Thông Tin Dinh Dưỡng

MẸO KHẮC PHỤC CHỨNG TÈ DẦM Ở BÉ

Ngày đăng:

06/10/2016

Thông thường ở tuổi lên 4 lên 5, các bé sẽ dần dần nhận ra mình có thể kiểm soát được việc tiểu tiện. Thế nhưng, có khoảng 20% bé ở tuổi mẫu giáo và 10% bé dưới 10 tuổi mắc chứng tè dầm. Khi cơ bàng quang giãn ra, thay vì tự thức dậy để đi tiểu, bé vẫn tiếp tục ngủ, dẫn đến tình trạng rỉ nước tiểu không kiểm soát. Hãy cùng xem bài viết dưới đây để biết cách khắc phục chứng đái dầm cho bé nhé!

Nguyên nhân gây chứng đái dầm ở bé

Nguyên nhân về thể chất:

  • Do có vấn đề về mặt sinh lý như bàng quang có dị tật bẩm sinh, khả năng phát triển bàng quang không tốt, bàng quang quá nhỏ; không kiểm soát được cơ của ống dẫn tiểu; nhiễm trùng đường tiểu; không kiểm soát được cơ bàng quang; chậm phát triển hệ thống thần kinh; động kinh vào ban đêm…
  • Do bàng quang đã đầy nước tiểu mà các bé vẫn chưa muốn thức giấc.

Nguyên nhân về cảm xúc:

  • Căng thẳng vì những sự áp đặt quá đáng của bố mẹ
  • Căng thẳng do gặp khó khăn khi đi học
  • Ít được bố mẹ quan tâm hoặc ít quan tâm hơn lúc trước (có thể là do mẹ sinh em bé)
  • Bị chế giễu, chê bài làm cho chứng tè dầm của bé trầm trọng hơn

Khi bàng quang đã đầy nước tiểu mà bé chưa muốn thức giấc, sẽ dẫn đến đái dầm

Khi bàng quang đã đầy nước tiểu mà bé chưa muốn thức giấc, sẽ dẫn đến đái dầm

Cách khắc phục chứng đái dầm ở bé

  • Mẹ nên đưa bé đi khám để xác định có phải do nguyên nhân về mặt sinh lý không, sau đó mới đưa bé đến bác sĩ tâm lý để có phương pháp trị liệu.
  • Hãy kiên trì và thông cảm cho bé, chú ý nhắc nhở bé đi tiểu trước khi đi ngủ và không nên uống nước 2 – 3 giờ trước khi đi ngủ. Có thể sử dùng loại đồng hồ báo thức có khả năng phát hiện sớm các giọt nước tiểu đầu tiên để đánh thức bé dậy.
  • Khi bé không đái dầm, hãy khen ngợi, động viên và khen thưởng bé. Việc này sẽ khiến bé quyết tâm cố gắng hơn.
  • Khuyến khích bé cùng dọn dẹp chăn đệm khi thức dậy để tạo cho bé tinh thần trách nhiệm.
  • Khi đã áp dụng các biện pháp kể trên mà bé vẫn tiểu dầm, có thể cho bé dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên không cần điều trị thuốc khi bé dưới 6 tuổi.

Những lưu ý khi khắc phục chứng đái dầm cho bé

  • Bố mẹ không nên quá lo lắng và đừng la mắng vì sẽ làm cho bé căng thẳng, khiến chứng đái dầm tăng thêm. Nếu bé dưới 5 tuổi, bố mẹ không cần đưa bé đi khám bác sĩ và cũng không cần làm gì khác.
  • Không bao giờ la mắng, phê phán hay trừng phạt khi bé đái dầm.
  • Tránh cho bé chứng kiến những cuộc cãi vã của người lớn và nên quan tâm đến các yếu tố tác động tâm lý trên bé trong mọi quan hệ với thầy cô, bạn bè, anh chị em ruột…
  • Tránh làm bé xấu hổ khi kể với người khác về chứng đái dầm của bé.
  • Hãy quan tâm đến bé nhiều hơn, giúp đỡ bé qua những lúc khó khăn, nên giúp bé hiểu biết, có trách nhiệm để có thể làm được những gì cần phải tự làm.

Trên đây là cách giúp khắc phục chứng đái dầm cho bé. Tốt nhất, mẹ hãy xem đái dầm là một tình trạng chậm phát triển hơn là một căn bệnh, không nên quá lo lắng và dồn quá nhiều chú ý vào bé. Tuy nhiên, nếu bé đái dầm thường xuyên từ 6 tuổi trở nên, bố mẹ nên đưa bé khám bác sĩ chuyên khoa, Viện y học cổ truyền để điều trị nhé. Chúc mẹ khắc phục đái dầm thành công cho bé!

BS. Hồ Thị Nam Huế

Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk