Thông Tin Dinh Dưỡng

BẢO VỆ BÉ KHỎI NGUY HIỂM TRONG NHÀ

Ngày đăng:

04/08/2016

7 – 12 tháng là giai đoạn bé bắt đầu tò mò, khám phá tất cả những thứ trong tầm mắt và tầm tay của mình. Bé cũng đã bắt đầu bò và chập chững tập đi, tức là có thể di chuyển được rồi, nên các bố mẹ cần cẩn trọng hơn nữa để bảo vệ bé khỏi những mối nguy hiểm tiềm tàng trong nhà.

  1. Cẩn thận với những vật ở trên cao:

  • Những món đồ thủy tinh dễ vỡ, vật sắt nhọn, các mẹ thường hay đặt trên cao để tránh tầm tay của các bé. Nhưng nhớ lưu ý rằng đó phải là một nơi vững chãi mà bé dù đứng bên dưới bám vào hay rung lắc cũng không làm rớt những vật nguy hiểm này xuống. Với những chiếc bàn có khăn trải cũng vậy, kéo những chiếc khăn trải bàn trong tầm tay với của mình là trò chơi yêu thích của các bé.
  • Các mẹ cũng nên cẩn thận với những chậu hoa được đặt trên bàn hay bệ cửa. Món đồ trang trí này nếu nằm trong tầm mắt và vừa tầm tay bé thì cũng dễ trở thành mối hiểm họa với bé nhà bạn.
  • Bé ở độ tuổi chập chững tập đi cũng hay có thói quen bám vào rèm cửa đứng dậy. Hãy đảm bảo rằng khung rèm nhà bạn đủ chắc chắn và không rơi xuống bất ngờ khi bé bám vào. Hoặc nếu muốn an toàn hơn, mẹ có thể cuốn hẳn rèm lên cao khi để bé chơi dưới sàn.
  1. Cẩn thận với các loại cửa, khóa:

  • Ở những căn hộ chung cư, từ tầng 1 trở lên, các bố mẹ đều nên lắp đặt hàng rào bảo vệ từ cửa sổ đến lan can bên ngoài. Những hàng rào lan can quá thưa hay quá thấp đều gây nguy hiểm cho bé vì các bé vốn nghịch ngợm hiếu động và ưa leo trèo.
  • Các cửa sổ trong phòng của bé, mẹ nên dùng loại chốt cửa ngăn các cửa sổ mở rộng hơn 10 cm. Không để ghế hoặc đồ vật gần cửa sổ để bé leo lên.
  • Với những gia đình có cầu thang lên xuống, nên đặt cửa chặn ở đầu cầu thang, tránh để bé bò hoặc đi lên trên. Dù 2 – 3 nấc thang cũng đã rất nguy hiểm với độ tuổi của bé.
  • Những loại cửa có khóa bấm cũng là mối nguy hiểm tiềm tàng nếu chẳng may bé ở bên trong và đẩy sập cửa lại. Nguy cơ bé bị kẹp tay hoặc bị nhốt trong phòng kín là rất cao. Nên có đồ chặn cửa thích hợp cho các loại cửa này.
  1. Cẩn thận với thuốc và các loại hóa chất:

  • Đảm bảo rằng các chất độc hại như chất tẩy rửa, thuốc, rượu, mực máy in hoặc phân bón vườn, v.v, được cất an toàn và xa tầm tay của bé.
  • Nếu gia đình bạn có người lớn hút thuốc lá thì khuyên họ nên hút ở một khu vực khác, xa không gian hoặc phòng của bé. Đặc biệt không hút thuốc khi bé có mặt ở đó. Hút thuốc lá thụ động tiềm ẩn mối nguy hiểm rất cao cho phổi của bé.
  1. Cẩn thận với những thiết bị điện:

  • Che phích cắm điện và dây điện trong phạm vi di chuyển của bé. Với những thiết bị điện có dây nhợ lòng thong, nên tóm gọn chúng lại rồi dấu vào một góc khuất, tránh tầm nhìn và tầm tay của bé.
  • Cài đặt nhiệt độ bình nóng lạnh đến 48°C (118°F), đủ nóng để tiêu diệt vi khuẩn, nhưng không quá nóng làm tổn thương làn da của bé.
  • Đặt ghế cao ra xa khỏi nguồn nhiệt, dây rèm, bảng biểu, cây và bàn.

Chỉ cần một phút bất cẩn, nguy hiểm đã rình rập bé yêu của bạn

Chỉ cần một phút bất cẩn, nguy hiểm đã rình rập bé yêu của bạn

  1. Cẩn thận với nhà bếp và phòng tắm:

  • Góc bếp là nơi bé thường xuyên lui tới, vì đôi khi mẹ sẽ tranh thủ vừa giữ bé vừa nấu ăn. Nên các mẹ, dù bận bịu nấu nướng nhưng chốc chốc vẫn phải quan sát bé của mình đang ở đâu, có quẩn quanh dưới chân mình không, vì chẳng may bị văng dầu hay nước sôi.
  • Nếu nhà bạn dùng bếp ga, hãy khóa ga ngay khi bạn nấu nướng xong.
  • Không treo găng tay hoặc khăn nhỏ trên tay cầm của cửa lò. Bé có thể bị thu hút rồi nắm lấy chúng và lò nướng. Điều này rất nguy hiểm, dễ gây bỏng cho bé.
  • Đặt một tấm thảm chống trượt trong bồn tắm và một lớp bao phủ cho vòi ở bồn tắm để tránh rỉ nước nóng. Đừng bao giờ để con bạn ngoài tầm giám sát trong bồn tắm.
  1. Cẩn thận với thú nuôi trong nhà:

  • Đừng chủ quan rằng những chú thú cưng của bạn rất khôn và không gây nguy hiểm cho bé. Bản thân việc thú cưng có nhiều lông đã không tốt cho việc hô hấp của bé rồi. Bên cạnh đó, phải chắc chắn thú cưng của bạn không có bệnh hay các loại kí sinh khi lại gần bé.
  • Để được an toàn, nên cho vật nuôi tiếp xúc từ từ với em bé và đặt ra tất cả các giả định để dự đoán hành động của chúng trước. Nếu cảm thấy hành động tiếp xúc này là không an toàn, bạn nhất định không nên thử. Và đặc biệt đừng bao giờ để chúng một mình với em bé của bạn dù chỉ là một vài giây.

Ngoài việc thường xuyên để mắt đến bé, bảo vệ bé khỏi những hiểm nguy, các mẹ cũng nên thường xuyên nhắc nhở bé các quy tắc an toàn, chẳng hạn như “Đừng lại gần bếp! Không chạy ra đường! Không chạm vào ổ điện!” Dù có thể ở độ tuổi này bé vẫn chưa hiểu hoàn toàn nhưng bé biết đó là lời cảnh báo để mình không lại gần khu vực nguy hiểm. Chúc các bé luôn được an toàn trong ngôi nhà thân yêu của mình!

Bác sỹ Nguyễn Vĩnh Hoàng Oanh

Trung tâm Dinh dưỡng VNM