Thông Tin Dinh Dưỡng

TÁC ĐỘNG THÔNG MINH ĐẾN CẢM XÚC ĐỂ HÌNH THÀNH NHÂN CÁCH CHO BÉ

Ngày đăng:

07/11/2016

Từ 2 tuổi, bé bắt đầu biết phát triển mối quan hệ với những người xung quanh, bé bắt đầu có thể sống tập thể, bạn bè trở nên quan trọng hơn đối với bé. Vì vậy, mẹ cần hiểu sự phát triển cảm xúc của bé để có những tác động phù hợp, giúp định nhân cách và tâm lý của bé sau này.

Sự phát triển cảm xúc của bé giai đoạn 2 – 3 tuổi

  • Thích giúp đỡ bố mẹ những công việc nhỏ nhặt và thể hiện tính độc lập cao như chọn quần áo để mặc sau khi tắm, tự mang/cởi giày, tất sau khi đi chơi đâu đó, tự rửa và lau khô tay, tự mặc quần áo, cài nút áo giúp mẹ.
  • Đến giai đoạn này, bé đã bắt đầu biết phản kháng. Đá, đấm, cắn và xô đẩy là những phản ứng khi bé bực bội.
  • Bé có tính tò mò rất mạnh, ham tìm hiểu môi trường, thích đặt các câu hỏi và có khả năng tự thu xếp cuộc sống tốt hơn.
  • Bé có thể có những “cơn bão cảm xúc”, trở nên giận dữ vì bộ não của bé lúc này vẫn còn nhiều liên kết với trang thái não lúc sơ sinh. Biểu đồ cảm xúc của bé cứ như đồ thị hình sin với những cảm giác giận dữ, thất vọng và tuyệt vọng.
  • Bé rất thích được nói chuyện với mọi người.
  • Bé hài hước hóm hỉnh, thường xuyên diễn tả những câu truyện ngắn vui, những bài hát đồng dao dễ thuộc hay ngồi nói chuyện với mọi người một lúc lâu…
  • Bé rất thích bắt chước người lớn “làm điệu”, đặc biệt là các bé gái. Bé thích được cầm lược tự chải đầu, tô son, tự mặc hoặc chọn trang phục mà mình muốn mặc.
  • Thích được chơi với những bạn cùng lứa tuổi, bắt đầu quan tâm đến những bé khác, biết cách chia sẻ, san sẻ với mọi người…

Gợi ý những cách tác động đến cảm xúc của bé

  • Hãy giữ bình tĩnh và kiên nhẫn khi bé phản ứng mạnh hoặc ăn vạ khi diễn đạt những cảm xúc mạnh mẽ. Mẹ có thể thử nghiệm nhiều phương pháp khác nhau để khám phá ra đâu là phương pháp tốt nhất để xoa dịu bé, có bé cần an ủi nhưng có bé lại cần ở một mình để tự kiểm soát cảm xúc.
  • Đừng bị kích động bởi những biểu hiện của bé. Hãy luôn tỏ thái độ tôn trọng, đối xử với bé như một người lớn.
  • Khi trí tưởng tượng phát triển, thỉnh thoảng bé có thể cảm thấy sợ hãi vì không phân biệt được đâu là thật, đâu là giả. Hãy phản ứng một cách khéo léo và tinh tế với nỗi sợ của bé, đồng thời giải thích cho bé hiểu những gì có thật và những gì là giả vờ.
  • Hãy chỉ cho bé cách thỏa hiệp khi chơi với các bạn, chẳng hạn như chơi với những món đồ chơi khác trong lúc bạn của bé đang chơi món đồ mà bé muốn.

Hãy dạy bé cách chia sẻ với bạn khi chơi

Hãy dạy bé cách chia sẻ với bạn khi chơi

  • Dạy bé cách nhận biết và chấp nhận những sự khác biệt sự tương đồng và khác biệt giữa con người với nhau, chẳng hạn như hình dạng, kích cỡ, màu da…
  • Tôn trọng và thỏa mãn tính độc lập của bé ở chừng mực cho phép. Đồng thời hướng dẫn bé một số việc tự phục vụ hoặc giúp đỡ người lớn để tính độc lập phát triển mà bé vẫn nghe lời.
  • Tạo ra những hình thức hoạt động mới để bé có những quan hệ mới với mọi người xung quanh. Chẳng hạn cho bé tham gia vào các hoạt động cộng đồng, đội nhóm, các lớp học kỹ năng…
  • Khi bé lăn ra ăn vạ, bố mẹ có thể nghiêm sắc mặt, yêu cầu con dừng hành vi đó lại. Nếu bé tiếp tục, mẹ có thể lờ đi, thu hút sự chú ý của con sang việc khác. Khi bé vui vẻ trở lại, mẹ hãy cùng con thảo luận về những việc làm trước đó, giải thích để bé hiểu điều gì nên và không nên. Thậm chí mẹ có thể cùng bé “diễn” lại tình huống vừa rồi để bé tự nhận xét và dần dần biết cách cư xử đúng để được người lớn chấp nhận.
  • Dạy bé cách gọi tên cảm xúc ngay khi còn nhỏ, nhất là những lúc bé cáu kỉnh. Mẹ có thể yêu cầu bé nói cho mẹ biết bé đang cảm thấy như thế nào và bé muốn gì, bé đang buồn hay đang tức giận. Bằng cách này, bé sẽ xác định được những cung bậc cảm xúc mà mình đang trải qua. Khi gặp những khó khăn trong cuộc sống, bé có thể diễn đạt ra bằng lời và tìm cách vượt qua chúng.
  • Làm gương cho bé bằng cách đối phó với những cảm xúc của mình một cách tích cực. Ví dụ như khi bé làm sai khiến mẹ rất tức giận, hãy tránh xa khỏi bé trong 5 phút để lấy lại bình tĩnh, sau đó nói chuyện với bé về cảm giác của mẹ và hậu quả từ hành động của bé. Như vậy, bé sẽ học được cách ứng phó với những tình huống tương tự trong tương lai và bất cứ hành động nào của mình cũng sẽ dẫn đến một kết quả nào đó.
  • Mẹ cần phân biệt được tính kiên trì và bướng bỉnh của bé. Với các bé bướng bỉnh, cần thực hiện các biện pháp khắc phục sau:
    • Không nuông chiều bé muốn gì được nấy. Không nhượng bộ bé khi bé đòi cho bằng được cái gì.
    • Động viên, khen thưởng khi bé vâng lời và có những hành vi tốt.
    • Nên cho bé biết các giới hạn, nguyên tắc nhất định trong gia đình mà bé phải tuân theo.
    • Không nên dùng roi vọt để trừng phạt khi bé bướng bỉnh. Hãy nhẹ nhàng giải thích một cách kiên quyết để bé tuân theo.
    • Làm gương cho bé bằng những việc làm tốt và nói cho bé biết thế nào là tốt, thế nào là không tốt.
    • Không nên luôn luôn đòi hỏi bé thực hiện tuyệt đối các yêu cầu của bố mẹ. Hãy dùng những mệnh lệnh tích cực khi bé muốn thực hiện điều gì, ví dụ như: “Mẹ muốn con dọn dẹp đồ chơi sau khi con chơi xong nhé!” Hơn là nói: “Cấm con để đổ chơi bừa bãi sau khi chơi xong”.
    • Tạo điều kiện cho bé nói ra những cảm xúc khi bé tức giận vì điều gì đó. Ví dụ như: Con cảm thấy như thế nào? Vì sao con nóng giận?
    • Hãy tạo cơ hội để bé quan sát những cảm xúc đa dạng của mọi người xung quanh và cho bé diễn đạt, bày tỏ quan điểm của mình về những hành vi liên quan đến những cảm xúc đó. Việc này sẽ khuyến khích bé ứng xử phù hợp với nhiều đối tượng.

Trên đây là những thông tin giúp mẹ phát triển cảm xúc, từ đó hình thành nhân cách cho bé ngay từ khi còn nhỏ. Chúc bé của mẹ luôn vui vẻ, khỏe mạnh và phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ cảm xúc nhé!

BS. Nguyễn Vĩnh Hoàng Oanh

Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk