Thông Tin Dinh Dưỡng

GIÚP MẸ NHẬN BIẾT CÁC DẤU HIỆU VÀ PHÒNG TRÁNH CÁC CHỨNG CHẬM PHÁT TRIỂN NÃO BỘ CHO BÉ

Ngày đăng:

20/11/2016

Mỗi ngày, hạnh phúc của mẹ là được nhìn bé cười hay khoảnh khắc bé biết lật lẫy, trườn bò lần đầu tiên. Bên cạnh những dấu hiệu phát triển rất rõ ràng đó, mẹ cần chú ý nhiều hơn đến những dấu hiệu có phần lặng lẽ và rất dễ bị bỏ sót. Bài viết dưới đây sẽ giúp mẹ nhận ra các dấu hiệu chậm phát triển não bộ và cách phòng tránh cho bé.

Sự phát triển não bộ của bé

Kể từ khi chào đời, bé sẽ phát triển não bộ với tốc độ vũ bão và sự phát triển này được đo lường ở các kỹ năng khác nhau như trí thông minh, vận động, giao tiếp và cảm xúc. Các vùng não của bé sẽ phát triển không đồng đều nhau nên sẽ có lúc mẹ thấy bé phát triển vượt bậc ở kỹ năng này và thời gian ngắn sau lại là sự phát triển của kỹ năng khác. Vì vậy, bố mẹ cần theo dõi để đánh giá được sự phát triển trí não của bé.

+ Trí thông minh: quá trình suy nghĩ, tư duy, tiếp nhận, xâu chuỗi thông tin và xử lý tình huống của bé. Những hành động thể hiện trí thông minh của các bé từ 6 tháng đến 1 tuổi là nhận biết hình dáng đồ chơi, gương mặt người thân, tên gọi thường ngày…

+ Vận động: khả năng bé phối hợp vận động các bộ phận trên cơ thể dưới sự điều khiển của não bộ. Nếu phát triển bình thường, từ 6 đến 9 tháng, bé có thể từ lẫy chuyển sang bò, đứng chững với sự trợ giúp của mẹ và cử động các ngón tay để cầm nắm các vật.

+ Cảm xúc: Khía cạnh này liên quan đến sự tương tác như mỉm cười, chơi trò chơi, bắt chước và nhận biết cảm xúc người khác ở bé. Đến cột mốc 6 tháng, bé đã có thể cảm nhận được tình yêu của bố mẹ và tự thể hiện tình cảm chính mình nhiều hơn.

+ Giao tiếp: Cách bé sử dụng ngôn ngữ để tương tác với người khác. Bé 6 tháng có thể ê a với mẹ với giọng điệu và nhịp ngừng nghỉ như một cuộc đối thoại thực thụ.

Những dấu hiệu nhận biết trí thông minh của bé

  • Đôi mắt linh hoạt: Những bé thông minh thường có có thói quen nhìn chăm chú các vật xung quanh trong khoảng thời gian dài hơn các bạn cùng tuổi. Khi đó, bé đã bắt đầu quan sát, tập trung chú ý thế giới xung quanh và tư duy tốt. Bé cũng giao tiếp bằng ánh mắt nhiều hơn, hiểu được những điều mọi người đang nói và “tám” chuyện hơn các bạn khác. Đó là biểu hiện của sự nhanh nhạy và dễ tiếp thu.
  • Sớm biết cười và cười nhiều: Đây là biểu hiện của các kĩ năng vận động cao cấp phát triển sớm, báo hiệu bé sẽ hoạt bát và lanh lợi trong tương lai.
  • Có độ tỉnh táo cao trong thời gian dài: Càng lớn, bé sẽ càng ngủ ít lại. Nếu bé ngủ ít mà không phải do khó chịu, thiếu chất. Đó có thể là do não bé được kích thích đến mức khó ngủ. Ngược lại, nếu bé ngủ quá nhiều gây khó khăn cho mẹ khi cho bé bú thì đó có thể là vấn đề về trí thông minh.
  • Sớm đạt các mốc phát triển: Biết lẫy, bò, trườn đi nói là biểu hiện của sự thông minh.
  • Thích chơi đồ chơi nhưng cũng sớm chán: Các bé thông minh thích học hỏi, tiếp nhận thông tin mới và nhanh chán những thông tin cũ được lặp đi lặp lại hàng ngày. Đây là dấu hiệu cho thấy bé có thể có nhu cầu học tập, khám phá và tìm tòi cao.
  • Giác quan nhạy bén: Các biểu hiện như bé nhanh chóng tìm được ti mẹ và bú đúng chỗ ngay từ lần đầu tiên, thích nhìn đồ vật có sắc màu sáng, phản ứng nhanh với các tác động bên ngoài… là dấu hiệu của sự thông minh và nhạy bén.

Dấu hiệu chậm phát triển não bộ ở bé dưới 6 tháng

Nếu bé có những dấu hiệu dươi đây, mẹ nên dẫn bé đến bệnh viện hoặc bác sĩ để kiểm tra ngay nhé:

  • Mắt bé chuyển động không tốt hoặc chỉ tụ về một điểm hầu hết thời gian trong ngày
  • Bé không giật mình hay tỏ ra chú ý khi có tiếng ồn hoặc âm thanh xung quanh
  • Hơn 2 tháng bé vẫn không chú ý đến bàn tay của mình.Bé hơn 2 tháng không chú ý đến đôi bàn tay của mình
  • Khi 3 tháng, bé không nhìn theo chuyển động của các vật, không tự đưa tay lấy đồ vật, không tự nâng đầu lên được hay chưa biết cười khi mọi người trò chuyện cùng bé.
  • Đến 4 tháng, bé vẫn chưa ê a hay bắt chước âm thanh xung quanh, chưa biết đưa đồ vật vào miệng, không biết giẫm, chống chân mạnh khi đứng trên bề mặt cứng như bàn, sàn nhà.
  • Bé vẫn chưa biết lật khi được 5 tháng tuổi

Những cách giúp bé phát triển não bộ

Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt, giáo dục đóng vai trò quan trọng, tạo cơ sở cho việc hình thành và phát triển trí thông minh cho bé

Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt, giáo dục đóng vai trò quan trọng, tạo cơ sở cho việc hình thành và phát triển trí thông minh cho bé

+ Dinh dưỡng

  • Mẹ cần đảm bảo chế độ ăn hằng ngày cung cấp cho bé đủ các nhóm dưỡng chất cơ bản để phát triển thể chất cũng như các chất dinh dưỡng giúp tăng trưởng não và hệ miễn dịch tốt.
  • Chú ý cung cấp cho bé những dưỡng chất hỗ trợ sự phát triển của não bộ như DHA, AA, các axit béo thiết yếu, choline, các vi chất… để phát triển trí não cho bé mẹ nhé.
  • Bé trên 1 tuổi nên được cung cấp 400-600ml sữa mỗi ngày để có đủ canxi cho sự phát triển của xương và năng lượng cần thiết cho quá trình tăng trưởng. Mẹ nên tiếp tục cho bé bú sữa mẹ. Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ đến 24 tháng tuổi, vì trong sữa mẹ có chứa sữa non (cholostrum) để tăng sức đề kháng và giúp trẻ phát triển khỏe mạnh […]. Tuy nhiên, trong trường hợp mẹ gặp khó khăn khi nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong giai đoạn này vì những lí do đặc biệt thì nên đến cơ sở y tế để nhận được hướng dẫn từ thầy thuốc và nhân viên y tế.
  • Khi bé được 6 tháng, bắt đầu biết lẫy lật bò nhiều, mẹ nhớ cho bé ăn dặm để bé nhận thêm đạm, sắt, kẽm, canxi nhằm hỗ trợ các hoạt động của cơ thể bé, trong đó có hệ xương nhé.

+ Giáo dục

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, bé cần có chế độ sinh hoạt lành mạnh và giáo dục tốt để kích thích trí não phát triển, hình thành nên những phản xạ. Bên cạnh đó, sự quan tâm và yêu thương của bố mẹ sẽ tạo ra sự kích thích tối ưu nhất giúp bé phát triển trí thông minh, vận động, cảm xúc, giao tiếp.

Như vậy, mẹ cần theo dõi để nhận ra dấu hiệu chậm phát triển não bộ của bé để có biện pháp điều trị và khác phục kịp thời. Bên cạnh đó, mẹ cần xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học song hành cùng giáo dục thông minh để bé phát triển toàn diện. Chúc mẹ và các bé có nhiều sức khỏe và hạnh phúc nhé!

BS. Nguyễn Thị Ngọc Thanh

Trung tâm dinh dưỡng Vinamilk