Thông Tin Dinh Dưỡng

MÁCH MẸ BÍ QUYẾT GIÚP CON BIẾT ĐỌC VÀ VIẾT CHỮ SỚM

Ngày đăng:

07/11/2016

Chuyện trẻ em đã biết đọc chữ khi ở độ tuổi 2 đến 4 tuổi giờ đã không phải là chuyện hiếm, cũng không phải là chuyện của con nhà người ta, là thiên tài hay thần đồng mới làm được mà là kết quả của quá trình cùng học tập từ rất sớm của hai mẹ con. Mẹ đang thắc mắc phải làm sao bé nhà mình có thể biết đọc sớm mà không “ăn gian” tuổi thơ của bé, không làm bé có cảm giác bị gò bó? Vậy thì cùng tham khảo những bí quyết được đúc kết từ kinh nghiệm của những bà mẹ đã giúp con mình biết đọc và viết chữ sớm nhé.

Chuẩn bị sẵn sàng từ những ngày đầu tiên của bé

“Dạy con từ thưở còn thơ” là đều mà mẹ nào cũng biết. Nhưng ngạc nhiên là quá trình dạy chữ cho bé sẽ tốt hơn nếu như mẹ chuẩn bị tinh thần ngay từ những ngày đầu tiên bé chào đời. Vì lúc đó bé đã bắt đầu hành trình học hỏi và khám phá thế giới theo cách ban sơ. Nếu trong thời gian đầu đời, mẹ có thể đọc cho bé nghe, nói chuyện với bé, điều đó sẽ trở thành tác nhân giúp bé phát triển trí tuệ, kỹ năng nghe nói và đọc hiểu. Tuy lúc đó bé chưa biết nói, nhưng mẹ hãy đối xử với bé thật “bình đẳng”, giải thích cho bé những việc mẹ làm, như “mẹ đang muốn thay tã cho bé, để bé cảm thấy dễ chịu hơn”, “đã đến giờ bé yêu đi tắm, việc tắm rửa sạch sẽ sẽ giúp bé thật sảng khoái và không bị ốm”… Ngoài ra, khi nói chuyện, mẹ nên có sự giao tiếp bằng mắt với bé để bé hiểu là “à, mẹ đang nói chuyện với mình đó”.

Phương pháp Glen Doman A dành cho mẹ Việt

Trước khi cùng bé học đọc sớm, mẹ cần chuẩn bị rõ tư tưởng rằng, không thể nóng vội, quá trình bé học chữ phải kéo dài trong thời gian ít nhất là từ 6 – 12 tháng. Thời gian học chữ mỗi ngày không nhiều nhưng rất cần thực hiện một cách đều đặn.

Mẹ cũng không nên tạo cho bé cảm giác bị thúc ép, mà bé cần học chữ một cách thật tự nhiên và hào hứng. Đầu tiên, để chữ xuất hiện xung quanh bé một cách tự nhiên như mẹ giúp bé đọc thật to những bảng tên ở khu vui chơi, bảng hiệu ở những nơi bé thích đến, các biển quảng cáo thu hút được trẻ để giúp trẻ có niềm yêu thích, tò mò với các con chữ và tự bé muốn khám phá, muốn học chữ.

 width=

Mẹ cũng có thể mua cho sách về đọc cho bé nghe, để bé cùng nhìn chữ khi mẹ đọc. Mẹ nên chọn những cuốn sách đầu đời cho bé là sách ít chữ, chữ to và có hình ảnh minh họa. Khuyên mẹ mua sách bìa cứng để bé khỏi xé sách. Tần suất xuất hiện chữ trong sách của bé tăng lên, dần dần mẹ có thể cho bé xem sách mầm non với hình ảnh minh họa và mỗi trang có 1 câu. Hãy biến những giờ phút đọc sách thành những cuộc chuyện trò của mẹ và bé, ví dụ như khi đọc đến trang có hình minh họa là một bông hoa cúc, mẹ có thể chỉ cho bé “đây là hoa cúc, hoa cúc có màu vàng, hoa cúc thường nở vào mùa thu…” và kéo dài câu chuyện với những gì mẹ có thể nghĩ ra. Có những thứ bé chưa thể hiểu ngay lúc này nhưng việc nghe cũng là một bước quan trọng trong quá trình nhận thức của bé.

Về hình thức, để tạo hứng thú cho bé, mẹ có thể lồng việc học vào trong các trò chơi thú vị như trò xếp hình các chữ cái vào trong khuôn, hoặc đố trẻ tìm được chữ cái mẹ yêu cầu… Khi bé trả lời đúng, mẹ phải khuyến khích, khen ngợi bé để bé có thêm động lực và thích thú với trò chơi. Hiện nay, trên thị trường có sẵn rất nhiều mẫu bộ chữ cái dành cho bé rất đẹp và nhiều màu sắc, mẹ có thể chọn cho bé một bộ để giúp việc học trở nên hấp dẫn hơn với bé.

Dần dần, khi bé lớn hơn và quen thuộc với chữ cái, mẹ có thể dạy bé đánh vần tự nhiên trong lúc đọc sách. Ví dụ như: thay vì đọc cho bé nghe “chú gà con” mẹ có thể chia thành “đây là chú gà con, gờ-a-ga-huyền-gà, chờ-u-chu-sắc-chú, cờ-con-con, chú gà con”. Bên cạnh đó, mẹ cũng nên sử dụng thêm thẻ bài theo phương pháp Glen Doman A:

  • Mẹ chuẩn bị sẵn một số thẻ bài và mỗi ngày cho bé xem 5 chủ đề, mỗi chủ đề 5 thẻ. Mỗi thẻ mẹ chỉ cho bé xem một lượt. Một ngày mẹ dạy bé 3 lần. Đến hôm sau thì mẹ thay trong mỗi chủ đề một thẻ và dạy bé lần lượt các chủ đề.
  • Khi trẻ học hết các từ đơn thì mẹ chuyển sang dạy từ ghép và dần dần nâng lên cụm từ, các câu.

Mẫu thẻ bài bắt mắt cùng chủ đề mẹ có thể chuẩn bị cho bé

Mẫu thẻ bài bắt mắt cùng chủ đề mẹ có thể chuẩn bị cho bé

Những điều mẹ cần lưu ý

  • Khi cho bé học theo các thẻ, mẹ nên xáo thứ tự các thẻ đi, vì nếu như theo thứ tự cũ, bé có thể đoán trước được và trò chơi sẽ mất đi một phần tính kích thích đối với bé.
  • Không cần phải cho bé tập viết chữ sớm ngay khi biết đọc, vì lúc bé chưa đầy 5 tuổi tay bé vẫn còn yếu, chưa thích hợp với việc cầm bút viết chữ. Nếu cố gắng gò ép cho bé viết chữ sớm có thể dẫn đến việc bé viết chữ xấu hoặc chán học.
  • Lúc nói chuyện, đọc cho bé nghe, mẹ nên cố gắng đọc theo giọng chuẩn, tránh nựng nịu khiến bé ghi nhớ sai và phát âm sai về sau.
  • Luôn khuyến khích bé đúng lúc và thật nồng nhiệt để bé có cảm giác thích thú với trò chơi mà học này.

Có nhiều mẹ quan niệm rằng không việc gì phải vội, khi bé đi mầm non thì việc dạy học đã có các cô lo, cứ cho bé chơi và phát triển bình thường. Quan niệm này không có gì sai. Nhưng nếu mẹ muốn con mình biết đọc chữ sớm, tận dụng lợi thế là bé trong giai đoạn 1-2 tháng tuổi sẽ học hỏi rất nhanh nhờ kỹ năng ghi nhớ rất siêu, mẹ nên áp dụng học chữ theo phương pháp trên, vì thật ra trong quá trình học chữ bé vẫn là đang chơi cùng mẹ. Chỉ là mẹ giúp bé phát huy tiềm năng của mình chứ đừng gò ép bé theo khuôn mình định sẵn, mẹ nhé.

BS Hồ Thị Nam Huế

Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk