Chuyện ăn chuyện ngủ của các bé luôn là mối quan tâm hàng đầu của bố mẹ, bởi nó quyết định đến quá trình phát triển của bé trong giai đoạn đầu đời. Khi ngủ đủ giấc và ngủ đủ sâu, não bộ của bé sẽ phát triển tốt hơn bình thường và đây cũng là điều kiện quan trọng để khai mở những tiềm năng ở trẻ. Sau một giấc ngủ ngon, trẻ sẽ không cáu gắt, khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe, bố mẹ cũng không phải chịu nỗi ám ảnh mang tên “thức-trắng-đêm” cùng với bé.
Thể trạng mỗi bé khác nhau, đồng hồ sinh học ở các bé cũng không giống nhau, nên giấc ngủ theo đó cũng có sự khác biệt. Nhưng nhu cầu về thời lượng giấc ngủ về cơ bản là giống nhau ở các bé cùng chung lứa tuổi. Khi bé còn nhỏ, giấc ngủ của bé ngắn hơn nhiều so với người lớn, có thể sẽ giật mình thức dậy vài lần trước khi ngủ tiếp là chuyện bình thường.
+ Bé sơ sinh: Bé sơ sinh (dưới 1 tháng tuổi) gần như ngủ suốt ngày đêm: khoảng 18 – 20 tiếng / ngày, chỉ thức dậy những lúc bé cần bú. Mỗi giấc có thể kéo dài từ 30 phút – 3 tiếng. Bởi bé sơ sinh chưa phân biệt được ngày đêm do nếp sinh hoạt từ khi còn trong bụng mẹ, nên có thể bé sẽ ngủ rất ngoan vào ban ngày nhưng lại thức hoặc quấy khóc nhiều hơn vào ban đêm. Thông thường, mẹ không cần phải đánh thức bé dậy để cho bú nhưng cũng không nên để bé ngủ quá 3 giờ mà không cho bú.
+ Bé 1 – 6 tháng tuổi: Ở giai đoạn này, bé đã bắt đầu làm quen với môi trường bên ngoài, nhưng giấc ngủ của bé vẫn chiếm khá nhiều thời gian trong ngày, tổng cộng có thể gần 15 tiếng. Độ tuổi này, giấc ngủ của bé đã bắt đầu hình thành chu kỳ thức – ngủ, giấc ngủ đêm kéo dài khoảng 9,5 đến 11,5 tiếng, giấc ngủ ngày ngắn hơn khoảng từ 3,5 đến 5,5 tiếng.
Từ 6 tháng trở đi, bé sẽ ngủ khoảng 14 tiếng/ ngày
+ Bé 6 tháng – 1 tuổi: Bé bắt đầu ngủ theo nhu cầu và nhịp sinh học. Giấc ngủ ban ngày từ 3- 4 giấc giảm xuống chỉ còn 1- 2 giấc, tổng số thời gian ngủ trong độ tuổi từ 6 tháng đến 1 tuổi là khoảng 14 tiếng/ ngày.
Tạo cho bé nhà mình một thói quen ngủ đúng giấc, đủ giờ mỗi ngày giúp bạn sẽ không mệt mỏi trong việc chăm con mà lại giúp bé phát triển toàn diện.
Đảm bảo bé no trước khi đi ngủ. Khi bé thức dậy và đòi măm, mẹ hãy cho bé măm đủ sữa trước khi giấc ngủ tiếp theo bắt đầu. Có một điều thú vị của việc hình thành thói quen bú đêm mà các mẹ thường rất sợ là: nếu bé ngủ tiếp sau khi bú mới được một ít và cảm thấy chưa no thì bé sẽ không ngủ ngon và giấc ngủ sẽ ngắn hơn, lúc bé thức dậy mẹ sẽ nghĩ bé đang đói và cho măm tiếp, chính đều này khi lặp lại nhiều lần sẽ hình thành nên thói quen “bú đêm” ở bé. Vì vậy mẹ cứ đánh thức bé dậy và cho măm tiếp nếu bé ngủ khi chưa no. Việc bé bú một hơi dài, khi bú có thể phát ra tiếng gù gù và sau đó thấy bụng bé căng tròn và rồi đi vào giấc ngủ sâu kéo dài là dấu hiệu chứng tỏ bé đã no.
Tuy nhiên khi bé lớn lên thì bú đêm khi đi ngủ sẽ dễ dẫn đến sâu răng( trong trường hợp bú sữa ngoài mà không tráng miệng với nước lọc), đầy hơi do bú xong mà không được ợ hơi ra, bé cảm thấy khó chịu và hay quấy khóc…Khi trẻ lớn dần, nên cho bé uống sữa cách khoảng trước giờ đi ngủ, vệ sinh răng miệng sau đó, sẽ là thói quen an toàn hơn cho bé.
Trên đây là những thông tin mẹ cần biết để chăm giấc ngủ cho bé. Nếu đã thực hiện mọi cách mà bé vẫn không ngủ ngon, mẹ hãy trao đổi với bác sĩ về những nguyên nhân sức khoẻ có khả năng là thủ phạm – ví dụ như chứng trào ngược dạ dày, dị ứng sữa hoặc thức ăn, hay nhiễm trùng tai,… ở bé nhen. Chúc bé của mẹ luôn khỏe mạnh và phát triển toàn diện.
BS. Nguyễn Thị Ngọc Thanh
Trung tâm dinh dưỡng Vinamilk