
Kháng thể IgA – “Lớp bảo vệ bên ngoài” cho con sức đề kháng vững vàng
Kháng thể IgA là gì ?
Kháng thể IgA (Immunoglobulin A) là một trong nhiều thành phần của hệ miễn dịch. Trong cơ thể có 5 loại kháng thể IgG, IgM, IgA, IgE, IgD. Trong đó, IgA là kháng thể bề mặt, tập trung ngoài da và hệ niêm mạc biểu mô hô hấp, tiêu hóa, niệu dục… giúp ngăn chặn sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh (1). IgA là loại kháng thể được cơ thể sản xuất nhiều nhất mỗi ngày, nhưng trong máu, nồng độ của nó chỉ xếp thứ hai sau IgG. (2) IgA được tìm thấy dưới hai dạng chính: dạng đơn phân lưu hành trong máu và dạng lưỡng phân có trong các dịch tiết niêm mạc (gọi là IgA tiết), nhưng chủ yếu là trong dịch tiết của cơ thể như nước bọt, nước mắt, dịch nhầy của đường tiêu hóa và đường hô hấp, sữa mẹ. Đặc biệt, IgA tiết (sIgA) là dạng IgA quan trọng nhất giúp bảo vệ niêm mạc, một trong những phòng tuyến đầu tiên “chiến đấu” với tác nhân gây bệnh. (2), (3)
Trong cơ thể, kháng thể IgA được sản xuất bởi các tế bào lympho B – tương bào. (3) Thú vị là khoảng 80% các tế bào sản xuất kháng thể tập trung tại niêm mạc ruột, liên tục tạo ra IgA để bảo vệ đường tiêu hóa – nơi được xem là “mặt trận” lớn nhất chống lại các tác nhân gây bệnh xâm nhập từ môi trường bên ngoài(4). Như vậy, hệ miễn dịch của trẻ, đặc biệt là tại niêm mạc ruột, đóng vai trò như một “nhà máy sản xuất” IgA giúp bảo vệ cơ thể.
Tuy nhiên, ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, lượng IgA cơ thể tự sản xuất vẫn còn hạn chế do hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn chỉnh. Ước tính đến khoảng 6 tuổi, trẻ mới có thể tạo ra nồng độ IgA ở mô đích tương đương với người trưởng thành (5). Trong giai đoạn đầu đời, trẻ chủ yếu nhận kháng thể IgA từ sữa mẹ, đây chính là nguồn kháng thể quan trọng giúp tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ hệ miễn dịch còn non nớt của trẻ (6)
Kháng thể IgA có thể giúp trẻ tăng cường sức đề kháng bằng cách nào?
IgA giữ vai trò thiết yếu giúp trẻ phòng tránh các bệnh lý viêm nhiễm và hỗ trợ tăng cường sức đề kháng. Dưới đây là những lý do chính khiến IgA quan trọng đối với sức khỏe hệ miễn dịch của trẻ em:
1. Bảo vệ bề mặt niêm mạc trước tác nhân gây bệnh:
IgA được ví như “lớp bảo vệ bên ngoài” chủ yếu hiện diện tại bề mặt niêm mạc ruột và hô hấp – nơi tiếp xúc với nhiều tác nhân gây hại. Tại niêm mạc IgA sẽ bắt giữ vi khuẩn và virus thành phức hợp kháng nguyên- kháng thể, bất hoạt chúng và chuyển đến hệ thống làm sạch xử lý, qua đó ngăn chúng xâm nhập cơ thể (7). Kháng thể IgA hoạt động âm thầm cùng với lớp chất nhầy để vô hiệu hóa mầm bệnh mà không kích hoạt phản ứng viêm làm tổn thương mô. Ngoài ra, IgA cùng với sự cân đối hệ vi sinh, giúp hệ miễn dịch phát triển ổn định mà không gây tổn thương. (8)
2. Hỗ trợ ngăn ngừa nhiễm trùng hô hấp và tiêu hóa:
Trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và đường tiêu hóa do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. IgA với hàm lượng tối ưu tại cơ quan đích giúp trẻ giảm nguy cơ mắc các bệnh này. Một nghiên cứu tổng quan của M.H Koenen được đăng tải trên tạp chí Clinical Immunology đã chỉ ra rằng, tình trạng thiếu hụt IgA có thể liên quan đến việc các bệnh nhi thường xuyên bị nhiễm, tái nhiễm tái phát các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp và đường tiêu hóa. (7). Thực tế, IgA trong dịch mũi - họng có khả năng bất hoạt virus ngay khi chúng xâm nhập, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh. Tương tự, IgA trong ruột giúp “khóa” vi khuẩn gây tiêu chảy trước khi chúng có thể tấn công niêm mạc ruột, giúp hạn chế các đợt ốm vặt.
3. Giúp tối ưu hệ vi sinh đường ruột:
Hệ vi sinh vật đường ruột đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe hệ miễn dịch của trẻ. IgA giúp kiểm soát số lượng vi khuẩn có hại, tạo điều kiện cho vi khuẩn có lợi phát triển, từ đó giúp cân đối hệ vi sinh đường ruột, hỗ trợ sức khỏe hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch của trẻ (9).
4. Góp phần giảm nguy cơ dị ứng và các bệnh lý tự miễn:
Kháng thể IgA có khả năng liên kết và vô hiệu hóa các dị nguyên trong thức ăn, ngăn chặn chúng tiếp xúc với tế bào miễn dịch niêm mạc, từ đó góp phần hạn chế các phản ứng dị ứng (4). Thật vậy, trẻ được nuôi bằng sữa mẹ đầy đủ thường ít có nguy cơ dị ứng thức ăn hơn, vì IgA trong sữa mẹ góp phần bao phủ các protein lạ, ngăn chặn phản ứng quá mức của cơ thể trẻ (10),(10). Ngược lại, ở những người thiếu hụt IgA, các thống kê ghi nhận tỷ lệ dị ứng và bệnh tự miễn (như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, celiac...) cao hơn bình thường (2). Điều này cho thấy IgA hỗ trợ điều hòa phản ứng miễn dịch, ngăn cơ thể kích hoạt phản ứng viêm quá mức và tấn công nhầm vào các yếu tố vô hại hoặc mô – tế bào khỏe mạnh của chính mình.
5. Hỗ trợ hoàn thiện miễn dịch thụ động:
Trong giai đoạn hệ miễn dịch còn non nớt, trẻ chưa tự sản xuất đủ IgA nên nguồn IgA từ sữa mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe. Quả thật, trẻ được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu có tỷ lệ mắc bệnh nhiễm khuẩn thấp hơn so với trẻ bú sữa công thức, do trong sữa mẹ có chứa lượng lớn IgA cùng các yếu tố tăng cường miễn dịch khác. Bên cạnh, trẻ bú mẹ ít bị tiêu chảy nặng, nhiễm trùng hô hấp và nguy cơ dị ứng cũng giảm đáng kể. (11),( 12). Do vậy, IgA chính là “món quà miễn dịch” quý giá mà tự nhiên ban tặng cho trẻ thông qua sữa mẹ, giúp trẻ khỏe mạnh hơn trong những năm tháng đầu đời.
6. Nguồn bổ sung kháng thể IgA cho trẻ Sữa mẹ là nguồn cung cấp IgA tuyệt vời cho trẻ.
Trong sữa mẹ, đặc biệt là sữa non có hàm lượng IgA cao chiếm ≈ 88% tổng lượng kháng thể. (6). Nghiên cứu khoa học khẳng định IgA là một trong những “lớp bảo vệ” quan trọng nhất mà sữa mẹ cung cấp cho trẻ sơ sinh (6). Ngoài sữa mẹ, các thực phẩm có thể bổ sung và tăng cường IgA cho trẻ: · Sữa non của bò: giàu kháng thể, trong thành phần có chứa kháng thể như IgA, IgG,….(13) · Thực phẩm giàu probiotics (lợi khuẩn): sữa chua, sữa chua men sống,… Các vi khuẩn có lợi như Bifidobacteria và Lactobacillus giúp cân đối hệ vi sinh đường ruột, kích thích tế bào miễn dịch sản xuất IgA tiết.(9)
Thực phẩm giàu prebiotics (chất xơ): Rau xanh, trái cây, yến mạch, đậu đỗ,… Các prebiotics như FOS, GOS, Inulin, HMO,…. giúp nuôi dưỡng lợi khuẩn, hỗ trợ hệ vi sinh đường ruột cân đối, qua đó hỗ trợ cơ thể sản xuất kháng thể IgA. (14)
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đặc biệt là trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn, trẻ trong giai đoạn “khoảng trống miễn dịch” thì việc bổ sung kháng thể IgA từ các sản phẩm sữa cùng với khẩu phần dinh dưỡng hợp lý là cách giúp trẻ tăng cường sức đề kháng, chống chọi với các tác nhân gây bệnh và hỗ trợ sự phát triển toàn diện. Nên ưu tiên chọn sữa công thức có bổ sung các thành phần hỗ trợ tăng cường sức đề kháng như: sữa non, chất xơ (HMO, GOS, FOS), lợi khuẩn (HMP), đạm whey giàu α - lactalbumin… Tóm lại, IgA là kháng thể chuyên trách nhiệm vụ tuyến phòng thủ đầu tiên chủ yếu ở niêm mạc. Nó được ví như “lớp bảo vệ bên ngoài” của trẻ, sẵn sàng bẫy và vô hiệu hóa mầm bệnh trước khi chúng xâm nhập sâu hơn. Ở trẻ em, vai trò này đặc biệt quan trọng vì niêm mạc là cửa ngõ chính mà vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể trẻ. Việc đảm bảo trẻ nhận đủ IgA thông qua sữa mẹ, dinh dưỡng đầy đủ và lối sống lành mạnh sẽ giúp tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh và ít mắc bệnh hơn.
Tài liệu tham khảo
1. Ajay Patel, Ishwarlal Jialal. Biochemistry, Immunoglobulin A. May 1, 2023. StatPearls. Link
2. Yel L. Selective IgA deficiency. J Clin Immunol. 2010 Jan;30(1):10-6. Link
3. Humphrey, J.H., Perdue, S.S. (2025, May 1). immune system. Encyclopedia Britannica. Link
4. Berin MC. Mucosal antibodies in the regulation of tolerance and allergy to foods. Semin Immunopathol. 2012 Sep;34(5):633-42. Link
5. Weemaes, C., Klasen, I., Göertz, J., Beldhuis‐Valkis, M., Olafsson, O., & Haraldsson, A. (2003). Development of immunoglobulin A in infancy and childhood. Scandinavian Journal of Immunology, 58(6), 642-648. Link
6. Rio-Aige K, Azagra-Boronat I, Castell M, Selma-Royo M, Collado MC, Rodríguez-Lagunas MJ, Pérez-Cano FJ. The Breast Milk Immunoglobulinome. Nutrients. 2021 May 26;13(6):1810. Link
7. M.H. Koenen, J.M. van Montfrans, E.A.M. Sanders, D. Bogaert, L.M. Verhagen. Immunoglobulin A deficiency in children, an undervalued clinical issue. Clinical Immunology. 2019, 108293. Link
8. Cerutti A, Chen K, Chorny A. Immunoglobulin responses at the mucosal interface. Annu Rev Immunol. 2011;29:273-93. Link