Thông Tin Dinh Dưỡng

MẮC BỆNH CUỐI THAI KỲ - MẸ BẦU CẦN LÀM GÌ?

Ngày đăng:

04/08/2016

Mắc bệnh trong thai kỳ là điều không mong muốn nhưng lại có nguy cơ xảy ra cao do giai đoạn mang thai sức đề kháng của các mẹ bầu không thể so được với bình thường. Đó là lý do mẹ được khuyên nên tiêm phòng các loại vắc xin ngừa thủy đậu, rubella, tiêm phòng cúm… trước khi mang thai. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu lỡ quên tiêm phòng đầy đủ và mắc bệnh trong những tháng gần cuối thai kỳ, đặc biệt là bệnh thủy đậu thì phải ứng phó như thế nào để tốt cho cả hai mẹ con?

Mẹ bầu mắc bệnh thủy đậu vào giai đoạn nào là nguy hiểm nhất?

Mặc dù thủy đậu được xem là căn bệnh lành tính khi được phát hiện và điều trị đúng cách, kịp thời, tuy nhiên mẹ bầu khi mắc bệnh thủy đậu có tỷ lệ tử vong cao hơn so với các trường hợp mắc bệnh thông thường. Do đó, vắc xin phòng ngừa thủy đậu nên được tiêm một tháng trước khi mang thai để phòng bệnh hiệu quả nhất và không ảnh hưởng đến bé.

Ảnh hưởng của việc mẹ bầu mắc thủy đậu lên bé sẽ thay đổi theo từng giai đoạn mang thai khác nhau:

  • Trong tam cá nguyệt thứ nhất, tỷ lệ các bé mắc hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 0.4% và để lại các di chứng là sẹo, bệnh lý võng mạc, đục thủy tinh thể, nhẹ cân, chậm phát triển tinh thần… thậm chí là sẩy thai hoặc chết lưu.
  • Ở tam cá nguyệt thứ hai, tỷ lệ các bé nhiễm hội chứng thủy đậu bẩm sinh lên tới 2.
  • Nghiêm trọng nhất là ở tam cá nguyệt cuối cùng, mặc dù từ tuần 20 – 36 của thai kỳ, bé hầu như không bị ảnh hưởng nhiều bởi thủy đậu do có miễn dịch của mẹ. Nhưng sau tuần 36 thì tỷ lệ dị tật bẩm sinh do thủy đậu gia tăng. Và trong thời gian 5 ngày trước khi sinh, nếu mẹ bị nhiễm thủy đậu thì sẽ khiến bé dễ bị thủy đậu lan tỏa và tỉ lệ tử vong của bé tăng đến 30%.

Mẹ nên làm gì khi mắc bệnh giai đoạn gần cuối thai kỳ

Một khi chưa tiêm phòng vắc xin thủy đậu và một số bệnh khác trước khi mang thai, mẹ bầu cần ý thức được rằng mình càng cần phải tăng cường sức đề kháng để bảo vệ trước sự tấn công của các tác nhân gây bệnh đồng thời có các biện pháp để ngăn ngừa bệnh như: không tiếp xúc với những người mắc bệnh truyền nhiễm, ăn uống vệ sinh, sống trong môi trường thoáng và sạch sẽ, nghỉ ngơi hợp lý, tránh xa các chốn công cộng khi có dịch bệnh xảy ra… Đặc biệt là khi bệnh thủy đậu rất dễ lây lan qua đường hô hấp.

Nếu “chạy trời không khỏi nắng” thì điều đầu tiên mẹ cần làm khi phát hiện ra bệnh là tiến hành các xét nghiệm để có thể được chẩn đoán xác định tại cơ sở y tế chuyên khoa và đến bệnh viện để được bác sĩ chẩn trị. Đồng thời kết hợp với các biện pháp tăng cường sức đề kháng như sau:

  • Tăng cường ăn, uống các loại thực phẩm giàu vitamin C, uống đủ nước và ăn các loại thức ăn nhẹ bụng, dễ tiêu hóa.
  • Không làm việc quá sức. Đặc biệt, khi mắc bệnh mẹ nên báo sớm với cơ quan về ngày dự kiến sinh, thu xếp công việc và có kế hoạch rõ ràng về ngày nghỉ để có thể chủ động và thoải mái khi nghỉ sinh.
  • Mẹ nên đi ngủ sớm, nghỉ ngơi đầy đủ để cơ thể có thể được phục hồi. Nếu mẹ bị mất ngủ có thể thử áp dụng một số cách như kê cao gối để hạn chế sự quấy rầy do hệ tiêu hóa gây ra, mát xa nhẹ nhàng hoặc ngâm chân trong nước ấm, tập một số động tác yoga dành cho mẹ bầu, nghe nhạc thư giãn và không mang theo điện thoại lên giường ngủ để tránh bị quấy rầy.
  • Giữ tinh thần thoải mái, tránh kích động, căng thẳng hoặc lo lắng quá độ.
  • Duy trì lịch khám thai mỗi 2 tuần/lần.
  • Cố gắng chịu đựng cảm giác ngứa, không gãi lên các nốt thủy đậu tránh để lại các vết sẹo.

Nên ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin

Nên ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin

Duy trì những điều này để tăng cường sức đề kháng không chỉ có lợi cho mẹ bầu bệnh thủy đậu mà còn phù hợp với mẹ bầu trót mắc bệnh khác. Kể cả khi không mắc bệnh gì thì việc khỏe mạnh từ bên trong để có sức chiến đấu với sự tấn công của mầm bệnh vẫn luôn rất quan trọng, các mẹ nhé.

Bác sĩ Lê Quang Thanh

Giám Đốc bệnh viện Từ Dũ