Thông Tin Dinh Dưỡng

HƯỚNG DẪN MẸ CÁCH TƯƠNG TÁC GIÚP BÉ 0 – 6 THÁNG TUỔI THÔNG MINH HƠN

Ngày đăng:

06/10/2016

Ngoài chế độ dinh dưỡng, mẹ cần xây dựng kế hoạch chăm sóc toàn diện để bé yêu phát triển tốt nhất ngay từ những năm tháng đầu đời. Dưới đây là các cách kích thích trí não của bé từ khi mới lọt lòng, giúp bé thông minh hơn. Mẹ cùng xem nhé!

Mẹ có thể giúp bé phát triển trí thông minh bằng các tương tác hằng ngày

Mẹ có thể giúp bé phát triển trí thông minh bằng các tương tác hằng ngày

Khi bé 1 tháng tuổi

Được tác động về thị giác ngay từ khi mới chào đời, bé sẽ phát triển tầm nhìn tốt hơn trong tương lai. Vì vậy, mẹ nên treo đồ chơi xinh xắn, phát ra âm thanh ở trên nôi, xunh quanh giường cho bé. Chọn các vật có hình dáng đơn giản, vuông vức với màu sắc tương phản mẹ nhen. Đồng thời, mẹ có thể treo các bức tranh ca rô trắng đen xung quanh phòng để giúp phát triển thị lực cho bé.

Khi bé 2 tháng tuổi

Để vừa chơi vừa giúp bé phát triển, mẹ có thể cầm lục lạc hoặc đồ chơi hấp dẫn sự chú ý của bé. Đặt cách mắt bé khoảng 20 – 30cm mẹ nhen vì đây là khoảng cách giúp bé nhìn tốt nhất. Khi bé đã chú ý, mẹ hãy từ từ di chuyển món đồ trên tay từ bên này sang bên kia để bé dõi mắt theo. Dần dần, bé sẽ bắt đầu với tay để lấy nữa. Đây là cách kích thích mối liên kết giữa giữa bán cầu não trái và bán cầu não phải, giúp bé phát triển sự phối hợp thị giác và nhận thức sâu.

Khi bé 3 tháng tuổi

Lúc này, mẹ có thể thay các món đồ chơi đen trắng ban đầu bằng các đồ vật cạnh tròn có gam màu tương phản mạnh hơn như vàng – xanh lam hoặc đỏ đen để bé cảm thấy mới mẻ và hứng thú hơn. Chơi ú òa với bé bằng cách giấu mặt trong lòng bàn tay hoặc chăn và bất ngờ xuất hiện cũng là cách giúp bé hiểu khái niệm tồn tại của các vật. Bé sẽ rất thích thú với trò chơi này và có thể cười khanh khách nữa cơ.

Khi bé 4 tháng tuổi

Đây là lúc bé khám phá mối quan hệ nguyên nhân – kết quả của mọi thứ quanh mình nên mẹ hãy kiên nhẫn khi bé liên tiếp làm rơi đồ chơi sau khi được mẹ nhặt lên nhé. Đây chính là cách bé thử nghiệm xem hành động của mình sẽ làm mẹ phản ứng như thế nào đấy. Mẹ có thể đổi luân phiên các món đồ chơi có hình dạng, kích thước và âm thanh khác nhau để bé tự khám phá từng loại.

Khi bé 5 tháng tuổi

Mẹ có thể tiếp tục tạo cơ hội cho bé khám phá các vật bằng cách cho bé chơi những món có phản ứng lại với những hành động của bé, ví dụ như khi bé kéo quai, hộp đồ chơi sẽ phát ra tiếng nhạc hoặc ấn nút, đàn sẽ phát âm thanh. Thường xuyên thủ thỉ và tâm tình với bé, lặp lại những gì bé ê a cũng là cách động viên bé nói chuyện và phát triển kỹ năng về ngôn ngữ đấy mẹ ơi.

Khi bé 6 tháng tuổi

Lúc này, các bài tập cầm nắm sẽ giúp bé rất nhiều trong việc rèn luyện sự khéo léo và tăng cường vận động thể chất, kích thích trí não phát triển. Mẹ có thể đặt đồ chơi bé thích ở xa và khuyến khích bé nhặt, cầm nắm lên. Để kích thích trí tò mò và khuyến khích bé khám phá, mẹ có thể giấu các món đồ chơi ở sau lưng, dưới gối hay những vị trí quen thuộc và cùng bé đi tìm. Đừng quên thường xuyên trò chuyện, hát ru và đọc truyện cho bé nữa mẹ nhen.

Trên đây là những cách giúp mẹ phát huy trí thông minh của bé từ 0 – 6 tháng tuổi. Với tình yêu và sự quan tâm, chăm sóc tận tụy của mẹ, chắc chắn bé yêu của mẹ sẽ phát triển toàn diện, có bước khởi đầu hoàn hảo cho sự phát triển vượt bậc trong tương lai.

BS. Nguyễn Vĩnh Hoàng Oanh

Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk