Sức Khoẻ Bệnh

NGUYÊN NHÂN GÂY LOÃNG XƯƠNG, TRIỆU CHỨNG, CÁCH PHÒNG TRÁNH

Ngày đăng:

20/02/2024

Tình trạng loãng xương có thể xuất hiện ở cả người trẻ và người cao tuổi. Nếu không phát hiện sớm và có biện pháp khắc phục kịp thời, bạn có thể gặp phải những biến chứng nguy hiểm. Cùng Vinamilk tìm hiểu các nguyên nhân loãng xương, triệu chứng, phân loại và cách phòng tránh trong bài viết này.

Nguyên nhân loãng xương

Nguyên nhân loãng xương, triệu chứng, phân loại và cách phòng

1. Loãng xương là gì?

Loãng xương là tình trạng xương bị mỏng dần đi. Mật độ xương giảm dần theo thời gian khiến cho xương giòn, dễ tổn thương hoặc gãy dù chỉ là chấn thương nhẹ. Việc gãy xương do loãng xương có thể xảy ra ở bất cứ xương nào. Trong đó những trường hợp phổ biến nhất là gãy xương cẳng tay, xương đùi, xương cột sống.

Đặc biệt, một số xương khi đã gãy sẽ không có khả năng lành lại như xương đùi, xương cột sống. Những trường hợp này cần phải thực hiện phẫu thuật với mức chi phí tốn kém.

Bệnh loãng xương thường tiến triển âm thầm, nó khiến cho người bệnh có cảm giác đau mỏi không rõ ràng, cột sống gù vẹo và chiều cao giảm dần.

Những triệu chứng này chỉ được phát hiện sau một quãng thời gian dài. Thậm chí một số trường hợp chỉ phát hiện ra bệnh khi đã xuất hiện các dấu hiệu gãy xương.

Bệnh loãng xương làm xương mỏng dần đi

Bệnh loãng xương xuất phát từ nhiều nguyên nhân

2. Những nguyên nhân loãng xương bạn cần biết

Nguyên nhân gây loãng xương có thể kể đến như:

  • Lối sống sinh hoạt không hợp lý, lối sống ít vận động,… Theo các khảo sát gần đây thì độ tuổi mắc bệnh loãng xương có xu hướng ngày càng sớm hơn trước rất nhiều.
  • Những người thường xuyên mang vác các vật nặng, lao động vất vả hoặc những người có chế độ dinh dưỡng thiếu canxi là những đối tượng dễ mắc bệnh loãng xương. Bệnh loãng xương cũng thường xảy ra ở nữ giới nhiều hơn nam giới.
  • Nguyên nhân loãng xương ở người già do lượng canxi cho quá trình tạo xương lúc trẻ không được bổ sung đầy đủ, dẫn đến việc khi về già, cùng với sự lão hóa, quá trình tạo xương giảm xuống và quá trình hủy xương diễn ra nhanh, mạnh khiến cho mật độ xương giảm sút, làm cho xương giòn và yếu, giảm sức chịu lực và dễ gãy hơn.
  • Với nữ giới đặc biệt là phụ nữ mãn kinh sẽ có nguy cơ mắc loãng xương cao hơn so với nam giới ở cùng độ tuổi. Lý do bởi vì tổng khối lượng xương của phụ nữ thấp hơn và có sự thay đổi hormone sau giai đoạn mãn kinh.
  • Càng lớn tuổi, nguy cơ mắc bệnh loãng xương càng cao.
  • Những phụ nữ gầy, nhỏ người thường có khả năng mắc loãng xương cao hơn.
  • Tiền sử gia đình có người từng bị loãng xương từ trước.
  • Phụ nữ bị mãn kinh trước tuổi 45.
  • Do mắc phải một số bệnh lý khác như viêm khớp dạng thấp, bệnh nội tiết, bệnh thận, hội chứng Cushing…
  • Những người đã từng bị gãy xương.
  • Do chủng người da trắng hoặc người châu Á.
  • Nồng độ estrogen thấp có thể làm giảm mật độ xương của nữ giới. Trong khi đó, nồng độ testosterone thấp cũng có thể gây ra tình trạng xốp xương ở nam giới.
  • Chế độ ăn uống thiếu hụt vitamin D, canxi cũng có thể gây ra tình trạng loãng xương.
  • Do sử dụng các loại thuốc như heparin, corticosteroid trong thời gian dài.
  • Người ngồi lâu hoặc lười tập thể dục cũng có thể khiến cho xương yếu đi.
  • Người hút thuốc lá sẽ có mật độ xương thấp hơn so với người không hút. Vì vậy người hút thuốc sẽ dễ mắc bệnh loãng xương hơn.
  • Việc lạm dụng rượu bia cũng khó thể khiến xương suy yếu và dễ bị gãy.

Những thực phẩm giàu canxi tốt cho xương

Chế độ dinh dưỡng thiếu canxi là một trong những nguyên nhân loãng xương bạn cần lưu ý

3. Triệu chứng thường gặp khi bị loãng xương

Loãng xương thường không có triệu chứng gì đặc hiệu, dấu hiệu thường thấy là đau, giảm chiều cao và khòm lưng.

  • Đau nhức đầu xương: một trong những triệu chứng loãng xương dễ nhận thấy nhất là cảm giác đau nhức các đầu xương, bạn sẽ cảm thấy mỏi dọc các xương dài, thậm chí đau nhức như bị kim chích toàn thân
  • Đau ở vùng xương chịu gánh nặng của cơ thể thường xuyên như: cột sống, thắt lưng, xương chậu, xương hông, đầu gối, những cơn đau lặp lại nhiều lần sau chấn thương, cơn đau thường âm ỉ và kéo dài lâu. Những cơn đau sẽ tăng lên khi vận động, đi lại, đứng ngồi lâu và sẽ thuyên giảm khi nằm nghỉ.
  • Đau ở cột sống, thắt lưng hoặc hai bên liên sườn, gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh liên sườn, dây thần kinh đùi và thần kinh tọa. Những cơn đau trở nặng khi bạn vận động mạnh hoặc bất ngờ thay đổi tư thế. Vì vậy, người có dấu hiệu bị loãng xương thường rất khó thực hiện những tư thế như cúi gập người hoặc xoay hẳn người
  • Đối với những người ở lứa tuổi trung niên, loãng xương thường đi kèm với các dấu hiệu của bệnh giãn tĩnh mạch, thoái hoá khớp, cao huyết áp,…

Triệu chứng của bệnh loãng xương

Đau nhức xương là một trong những triệu chứng của bệnh loãng xương

4. Loãng xương có mấy loại?

4.1. Loãng xương nguyên phát

Ở trường hợp này, sự phát triển của bệnh loãng xương bắt nguồn từ tuổi tác hoặc do tình trạng mãn kinh ở nữ giới ở độ tuổi trung niên. Cơ chế gây loãng xương bắt đầu từ sự lão hóa từ tạo cốt bào.

Điều này làm mất cân bằng giữa số lượng tế bào xương mới được tái tạo và những mô xương bị hủy làm giảm mật độ xương. Loãng xương nguyên phát bao gồm hai loại như sau:

4.1.1. Sau mãn kinh (loãng xương típ 1)

Nguyên nhân khiến nữ giới bị loãng xương sau giai đoạn mãn kinh đó là nội tiết tố estrogen bị suy giảm. Bên cạnh đó, tình trạng tăng thải canxi niệu và giảm sản xuất hormone tuyến cận giáp trạng cũng làm cho mật độ xương bị thưa dần.

Loãng xương típ 1 ảnh hưởng chủ yếu đến nữ giới ở độ tuổi từ 50 – 55, phụ nữ đã mãn kinh. Các triệu chứng đặc trưng của loãng xương típ 1 bao gồm:

  • Do bị mất khoáng chất của xương xốp
  • Do lún đốt sống
  • Do bị gãy xương

4.1.2. Tuổi già (loãng xương típ 2)

Một trong những nguyên nhân loãng xương hàng đầu chính là tuổi tác. Theo đó, càng lớn tuổi thì nguy cơ loãng xương sẽ càng gia tăng. Bởi vì lúc này chức năng chuyển hóa canxi, chất dinh dưỡng cho cơ xương đã bị suy yếu, gây mất cân bằng giữa quá trình tạo xương và hủy xương. Bệnh ảnh hưởng tới cả nam giới và nữ giới, đặc biệt là những người ở độ tuổi 70 trở lên. Các đặc điểm thường thấy của loãng xương típ 2 gồm:

  • Do mất khoáng chất toàn thể: tình trạng này có thể diễn ra ở cả xương đặc và xương xốp.
  • Loãng xương ở người lớn tuổi thường dễ gặp biến chứng hơn so với người trẻ tuổi, trong đó tình trạng bị gãy cổ xương đùi.

4.2. Loãng xương thứ phát

Loại loãng xương này thường xác định được nguyên nhân rõ ràng. Tình trạng loãng xương này khởi phát do thói quen dùng thuốc không đúng hoặc do các bệnh mạn tính trong cơ thể. Những nguyên nhân của bệnh loãng xương thứ phát bao gồm:

  • Bệnh nhân có tiền sử cắt dạ dày
  • Thiếu hụt dưỡng chất trong cơ thể
  • Bị nhiễm sắc tố sắt hoặc các bệnh lý di truyền
  • Do mắc các bệnh như cường giáp, đái tháo đường, to đầu chi, gan mạn tính
  • Do sử lạm dụng các loại thuốc như corticoid, heparin hoặc các loại thuốc lợi tiểu trong thời gian dài
  • Do mắc các bệnh lý về cột sống hoặc bị viêm khớp dạng thấp
  • Do mắc bệnh đa u tủy xương và các bệnh ung thư khác

Phân loại bệnh loãng xương

Loãng xương gồm loãng xương nguyên phát và loãng xương thứ phát

5. Cách phòng tránh loãng xương

Để phòng ngừa và làm chậm tình trạng loãng xương, bên cạnh việc xác định các nguyên nhân loãng xương, bạn cần chú ý tới cách phòng tránh như sau:

  • Bổ sung đầy đủ canxi, vitamin D cho cơ thể thông qua chế độ ăn uống hàng ngày. Đồng thời tham khảo ý kiến bác sĩ được tư vấn sử dụng các viên uống phù hợp với cơ thể.
  • Với những người thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cần được kiểm tra, đo loãng xương để sớm phát hiện ra các dấu hiệu loãng xương.
  • Luyện tập thể dục thường xuyên để duy trì hệ xương chắc khỏe, gia tăng sự dẻo dai cho cơ bắp, nhất là người lớn tuổi.
  • Không lạm dụng rượu bia, chất kích thích và hút thuốc lá để không gây hại tới xương khớp.
  • Nếu thấy xuất hiện những vấn đề về xương khớp như đau cơ bắp, đau xương khớp, thường xuyên bị chuột rút thì bạn cần đến bệnh viện để được thăm khám, có biện pháp điều trị bệnh kịp thời.
  • Cần tránh việc lạm dụng thuốc giảm đau, thuốc chống viêm xương khớp. Việc lạm dụng những loại thuốc này có thể khiến cho tình trạng loãng xương thêm trầm trọng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
  • Nên thận trọng trong làm việc và sinh hoạt để không xảy ra những tai nạn đáng tiếc.

Tập thể dục phòng bệnh loãng xương

Tập thể dục mỗi ngày là cách phòng ngừa loãng xương hiệu quả


Trên đây là toàn bộ thông tin về nguyên nhân loãng xương, triệu chứng, phân loại và cách phòng chống. Hi vọng thông tin này sẽ hữu ích, giúp bạn sớm phát hiện ra bệnh cũng như chủ động phòng ngừa tình trạng loãng xương để có một cơ thể khỏe mạnh khi về già.