Ăn khoẻ - Ăn ngon

BÉ 6 THÁNG ĂN ĐƯỢC GÌ? GỢI Ý MÓN ĂN DẶM CHO BÉ 6 THÁNG

Ngày đăng:

08/02/2024

Khi bé bước qua tháng thứ 6, thực đơn ăn dặm là mối quan tâm của rất nhiều bà mẹ. Giai đoạn này hệ tiêu hóa của bé còn rất non nớt và chưa thể hấp thụ nguồn dinh dưỡng nào ngoài sữa mẹ. Do đó, lên thực đơn ra sao để có thể vừa đầy đủ các nhóm chất vừa giúp bé cảm thấy ngon miệng và hình thành thói quen ăn uống tốt là rất quan trọng. Hãy cùng Vinamilk tìm hiểu bé 6 tháng ăn được gì nhé!

Bé 6 tháng ăn được gì?

Vinamilk gợi ý các món ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi 

1. Bé 6 tháng ăn được gì? 

1.1 Sữa mẹ 

Tuy rằng trẻ 6 tháng tuổi đang dần chuyển qua giai đoạn ăn dặm, nhưng mẹ không nên cắt bỏ hoàn toàn việc cho trẻ bú. Bởi sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng chính đối với trẻ dưới 1 tuổi. Không nên tập trung quá nhiều thời gian để tìm kiếm các thực phẩm phù hợp cho con ăn dặm. Do chế độ ăn dặm ở giai đoạn này chỉ cung cấp một phần dinh dưỡng rất nhỏ cho bé 6 tháng tuổi. 

Trường hợp trẻ không được bú sữa mẹ đầy đủ ở giai đoạn này sẽ khiến bé thiếu hụt dinh dưỡng và chậm tăng cân hoặc buộc phải dùng sữa công thức bổ sung.

1.2. Các loại thịt, cá

Theo khuyến nghị của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ - CDC, bé 6 tháng tuổi có thể ăn được đa dạng các loại thịt, cá khác nhau. Mẹ có thể thêm vào thực đơn ăn dặm của bé các loại thịt  như thịt bò, thịt lợn, thịt gà và cá thịt trắng. Tuy nhiên, giai đoạn này không cần quá nôn nóng bổ sung thịt, cá liên tục, nếu không sẽ làm dạ dày và hệ tiêu hóa của con không thích ứng. Lúc mới bắt đầu tập ăn, mẹ nên dùng nước cốt thịt hoặc cá để khuấy bột, nấu cháo cho bé. Điều này giúp cho hệ tiêu hóa của bé tập làm quen với chất đạm và chất béo. 

1.3. Rau củ nấu chín, xay nhuyễn hoặc tán mịn

Rau củ là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ quan trọng đối với bé. Khi bắt đầu ăn dặm, mẹ có thể nấu chín rồi xay nhuyễn hoặc tán mịn cho trẻ có thể ăn được. Do hệ tiêu hóa của trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện. Dạ dày của trẻ còn nhỏ và chức năng tiêu hóa thức ăn rắn chưa tốt.  Việc xay nhuyễn các loại rau củ giúp bé dễ dàng cảm nhận hương vị của thức ăn, kích thích vị giác và bổ sung các dưỡng chất cần thiết. 

Bé 6 tháng tuổi ăn được rau củ xay nhuyễn

Xay nhuyễn rau củ để có dễ ăn, nhai và nuốt

1.4. Hoa quả nghiền nhuyễn

Khi bé vẫn chưa có khả năng nhai tốt, việc cho trẻ ăn hoa quả nghiền nhuyễn sẽ giúp làm giảm nguy cơ bị nghẹn. Mẹ có thể cho bé làm quen với từng loại hoa quả như chuối, đu đủ, hồng xiêm,...giúp bổ sung các vitamin và khoáng chất đầy đủ. Như vậy, mẹ sẽ tạo cho bé thói quen ăn uống lành mạnh, thích ăn hoa quả và rau xanh. 

1.5. Ngũ cốc xay nhuyễn hoặc bột ngũ cốc dành riêng cho bé 6 tháng

Ngoài sữa mẹ hoặc cháo, trẻ 6 tháng tuổi có thể bắt đầu ăn dặm bằng ngũ cốc xay nhuyễn, bột ngũ cốc dành riêng của bé. Mẹ có thể trộn ngũ cốc với sữa giúp bé làm quen dần với thực ăn đặc giàu dinh dưỡng. 

Một số loại bột ngũ cốc cho bé 6 tháng tuổi gồm: yến mạch, gạo lứt, bột bắp, bột gạo nhưng tuyệt đối không chứa gluten và ít đường. 

2. Nhóm thực phẩm nên bổ sung cho bé 6 tháng

2.1. Nhóm bột – đường

Thường chứa trong các loại thực phẩm giàu tinh bột như gạo, yến mạch, ngô, khoai,… Đây là nhóm thực phẩm thiết yếu quá trình tập ăn dặm của bé vì cung cấp 50 - 60% nhu cầu năng lượng hàng ngày cho bé. Thông thường mẹ có thể dùng bột gạo nấu hoặc cháo loãng để hình thành khẩu phần ăn, kết hợp với sữa để tạo vị ngọt quen thuộc cho bé bắt đầu ăn dặm.

Gạo là một trong các thực phẩm giàu tinh bột phù hợp cho bé

Gạo cung cấp nhiều năng lượng cho trẻ 

2.2. Nhóm chất đạm

Nhóm thực phẩm giàu đạm cho bé bao gồm: thịt, cá, trứng, sữa, tôm, các sản phẩm từ đậu nành và các loại đậu, đỗ. Ban đầu, khi mới tập ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi mẹ nên cho nước luộc thịt heo hoặc gà vào cháo nấu cùng, ninh nhừ để bé dễ ăn. Về sau khi bé đã quen các mẹ nên xay nhuyễn các thực phẩm thuộc nhóm này để nấu cùng cháo cho bé tập nhai kỹ hơn.

2.3. Nhóm chất béo

Chất béo chứa trong dầu, mỡ, bơ, phô mai và các loại hạt có dầu. Cơ thể bé sẽ nhận nhóm chất béo tốt hơn vào khoảng giai đoạn 7 - 8 tháng; tuy nhiên, ở giai đoạn bé 6 tháng tuổi, mẹ có thể thêm 1 thìa nhỏ dầu olive hoặc dầu gấc vào bột ăn dặm vị ngọt hoặc cháo để hệ tiêu hóa của bé tập làm quen với nhóm chất này.

Mẹ có thể thêm chất béo vào thực đơn cho bé 6 tháng

Nhóm thực phẩm giàu chất béo giúp cơ thể bé nhanh chóng phát triển 

2.4. Nhóm vitamin và khoáng chất

Rau củ và các loại trái cây tươi rất giàu vitamin và khoáng chất. Mẹ có thể cho bé ăn thử một ít trái cây mềm như táo, lê nghiền nhuyễn hạt hoặc chuối, cam, quýt để bổ sung thêm vitamin và chất khoáng cho bé. Đặc biệt, việc bổ sung cho bé chất xơ từ các loại rau củ xay nhuyễn như rau ngót, rau cải, bí ngô, củ cải,…cũng rất tốt cho hệ tiêu hóa của bé. 

Tìm hiểu thêm: Chế độ dinh dưỡng cho trẻ từ 0 - 6 tháng theo từng giai đoạn

3. Gợi ý món ăn dặm cho bé 6 tháng đầy đủ dinh dưỡng 

3.1. Cháo loãng

Bé 6 tháng tuổi ăn được gì? Cháo loãng là món ăn không thể thiếu trong thực đơn ăn dặm của bé. Với 2 nguyên liệu chính: gạo và nước được nấu với tỷ lệ 1 : 10. Khi bé đã làm quen với cháo, mẹ có thể tăng tỷ lệ gạo lên và giảm lượng nước xuống. Sau khi nấu xong sử dụng dụng cụ rây hoặc xay cho cháo trở nên loãng và mịn. 

3.2. Rau cải ngọt trộn đậu phụ

Để bổ sung rau xanh vào bữa ăn dặm, mẹ có thể thực hiện món rau cải ngọt trộn với đậu phụ. Bằng cách luộc chín rau cải ngọt và đậu phụ non rồi xay hoặc rây cho mịn. Sau đó, trộn rau cải với đậu phụ với nhau và thêm một chút nước hầm từ rau củ để tạo thành món ăn dặm giàu dinh dưỡng. 

3.3. Cháo trứng

Cháo trứng là một món ăn đơn giản nhưng lại chứa nhiều dinh dưỡng trong trứng gà. Mẹ chỉ cần nấu cháo trắng và trộn cháo với lòng đỏ trứng gà, các loại rau củ xay nhuyễn và thêm một chút dầu gấc hoặc dầu oliu. 

Cháo trứng cung cấp nhiều dinh dưỡng cho trẻ

Cháo trứng là món ăn dặm giúp bé ăn dặm dễ dàng và ngon miệng

3.4. Bơ trộn sữa mẹ

Cắt bơ thành các miếng nhỏ, nghiền nhuyễn và trộn với một ít sữa mẹ để tạo thành một hỗn hợp lỏng mịn. Món này cung cấp cho bé nhiều vitamin, khoáng chất và chất béo tốt giúp bé phát triển khỏe mạnh. 

Tham khảo thêm: Thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi khỏe mạnh

4. Một số lưu ý khi chế biến món ăn cho trẻ 6 tháng 

  • Mẹ không nên cho thêm nước lạnh khi nấu cháo vì nước sẽ khiến hạt gạo bị trương lên, mất nhiều thời gian nấu chín, mất các dưỡng chất và giảm đi độ thơm ngon của cháo. 
  • Không nên cho bé ăn thức ăn hâm hoặc nấu lại nhiều lần, gây không tốt đến sức khỏe của trẻ. 
  • Bé còn quá nhỏ nên hệ tiêu hóa chưa phát triển toàn diện và hấp thu muối rất kém. Chính vì vậy, khi chế biến các món ăn dặm không nêm quá nhiều gia vị. 
  • Bảo quản và rã đông đúng cách để ngăn ngừa các loại vi khuẩn phát triển khiến các thực phẩm dễ hỏng và gây ngộ độc hoặc tiêu chảy cho bé.

Các mẹ không nên hâm lại thức ăn của bé nhiều lần

Nên bảo quản thức ăn đúng cách để hạn chế vi khuẩn phát triển 

5. Lưu ý khi cho trẻ 6 tháng ăn dặm

  • Kết hợp với nhiều loại thức ăn, thay đổi thường xuyên để đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cũng như làm cho bé không bị ngán khi phải ăn một món nhiều lần.
  • Cho bé ăn từ từ, từng chút một, từ ít đến nhiều. Nên kiểm tra các nguy cơ dị ứng cũng như khả năng tiêu hóa của bé khi cho bé thử thức ăn mới.
  • Các mẹ cũng nên tham khảo sản phẩm bột cho bé bắt đầu ăn dặm với dưỡng chất đầy đủ và tiết kiệm thời gian chế biến hơn.
  • Không nên thêm mắm/muối vào đồ ăn dặm của bé vì thận bé còn yếu, chưa quen với gia vị đậm đà như người lớn.
  • Thời gian giữa các bữa ăn dặm nên cố định, 2 bữa cách xa nhau để tạo thành thói quen cho bé nhưng cũng không cần quá cứng nhắc vì khả năng ăn còn phụ thuộc vào tâm trạng của bé.
  • Tuyệt đối không ép bé ăn: khi bé tỏ ra phản đối việc ăn dặm bố mẹ nên tạm ngưng từ 3-4 ngày sau đó kiên nhẫn tập lại để bé không bị căng thẳng dẫn đến chán ăn, lười ăn.

Những lưu ý khi cho bé 6 tháng ăn dặm

Thay đổi các món ăn vẫn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng giúp bé không ngán ăn 

6. Cách phòng tránh rủi ro khi bé 6 tháng tập ăn dặm

  • Mẹ luôn ở bên cạnh để quan sát, theo dõi quá trình ăn dặm của bé. 
  • Thắt dây an toàn cho bé khi ngồi trên ghế cao, ngăn cản trẻ di chuyển khi ăn. 
  • Không cho bé ăn các loại hạt cứng và hoa quả có kích thước tròn nhỏ. Cắt nhỏ các loại trái cây rau củ để bé tự cầm nắm, dễ dàng nhai và nuốt. 
  • Cho bé làm quen với từng món ăn, thực phẩm riêng lẻ và quan sát trong vài ngày để xem có bị dị ứng không. 
  • Không sử dụng các loại gia vị như đường, muối, bột ngọt…cho trẻ dưới 1 tuổi. 

Cách hạn chế rủi ro khi trẻ ăn dặm

Luôn quan sát và theo dõi bé suốt quá trình ăn dặm

Kết luận

Hy vọng với những thông tin trên bài viết, các mẹ có thể tìm ra lời giải đáp cho vấn đề bé 6 tháng ăn được gì. Đồng thời, hãy luôn tuân thủ các chú ý để đảm bảo bé được cung cấp thực phẩm chín, không chứa đường và muối. Khi cho bé ăn cần tạo ra một môi trường vui vẻ và yêu thương để bé có trải nghiệm ăn uống tích cực.

 Xem thêm:

Bé 7 tháng ăn được gì và thực đơn dinh dưỡng dành cho trẻ?