên cứu của Jean-Christophe Rozé và cộng sự được đăng tải trên British Journal of Nutrition so sánh sữa công thức có bổ sung α-lactalbumin (kết hợp prebiotics và probiotics) với sữa công thức thường cho thấy: nồng độ IgA trong phân trẻ dùng công thức giàu α-lactalbumin duy trì cao tương đương lúc 1 tháng tuổi khi theo dõi đến 6 tháng, trong khi ở nhóm dùng công thức thường thì IgA giảm đáng kể theo thời gian [3]. Tóm lại, α-lactalbumin quan trọng với sự phát triển tối ưu hệ miễn dịch và tăng cường sức khỏe tổng thể trẻ nhỏ bởi sự tác động đa chiều. Những lợi ích này không chỉ góp phần bảo vệ trẻ nhỏ khỏi các bệnh lý viêm nhiễm và các rối loạn chức năng miễn dịch trong giai đoạn đầu đời mà còn giúp trẻ phát tối ưu thể chất thông qua những axit amin thiết yếu.
Đối tượng nào nên ưu tiên sử dụng α-lactalbumin?
1. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nói chung
Sữa mẹ vốn giàu α-lactalbumin nên trẻ bú mẹ sẽ nhận được nhiều lợi ích tiềm năng. Những trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ hoặc uống đang sử dụng sữa công thức cũng cần bổ sung thành phần chất đạm có cấu trúc và hàm lượng tiệm cận với sữa mẹ – và việc bổ sung α-lactalbumin vào công thức sữa sẽ giúp đạt được điều đó. Các nghiên cứu cũng cho thấy việc bổ sung α-lactalbumin vào sữa công thức sẽ cung cấp các acid amin thiết yếu, giúp lợi ích sức khỏe tiệm cận hơn với trẻ bú mẹ và giảm các vấn đề tiêu hóa. Do vậy, mọi trẻ nhỏ đều nên được bổ sung α-lactalbumin qua nguồn sữa mẹ hoặc sữa công thức. [1]
2. Trẻ sinh non
Trẻ sinh non là những trẻ được sinh ra trước 37 tuần tuổi của một thai kỳ và ít nhiều có mặt hạn chế về tiêu hóa – miễn dịch hơn so với trẻ sinh thường. Trường hợp này, hệ tiêu hóa và miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện đầy đủ về cấu trúc và chức năng, do đó trẻ cần chế độ nuôi dưỡng đặc biệt, việc cung cấp các dưỡng chất dễ tiêu hóa – hấp thu và hỗ trợ tăng cường sức đề kháng là điều cần thiết. α-lactalbumin được coi là đặc biệt hữu ích cho trẻ sinh non. Nhờ các lợi ích như đã nêu, α-lactalbumin có thể góp phần giúp trẻ sinh non cải thiện chức năng hàng rào biểu mô ruột, phát triển hệ vi sinh vật có lợi, điều hòa hệ miễn dịch và hỗ trợ phát triển tối ưu thể chất. [1]
3. Trẻ có cơ địa dị ứng đạm sữa bò
Đối với những nhóm trẻ dị ứng đạm từ sữa bò, lựa chọn nguồn dinh dưỡng có phần thận trọng hơn do hệ miễn dịch của trẻ phản ứng với một hoặc nhiều thành phần protein trong sữa bò. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng lý tưởng cho trẻ vì sữa mẹ không chứa β-lactoglobulin – một trong những dị nguyên chính gây dị ứng ở trẻ [4]. Và đạm whey chủ yếu trong sữa mẹ là α-lactalbumin là thành phần có thể hạn chế tình trạng gây dị ứng ở trẻ [5]. Tuy nhiên, bởi vì cơ chế và nguyên lý về phản ứng dị ứng thường rất phức tạp, trẻ dị ứng với đạm sữa bò vẫn cần được bác sĩ có chuyên khoa phù hợp tư vấn và giám sát khi chuyển đổi sang bất kỳ sản phẩm chứa đạm sữa nào.
4. Trẻ suy dinh dưỡng, chậm tăng trưởng thể chất
α-lactalbumin là nguồn cung cấp dồi dào các acid amin thiết yếu cho trẻ sơ sinh & trẻ nhỏ, đặc biệt giàu tryptophan, lysine,… đây là những “viên gạch xây dựng” cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ, nhờ đó α-lactalbumin được xem là đạm chất lượng cao góp phần đáp ứng nhu cầu dưỡng chất khuyến nghị của trẻ, từ đó giúp trẻ tăng trưởng toàn diện hơn về về thể chất và chống chọi các cơn bệnh tốt hơn trong những năm tháng đầu đời [1].
Khi nào thì nên bắt đầu bổ sung α-lactalbumin cho trẻ?
α-lactalbumin nên hiện diện thường xuyên trong khẩu phần của trẻ nhỏ từ sơ sinh đến ít nhất 2 tuổi. Đặc biệt, vào những thời điểm cơ thể trẻ cần tăng cường hệ miễn dịch như khi ốm, sau ốm, rối loạn tiêu hóa, thiếu vi chất,… thì cần chú ý đảm bảo cung cấp dinh dưỡng hợp lý bên cạnh kết hợp các sản phẩm có bổ sung đạm whey giàu α-lactalbumin. Việc bổ sung đúng lúc và đủ lượng protein này sẽ giúp hệ miễn dịch của trẻ luôn được “nuôi dưỡng” và sẵn sàng bảo vệ cơ thể trước các “bão bệnh” [6].
Nếu trẻ dùng sữa công thức, nên chọn công thức sữa phù hợp độ tuổi, tình trạng dinh dưỡng, ưu tiên những sản phẩm có chứa thành phần đạm whey giàu α-lactalbumin để đường tiêu hóa của trẻ được hỗ trợ tối đa, đồng thời được cung cấp acid amin cho sự phát triển thể chất và não bộ đang diễn ra mạnh mẽ [5].
Tài liệu tham khảo
[1]. Layman DK, Lönnerdal B, Fernstrom JD. Applications for α-lactalbumin in human nutrition. Nutr Rev. 2018 Jun 1;76(6):444-460. Link
[2]. Lönnerdal B, Lien EL. Nutritional and physiologic significance of alpha-lactalbumin in infants. Nutr Rev. 2003 Sep;61(9):295-305. Link
[3]. Rozé, J. C., Barbarot, S., Butel, M. J., Kapel, N., Waligora-Dupriet, A. J., De Montgolfier, I., ... & Dupont, C. (2012). An α-lactalbumin-enriched and symbiotic-supplemented v. a standard infant formula: a multicentre, double-blind, randomised trial. British Journal of Nutrition, 107(11), 1616-1622. Link
[4]. Lemos L, Assis HC, Alves JL, Reis DS, Campos Canesso MC, Almeida Oliveira M, Moreira TG, Miranda Sato BK, Batista LA, Gomes Lenzi J, Moraes MA, Melo L, Resende B, Aguiar D, Rezende Souza B, Cara DC, Gomes-Santos AC, Faria AMC. Neuroimmune circuits involved in β-lactoglobulin-induced food allergy. Brain Behav Immun Health. 2022 May 21;23:100471. Link
[5]. Kim, S. Y., & Yi, D. Y. (2020). Components of human breast milk: from macronutrient to microbiome and microRNA. Clinical and experimental pediatrics, 63(8), 301. Link
[6]. Trabulsi J, Capeding R, Lebumfacil J, Ramanujam K, Feng P, McSweeney S, Harris B, DeRusso P. Effect of an α-lactalbumin-enriched infant formula with lower protein on growth. Eur J Clin Nutr. 2011 Feb;65(2):167-74. Link