Thông Tin Dinh Dưỡng

MỘT SỐ LƯU Ý KHI MASSAGE CHO BÉ SƠ SINH

Ngày đăng:

05/07/2016

Massage rất quan trọng cho sự phát triển thể chất của bé nhỏ. Ngoài việc giúp bé thư giãn tinh thần, bớt khóc, massage còn đem đến cảm giác hạnh phúc cho bé, giúp bé tăng cân nhanh, ngủ sâu hơn, cải thiện tiêu hóa (do hormone melatonin và nội tiết insulin sinh ra khi massage), hệ thần kinh, hệ hô hấp, giúp các cơ phát triển tốt và chống nhiễm trùng, giúp cải thiện chứng trầm cảm và giảm căng thẳng cho mẹ, dễ dàng hiểu được tín hiệu của bé sơ sinh, đặc biệt là bé sinh non sẽ có cơ hội phát triển hơn từ 21% – 47%.

Trong quá trình massage, đối với bé, các động tác cần phải thật nhẹ nhàng và dùng lực vừa phải, và mẹ phải luôn quan sát dấu hiệu của bé để có phản ứng điều chỉnh phù hợp.

MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP MASSAGE CHO BÉ

Massage chân:

Đây là nơi tốt nhất để cho bé làm quen với việc massage vì đôi chân ít nhạy cảm hơn những phần khác trên cơ thể

  • Một tay mẹ giữ chân bé, dùng tay kia vuốt nhẹ từ đùi xuống mắt cá chân. Đổi tay và lặp lại liên tục như động tác “vắt sữa”.
  • Nhấc bàn chân của bé lên, dùng đầu các ngón cái ấn nhẹ vào lòng bàn chân, sau đó tiếp tục vuốt ngược từ gót chân lên các ngón chân bé.
  • Ôm chân bé và chỉ cho bé thấy chân mình.
  • Đặt bàn tay lên đùi bé và xoay tròn nhẹ nhàng từ đùi xuống mắt cá chân. Lặp lại động tác như kiểu chơi đùa với bé.
  • Nâng cẳng chân bé lên bằng cả hai tay.
  • Lặp lại các động tác với chân kia.

Massage chân có thể xoa dịu cơn quấy khóc, đau bụng hay khó ngủ cho bé.

Massage chân có thể xoa dịu cơn quấy khóc, đau bụng hay khó ngủ cho bé.

– Massage bụng:

Lưu ý là chỉ massage vùng bụng nằm phía dưới xương sườn. Mẹ có thể massage bụng cho bé vào mỗi lần thay tã nếu bé có xu hướng dễ bị đau bụng hoặc táo bón. Tránh xoa bóp vùng rốn khi bé bị đau hoặc khi cuống rốn chưa lành.

  • Khép các ngón tay nhẹ nhàng xoa quanh bụng tạo thành những vòng quay theo chiều kim đồng hồ. Tránh tạo áp lực lên bàng quang của bé.
  • Gập đầu gối bé đưa vào sát bụng, giữ 10 giây sau đó duỗi chân ra, lắc nhẹ để thả lỏng cẳng chân.
  • Lặp lại hai bước trên theo trình tự trên.

– Massage ngực:

  • Sử dụng các ngón tay vuốt nhẹ từ giữa ngực ra hai bên nách và vai bé. Lập lại nhiều lần.

Massage cánh tay:

  • Một tay mẹ giữ cánh tay bé, tay kia vuốt nhẹ từ vai xuống cổ tay. Đổi tay và lặp lại liên tục như hành động “vắt sữa”.
  • Dùng các ngón tay xoa nhẹ quanh cánh tay từ vai xuống cổ tay bé.
  • Nắm nhẹ cánh tay bé chỉ: “đây là cánh tay nè”. Tương tự, nắm bàn tay bé và chỉ cho bé bàn tay của mình.
  • Lặp lại các động tác trên với tay bên kia.

Massage mặt:

  • Úp hai lòng bàn tay vào má bé, vuốt nhẹ sang hai bên và lên trên lông mày.
  • Dùng đầu các ngón tay ấn nhẹ hoặc xoa tròn má bé.
  • Di chuyển tay quanh vùng tai của bé.
  • Úp tay vào mặt bé và chỉ: “đây là mặt con nè”.

– Massage lưng:

  • Luân phiên dùng hai tay vuốt dọc sống lưng bé, bắt đầu từ đỉnh đầu xuống tới các ngón chân.
  • Đặt hai tay lên lưng bé và chỉ: “đây là lưng con nè”.

LƯU Ý KHI MASSAGE CHO BÉ

– Chỉ dùng lực của phần thịt mềm ở ngón tay, không phải toàn bộ lòng bàn tay để massage cho bé. Mỗi động tác massage phải nhẹ nhàng, chậm rãi.

– Chú ý rửa tay thật sạch trước khi massage để giữ vệ sinh, tránh lây nhiễm vi khuẩn cho bé. Tháo hết những đồ trang sức có khả năng làm bé trầy xước. Nên đặt bé lên giường hoặc dưới sàn nhà sạch, có lót khăn và gối xung quanh để đảm bảo độ an toàn cho bé. Nhiệt độ phòng không nên quá nóng hoặc quá lạnh, nhiệt độ lý tưởng là vào khoảng 28-29 độ C.

– Có thể dùng dầu massage nhưng đừng nên dùng quá nhiều và cũng không nên sử dụng dầu massage lên mặt bé. Để bảo đảm an toàn, mẹ nên chọn các loại dầu massage như dầu oliu, dầu dừa, dầu mè…

– Thời điểm tốt nhất để massage là sau khi tắm cho bé bằng nước ấm. Khi đó, bé đang thấy rất khoan khoái. Mẹ vừa massage nhẹ nhàng, vừa thủ thỉ với bé để giúp bé thư giãn, dễ dàng chìm vào giấc ngủ.

Thời điểm massage cho bé tốt nhất là sau khi tắm xong

Thời điểm massage cho bé tốt nhất là sau khi tắm xong

– Thời gian massage phụ thuộc vào độ tuổi và thể trạng của bé. 5 phút cho bé nhỏ hơn 2 tháng tuổi, 10 phút cho những bé từ 2 đến 9 tháng tuổi và từ 10-15 phút cho những bé từ 10 tháng tuổi trở lên. Tốc độ xoa bóp chậm là thích hợp với bé có tình trạng tăng kích thích. Tốc độ xoa bóp hơi nhanh sẽ có lợi cho bé giảm trương lực cơ. Không xoa bóp trên đầu bé. Tuyệt đối không nên massage nếu trên da bé có những vết thương hở, viêm nhiễm chưa lành.

– Điều cuối cùng cần nhớ là mẹ cần tôn trọng bé. Không nên massage khi mẹ đang căng thẳng. Hãy dừng việc massage nếu bé có những biểu hiện sau:

  • Nhíu mày, nhăn nhó.
  • Tiểu tiện.
  • Quay người đi.
  • Đột ngột xòe bàn tay.
  • Giật mình.

Điều quan trọng nhất khi massage cho bé, là để bé cảm nhận đây là khoảng thời gian thư giãn đặc biệt và sự yêu thường từ mẹ. Hãy làm cho khoảng thời gian này trở nên dễ chịu, và mẹ sẽ thấy đây là cách tuyệt vời để chăm sóc cho bé, thể hiện tình yêu, niềm vui của mẹ dành cho bé.

Bác sỹ Nguyễn Vĩnh Hoàng Oanh

Trung tâm Dinh dưỡng VNM