Thông Tin Dinh Dưỡng

GIÚP MẸ PHÒNG TRÁNH CÁC BỆNH TRUYỀN NHIỄM DO MUỖI HIỆU QUẢ CHO BÉ

Ngày đăng:

06/10/2016

Muỗi là một loài cực kì nguy hiểm vì chúng mang mầm bệnh và có khả năng lây truyền các căn bệnh có tỉ lệ tử vong cao. Thời điểm giao mùa và mùa mưa là những giai đoạn bé rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm do muỗi gây ra. Để phòng tránh cho bé, mẹ hãy tham khảo bài viết dưới đây nhé!

Một số bệnh thường gặp khi bị muỗi cắn

+ Bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết-Dengue (SXH-D) là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do siêu vi Dengue gây ra .

– Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn.

Đặc điểm của SXH-D là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.


Sốt cao không kèm các triệu chứng cảm lạnh có thể là triệu chứng của sốt xuất huyết

Sốt cao không kèm các triệu chứng cảm lạnh có thể là triệu chứng của sốt xuất huyết

Đây là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất do muỗi gây ra với các triệu chứng:

-Sốt cao đột ngột, liên tục từ 2-7 ngày. Khi cho trẻ uống thuốc hạ sốt thì chỉ có tác dụng trong vài giờ và có ít nhất 2 trong các dấu hiệu sau:

– Biểu hiện xuất huyết có thể như là:( nghiệm pháp dây thắt dương tính, chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.

– Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn.

– Da xung huyết, phát ban.

– Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.

Cần đưa bé đến ngay bệnh viện khi bé có xuất hiện thêm 1 trong 5 dấu hiệu cảnh báo:

– Vật vã, lừ đừ, li bì.

– Đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan.

– Nôn nhiều.

– Xuất huyết niêm mạc.

– Tiểu ít

Nếu người bệnh có những dấu hiệu cảnh báo trên phải theo dõi sát mạch, huyết áp, số lượng nước tiểu, làm xét nghiệm hematocrit, tiểu cầu và có chỉ định truyền dịch kịp thời.

Sốt xuất huyết Dengue nặng:

Khi người bệnh có một trong các biểu hiện sau:

– Thoát huyết tương nặng dẫn đến sốc giảm thể tích (Sốc sốt xuất huyết Dengue), ứ dịch ở khoang màng phổi và ổ bụng nhiều.

– Xuất huyết nặng.

– Suy tạng.

  1. a) Sốc SXH-D:

– Suy tuần hoàn cấp, thường xảy ra vào ngày thứ 3-7 của bệnh, biểu hiện bởi các triệu chứng như vật vã; bứt rứt hoặc li bì; lạnh đầu chi, da lạnh ẩm; mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt (hiệu số huyết áp tối đa và tối thiểu ≤ 20 mmHg) hoặc tụt huyết áp hoặc không đo được huyết áp; tiểu ít.

– Sốc sốt xuất huyết Dengue được chia ra 2 mức độ để điều trị bù dịch:

+ Sốc sốt xuất huyết Dengue: Có dấu hiệu suy tuần hoàn, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt hoặc tụt, kèm theo các triệu chứng như da lạnh, ẩm, bứt rứt hoặc vật vã li bì (độ III )

+ Sốc sốt xuất huyết Dengue nặng: Sốc nặng, mạch nhỏ khó bắt, huyết áp không đo được ( độ IV )

  1. b) Xuất huyết nặng

– Chảy máu cam nặng (cần nhét gạc vách mũi), rong kinh nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng, thường kèm theo tình trạng sốc nặng, giảm tiểu cầu, thiếu oxy mô và toan chuyển hóa có thể dẫn đến suy đa phủ tạng và đông máu nội mạch nặng.

– Xuất huyết nặng cũng có thể xảy ra ở người bệnh dùng các thuốc kháng viêm như acetylsalicylic acid (aspirin), ibuprofen hoặc dùng corticoid, tiền sử loét dạ dày, tá tràng, viêm gan mạn.

  1. c) Suy tạng nặng:

– Suy gan cấp, men gan AST, ALT ≥ 1000 U/L.

– Suy thận cấp.

– Rối loạn tri giác (Sốt xuất huyết thể não).

– Viêm cơ tim, suy tim, hoặc suy chức năng các cơ quan

Điều trị SXH-D:

Phần lớn các trường hợp đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời tại cơ sở y tế có đủ điều kiện.

+ SXH-D trên cơ địa đặc biệt như trẻ nhũ nhi, béo phì; có các bệnh lý kèm theo như đái tháo đường, viêm phổi, hen phế quản, bệnh tim, bệnh gan, bệnh thận, vv…;hoặc nhà ở xa cơ sở y tế nên xem xét cho nhập viện theo dõi điều trị.

+ Bệnh sốt rét

Bệnh sốt rét do muỗi cái Anopheles truyền kí sinh trùng Plasmodium. Tùy theo lứa tuổi, bệnh sốt rét ở bé sẽ có những diễn biến khác nhau, cần có sự phân biệt để giúp cho việc chẩn đoán xác định. Các bé trên 1 tuổi thường có các triệu chứng:

  • Co giật khi có sốt cao
  • Có triệu chứng rối loạn tiêu hóa như nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, bụng đầy trướng hơi
  • Có dấu hiệu thiếu máu nhanh, sớm bị lách sưng to
  • Chu kỳ cơn sốt xảy ra thường không đều đặn, đôi khi không có giai đoạn rét run. Đồng thời có biểu hiện đường huyết giảm
  • Thường ho và bị viêm khí quản, phế quản.

Dấu hiệu sốt rét ác tính ở trẻ em như có triệu chứng nôn mửa kèm theo ho, một số bé còn bị sốt cao, co giật và sau đó thường bất tỉnh khoảng nửa giờ trở lại. Trường hợp này cần khám kỹ, xét nghiệm để phát hiện ký sinh trùng sốt rét trong máu.

+ Bệnh viêm não

  • Đây là tình trạng viêm của nhu mô não, có biểu hiện của sự rối loạn chức năng thần kinh khu trú hoặc lan tỏa. Bệnh viêm não do nhiều loại virut gây ra như Arbovirus, các virut đường ruột, virut thủy đậu, quai bị… Viêm não do Arbovirus gia tăng trong mùa nắng nóng, nguyên nhân chủ yếu là do muỗi đốt động vật chứa mầm bệnh rồi truyền bệnh cho người khi đốt.
  • Viêm não ở các bé thường có các triệu chứng quan trọng như: nôn mửa, khóc không thể dỗ nín hoặc khóc tăng lên khi được bồng lên hay làm thay đổi tư thế, gồng cứng người.
  • Ở Việt Nam, hai loài muỗi chính gây bệnh viêm não là Culex tritaeniorhynchus và Culex vishnui. Muỗi này hoạt dộng vào lúc chập tối và sinh sống ở những cánh đồng lúa.

+ Virus Zika

Đây là bệnh được lây truyền chủ yếu qua vết cắn của muỗi Aedes bị nhiễm. Đối với hầu hết mọi người, các triệu chứng từ virus này đều nhẹ: sốt, phát ban, đau khớp, đau mắt đỏ và có thể tự khỏi trong vòng một tuần.

Biểu hiện để nhận biết Zika:

– Sốt nhẹ 37,8-38,5 độ C, mệt mỏi, mọc ban rát sẩn trên da, đau các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân.

– Viêm xung huyết kết mạc, đau cơ, nhức đầu, đau hố mắt, và suy nhược.

– Một số ít bệnh nhân có thể có đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, loét niêm mạc hoặc ngứa.

Chẩn đoán xác định khi bệnh nhân nghi ngờ, có các xét nghiệm khẳng định căn nguyên như RT-PCR Zika virus dương tính, hay phản ứng huyết thanh (IgM) dương tính và có hiệu giá kháng thể cao gấp từ 4 lần trở lên so với hiệu giá kháng thể trung hòa virus Dengue tại cùng thời điểm.

+ Nhiễm virus West Nile

Bệnh này do muỗi vằn gây nên, thường gặp ở các loài động vật và chim nhưng báo cáo gần đây cho biết virus này đã được tìm thấy trong tế bào con người. Nó lây lan qua nước bọt và từ mẹ sang con qua đường bú sữa. Hầu hết những người nhiễm bệnh không có bất kỳ triệu chứng nào, chỉ có 1/5 bệnh nhân có triệu chứng sốt, cảm cúm, mệt mỏi, tiêu chảy, đau khớp, nôn mửa, phát ban. Một số trường hợp nặng, bệnh có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng, dẫn đến co giật, sưng não, viêm màng não, thậm chí tử vong.

Biện pháp phòng chống bệnh dịch

+ Tiêm vaccin: Đây là biện pháp phòng tránh bệnh lây nhiễm vô cùng hiệu quả nên mẹ nhớ cho bé đi tiêm đầy đủ và đúng lịch nhé

+ Giữ vệ sinh cá nhân:

  • Hàng ngày cần thực hiện rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với đồ vật. Giữ vệ sinh răng miệng.
  • Tắm rửa thường xuyên phòng bệnh viêm nhiễm trên da.
  • Đeo khẩu trang
  • Ăn chín uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm phòng chống các bệnh lây qua đường tiêu hóa.
  • Bảo quản thức ăn đã chế biến hợp vệ sinh. Chống ruồi nhặng đậu vào thức ăn.
  • Không dùng chung các dụng cụ chế biến thức ăn sống và thức ăn chín.

+ Diệt côn trùng:

  • Đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước
  • Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn để diệt lăng quăng/ bọ gậy.
  • Lau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ thường xuyên để đảm bảo đồ chứa nước luôn sạch sẽ, không tạo môi trường sinh sôi cho loăng quăng/ bọ gậy.
  • Thu gom và hủy các vật phế thải trong và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…
  • Dọn dẹp vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
  • Thả muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/ tủ đựng chén bát, thay nước các bình cắm hoa có trong nhà thường xuyên.

+ Phòng chống muỗi đốt:

  • Cho bé mặc quần áo dài, kể cả ở nhà.
  • Ngủ trong màn bất kể là ngày hay đêm.
  • Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem bôi đuổi muỗi, vợt điện diệt muỗi… để tránh bị đốt.
  • Nếu nhà có trường hợp mắc bệnh thì nên cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.
  • Phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Trên đây là những cách giúp mẹ phòng tránh hiệu quả các bệnh truyền nhiễm do muỗi đốt cho bé. Chúc bé và cả nhà luôn khỏe mạnh nhé!

BS. Nguyễn Thị Ngọc Thanh

Trung tâm dinh dưỡng Vinamilk