Thông Tin Dinh Dưỡng

LÀM SAO ĐỂ PHÒNG TRÁNH NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM CHO BÉ?

Ngày đăng:

09/08/2016

Các bé nhỏ thường dễ bị ngộ độc do kháng thể còn yếu. Đứng đầu trong danh sách gây ngộ độc cho bé em là ngộ độc thực phẩm. Nguyên nhân là do thực phẩm nhiễm vi sinh vật, sử dụng phẩm màu hoặc hóa chất. Ở tuổi đi học sẽ ăn ngoài rất nhiều, nguy cơ bé bị ngộ độc có thể tăng cao hơn giai đoạn trước. Vậy mẹ cần làm gì để bảo vệ bé trước nguy cơ ngộ độc thực phẩm?

Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm cho bé

– Bé ăn thực phẩm chưa chín, còn sống hoặc ăn uống ngoài đường, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

– Ăn hoa quả, rau xanh có thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại, chưa rửa sạch.

– Bé tiếp xúc với vật nuôi, đặc biệt là vô tình tiếp xúc với phân của vật nuôi.

– Thực phẩm bị ôi thiu, bảo quản không đúng cách.

– Nguồn nước bị ô nhiễm.


Mẹ cần giữ vệ sinh khi lựa chọn thực phẩm và chế biến thức ăn cho bé để tránh bị ngộ độc thực phẩm

Mẹ cần giữ vệ sinh khi lựa chọn thực phẩm và chế biến thức ăn cho bé để tránh bị ngộ độc thực phẩm

Triệu chứng bé bị ngộ độc thức ăn

Khi bị ngộ độc, bé thường đau bụng, nôn mửa. Đồng thời, bé bị sốt nhẹ ban đầu sau đó dần chuyển sang sốt cao. Cơ thể mất nước do sốt. Vài bé còn bị tiêu chảy khi ngộ độc.

Cách sơ cứu ngộ độc thức ăn ở bé em

  • Khi bé có dấu hiệu ngộ độc, cho bé ngừng ăn ngay. Trong vòng một – hai phút, khẩn trương gây nôn cho bé càng nhiều càng tốt để tống thức ăn ra ngoài. Nếu bé không nôn, phải nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện gần nhất để rửa dạ dày.
  • Khi bị nôn, nếu bé đang nằm, không dựng dậy ngay mà nên nghiêng đầu bé qua một bên để tránh hít sặc.
  • Không được tự ý dùng thuốc cầm tiêu chảy, thuốc chống ói vì sẽ kéo dài thời gian bệnh của bé.
  • Tích cực bù nước cho bé bằng cách cho uống từng ngụm nhỏ. Nếu bé bị nôn ngay sau khi uống, cho bé tạm nghỉ trong 5 – 10 phút.
  • Cho bé ăn thức ăn mềm và dễ tiêu như cháo, cơm, xúp để giúp ruột mau hồi phục và hệ men tiêu hóa sớm hoạt động bình thường. Thông thường bé có thể ăn uống bình thường trở lại sau 24 giờ.
  • Đưa bé đến ngay cơ sở y tế khi có những dấu hiệu nặng như: nôn nhiều, không thể ăn uống, chất nôn có máu hoặc ngả màu xanh, đặc biệt khi bé sốt cao, phân có máu, bé rất khát, đau bụng nhiều, bụng trướng, đau đầu hoặc bệnh kéo dài trên hai ngày.

Cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm

  • Bảo đảm ăn chín, uống sôi. Tránh tình trạng còn tái, sống, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.
  • Chọn thực phẩm tươi sống, chế biến an toàn, tránh những thức ăn ô nhiễm.
  • Thịt cá chưa chế biến cần giữ trong bao kín, giữ ở đáy tủ lạnh hoặc ngăn đá. Các loại thực phẩm dễ ôi thiu nên giữ trong môi trường nhiệt độ dưới 5 độ c.
  • Chuẩn bị thức ăn đúng cách, rửa thật sạch các thực phẩm trước khi nấu nướng. Rau quả phải được rửa dưới vòi nước chảy, ngâm nước muối để loại bỏ vi khuẩn, hóa chất.
  • Các loại thịt ướp lạnh phải để cho tan đá hoàn toàn trước khi nấu, nướng.
  • Rửa tay sạch trước khi nấu ăn, tay có vết nhiễm trùng không nên làm thức ăn.
  • Bảo quản thức ăn đã nấu cẩn thận, tốt nhất là giữ thức ăn lạnh, nhưng không nên để quá 2 giờ.
  • Hâm nóng kỹ lại thức ăn cũ trước khi ăn.
  • Tạo thói quen cho bé và người chăm sóc rửa tay cho bé trước khi ăn.
  • Bảo đảm vệ sinh và an toàn trong khâu chế biến tại nhà. Dụng cụ làm bếp phải được vệ sinh sạch sẽ, rửa sạch, để khô sau khi dùng xong.
  • Tuyệt đối nói không với các loại thực phẩm quá hạn, có mùi vị bất thường, bị ôi thiu, ẩm mốc.
  • Không ăn thức ăn khuyến cáo có độc như cá nóc, không dùng thực phẩm đã quá ngày sử dụng.
  • Cẩn thận với món khoai mì đã bị “ chạy máu” , khoai tây (có mầm hoặc có mầu xanh ở vỏ).
    • Khi ăn khoai mì, cần chú ý phòng tránh tình trạng ngộ độc acid cyan hydric (HCN) bằng cách lột vỏ khoai mì, ngâm trong nước lạnh nhiều giờ trước khi luộc, khi luộc mở nắp nồi để HCN bay hơi.
    • Với khoai tây, mẹ không nên cho bé hay gia đình ăn những củ đã mọc mầm, có vỏ chuyển sang màu xanh hoặc đã để quá lâu để phòng ngộ độc solamin trong thành phần.

Hy vọng những thông tin trên đây có thể giúp mẹ phòng tránh ngộ độc thực phẩm cho bé. Chúc bé của mẹ luôn vui khỏe và mau ăn chóng lớn nhé!

PGS.TS. Trần Đình Toán

Trung tâm dinh dưỡng VNM