Thông Tin Dinh Dưỡng

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ SINH NON

Ngày đăng:

05/07/2016

Những bé chào đời trước 37 tuần tuổi được xem là sinh non. Với những mẹ sinh bé thiếu tháng, lúc nào trong mẹ cũng đau đáu những nỗi lo không biết bé sẽ phát triển thế nào, có bị thiệt thòi so với bạn bè đồng trang lứa hay không? Dưới đây là những thông tin giúp mẹ hiểu thêm về sự phát triển của trẻ sinh non.
Bé chào đời trước tuần 37 được xem là sinh non và cần được chăm sóc đặc biệt sau khi chào đời

Bé chào đời trước tuần 37 được xem là sinh non và cần được chăm sóc đặc biệt sau khi chào đời

Những hiện tượng bình thường ở trẻ sinh non

  • Cân nặng: Tùy vào kích thước, tuổi thai và sức khỏe, mỗi bé sẽ có mức tăng cân khác nhau nhưng bé nào cũng nên tăng mỗi ngày khoảng 15g cho mỗi kg cân nặng của mình. Bé sẽ không thể ra viện cho đến khi tăng cân đều đặn và cần được ít nhất 2kg trước khi rời khỏi lồng ấp.
  • Nổi mụn: Sau khi sinh khoảng 1 tuần, bé sinh non thường bị nổi những mụn li ti ở trán, mặt, chân tay, cằm, lưng. Mụn này được gọi là nang kê, hoặc mụn sữa, có thể bị bao bọc bởi một vùng da hơi tấy đỏ. Chúng sẽ biến mất chỉ trong vài tuần nhưng cũng có thể kéo dài tối đa 3 tháng. Mẹ vẫn nên tắm rửa cho bé bình thường nhé.
  • Thở gấp: Thỉnh thoảng trong giấc ngủ, bé sẽ có những cơn giật mình vài giây, không gây tím tái, cơn ngưng thở kéo dài 5 giây do hệ thần kinh trẻ còn non yếu. Triệu chứng này sẽ hết khi trẻ 3-4 tháng tuổi. Nhưng mẹ lưu ý là khi nhịp thở của con lớn hơn 60 lần/phút và sờ ngực thấy tim con đập mạnh (nhiều hơn 160 lần/phút) là bất thường và cần được đưa đến bác sĩ để kiểm tra tìm nguyên nhân.
  • Ti sưng: Hiện tượng bên vú của bé sinh non to và nặn vào thấy có cục cứng, có khi còn có sữa là bình thường do khi còn trong tháng, cả bé trai và bé gái đều bị ảnh hưởng nội tiết tố của mẹ (được tiết từ nhau thai của mẹ) nên đầu vú của bé căng phồng. Khoảng 2 – 3 tuần, hiện tượng này sẽ mất đi nên mẹ không phải lo nếu bé vẫn bú, ngủ và lên cân bình thường nhé.
  • Vùng kín có máu: Đây là kinh nguyệt ngắn – hiện tượng hoàn toàn tự nhiên do bé gái mới sinh còn chịu tác động của nội tiết tố truyền từ mẹ sang
  • Thóp mềm nổi mạch máu: Khi bé khoảng 1 tuổi, thóp sẽ liền và mẹ không còn thấy phần mềm này nữa.

Những vấn đề trẻ sinh non có thể gặp phải

  • Nhiều trẻ sinh non có vấn đề về hô hấp khi sinh ra, do phổi chưa phát triển đầy đủ trước khi bé ra đời.
  • Một số bé sinh non có vấn đề về tim và cần phải phẫu thuật. Trong những ngày đầu, các bé sinh non cũng thường bị xuất huyết não, nhiễm trùng nghiêm trọng và gặp vấn đề ở đường ruột.
  • Các trẻ sinh thiếu tháng có thể nhỏ bé hơn so với các bạn sinh cùng thời điểm.
  • Dù không phải tất cả nhưng một số bé sinh thiếu tháng cần được hỗ trợ tại trường học do gặp vấn đề về trí nhớ, ngôn ngữ và kỹ năng giải quyết vấn đề. Điều này còn tùy thuộc vào thời điểm bé sinh ra sớm bao lâu.

Những điều cần lưu ý khi chăm sóc trẻ sinh non tại nhà

Trẻ sinh non chỉ được xuất viện khi đã đủ cứng cáp, tự thở và bú được. Việc chăm sóc bé sinh thiếu tháng sẽ đòi hỏi những kỹ năng và kiến thức đặc biệt nên mẹ cần xin sự hướng dẫn chi tiết của bác sĩ và hộ lý trước khi xuất viện. Đồng thời, bố mẹ nên tìm cho bé một bác sĩ nhi riêng để có thể nhờ tư vấn bất cứ khi nào nhận thấy bé có dấu hiệu khác thường.

Mặc dù trẻ sinh non có nhiều thiệt thòi hơn các bạn bè đồng trang lứa về mặt thể chất và tư duy nhưng với sự tiến bộ của y học cùng kỹ thuật chăm sóc của mẹ và gia đình, bé vẫn có thể phát triển tốt. Nhiều bé tuy sinh non nhưng vẫn lanh lợi, hoạt bát và khỏe mạnh nên mẹ đừng quá lo lắng nhé.

Bác sỹ Nguyễn Vĩnh Hoàng Oanh

Trung tâm Dinh dưỡng VNM