Thông Tin Dinh Dưỡng

NHỮNG KỸ NĂNG ĐƯỢC PHÁT TRIỂN VÀ CÁCH CHĂM SÓC BÉ TRONG GIAI ĐOẠN TỪ 7 – 12 THÁNG

Ngày đăng:

06/10/2016

Khi chăm bé từ 7 – 12 tháng tuổi, cuộc sống của mẹ dường như sống động và thú vị hơn mỗi ngày, vì đây là thời kỳ bé học hỏi và khám phá các kỹ năng quan trọng với cũng như có sự phát triển về mặt thể chất những biểu hiện rõ rệt. Mẹ có háo hức không khi được cùng bé “khai quật” kỹ năng mới và cùng lớn lên với bé mỗi ngày?

Sự phát triển thể chất của bé

  • Giai đoạn 7 – 8 tháng tuổi: Bé tăng chiều cao mỗi tháng khoảng 1,4 cm và đạt chiều cao trung bình khoảng từ 68,4 – 70,6 cm (bé trai) hoặc từ 66,4 – 68,7 cm (bé gái). Về cân nặng bé tăng mỗi tháng khoảng 300gr, đạt khoảng 8,6 kg đối với bé trai và 7,9 kg đối với bé gái.
  • Giai đoạn 8 – 9 tháng tuổi: Bé trai có chiều cao trung bình từ 69,7 – 72,2 cm, bé gái sẽ đạt mức chiều cao từ 67,7 – 70,1 cm. Trong tháng này bé vẫn tăng cân đều nhưng sự thay đổi là không nhiều.
  • Giai đoạn 9 – 12 tháng tuổi: Sự tăng trưởng về chiều cao và cân nặng của bé đã có dấu hiệu chững lại. Mức tăng chiều cao trung bình mỗi tháng ở giai đoạn này là 1,2 – 1,3 cm/tháng trong khi về cân nặng bé tăng chỉ khoảng 0,2 – 0,5 kg do phải tiêu tốn năng lượng cho các hoạt động bé mới khám phá ra. Đến lúc đạt mốc 12 tháng tuổi bé bình thường sẽ nặng hơn 3 lần so với lúc vừa chào đời.

Khả năng vận động của bé

Mỗi bé có một khả năng và tiềm năng phát triển nhanh, chậm khác nhau, song hầu hết mẹ có thể đoán được bé cưng nhà mình sắp học được “tuyệt chiêu” gì mới theo từng tháng:

  • Bé 7 tháng tuổi: Hầu hết các bé ở thời điểm này đều có thể tự ngồi và thích nhoài người về phía trước. Đặc biệt, một số bé phát triển sớm còn có thể vẫy tay khi tạm biệt và đứng được khi có chỗ để vịn vào.
  • Bé 8 tháng tuổi: Lúc này mẹ có thể tổ chức một cuộc đua nhỏ với bé được rồi đấy. Vì bé đã tập bò, thậm chí một số bé còn có thể bò khá tốt. Bé có thể chuyển đồ vật từ tay này qua tay khác. Ở một số bé nhạy hơn, mẹ có thể thấy khi bé nhặt đồ vật lên, ngón tay cái của bé đã bắt đầu hoạt động linh hoạt và độc lập.
  • Bé 9 tháng tuổi: Các bé đã có thể giữ mình ở tư thế đứng khi có vật để vịn vào. Đôi khi bé có thể thích thú với việc đi loanh quanh trong nhà khi có người giữ bé hoặc gây ra một số âm thanh náo loạn nho nhỏ với khả năng gõ các vật vào nhau.
  • Bé 10 tháng tuổi: Hầu như các bé có thể thành thạo việc sử dụng ngón cái độc lập để cầm nắm, nhặt đồ vật.
  • Bé 11 tháng tuổi: Gần như tất các các bé đều có thể vẫy tay chào tạm biệt, cử động ngón cái linh hoạt khi cầm nắm, trở thành “chuyên gia bò lung tung” và đã ở một ngưỡng cao hơn của việc tập đi với khả năng đi lò dò.
  • Bé 12 tháng tuổi: Bé có những biểu hiện thích thú khi bắt chước lại hành động của người lớn, một số bé có thể chập chững và khoảng 25% trong số các bé có thể đi khá vững. Nếu bé chưa đi được thì mẹ cũng có thể thấy cử động của cơ thể bé lúc đạt mốc 12 tháng tuổi đã khá linh hoạt và cứng cáp.

Bé 10 tháng tuổi hầu như có thể sử dụng ngón tay cái linh hoạt khi cầm nắm đồ vật

Bé 10 tháng tuổi hầu như có thể sử dụng ngón tay cái linh hoạt khi cầm nắm đồ vật

Phát triển trí não

Đây là thời gian bé không ngừng học hỏi và khám phá thể giới xung quanh. Qua mỗi ngày, khả năng nhận thức của bé đều có sự trau dồi và phát triển. Bé đã có thể phản hồi lại những yêu cầu đơn giản của người lớn.

Khả năng giao tiếp của bé

Bắt đầu từ lúc được 7 tháng tuổi, bé đã bắt đầu bập bẹ tập luyện phát âm. Sang đến tháng thứ 8, bé có thể gọi những tiếng “ma ma” đáng yêu, sau đó gọi được “bà” và . Khi bé 11 tháng tuổi đã có thể phân biệt được đối tượng cụ thể của những tiếng gọi “ma ma”, “bà bà” và có thể biểu đạt ý muốn của mình thông qua các cử chỉ: như đòi đồ vật hoặc đòi bế.

Bên cạnh đó bé có thể liên kết được các đồ vật bằng tên gọi bé đặt cho chúng. Nếu mẹ để ý thì có thể nhận thấy hầu hết các từ bé có thể học được trong giai đoàn này đều là danh từ.

Phát triển về cảm xúc

Giai đoạn từ 7 – 12 tháng tuổi bé đã dần dà ý thức được các mối quan hệ thân thiết. Điều đó thể hiện qua sự quyến luyến, yêu thích đối với những người thân và có sự lo lắng hay căng thẳng khi phải tiếp xúc với những người lạ, nhất là khi không có người thân ở kề bên. Bé cũng có sở thích mô phỏng lại những hành động của người lớn và những bạn bè cùng trang lứa.

Cách chăm sóc bé phù hợp trong giai đoạn từ 7 – 12 tháng tuổi

  • Bé 7 tháng tuổi: Lúc này bé đã bước qua giai đoạn ăn dặm được khoảng 1 tháng nên ngoài sữa mẹ và sữa công thức bổ sung mẹ đã có thể cho bé ăn thêm cháo được xay nhuyễn hoặc để lợn cợn. Bé cũng có thể được tập ngủ giấc trưa từ 30 phút đến 1 giờ để buổi chiều tỉnh táo hơn.
  • Bé 8 tháng tuổi: Thực đơn của bé đa dạng hơn. Thức ăn chính của bé gồm tinh bột, các nguồn cung cấp protein như thịt, hải sản, trứng, cùng với các loại rau củ. Mẹ có thể giúp bé nâng cao khả năng chiến đấu của hệ tiêu hóa bằng thức ăn tráng miệng là sữa chua. Lúc này mẹ đã có thể yên tâm để bé học cách tự ăn mà không cần mẹ đút.
  • Bé 9 tháng tuổi: Khả năng cử động ngón tay cái của bé khi cầm nắm linh hoạt hơn tương đương với việc tự bốc thức ăn cũng thuận tay hơn. Mẹ nên để bé tự bốc nhón thức ăn và nếm thử các loại thức ăn. Trong thực đơn của bé cần bổ sung thêm rau xanh, trái cây được cắt miếng nhỏ.
  • Bé 10 tháng tuổi: Một điều mẹ cần phải chú ý, đặc biệt chú ý là phải làm cho bữa ăn dinh dưỡng của bé trở nên hấp dẫn, thơm ngon hơn để ngăn chặn chứng biếng ăn của bé trong giai đoạn này. Thay vì cố gắng ép bé ăn khi bé có cảm giác chán ngán, mẹ nên giúp bé cảm thấy hứng thú với việc ăn và khám phá những mùi vị thức ăn khác nhau mỗi ngày.
  • Bé từ 11 – 12 tháng tuổi: Lúc này sữa mẹ chính thức trở thành thức ăn phụ. Những loại thức ăn như tinh bột, protein sẽ đảm nhiệm vai trò cung cấp năng lượng và dinh dưỡng cho bé. Vì vậy mẹ cần tăng khẩu phần ăn để đảm bảo bé được cung cấp đủ đầy dưỡng chất cho quá trình phát triển.

Những kỹ năng bé sẽ học được trong từng tháng không nhất thiết đúng cho tất cả bé vì có những bé sẽ phát triển nhanh hơn, có những bé chậm hơn một chút nhưng đến thời điểm “đúng” của riêng mình các bé sẽ học được những gì cần thiết. Chỉ khoảng 25% trẻ tròn 1 tuổi có thể tự đi vững, còn lại các bé sẽ cần một điểm tựa hoặc sự giúp đỡ của người lớn. Nếu bé có chậm chút xíu so với các bạn còn lại, mẹ không nên cố gắng thúc ép bé. Hãy đơn giản tận hưởng từng khoảnh khắc được lớn lên cùng bé yêu.

BS. Nguyễn Vĩnh Hoàng Oanh

Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk