Thông Tin Dinh Dưỡng

CÁCH ẴM BẾ CON YÊU ĐÚNG CHUẨN

Ngày đăng:

28/12/2016

Thời gian đầu mới chào đời, bé yêu của mẹ mới mong manh và non nớt làm sao. Dường như bất kỳ đụng chạm nhẹ nào cũng có thể khiến bé tổn thương. Lúc này, kể cả việc đơn giản như bế ẵm bé cũng là một vấn đề khó khăn với mẹ. Bài viết này sẽ hướng dẫn mẹ các cách ẵm bế con yêu đúng chuẩn và phù hợp với từng giai đoạn phát triển của bé.

Tư thế bế trẻ sơ sinh đúng chuẩn

+ Cách bế bé 1 – 2 tháng tuổi

  • Mẹ nên bế bé theo tư thế nằm ngang, hạn chế bế thẳng lưng (bế vác vai) vì lúc này cổ và xương sống của bé còn rất non yếu, trọng lượng của toàn bộ phần đầu bé sẽ dồn áp lực xuống cột xương sống khi được bế.
  • Khi cho bé bú, mẹ giữ sao cho phần đầu và thân bé nằm xuôi theo đường thẳng, bụng bé áp vào bụng mẹ, mặt quay vào bầu vú mẹ. Mẹ hãy đặt ngón tay giữa, áp út và út tựa vào phía dưới bầu ngực, ngón trỏ nâng đầu vú hơi cao lên, ngón cái đặt trên cùng để tạo điểm tựa cho bé.
  • Khi cho bé ợ hơi, mẹ chú ý để phần thân bé áp sát vào ngực, đỡ phần ót và cổ bé để bé ngả tự nhiên vào vai mẹ giúp hạn chế áp lực lên cột sống bé. Hãy vỗ nhẹ vào lưng bé để giúp bé ợ, tránh trớ sữa. Sau đó, vẫn đỡ ót và cổ bé, mẹ hãy nhẹ nhàng xoay bé theo chiều ngang và ẵm ở tư thế bình thường.

Giữ đầu và thân bé theo đường thẳng mẹ nhé!

+ Cách bế bé 3-5 tháng tuổi

  • Mẹ có thể bế bé theo hướng nghiêng hoặc bế thẳng đứng (bế vác) vì đầu bé đã bắt đầu giữ được theo phương thẳng. Tuy nhiên, cổ và các cơ ở lưng vẫn chưa phát triển hoàn thiện nên mẹ đừng duy trì tư thế này quá lâu mẹ nhen.
  • Khi bế thẳng lưng, mẹ có thể cho bé ngồi lên trên một cánh tay mình, đỡ phần ngực và cổ của bé bằng cánh tay còn lại sao cho áp sát vào ngực của mẹ. Bé sẽ rất thích tư thế này với mẹ như một điểm dựa vững chắc cho cổ và lưng của bé đấy.

+ Cách bế bé 6 tháng trở lên

Lúc này, bé con đã cứng cáp hơn, biết lẫy và có thể ngóc đầu dễ dàng rồi nên bố mẹ có thể bế bé ở nhiều tư thế khác nhau tùy tình huống cụ thể và ý thích của bé. Tuy nhiên, trước khi bé được 1 tuổi, mẹ tuyệt đối không bế bé ngang hông để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến dáng đi của bé sau này nhé.
Bốn bước bế bé từ tư thế nằm ngửa

  1. Đỡ gáy và mông của bé: Cúi sát về phía bé, luồn một bàn tay dưới đầu và cổ bé, đồng thời đỡ mông trẻ bằng tay kia. Mẹ cũng có thể luồn tay từ bên hông hay từ giữa hai chân bé. Dịu dàng nói chuyện với bé để trấn an và tạo cảm giác an toàn để bé không giật mình, mẹ nhé.
  2. Nhẹ nhàng nâng bé lên: Giữ tư thế cúi hẳn về trước, mẹ đỡ lấy toàn bộ trọng lượng của bé bằng hai bàn tay, bảo đảm đầu của bé phải được giữ vững. Nhìn vào mắt bé và nói nhẹ nhàng khi nâng bé lên.
  3. Đưa bé vào tầm ngực của mẹ: Mẹ đứng thẳng hơn và xoay cho bé song song với cơ thể của mẹ, đưa bé về phía ngực của mẹ, cố giữ cho đầu bé hơi cao so với thân mình.
  4. Để bé nằm trên chỗ gấp khuỷu tay: Khi đưa bé vào sát ngực của mẹ, luồn bàn tay đang đỡ mông bé lên để đỡ cả đầu bé. Gập cánh tay kia của mẹ lại ngang với thân mình mẹ và để đầu bé tựa trên chỗ gập đó, cho bé nằm dọc theo cánh tay. Dùng bàn tay còn lại để đỡ phụ cánh tay ấy.

Ba bước bế bé từ tư thế nằm sấp

  1. Dùng tay đỡ lấy cổ và bụng của bé: Luồn một bàn tay giữa hai chân của bé sao cho lòng bàn tay của mẹ tiếp xúc với ngực của bé. Nhẹ nhàng đặt lòng bàn tay kia dưới má của bé, bảo đảm đỡ đầu của bé được vững vàng và thẳng hàng với cả cơ thể. Đừng nâng đầu bé ngửa ra sau nhiều hơn so với phần thân hay đè mạnh vào cổ của bé, vì như thể sẽ làm bé khó thở.
  2. Nâng và xoay bé về phía mẹ: Từ từ nâng bé lên, giữ đầu bé cao hơn thân mình bé, dùng chỗ gập của cánh tay mẹ để đỡ lấy đầu bé.
  3. Ẵm bé trong vòng tay của mẹ: Khi xoay bé về phía mẹ, hãy đặt bàn tay đang ở giữa hai chân của bé xuống dưới mông. Hạ thấp cánh tay kia của mẹ để đầu bé tựa vào chỗ gập ở khuỷu tay và cẳng tay của mẹ đỡ dọc theo thân mình của bé.

Ba bước đặt bé xuống

  1. Nhẹ nhàng đưa bé ra xa mẹ: Nhẹ nhàng đưa hai tay cánh tay mẹ ra sao cho một bàn tay nâng đầu và cổ bé, bàn tay kia đỡ lấy mông bé. Từ từ đưa bé ra xa mẹ về phía một mặt phẳng có lót đệm.
  2. Đặt bé xuống: Xoay cơ thể bé sao cho thẳng góc với mẹ, cúi mình sát xuống chiếu hay nệm và từ từ đặt mông bé xuống mặt phẳng trước.
  3. Lấy tay ra: Nhẹ nhàng lấy bàn tay dưới mông bé ra, rồi đặt tiếp thân trên và đầu của bé xuống. Cẩn thận giữ đầu bé cho tới khi bé thoải mái yên vị trên mặt phẳng, rồi nhẹ nhàng rút tay ra.

Một số lưu ý quan trọng

  • Ở tư thế nào, mẹ cũng cần đỡ chắc chắn phần đầu và mông của bé. Giữ cơ thể bé cách mặt mẹ khoảng 30-45cm.
  • Trước khi bế bé, mẹ nên rửa tay và tháo hết phụ kiện, trang sức để không làm trầy xước làn da mỏng manh của bé. Xoa hai tay để tạo hơi ấm trước khi bế bé.
  • Khi bế bé, mẹ nên duy trì động tác dịu dàng, nhìn vào mắt bé và cố gắng giao tiếp với bé. Đừng mất bình tĩnh mà thao tác quá nhanh hay quá mạnh dù bé có quấy khóc mẹ nhen.
  • Với trẻ 0-2 tháng tuổi, khi cho bé bú, mẹ có thể bọc bé trong khăn để tạo cảm giác yên tâm cho con khi ăn sữa mẹ.
  • Sau khi kết thúc trò chơi nào đó bé thích, mẹ nên bế bé một lúc để bé được yên tĩnh, thư giãn sau khi ở trạng thái phấn khích.

Trong những ngày tháng đầu đời, vòng ôm và hơi ấm của mẹ chính là năng lượng dẫn dắt bé hòa nhập với thế giới, vỗ về bé yên lòng và an toàn. Hy vọng với những thông tin trên, mẹ đã có thể tự tin bế ẵm bé đúng chuẩn, tránh được những thương tổn không mong muốn và thắt chặt sợi dây liên kết giữa mẹ và con. Chúc bé yêu luôn khỏe mạnh và ngoan ngoãn như mẹ mong muốn nhé!