Thông Tin Dinh Dưỡng

NHỮNG BIẾN CHỨNG THƯỜNG GẶP KHI CHUYỂN DẠ VÀ CÁCH KHẮC PHỤC

Ngày đăng:

09/10/2016

Dù là quá trình tự nhiên của chu kỳ sinh nở, chuyển dạ vẫn rất cần được quan tâm để đảm bảo sức khỏe cho các mẹ cũng như hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra. Một số biến chứng thường gặp dưới đây có thể ảnh hưởng đến kết quả của quá trình chuyển dạ, qua đó tác động không nhỏ đến sức khỏe của mẹ, thậm chí là quá trình phát triển về sau của trẻ.

Mẹ cần chuẩn bị trước các thông tin về những biến chứng có thể xảy ra khi chuyển dạ và cách khắc phục để bé sinh ra an toàn và khỏe mạnh nhất

Mẹ cần chuẩn bị trước các thông tin về những biến chứng có thể xảy ra khi chuyển dạ và cách khắc phục để bé sinh ra an toàn và khỏe mạnh nhất

Ối vỡ non

Là nguyên nhân của gần 30% các ca sinh non, ối vỡ non (PROM) là hiện tượng màng ối bị vỡ hoặc rách trước khi các cơn co xuất hiện. Ngay lúc đó, dịch ối bắt đầu rò rỉ qua tử cung và âm đạo. Đối với thai kỳ đủ tháng, sau khi nước ối bị vỡ quá trình chuyển dạ sẽ bắt đầu trong vòng 24 giờ.

Tùy vào mức độ trưởng thành của thai nhi và thời gian thai kỳ mà có các cách khác nhau nhằm xử lý tình trạng ối vỡ non. Trong trường hợp đã cận kề ngày sinh, đa phần các bác sĩ ngay lập tức sẽ tiến hành khởi phát chuyển dạ hoặc bằng oxytocin hoặc sử dụng gel prostaglandin, một số trường hợp vẫn sử dụng oxytocin.

Nếu ối vỡ non (PROM) xảy ra khi thai kỳ vẫn chưa ở giai đoạn cuối, phổi bé chưa được cấu thành hoàn chỉnh, các bác sĩ cần xem xét kĩ hơn và đợi tới khi cơ thể bé đã thật sự phát triển đầy đủ. Các mẹ có thể cân nhắc sử dụng thuốc kháng sinh để phòng ngừa hoặc điều trị nhiễm trùng theo hướng dẫn của bác sĩ.

Nước ối lẫn phân su

Nước ối lẫn phân su là hiện tượng nước sau khi màng ối vỡ có màu xanh nâu. Đây là dấu hiệu cho thấy nước ối bị lẫn phân su, và cần được đưa tới bác sĩ kiểm tra ngay lập tức.

Phân su là chất thải của lần đầu tiên bé đi ngoài, thường thải ra ngoài sau khi bé sinh ra. Nước ối lẫn phân su xuất hiện cho thấy tình trạng sức khỏe của bé đang có vấn đề. Nếu để hiện tượng này kéo dài, bé có nguy cơ bị sưng phổi cũng như gặp các vấn đề về hô hấp.

Để giảm thiểu tối đa nguy cơ của hiện tượng này, miệng và mũi của bé sẽ được hút sạch trước khi bé hít hơi thở đầu tiên. Dù đã được hút, đôi khi phân su đã vào trong phổi trước khi bé được sinh ra, và có thể phải đặt máy thở để hỗ trợ bé thở.

Chuyển dạ kéo dài

Quá trình chuyển dạ tự nhiên thường được chia thành ba giai đoạn.

  • Giai đoạn một là khởi phát chuyển dạ, khi các cơn co tử cung xuất hiện và cổ tử cung bắt đầu giãn ra. Giai đoạn này gồm có ba kỳ: kỳ chuyển dạ sớm, kỳ chuyển dạ tích cực và kỳ chuyển tiếp.
  • Giai đoạn hai là kỳ kích thích rặn đẻ, khi đó em bé được sinh.
  • Giai đoạn ba là sổ nhau thai.

Chuyển dạ kéo dài xảy ra khi quá trình sinh nở diễn ra không được bình thường, hay nói cách khác nó sẽ khiến các mẹ bầu chuyển dạ và sinh con lâu hơn.

Các bác sĩ thường sẽ kích thích chuyển dạ bằng oxytocin hoặc một số loại thuốc giảm đau hỗ trợ. Tuy nhiên, dùng oxytocin quá liều lượng cho phép có thể dẫn tới nguy cơ sinh mổ cao hơn.

Trong giai đoạn thứ hai (giai đoạn rặn đẻ), thai nhi bắt đầu hạ xuống qua khung xương chậu của người mẹ. Nếu quá trình này diễn ra chậm, bác sĩ có thể cân nhắc sử dụng kẹp forcep, hút chân không hoặc thậm chí sinh mổ.

Bất tương xứng đầu- chậu

Bất tương xứng đầu chậu (CPD) là hiện tượng đầu của em bé quá to để lọt qua khung xương chậu của người mẹ. Điều này thưởng rất hiếm xảy ra trong quá trình sinh nở nhưng vấn rất cần được chú ý.

Những em bé có trọng lượng khi sinh nặng hơn 4,5kg có nhiều khả năng gặp hiện tượng bất tương xứng đầu – chậu (CPD) hơn. Đáng tiếc, các mẹ khó có thể dự đoán trọng lượng thật sự của bé khi sinh để biết được mình có khả năng gặp hiện tượng CPD không.

Sinh khó do kẹt vai

Sinh khó do kẹt vai là khi đầu của bé ở vị trí hướng xuống, và đầu bé lọt qua ống dẫn sinh nhưng vai bị mắc kẹt phía sau xương mu. Các yếu tố thường gặp dẫn đến hiện tượng này chính là: em bé quá to, khung xương chậu của người mẹ bất thường, mẹ bị tiểu đường, thai quá ngày, chuyển dạ kéo dài hoặc đã từng bị sinh khó do kẹt vai ở những lần mang thai trước đó.

Khi hiện tượng này xảy ra, dây rốn bị kẹt giữa thân bé và xương chậu của người mẹ, dẫn đến bé bị thiếu nguồn cung cấp oxy nghiêm trọng và có thể ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Ngoài ra, sinh khó do kẹt vai cũng khiến trẻ có nguy cơ bị tổn thương dây thần kinh và các mẹ đối mặt với nguy cơ bị băng huyết và rách sau sinh.

Có thể nói, sinh khó do kẹt vai là hiện tượng khá nguy hiểm và cần được phòng tránh khi mẹ sắp bước vào quá trình quá trình chuyển dạ.

Các biến chứng với dây rốn

Sa dây rốn xảy ra khi dây rốn sa vào trong ống dẫn sinh trước ngôi hoặc thân của thai nhi, thường xảy ra trong giai đoạn rặn đẻ của quá trình chuyển dạ. Nếu hiện tượng này không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, sa dây rốn quá lâu có thế khiến nhịp tim của trẻ không ổn định.

Lựa chọn tốt nhất cho các trường hợp sa dây rốn chính là mổ đẻ. Các nghiên cứu cho thấy nếu sinh mổ được tiến hành kịp thời, các bé sinh trong trường hợp này vẫn có cơ hội sống sót đến 95%.

Dây rốn quấn cổ là tình trạng dây rốn quấn xung quanh cổ bé, là hiện tượng thường gặp với tỉ lệ khoảng 25% ở các ca sinh. Nếu hiện tượng được phát hiện và giải quyết nhanh chóng, các em bé sinh ra vẫn có sức khỏe bình thường, mẹ bầu cũng không gặp nguy hiểm trong quá trình chuyển dạ.

Các biến chứng ở tử cung

Đầu tiên là tử cung bị lộn ngược do dây rốn bị chằng hoặc quá ngắn, nhau thai cài răng lược hoặc bám quá sâu vào thành tử cung. Hiện tượng này xảy ra khi sau khi sinh, nhau thai vẫn bị dính vào tử cung hoặc khi nhau thai rời khỏi ống dấn sinh, nó kéo tử cung bên trong ra ngoài. Đa phần, các bác sĩ có thể cắt bỏ nhau thai khỏi tử cung và đẩy tử cung trở lại đúng vị trí. Đôi khi cần phải phẫu thuật để đặt lại vị trí tử cung.

Vỡ tử cung cũng là một biến chứng rất đáng lo ngại và có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong quá trình chuyển dạ của các mẹ, đặc biệt với các thai phụ cố gắng sinh ngả âm đạo sinh thường sau một lần sinh mổ trước đó.

Các mẹ đã kịp thời ghi chú lại các biến chứng vừa nêu trên đồng thời đối chiếu với các biểu hiện bên trong cơ thể của mình chưa? Phát hiện sớm các hiện tượng trên và nhanh chóng điều trị, phòng ngừa kịp thời sẽ giúp các mẹ yên tâm hơn khi chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ sắp tới. Hãy thật cẩn thận và kỹ lưỡng để bé nhà mình chào đời với sức khỏe tốt nhất các mẹ nhé.

PGS. TS. BS Trần Đình Toán

Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk

 

Một số bài viết liên quan về mang thai:

Quá trình hình thành và phát triển thai nhi

Bà bầu mang thai nên uống sữa gì ?

Những điều bà bầu cần biết

Những món ăn tốt cho bà bầu