Thông Tin Dinh Dưỡng

THỂ CHẤT VÀ TÂM LÝ BÉ 24 THÁNG TUỔI

Ngày đăng:

28/12/2016

Chúc mừng! Vậy là bé yêu của mẹ đã tròn 2 tuổi rồi nhen. Cân nặng và chiều cao của bé đã tăng lên đáng kể. Trung bình bé nặng khoảng 12 kg, cao 87 cm và hàm răng gần 20 chiếc, tương đối hoàn thiện. Lúc này, bé ngày càng hiếu động và dường như lúc nào cũng có những câu hỏi đang chực chờ để tuôn ra mọi lúc. Tuy nhiên, đây chỉ mới là một phần nhỏ về sự phát triển của bé trong giai đoạn này. Hãy tham khảo bài viết dưới đây để biết bé sẽ có những thay đổi nào về thể chất và trí tuệ ở cột mốc 24 tháng tuổi mẹ nhé!

Bé 2 tuổi sẽ vô cùng hiếu động, đặc biệt là các bé trai.

Sự phát triển của bé

+ Trí thông minh

Bé đặt ra rất nhiều câu hỏi và luôn muốn được giải đáp ngay lập tức. Hãy bớt chút thời gian để trả lời bé hoặc hứa sẽ trả lời bé trước giờ đi ngủ chẳng hạn, điều này giúp bé hình thành thói quen có trách nhiệm, và quan tâm tới việc của người khác. Bé rất thích bắt chước người khác và đặc biệt thích thú khi đượ nói chuyện điện thoại. Bé có thể làm mẹ ngạc nhiên với tài bắt chước cực kỳ chính xác từ thái độ đến cách nói chuyện của bố mẹ khi gọi điện đấy.

Các cột mốc phát triển:

Ngày càng thích thú hơn trong việc tìm hiểu tên gọi của từng đồ vật

Gọi tên những hình vẽ đơn giản trong sách

Biết được cách sử dụng những vật dụng đơn giản trong nhà (muỗng dùng để ăn, điện thoại dùng để nói chuyện)

Có thể gọi chính xác tên của ít nhất 6 bộ phận trên cơ thể

Nhớ vị trí của những món đồ yêu thích khi chúng ở ngoài tầm mắt (bánh quy ở trong tủ, đồ chơi ở trong hộp)

Làm theo những câu lệnh phức (gồm 2 bước)

Có thể bắt đầu sắp xếp đồ vật theo từng danh mục (kích thước hoặc thuộc tính)

+ Kỹ năng vận động

Khả năng vận động của bé 24 tháng tuổi đã phát triển vượt bậc. Bé đã có thể chạy nhanh, đi thụt lùi, nhảy múa, có thể giữ thăng bằng khi đứng một chân, lắc lư theo nhạc, phối hợp cả tay, chân và mắt. Bé rất thích được tự làm theo ý của mình mà không cần bất cứ sự trợ giúp nào từ ai. Bé có thể tự mở cửa thậm chí cả cửa có then cài nếu bé có thể với tới. Một thú vui đặc biệt của lứa tuổi này là thích tự lên xuống cầu thang một mình.

Cột mốc phát triển:

Đứng trên đầu ngón chân

Giữ thăng bằng khi đi trên lề

Biết chạy

Leo trèo giỏi

Biết lên xuống cầu thang

Biết đá bóng

Có thể nhảy

Ném đồ vật lên trên cao

Nhặt kiểu gọng kìm một cách chính xác

Biết điều khiển những món đồ chơi

Có thể xoay nắm cửa và bấm nút

Có thể lật từng trang sách

Biết sử dụng muỗng và nĩa

Có thể lắp ghép được 6 khối xếp hình

+ Kỹ năng giao tiếp

Khả năng nói và giao tiếp xã hội của bé cũng tiến triển nhiều. bé đã có thể kể mẩu chuyện nhỏ hay hát một bài hát bé thích. Bé thích kết bạn và đã sẵn sàng hơn để chia sẻ đồ chơi của mình với người khác nhưng vẫn khá khó khăn. Bé có thể cho bạn mượn đồ, nhưng sẽ ngay lập tức tìm cách lấy lại ngay. Bé cũng dễ bực tức và thiếu kiên nhẫn. Tuy nhiên, mẹ chỉ nên giúp đỡ nếu các bé không tự giải quyết được.

Các cột mốc phát triển:

Có thể nói được từ 50 đến 70 từ

Sử dụng các cụm từ đơn giản hoặc ghép 2 từ lại với nhau (“Đi chơi”)

Có thể nói một câu hoàn chỉnh đầu tiên khi được 18 đến 30 tháng tuổi

Biết hát

Biết dùng tên để chỉ mình thay cho “con” (tôi, tớ)

Có thể hỏi “Tại sao?”

Người lạ có thể hiểu được một nửa số câu bé nói

+ Cảm xúc

Bé 24 tháng tuổi thường khó kiềm chế cơn giận và thường xuyên đột ngột thay đổi cảm xúc. Đây cũng là giai đoạn bé bắt đầu thể hiện một chút chống đối, dễ nổi cáu như muốn thử thách mức độ kiên nhẫn của ba mẹ vậy. Bé cũng dễ thấy khó chịu khổ sở nhưng ngay lập tức lại bình thường. Lúc này, bé rất cần mẹ hỗ trợ để điều chỉnh cảm xúc và hiểu được thế giới xung quanh. Khi mẹ nhẹ nhàng vỗ về và an ủi, bé sẽ hiểu rằng ba mẹ luôn ở bên để nâng đỡ trong mọi tình huống cảm xúc của bé.

Các cột mốc phát triển:

Kiểm soát cảm xúc kém

Dễ trở nên giận dữ

Có thể nhanh chóng thay đổi cảm xúc

Có thể thiên vị mẹ hơn cha hoặc ngược lại

Thích thú hơn khi chơi với những đứa bé khác

Bí quyết chăm sóc bé yêu

+ Giúp bé phát triển thể chất

Chế độ ăn hằng ngày cần có đầy đủ các nhóm dinh dưỡng thiết yếu cho sự tăng trưởng như:

Protein (đạm), lipit (béo), gluxit (đường, bột), chất khoáng, vitamin, vi chất và nước. Lúc này là thời điểm thích hợp nhất bạn tập cho bé ăn cơm vì lúc này bé đã biết cắn nhai nghiền nát thức ăn trước khi xuống dạ dày. Nếu bé ăn cơm chỉ được ít, không đủ bữa thì bạn nên cho bé ăn các bữa cháo xen kẽ bữa cơm. Miễn sao, mỗi bữa ăn của bé đủ lượng

thức ăn để đảm bảo dinh dưỡng cho bé. Không nên ép bé ăn thêm khi bé không muốn ăn nữa để tránh cảm giác sợ ăn những lần sau. Mẹ nên cân nhắc, chọn lựa các loại sữa có bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho bé như DHA, ARA, Lutein, Taurine (có trong sữa Optimum Gold, DA Gold, Dielac Alpha) giúp bé phát triển trí não; hàm lượng cao Canxi và Vitamin D (trong sữa Dielac Grow, D. Grow Plus) giúp bé phát triển chiều cao; Đạm Whey giàu Alpha Lactabumin (có trong sữa Optimum Gold) giúp bé dễ tiêu hóa và hấp thu, tăng cân tốt; Probiotic và FOS (có trong sữa Optimum Gold, DA Gold, D. Grow Plus ) giúp bé dễ tiêu hóa và hấp thu, ngăn ngừa táo bón.

+ Giữ bé an toàn và khỏe mạnh

Thường xuyên đưa bé tới khám bệnh và tiêm phòng định kỳ. Chú ý giữ vệ sinh thân thể, vệ sinh thực phẩm và vệ sinh ăn uống để phòng tránh bệnh, giúp bé hay ăn chóng lớn và khoẻ mạnh. Để phòng bệnh viêm họng, viêm mũi cho bé, điều cơ bản là giữ bé không bị lạnh, đặc biệt là cổ họng và mũi như quàng khăn hoặc đeo khẩu trang cho bé.

+ Chơi và tương tác

Hãy cùng bé tạo ra những khoảng thời gian thật thú vị bên nhau như chơi đồ chơi, đi dạo, đi chơi công viên thường xuyên. Khuyến khích con vận động, nói chuyện thật nhiều. Mẹ có thể cùng bé chơi trò chơi xếp hình hoặc dán giấy lên sách. Trò chơi này giúp bé phát triển kỹ năng phối hợp giữa tay và mắt. Dạy bé những chức năng thông dụng của các nút bấm điều khiển trong nhà. Bé sẽ để ý cách mẹ làm và tiếp thu thêm được nhiều thông tin nhờ các giác quan của mình. Ưu tiên chọn những loại hoạt động, những trò chơi cho bé mà mẹ và bé có thể làm cùng nhau hoặc mẹ có thể vừa làm vừa trông chừng bé được. Chẳng hạn, mẹ thử chơi trò “Soi gương bắt chước”, hễ mẹ làm gì thì bé sẽ cố gắng bắt chước làm giống hệt như vậy. Nếu không vội lắm thì mẹ và bé có thể đi dạo với nhau và nói về những thứ xung quanh. Nhờ bé làm phụ tá như giúp mẹ đưa đồ cho mẹ phơi, tưới cây, quét nhà… Bé sẽ rất thích thú vì cảm thấy bé quan trọng với mẹ

Hy vọng với bài viết trên mẹ đã hiểu thêm về sự phát triển của bé yêu giai đoạn 24 tháng tuổi. Tùy vào thể chất và đặc điểm riêng mà mỗi bé sẽ có quá trình phát triển khác nhau nên mẹ đừng lo lắng nếu bé con không đạt được đủ những cột mốc ở trên nhen. Bên cạnh việc chăm sóc bé, mẹ nhớ dành chút thời gian cho riêng mình mỗi ngày, dành thời gian làm việc yêu thích như đi dạo, đọc sách, tán gẫu với mẹ bè qua điện thoại… Chúc bé của mẹ luôn vui khỏe và phát triển vượt bậc cả về thể chất lẫn tinh thần nhé!