Bí Quyết Ngon Khỏe

LÝ DO NÊN ĂN SỮA CHUA MỖI NGÀY

Ngày đăng:

06/01/2022

Sữa chua được nhiều cơ quan dinh dưỡng quốc tế và trong nước khuyến nghị nên sử dụng 1-2 hộp mỗi ngày bởi các lợi ích sức khỏe ưu việt.

Tài liệu của Hội đồng Sáng kiến Sữa chua trong Dinh dưỡng (YINI) cho biết, từ thời cổ và trung đại, sữa chua được phát hiện và sử dụng vì những lợi ích đến đường ruột. Thậm chí, vua Pháp François Đệ nhất (thế kỷ XVI) đã sử dụng sữa chua như một phương pháp để điều trị bệnh tiêu chảy nặng. Đầu thế kỷ 20, các hiệu thuốc còn đưa sữa chua vào bán thương mại, như một loại thuốc chữa bệnh.

Hiện tại, sữa chua ngày càng được nhiều gia đình tin tưởng vì những lợi ích đối với sức khỏe. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, khi được sử dụng hàng ngày, sữa chua góp phần nâng cao sức khỏe hệ tiêu hóa, hỗ trợ phòng chống các bệnh lý liên quan đến đường ruột.

 

Sữa chua là món ăn quen thuộc được nhiều gia đình sử dụng để chăm sóc sức khỏe mỗi ngày. Ảnh: Shutterstock

 

Dưới đây là những lợi ích của việc ăn sữa chua hàng ngày:

Cung cấp nhiều chất dinh dưỡng để cơ thể khỏe mạnh

Tài liệu của YINI khẳng định sữa chua là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng. Sữa chua chứa cả vi chất dinh dưỡng (vitamin và khoáng chất) như canxi, kali, kẽm, phốt pho, magiê, vitamin A, B2, B5, B12 và chất dinh dưỡng đa lượng gồm protein và axit béo. Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia còn cho biết, nguồn đạm trong sữa chua là đạm chuẩn, hỗ trợ hấp thu các khoáng chất và giảm huyết áp.

Tốt cho hệ tiêu hóa, tốt cho hệ miễn dịch biểu mô

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Lâm, hệ tiêu hóa có vai trò quan trọng với cơ thể, là nơi tiếp nhận thực phẩm để chuyển hóa thành dinh dưỡng đi nuôi toàn bộ các cơ quan trong cơ thể, cũng là nơi tập trung 70% miễn dịch hệ bạch huyết biểu mô. Hệ tiêu hóa khỏe mạnh sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh.

 

Khoảng 70% hệ miễn dịch biểu mô tập trung ở hệ tiêu hóa. Ảnh: Shutterstock

 

Sữa chua chứa hàng triệu vi sinh đường ruột, khi vào đến đại tràng sẽ tạo môi trường thuận lợi cho lợi khuẩn đường ruột phát triển, từ đó ức chế hại khuẩn gây bệnh, hỗ trợ đường ruột khỏe mạnh. Sữa chua giúp hấp thụ các chất dinh dưỡng hiệu quả hơn nên những người ăn sữa chua thường xuyên (ít nhất 1 hộp mỗi ngày) có lượng dinh dưỡng hấp thụ cao hơn những người khác.

Sữa chua hỗ trợ chăm sóc sắc đẹp

Bác sĩ Lâm cho biết, ăn sữa chua thường xuyên cũng là một cách làm đẹp từ bên trong, vì sữa chua dễ tiêu hóa, hỗ trợ đào thải các chất độc ra khỏi cơ thể, nhờ thế giúp làn da sáng, mịn hơn.

Bên cạnh làm đẹp da, sữa chua còn có tác dụng hỗ trợ việc giữ dáng. So với các sản phẩm sữa khác, sữa chua làm tăng cảm giác no, từ đó giảm sự thèm ăn và giúp giảm lượng calo nạp vào. Theo YINI, điều này có được là do sữa chua có hàm lượng protein cao, lượng kcal thấp. Sữa chua có thể ảnh hưởng đến các hormone kiểm soát sự thèm ăn trong ruột và não.

Giảm nguy cơ mắc bệnh, kéo dài tuổi thọ

Nghiên cứu của YINI cho biết, người thường xuyên sử dụng sữa chua giảm 20% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 so với những người không sử dụng. Sữa chua là thực phẩm có lượng đường thấp, không gây tăng đột biến lượng đường trong máu sau bữa ăn. YINI dẫn bài viết được đăng tải trên BMC – trang web về khoa học có trụ sở tại Anh cho biết: việc người trưởng thành ở Anh tăng khẩu phần sữa chua lên 1 phần/ngày có thể giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường type 2, từ đó giúp quốc gia này tiết kiệm 140 triệu bảng Anh trong 5 năm.

Người thường xuyên ăn sữa chua cũng có khả năng giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. YINI đưa ra lý do là sữa chua và các sản phẩm từ sữa khác rất giàu vi chất dinh dưỡng và protein, một số chất đã được chứng minh có tác dụng làm giảm nguy cơ tăng huyết áp. Canxi, kali và magiê được tìm thấy trong sữa chua có liên quan đến giảm nguy cơ đột quỵ.

Bên cạnh đó, bác sĩ Lâm cũng cho biết, ở những vùng ăn nhiều sữa chua, tuổi thọ của cư dân nhìn chung cao hơn ở những nơi tiêu thụ ít sữa chua.

Trước những công dụng nổi bật cho sức khỏe nêu trên, Phó giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Thị Lâm cũng khuyến nghị mọi người nên ăn 1-2 hộp sữa chua mỗi ngày để chăm sóc sức khỏe hệ tiêu hóa nói riêng và nâng cao sức khỏe toàn diện nói chung.