Thông Tin Dinh Dưỡng

TUẦN 32 CỦA MẸ VÀ THAI NHI

Ngày đăng:

05/07/2016

Còn 2 tháng nữa thôi là mẹ đã đến đích rồi đấy. Lúc này bé đã nặng khoảng 1,8kg và dài hơn 43cm, nên chắc hẳn cơ thể mẹ đã kềnh càng hơn và di chuyển khó khăn lắm rồi. Bài viết này sẽ giúp mẹ hiểu rõ hơn về những điều sẽ diễn ra ở tuần thai thứ 32 để có sự chuẩn bị tốt nhất cho mình và cho bé.

Những thay đổi của bé

  • Lúc này, bé cưng trong bụng mẹ đã nặng hơn 1,8kg một chút, dài 43cm, cỡ một trái bí ngô vàng hoặc một trái dừa. Từ giờ, bé sẽ tiếp tục tích trữ mỡ và tăng cân nhanh.
  • Do lượng mỡ tăng nhanh nên làn da bé không còn nhăn nheo, tay chân và phần cổ đã đầy đặn
  • Não bé đã phát triển với hàng tỉ tế bào và phổi gần như đã hoàn thiện. Khung xương đã cứng cáp hơn rất nhiều nhưng hộp sọ chưa cố định, giúp xương hộp sọ có thể dịch chuyển chồng lên nhau để chui lọt qua đường sinh lúc chào đời.
  • Các khớp đã rất linh hoạt, móng tay đã phủ đầy các ngón tay.
  • Hệ thần kinh và cơ mặt đã hoàn thiện nên bé đã có thể cười. Chúc bố mẹ có thể bắt được khoảnh khắc này khi siêu âm nhé.
  • Bé cưng có thể dễ dàng nhắm mắt, mở mắt, nhấp nháy, nheo mắt, và luyện tập điều tiết mắt. Bé có thể tự bảo vệ mình khi có ánh sáng mạnh chiếu qua thành bụng mẹ bằng cách tránh đi, nhắm mắt lại và điều tiết đồng tử để hạn chế lượng ánh sáng chiếu vào mắt.
  • Lớp màng bảo vệ da em bé vẫn tiếp tục phát huy chức năng dù lớp lông tơ bao quanh bé đã biến mất.
  • Những tuyến đặc biệt ở ngay trên chóp thận của em bé sẽ phối hợp với phổi, sản sinh ra nhiều cortisol (hormone đóng vai trò quan trọng trong sự chuyển hóa chất protein, chất béo và carbohydrate) hơn trong tuần này.

Những thay đổi ở mẹ

  • Mẹ có thể thấy đau, tê ở ngón tay, cổ tay và bàn tay do những mô ở cổ tay có khả năng tích nước, làm tăng áp lực lên ống xương cổ tay. Mẹ có thể thử đeo thanh nẹp để cố định cổ tay hoặc kê cao tay khi ngủ.
  • Mẹ có thể thường xuyên thấy khó thở do phổi và cơ hoành của mẹ đang bị o ép, và em bé thì đang ngồi ngay trên dạ dày của mẹ. Vì vậy, mẹ nhớ ngồi thẳng lưng và kê cao gối khi ngủ, sẽ giúp ích cho mẹ rất nhiều đấy.
  • Tuần này, các chứng ợ nóng, khó tiêu và trào ngược axít dạ dày còn xuất hiện nhiều hơn nữa. Cố gắng chia khẩu phần ăn làm 5-6 bữa ăn trong ngày mẹ nhen.
  • Chân của mẹ có thể có dấu hiệu bị giãn tĩnh mạch vào tầm thời gian này. Mẹ cố gắng ngồi bất cứ khi nào có thể và gác chân lên cao để đưa máu trở lại thân người nhé.
  • Lúc nào mẹ cũng thấy nóng vì thân nhiệt mẹ sẽ cao hơn mọi người

Lời khuyên cho mẹ

  • Đừng vội dù mẹ đang có việc gấp, luôn đi đứng chậm rãi và nhẹ nhàng mẹ nhen.
  • Đây là lúc mẹ lên kế hoạch hoàn thành các công việc cần thực hiện trước khi sinh nhưng vẫn nhớ dành thời gian thư giãn và trò chuyện với bé nhé.
  • Mẹ nên liệt kê sẵn những món đồ cần mang theo khi đi sinh và bổ sung nếu còn thiếu.

Mẹ đã chuẩn bị xong những vật dụng mang theo khi đi sinh chưa?

Mẹ đã chuẩn bị xong những vật dụng mang theo khi đi sinh chưa?

  • Duy trì thể dục hằng ngày để lưu thông khí huyết, giảm căng thẳng và quá trình sinh nở dễ dàng hơn.
  • Bổ sung đầy đủ canxi cho mẹ và bé. Tốt nhất, mẹ nên chọn các loại sữa như Dielac Mama được bổ sung các dưỡng chất thiết yếu gồm DHA – là acid béo đóng vai trò quan trọng trong phát triển não bộ và tế bào võng mạc của bé, sắt – tạo hồng cầu, phòng ngừa bệnh thiếu máu của các bà mẹ trong thời kỳ mang thai, canxi – tham gia quá trình hình thành và phát triển hệ xương của bé một cách cứng cáp, chất xơ hòa tan – phát triển hệ vi khuẩn có lợi trong đường ruột, tăng cường khả năng hấp thu Canxi. Đồng thời oligofructoso còn giúp ngăn ngừa chứng táo bón trong trong thời kỳ mang thai.

Thời gian trôi nhanh quá phải không mẹ? Chỉ còn 8 tuần nữa thôi là em bé đã có thể ở trước mặt mẹ bằng xương bằng thịt chứ không chỉ còn là một bức hình siêu âm nữa. Mẹ sẽ cảm thấy mình đầy mâu thuẫn, vừa cảm thấy không thể đợi thêm vừa cảm thấy luyến tiếc quãng thời gian qua. Nhưng không sao, mẹ và bé còn cả một hành trình đầy ắp kỷ niệm phía trước. Mẹ cũng đừng lo lắng mình chuẩn bị không chu đáo, bé biết mẹ rất yêu bé và luôn sẵn sàng làm những điều tốt nhất cho bé mà.

PGS.TS.BSCC.Trần Đình Toán

Trung tâm Dinh dưỡng VNM