Sức Khoẻ Bệnh

LƯU Ý TRƯỚC VÀ SAU KHI TIÊM PHÒNG CHO BÉ MÀ BỐ MẸ NÊN BIẾT

Ngày đăng:

01/02/2024

Tiêm phòng là một điều cần thiết đối với trẻ bởi dưới 7 tuổi sức đề kháng trẻ còn rất non yếu. Các điều kiện phức tạp của thời tiết, khí hậu, nhiệt độ diễn biến bất thường,... đã tạo nên sự thuận lợi cho các loại dịch bệnh nguy hiểm phát triển trong cơ thể bé. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần tiêm phòng cho bé cẩn thận và tham khảo thêm những lưu ý khi tiêm phòng cho bé qua bài viết sau đây nhé!

Lưu ý khi tiêm phòng cho bé

Bố mẹ cần lưu ý các điều trước và sau khi tiêm phòng cho bé

1. Lưu ý trước khi tiêm phòng cho bé

1.1 Khám sàng lọc trước tiêm chủng

Khám sàng lọc trước khi tiêm cho bé là rất quan trọng để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong quá trình tiêm chủng. Điều này giúp bác sĩ đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát của bé, phát hiện các vấn đề y tế tiềm ẩn và đưa ra lịch tiêm chủng phù hợp. Bằng cách thực hiện khám sàng lọc, bố mẹ có thể tránh các phản ứng phụ không mong muốn và đảm bảo an toàn cho bé trong quá trình tiêm chủng. Cho nên việc khám sàng lọc trước tiêm cho bé là một bước quan trọng và không nên bỏ qua.

Khám sàng lọc cho bé trước khi tiêm phòng

Trẻ em cần được khám sàng lọc trước khi tiêm phòng

1.2 Thông tin cần khai báo khi khám sàng lọc

Khi đưa trẻ nhỏ đến thăm bác sĩ, có một số thông tin quan trọng mà bố mẹ cần thông báo như tình trạng sức khỏe và lịch sử tiêm chủng của bé.

Đối với trẻ sơ sinh, bố mẹ cần cho biết liệu trẻ đã đạt cân nặng 2.5kg chưa, điều này có quan trọng để đảm bảo trẻ có đủ khả năng để tiêm chủng.

Bố mẹ cũng cần thông báo về tình trạng ăn uống, ngủ và hoạt động của trẻ. Bác sĩ muốn biết liệu trẻ có bú, ăn uống, ngủ và chơi bình thường không giúp đánh giá sự phát triển và tình trạng tổng quát của trẻ.

Thông tin về tình trạng sức khỏe hiện tại của trẻ cũng rất quan trọng. Bố mẹ cần thông báo nếu trẻ đang mắc bệnh gì hoặc có bệnh lý bẩm sinh hay không để kịp thời giải quyết. Bố mẹ cũng cần cho biết nếu trẻ đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào giúp đánh giá tác động của các loại thuốc hoặc phương pháp điều trị đối với quá trình tiêm chủng. Đồng thời cũng nên thông báo nếu trẻ có tiền sử dị ứng với bất kỳ loại thuốc hay thức ăn nào. Điều này rất quan trọng để tránh các phản ứng dị ứng tiềm tàng trong quá trình tiêm chủng.

1.3 Hướng dẫn trước khi tiêm chủng

Trước khi tiêm chủng cho trẻ nhỏ, hãy xác định lịch tiêm chủng và loại vắc xin cần thiết. Chuẩn bị một tư thế thoải mái cho trẻ và đảm bảo không có vật cản xung quanh. Trước khi tiêm cần thông báo cho trẻ về quá trình tiêm chủng một cách đơn giản, an ủi trước và sau khi tiêm. Đồng hành cùng trẻ trong quá trình tiêm chủng và đảm bảo nơi tiêm chủng uy tín.

Bố mẹ cần đồng hành với bé khi tiêm chủng

Bố mẹ cần đồng hành với trẻ trong quá trình tiêm

1.4 Lưu ý những trường hợp cần hoãn tiêm ngừa

Nếu trước khi tiêm mà sức khỏe của bé không đủ yêu cầu, đặc biệt là bé đang bị sốt thì hoãn tiêm ngay lập tức.

Ngoài ra, các tình trạng như dị ứng, có phản ứng sau lần tiêm trước, trẻ quá kích động, có vấn đề về hệ thần kinh,... hoặc truyền máu trong vòng 1 năm, tiêm vaccin trong 4 tuần thì cũng hoãn tiêm.

2. Lưu ý sau khi tiêm phòng cho bé

2.1 Theo dõi sau tiêm chủng tại nơi tiêm

Sau khi trẻ tiêm chủng, quan trọng để trẻ ở lại và được theo dõi trong vòng 30 phút tại điểm tiêm chủng. Thời gian này cho phép nhân viên y tế phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm có thể xảy ra. Nhân viên y tế sẽ thực hiện kiểm tra và theo dõi các dấu hiệu phản ứng sau tiêm chủng. Họ sẽ kiểm tra vùng tiêm chủng xem có sưng, đỏ hoặc đau không. Đồng thời, nhân viên y tế cũng sẽ theo dõi các dấu hiệu khác như sốt, khó thở, hoặc phản ứng dị ứng. Trước khi cho trẻ ra về, nhân viên y tế sẽ tiến hành kiểm tra nhiệt độ cơ thể và kiểm tra vết tiêm trên trẻ. Điều này giúp đảm bảo rằng không có biểu hiện lạ và trẻ đang trong tình trạng an toàn để trở về nhà.

Sau khi tiêm chủng cho trẻ cần theo dõi thêm 30 phút

Sau khi tiêm cần theo dõi trẻ trong vòng 30 phút trước khi về

2.2 Lưu ý chăm sóc trẻ sau tiêm chủng

Sau khi tiêm chủng cho bé cần theo dõi bé trong 24 giờ sau tiêm để kịp thời phát hiện các dấu hiệu lạ. Gia đình cần chú ý các điều sau:

  • Cho bé mặc quần áo thoáng mát sau khi tiêm về.
  • Cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết và uống nhiều nước hơn.
  • Kiểm tra bé tình trạng cơ thể của bé được thường xuyên, nhất là khi bé ngủ vào ban đêm.
  • Không nên đụng chạm vào chỗ vừa tiêm xong và không đắp bất cứ thứ gì lên đó. Nếu xảy ra sốt cao thì nên theo dõi và chăm sóc kỹ lưỡng hơn theo chỉ dẫn của nhân viên y tế.
  • Quan sát vết tiêm đỏ, sưng có thể chườm lạnh giúp giảm sưng và giảm đau cho trẻ.

3. Các phản ứng sau tiêm ngừa của trẻ em

Trẻ có thể phải trải qua một số các phản ứng sau khi tiêm ngừa, các phản ứng này đều phổ biến, thường gặp:

  • Trẻ bị sưng, đỏ và nhức vùng tiêm.
  • Có thể phát sốt sau khi tiêm phòng kéo dài trong thời gian ngắn.
  • Xảy ra tình trạng buồn nôn và tự giảm tình trạng này sau vài ngày.
  • Các bé thường cảm thấy mệt mỏi sau khi tiêm.
  • Dị ứng với thuốc với các triệu chứng như phát ban, khó thở và sưng môi và mặt.

Các phản ứng này đặc hiệu riêng cho từng loại vaccin, cụ thể là BCG có vết loét tại chỗ tiêm sau 6 - 8 tuần, nổi hạch nách cùng bên tiêm, còn sởi thì sẽ nổi vài vết đỏ hồng rải rác sau 1 - 3 ngày sau.

4. Cách xử trí các trường hợp trẻ phản ứng sau tiêm phòng

4.1 Xử lý khi trẻ bị sưng đỏ, đau tại vị trí tiêm

  • Làm dịu vùng sưng đau bằng băng gạc lạnh hoặc gói đá trong khăn mỏng. Áp lên vùng sưng có thể giúp giảm đau và viêm nhiễm.
  • Khi trẻ nằm hoặc nghỉ, nâng cao vị trí tiêm ở trên cái gối hoặc đệm giúp giảm sưng và đau.
  • Nếu tình trạng sưng đỏ trở nên nặng hơn nên tới phòng khám gần nhất để theo dõi và điều trị.

4.2 Cách xử trí các trường hợp có phản ứng sốt

  • Sốt dưới 38,5 độ C: Chườm trán, nách, và bẹn trẻ bằng nước ấm hoặc dùng miếng hạ sốt dán trán. Đảm bảo trẻ uống đủ nước và thường xuyên bú mẹ. Mặc quần áo thoáng mát, không ủ ấm trẻ. Theo dõi nhiệt độ cơ thể 3 giờ/1 lần.
  • Sốt trên 38,5 độ C: Sử dụng thuốc hạ sốt theo đơn của bác sĩ.

Cách xử lý sốt sau khi tiêm chủng

Trường hợp sốt quá cao nên sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ

4.3 Trường hợp cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay

Nếu các phản ứng dị ứng trở nên nghiêm trọng và ngoài khả năng xử lý của bố mẹ, nên đưa bé đến các cơ sở y tế để thăm khám. Bố mẹ nên chú ý đến con nhiều hơn, để biết tình trạng nào cần đưa trẻ đến bệnh viện.

Kết luận

Hy vọng với những lưu ý khi tiêm phòng cho bé mà Vinamilk cung cấp để bố mẹ có thể chăm sóc cho bé trước và sau tiêm chủng. Các bố mẹ đừng lo lắng quá thì các phản ứng sau tiêm là điều bình thường của cơ thể bé khi tiêm kháng nguyên lạ. Mỗi bé có phản ứng khác nhau nhưng các phản ứng sau khi tiêm quá nghiêm trọng nên đưa đến bác sĩ.