Nhật Ký Mẹ Bầu

MẸ BẦU MẤT NGỦ 3 THÁNG CUỐI DO ĐÂU, CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?

Ngày đăng:

08/02/2024

Nhiều mẹ bầu mất ngủ 3 tháng cuối thai kỳ khiến mẹ vô cùng mệt mỏi vào ngày hôm sau, ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi về lâu dài. Vậy bà bầu mất ngủ 3 tháng cuối nguyên nhân do đâu, có nguy hiểm không, cải thiện bằng cách nào? Hãy cùng Vinamilk tìm câu trả lời trong bài viết sau.

Mẹ bầu mất ngủ 3 tháng cuối thai kỳ

Nguyên nhân mẹ bầu mất ngủ 3 tháng cuối thai kỳ và cách khắc phục

1. Nguyên nhân khiến mẹ bầu mất ngủ 3 tháng cuối

1.1. Hệ tiêu hóa yếu

Khi mang thai, hormone progesterone tăng cao làm giảm nhu động ruột dẫn đến các vấn đề về hệ tiêu hóa như táo bón, đầy bụng, khó tiêu.Những vấn đề tiêu hóa này có thể khiến mẹ bầu khó ngủ, trằn trọc.

1.2. Sự phát triển nhanh của thai nhi

3 tháng cuối là giai đoạn thai nhi phát triển nhanh chóng gây áp lực lên các cơ quan nội tạng của mẹ, bao gồm cả dạ dày và bàng quang. Điều này có thể khiến mẹ bầu cảm thấy khó chịu, trằn trọc, mất ngủ.

Nguyên nhân bà bầu mất ngủ tháng cuối

Sự phát triển nhanh của thai nhi 3 tháng cuối khiến mẹ bầu trằn trọc, mất ngủ

1.3. Khó thở, tiểu nhiều

Tử cung to lên chèn vào cơ hoành nằm dưới phổi gây ra tình trạng khó thở, làm mẹ bầu trằn trọc cả đêm. Cùng với đó, trong những tháng cuối, do áp lực của tử cung chèn lên bàng quang dễ khiến mẹ bầu tỉnh dậy giữa đêm và khó có thể ngủ lại.

1.4. Tư thế ngủ không thoải mái

Bà bầu tháng cuối bị mất ngủ do ở những tháng cuối, vùng bụng của mẹ to lên nên chỉ có thể nằm nghiêng một bên. Điều này khiến mẹ có cảm giác bức bí. Những mẹ bầu hay trở mình sẽ càng khó ngủ hơn vì khó mà xoay qua xoay lại với phần bụng quá to.

Mẹ bầu tháng cuối nằm nghiêng một bên

Ở những tháng cuối, vùng bụng của mẹ to lên nên chỉ có thể nằm nghiêng một bên

1.5. Tâm lý căng thẳng, lo lắng

Tâm trạng căng thẳng cũng là một nguyên nhân phổ biến gây mất ngủ ở mẹ bầu trong những tháng cuối, đặc biệt là với những người lần đầu làm mẹ. Họ thường lo lắng về sự phát triển của thai nhi trong bụng, hay cuộc “vượt cạn”sắp tới.

1.6. Cử động của thai nhi

Khi thai nhi càng lớn sẽ càng cử động nhiều hơn, đặc biệt là vào ban đêm. Những cử động này của bé cũng là nguyên nhân làm gián đoạn giấc ngủ của mẹ, khiến mẹ thức giấc nhiều lần và khó ngủ hơn.

Cử động của thai nhi vào tháng cuối

Khi thai nhi càng lớn sẽ càng cử động nhiều hơn, đặc biệt là vào ban đêm

1.7. Các nguyên nhân khác

Ngoài ra, những cơn đau xuất hiện ở lưng hay chân bị chuột rút cũng thường quấy rối mẹ bầu vào ban đêm. Bên cạnh đó còn có những cơn co tử cung trong những tuần cuối thai kỳ (cơn gò Braction Hick).

2. Bà bầu mất ngủ 3 tháng cuối có nguy hiểm không?

2.1. Đối với sức khỏe mẹ bầu

  • Ảnh hưởng đến sức khỏe: Gây suy giảm sức khỏe, khiến bà bầu thường xuyên rơi vào trạng thái mệt mỏi, uể oải, thiếu tỉnh táo.
  • Ảnh hưởng đến tâm lý: Ảnh hưởng đến cảm xúc và sức khỏe tinh thần của mẹ, từ đó có thể dẫn bệnh lý trầm cảm trước và sau sinh.
  • Khó sinh thường: Gia tăng nguy cơ khó sinh thường do mẹ không có đủ sức khỏe để rặn đẻ em bé.

2.2. Đối với sức khỏe thai nhi

  • Chậm phát triển thể chất và trí tuệ: Khi bà bầu thức đêm, cơ thể sẽ sản sinh hormone thùy trước tuyến yên. Loại hormone này có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của thai nhi, khiến em bé khi sinh ra có nguy cơ thấp bé, nhẹ cân, chậm phát triển trí tuệ hơn do với bạn bè đồng trang lứa.
  • Thiếu máu: Thời gian tạo máu tốt nhất cho thai nhi là từ 23 giờ đêm đến 3 giờ sáng hôm sau. Mẹ bầu mất ngủ vào thời gian này thường xuyên sẽ làm giảm khả năng tạo máu và dẫn đến thiếu máu ở thai nhi.
  • Em bé sau sinh quấy khóc, khó ngủ: Em bé bị ảnh hưởng bởi thói quen giấc ngủ khi còn trong bụng mẹ cũng có thể dẫn đến tình trạng khó ngủ, trằn trọc tương tự sau khi chào đời.

Bà bầu mất ngủ 3 tháng cuối thai kỳ

Mẹ bầu mất ngủ 3 tháng cuối ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ bầu và thai nhi

3. Cách chữa mất ngủ cho bà bầu 3 tháng cuối thai kỳ

3.1. Thay đổi chế độ ăn uống

  • Nên ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin B như thịt nạc, cá, trứng, sữa, ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh,... vì đây là loại vitamin có tác dụng cải thiện chất lượng giấc ngủ rất tốt.
  • Không nên ăn no trước khi đi ngủ để tránh bị đầy bụng. Thời điểm ăn tối tốt nhất là trước khi đi ngủ khoảng 2 - 3 giờ.
  • Chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày để hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
  • Không nên ăn và uống các loại thực phẩm như trà, cà phê, socola,... vào buổi tối.
  • Không nên uống nhiều nước trước khi đi ngủ để hạn chế tiểu tiện vào ban đêm.

3.2. Thay đổi thói quen sinh hoạt

  • Điều chỉnh tư thế ngủ nằm nghiêng về bên trái, gác chân lên cao và uốn cong gối để giảm áp lực lên tĩnh mạch chân và tăng cường cung cấp máu cho hệ tuần hoàn. Đây là tư thế ngủ thích hợp nhất cho bà bầu trong giai đoạn này.
  • Xây dựng chế độ nghỉ ngơi và làm việc phù hợp, khoa học.
  • Không nên ngủ quá nhiều vào buổi trưa để tránh ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ ban đêm.
  • Nên vận động và tập thể dục nhẹ nhàng để hạn chế tình trạng chuột rút vào ban đêm, đồng thời tăng cường sức khỏe và giảm tình trạng căng thẳng, lo âu.
  • Có thể ngâm chân với nước ấm và gừng hoặc xông tinh dầu để dễ ngủ hơn.

Cách để mẹ bầu cải thiện mất ngủ tháng cuối

Cách khắc phục tình trạng mất ngủ của mẹ bầu trong 3 tháng cuối thai kỳ

4. Những câu hỏi thường gặp khi bà bầu 3 tháng cuối bị mất ngủ

4.1. Bầu mất ngủ 3 tháng cuối có phải báo hiệu chuyển dạ?

Mất ngủ ở 3 tháng cuối thai kỳ cũng là một hiện tượng phổ biến trước khi bà bầu chuyển dạ. Nguyên nhân là do cơ thể bài tiết chất oxytocin làm bà bầu tỉnh táo và gây ra những cơn gò ban đêm làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của bà bầu.

4.2. Bà bầu nên ngủ bao nhiêu giờ một ngày?

Để đảm bảo sức khỏe, bà bầu nên ngủ ít nhất khoảng 8 giờ vào ban đêm. Nếu thời gian ngủ giảm xuống dưới 6 giờ mỗi đêm thì sẽ làm tăng nguy cơ chuyển dạ kéo dài ở bà bầu.

Trên đây là nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng mẹ bầu mất ngủ 3 tháng cuối thai kỳ. Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp các mẹ có những giấc ngủ hơn mỗi đêm. Vinamilk chúc các mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh và hạnh phúc!