Thông Tin Dinh Dưỡng

BÍ QUYẾT NẤU THỨC ĂN DẶM MỘT CÁCH KHOA HỌC VÀ TIẾT KIỆM THỜI GIAN CHO MẸ

Ngày đăng:

08/11/2016

Bé bước vào tuổi ăn dặm cũng là lúc nhiều mẹ đi làm trở lại sau thời gian thai sản. Dù gửi bé ở nhà cho bà hay người thân, nhiều việc mẹ cần tự tay làm cho bé mới yên tâm. Một trong số đó là nấu bột ăn dặm cho bé. Vậy làm sao để nấu bột ăn dặm khoa học, đầy đủ dưỡng chất cho bé mà vẫn tiết kiệm thời gian cho mẹ? Hãy tìm lời giải đáp trong bài dưới đây mẹ nhé!


Mẹ cần đảm bảo bột ăn dặm của bé đủ 4 nhóm chất

Mẹ cần đảm bảo bột ăn dặm của bé đủ 4 nhóm chất

Thiết bị

Để nghiền hoặc xay nhuyễn thức ăn, mẹ có thể sử dụng các công cụ sau:

  • Máy xay thức ăn bằng tay quay có lưỡi khác nhau cho các thực phẩm có kết cấu khác nhau
  • Máy xay sinh tố
  • Một chiếc dĩa tốt (để nghiền nhỏ các loại thực phẩm như khoai lang, bơ, và chuối)

Nguyên liệu

  • Mẹ hãy chọn mua những nguyên liệu tươi mới để đảm bảo dinh dưỡng khi nấu ăn cho bé.
  • Hoa quả tươi, rau củ hay thịt, cá chỉ nên mua vừa đủ dùng trong 1 đến 2 ngày.
  • Ưu tiên lựa chọn những trái cây và rau quả giàu vitamin, phù hợp với bé:
    • Trái cây: táo, mơ, chuối, quả việt quất, xoài, đào, lê và mận.
    • Rau quả: măng tây, trái bơ, cà rốt, đậu Hà Lan, khoai tây, khoai lang và bí đỏ .
  • Nguyên liệu cần sạch và an toàn:
    • Không có tác nhân gây bệnh (không có vi khuẩn gây bệnh hoặc các sinh vật có hại khác)
    • Không có các hóa chất có hại hoặc chất độc
    • Không có xương hoặc các miếng cứng có thể gây tổn thương cho bé
  • Ưu tiên các nguyên liệu có thể chuẩn bị dễ dàng, dễ nấu và giá cả hợp lý. Chuẩn bị từ các thực phẩm của gia đình, địa phương, giá hợp lý, dễ nấu.
  • Dụng cụ làm bếp và bát đũa cho bé phải được rửa và giữ sạch.
  • Hạn chế tối đa tiếp xúc với nitrat – hóa chất được tìm thấy trong đất và nước, có thể dẫn đến một loại bệnh thiếu máu được gọi là methemoglobinemia. Một số rau quả cũng có thể chứa nitrat. Các nguồn có khả năng nhất là củ cải, cà rốt, đậu xanh, rau chân vịt, bí…
  • Nên sử dụng lá rau, nếu dùng cuộng rau thì nhất thiết phải xay nhuyễn.
  • Mẹ chưa nên sử dụng nước mắm để chế biến thức ăn cho bé ở tuổi này, nếu muốn thì chỉ dùng vài giọt thôi mẹ nhé.
  • Mẹ không nhất thiết phải thêm thêm đường, xirô, muối, gia vị, dầu, bơ, mỡ, kem, nước thịt, nước sốt, hoặc chất béo khi nấu ăn cho bé. Một số có thể gây ra ngộ độc trong thực phẩm đóng hộp bé (đặc biệt là các loại dầu, mỡ, bơ, sữa, vv)
  • Tuyệt đối không nêm thêm mật ong vào thức ăn cho bé để tránh nguy cơ gây bệnh ngộ độc cho trẻ.
  • Mẹ hãy nhớ lượng nước khi nấu bột rất quan trọng. Càng sử dụng ít nước, thực phẩm càng giữ được nhiều chất dinh dưỡng.
  • Bột gạo chỉ nên là gạo tẻ, không pha thêm gạo nếp. Nếu mẹ muốn thay đổi vị cho bé, mẹ nên xay riêng hạt, chế thêm vào khi sử dụng. Tuy nhiên nên hạn chế trong giai doạn này vì bé chỉ mới ăn được 10g bột, nếu có thêm bột, lượng gạo sẽ rất ít. Ngoài ra, đạm thực vật sẽ tốt cho bé hơn đạm thực vật.

Dinh dưỡng

Mẹ cần đảm bảo một chén bột của bé có đủ 4 nhóm thực phẩm là chất bột, chất đạm, vitamin – khoáng chất và chất béo, giàu năng lượng: đặc biệt là sắt, kẽm, canxi, vitamin A, C và folate (có nhiều trong thức ăn nguồn gốc động vật, hải sản, …)

  • Đối với bột đã chín sẵn thì dùng nước ấm cho bột vào từ từ khuấy đều.
    • Thịt, cá , tôm, cua, đậu hủ…phải bầm nhuyễn hoặc xắt nhỏ … nấu chín nhừ mới cho bột trộn vào, cho thêm 1 muỗng cafe dầu tinh luyện
    • Cho bé ăn cả xác thịt, cá, tôm, cua…
  • Đối với bột còn sống (bột gạo): Hòa chất bột cùng chất đạm đã xắt nhỏ hoặc bằm nhuyễn vào nước, bắc lên bếp khuấy chín, cho tiếp rau đã xắt nhỏ hoặc bằm nhuyễn vào và cuối cùng cho tiếp dầu ăn.
  • Đối với nấu cháo: Nấu gạo nhừ thành cháo đặc (cháo trắng). Hòa 1 chén cháo cùng chất đạm đã xắt nhỏ hoặc bằm nhuyễn vào nước , bắt lên bếp khuấy chín , cho tiếp rau /củ đã xắt nhỏ hoặc bằm nhuyễn vào nấu chín và cuối cùng cho tiếp dầu ăn.
  • Mỗi chén cần có:
  • 2 muỗng canh( gạt ngang) chất đạm: thịt, cá, tôm , cua, lươn…cho 1 chén bột và 3 muỗng canh (gạt ngang) cho 1 chén cháo.
  • 2 muỗng canh (gạt ngang) rau: rau lá / rau củ…(mồng tơi, rau dền, cải ngọt, bó xôi, rau ngót, bí đỏ, cà chua, cà rốt…).
  • 1 muỗng canh dầu ăn: dầu mè, dầu nành…
  • Dùng chén 200ml, muỗng 10ml.
  • Cho bé ăn thêm trái cây: chuối, đu đủ…trái cây mềm hoặc xay hay nước trái cây cho vào bữa phụ.

Bí kíp tiết kiệm thời gian

  • Mẹ nên nấu cháo trắng để tủ lạnh với lượng vừa đủ cho bé ăn cả ngày, vừa đảm bảo vệ sinh mà mẹ không phải nấu nhiều lần.
  • Chuẩn bị một lượng rau, thịt, củ, quả và một lượng dầu ăn đủ cho bé theo từng độ tuổi. Ban đầu mẹ có thể xay nhỏ trước khi đun, sau đó băm nhỏ bằng dao và giảm dần kích thước nhỏ khi bé lớn dần.
  • Sơ chế trước thực phẩm nấu ăn cho bé vào ngày hôm sau để tiện cho việc chế biến nhanh và dễ dàng hơn.

Chú ý khi cho bé ăn dặm

  • Thức ăn không nên quá nóng, quá ngọt hay quá mặn.
  • Không nên lạm dụng bột ăn dặm đóng hộp, bé sẽ nhanh chán và biếng ăn do mùi vị và món ăn không được thay đổi.
  • Mẹ cần cho bé thử các kích thước thức ăn khác nhau để dạ dày làm quen dần, tốt cho hệ tiêu hóa.
  • Tránh cho bé dùng những bữa phụ có quá nhiều đường (làm hỏng răng) và có giá trị dinh dưỡng thấp (ví dụ: nước có gas, kẹo kem, kẹo que) dễ gây các bệnh rối loạn chuyển hóa sau này mẹ nhé.

Hy vọng với những thông tin trên đây sẽ giúp mẹ biết cách nấu bột ăn dặm ngon và tiết kiệm thời gian hơn. Dù bé đã ăn dặm nhưng mẹ nên tiếp tục cho bé bú sữa mẹ. Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ đến 24 tháng tuổi, vì trong sữa mẹ có chứa sữa non (cholostrum) để tăng sức đề kháng và giúp trẻ phát triển khỏe mạnh […]. Tuy nhiên, trong trường hợp mẹ gặp khó khăn khi nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong giai đoạn này vì những lí do đặc biệt thì nên đến cơ sở y tế để nhận được hướng dẫn từ thầy thuốc và nhân viên y tế. Chúc bé của mẹ luôn khỏe mạnh và phát triển toàn diện.

BS. Nguyễn Thị Ngọc Thanh

Trung tâm dinh dưỡng Vinamilk