Nhật Ký Mẹ Bầu

BÀ BẦU CÓ NÊN UỐNG SỮA BẦU KHÔNG? CẦN LƯU Ý GÌ KHI UỐNG?

Ngày đăng:

01/08/2017

Sữa bầu là loại thức uống giúp phụ nữ bổ sung dinh dưỡng trong quá trình mang thai. Tuy nhiên, một số mẹ bầu cảm thấy sữa không hợp khẩu vị nhưng lại lo lắng nếu không bổ sung thì thai nhi sẽ thiếu chất dinh dưỡng. Vậy phụ nữ mang thai có nên uống sữa bầu hay không và cần lưu ý gì khi sử dụng? Hãy theo dõi ngay bài viết dưới đây của Vinamilk để được giải đáp thắc mắc nhé!

Bà bầu có nên uống sữa bầu không

Mẹ bầu có nhất thiết phải uống sữa bầu không?

1. Bà bầu có nên uống sữa bầu hay không? 

Bà bầu nên uống sữa bầu, bởi thức uống này cung cấp nhiều vitamin và dưỡng chất cần thiết để đảm bảo sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi trong suốt thai kỳ.

1.1 Phụ nữ mang thai tháng thứ mấy nên uống sữa bầu? 

Ngay từ khi có kế hoạch mang thai, mẹ nên bổ sung sữa bầu vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày nhằm ngăn chặn thiếu hụt chất dinh dưỡng cho cả mẹ và thai nhi. Với khoảng 80% mẹ bầu trải qua giai đoạn ốm nghén, việc duy trì uống sữa bầu trở nên quan trọng hơn. Sữa bầu không chỉ giúp duy trì sức khỏe mẹ mà còn ngăn chặn sụt cân và tăng cường sức đề kháng trong giai đoạn này.

Ngay từ những tuần đầu tiên của thai kỳ, mẹ bầu cũng nên bổ sung sữa bầu vào chế độ ăn uống. Sữa bầu với hàm lượng chất dinh dưỡng phong phú sẽ hỗ trợ các mẹ vượt qua giai đoạn ốm nghén, cung cấp "kho dự trữ" chất dinh dưỡng cho thai nhi, giúp giảm nguy cơ suy dinh dưỡng bào thai. 

Đặc biệt khi thai kỳ đi vào giai đoạn cuối, nhu cầu dinh dưỡng của thai nhi tăng lên đáng kể. Việc duy trì uống sữa bầu đến cuối thai kỳ giúp đảm bảo mẹ cung cấp đủ dinh dưỡng cho thai nhi phát triển mạnh mẽ, chuẩn bị sức khỏe tốt nhất cho quá trình sinh nở. 

Nhiều mẹ thường nghĩ sau sinh, việc uống sữa bầu không còn cần thiết nữa. Nhưng mẹ biết không, sữa bầu giúp mẹ hồi phục sức khỏe sau sinh nhanh hơn. Vì thế, mẹ sẽ có thể sớm chăm sóc bé yêu. Sữa bầu giúp sữa mẹ về nhanh và giàu dinh dưỡng hơn. Nếu uống sữa bầu sau sinh, mẹ khỏe mạnh, bé sẽ được hấp thu trọn vẹn nguồn dinh dưỡng quý giá từ sữa mẹ ngay sau khi chào đời.

Uống sữa bầu từ ngày đầu thai kỳ

Các mẹ nên bổ sung sữa bầu ngay từ khi bắt đầu mang thai 

1.2 Thời điểm uống sữa bầu tốt nhất trong ngày 

Thời điểm tốt nhất trong ngày để uống sữa bầu là trước khi đi ngủ khoảng 2 tiếng. Trong thời kỳ mang thai, nhu cầu dinh dưỡng và năng lượng tăng cao, khiến cho mẹ thường đói nhanh. Vì vậy, để tránh thức giấc trong đêm và khó ngủ trở lại, uống sữa trước khi đi ngủ là giải pháp hữu ích, giúp cung cấp đủ năng lượng cho cả mẹ và thai nhi qua đêm.

Bên cạnh đó, khi đi ngủ, cơ thể mẹ được nghỉ ngơi và thư giãn, quá trình hấp thụ dưỡng chất sẽ được tối ưu hóa, đặc biệt là thành phần canxi được hấp thụ tốt hơn. Điều này giúp tạo ra một môi trường dinh dưỡng tốt nhất cho sự phát triển của bé.

Tóm lại, phụ nữ mang thai nên uống sữa bầu ngay từ khi biết mình mang thai và duy trì đến cuối thai kỳ. Sau khi sinh mẹ cũng nên tiếp tục uống sữa bầu để nhanh khỏe và giúp trẻ hấp thụ dinh dưỡng đa dạng từ sữa mẹ. Phụ nữ mang thai nên uống sữa bầu vào buổi tối trước khi ngủ khoảng 2 tiếng để đảm bảo quá trình hấp thu dinh dưỡng được tốt nhất. 

Thời điểm nên uống sữa bầu

Thời điểm uống sữa bầu tốt nhất là khoảng 2 tiếng trước khi đi ngủ

2. Bà bầu nên uống bao nhiêu sữa bầu trong một ngày?

Bà bầu nên uống khoảng 250 – 500ml mỗi ngày (khoảng 2 ly) để đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho sự phát triển của cơ thể và thai nhi. Tuy nhiên, lượng sữa cần uống cũng phụ thuộc vào nhu cầu dinh dưỡng của mỗi người mẹ. 

Bên cạnh đó, việc chọn loại sữa cũng đóng vai trò quan trọng. Do đó, mẹ bầu nên tìm đến sự tư vấn của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để nhận được lời khuyên an toàn và phù hợp.

Bà bầu nên uống khoảng 2 ly sữa mỗi ngày

Bà bầu nên uống khoảng 2 ly sữa bầu mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và thai nhi 

3. Vì sao nên bổ sung sữa bầu cho phụ nữ mang thai? 

3.1 Bổ sung canxi 

Trong sữa bầu có chứa canxi, đây là yếu tố quan trọng giúp hình thành cấu trúc xương, răng, tim, cơ, hệ thống dây thần kinh quan trọng của thai nhi. Việc thiếu hụt canxi có thể khiến cơ thể mẹ lấy canxi từ xương, làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương hoặc xương mỏng, mẹ dễ gãy xương sau sinh.

Theo kết quả của các nghiên cứu y khoa, phụ nữ mang thai tiêu thụ ít nhất khoảng 1.000mg canxi mỗi ngày để đảm bảo cung cấp đủ canxi cho cả mẹ và bé. Việc bổ sung khoảng 2 ly sữa bầu, tương đương với 250 - 500ml sẽ giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt canxi mà không cần phải sử dụng thuốc hoặc các loại thực phẩm chức năng.

Sữa bầu giúp bổ sung canxi

Sữa bầu giúp bổ sung canxi cho phụ nữ mang thai hiệu quả

3.2 Cung cấp Protein 

Trong suốt quá trình mang thai, protein đóng vai trò quan trọng để giúp xây dựng tế bào khỏe mạnh cho sự phát triển của bào thai. Nhu cầu protein của mẹ bầu tăng cao đáng kể trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba của thai kỳ, khi thai nhi đang trong giai đoạn phát triển cân nặng nhanh chóng. Thiếu hụt protein trong thời kỳ này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất của thai nhi, gây còi xương và thiếu cân khi chào đời.

Sữa bầu là một nguồn cung cấp protein dồi dào cung cấp đầy đủ các acid amin cần thiết cho cả mẹ và thai nhi. Đặc biệt, thành phần protein từ sữa bầu rất dễ tiêu hóa và hấp thụ, đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh của mẹ và bé trong quá trình mang thai.

Sữa bầu chứa nhiều protein

Trong sữa bầu chứa hàm lượng protein dồi dào giúp mẹ và thai nhi phát triển khỏe mạnh

3.3 Cung cấp DHA

DHA là một loại acid béo omega-3, đóng vai trò quan trọng trong phát triển thị giác và não bộ ở trẻ. Trong thời kỳ mang thai, mẹ cần bổ sung ít nhất 200mg DHA mỗi ngày. Sữa bầu từ nguồn gốc bò ăn cỏ có chứa hàm lượng DHA dồi dào, giúp mẹ và bé giảm nguy cơ mắc phải bệnh tim và một số bệnh chuyển hóa khác.

Sữa bầu cung cấp DHA

Sữa bầu cung cấp hàm lượng DHA dồi dào giúp mẹ và bé giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh lý

3.4 Bổ sung Vitamin D

Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong quá trình hấp thụ canxi, giúp củng cố và tăng cường sự chắc khỏe của xương. Vitamin D cũng góp phần tăng cường hệ thống miễn dịch, giúp mẹ bầu ngăn chặn được các bệnh nhiễm trùng. Trong quá trình thai nghén, việc nhận đủ canxi và vitamin D từ mẹ thông qua dây rốn sẽ giúp thai nhi phát triển xương toàn diện, giảm nguy cơ còi xương ở trẻ sơ sinh. 

Bổ sung 1 cốc sữa bầu sẽ giúp cung cấp khoảng 125 IU vitamin D, đáp ứng gần 20% nhu cầu vitamin D hàng ngày của mẹ bầu.

Uống 3 cốc sữa bầu mỗi ngày có thể giúp mẹ đáp ứng đến 60% nhu cầu vitamin D, giúp duy trì sức khỏe toàn diện khi mang thai.

Sữa bầu giúp bổ sung vitamin D

Uống sữa bầu giúp đáp ứng nhu cầu vitamin D hàng ngày của mẹ bầu

4. Mẹ cần lưu ý gì khi uống sữa bầu? 

  • Bổ sung sữa bầu với liều lượng hợp lý, không nên uống quá nhiều để tránh các vấn đề sức khỏe như thai to quá mức, bé bị béo phì bẩm sinh hay suy tim, suy hô hấp, hạ thân nhiệt.
  • Trước khi sử dụng, mẹ cần đọc kỹ thành phần sản phẩm có trong sữa bầu để tránh dị ứng khi sử dụng.
  • Mẹ không cần phải sử dụng một loại sữa bầu cố định mà có thể thay đổi loại sữa để tìm ra vị ưa thích nhất, hạn chế cảm giác ngán hay nôn ói khi uống.
  • Duy trì việc uống sữa bầu khoảng 2 ly mỗi ngày để đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho mẹ và bé.
  • Pha sữa theo hướng dẫn trên bao bì, tránh pha quá loãng hay đặc, đồng thời sử dụng nước ở nhiệt độ phù hợp để bảo toàn chất dinh dưỡng trong sữa.
  • Uống sữa bầu trước hoặc sau khi ăn 1 giờ để hệ tiêu hóa hấp thụ dưỡng chất tốt nhất. Nếu thấy ngán, mẹ có thể kết hợp với bánh mì hoặc trái cây.
  • Đối với mẹ bầu bị ốm nghén, cần thích nghi dần với hương vị sữa bầu bằng cách uống từng chút một và tăng dần số lượng về sau.
  • Nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng hay vấn đề sức khỏe nào khi uống sữa bầu, bạn nên ngưng sử dụng và tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Lưu ý khi uống sữa bầu

Khi uống sữa bầu mẹ cần chú ý uống với liều lượng phù hợp và pha sữa đúng cách

5. Những câu hỏi thường gặp khi uống sữa bầu

5.1 Bà bầu nên uống sữa tươi hay sữa bầu?

Trong thời gian thai kỳ, bà bầu nên uống sữa bầu. Bởi loại sữa này được đặc chế, có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng của bà bầu, chứa nhiều thành phần dinh dưỡng như vitamin, khoáng chất, acid amin quan trọng như sắt, acid folic, vitamin B12,... 

Tuy nhiên, nếu mẹ cảm thấy khó chịu với mùi vị của sữa bầu thì có thể tìm kiếm các nguồn dinh dưỡng khác từ thực phẩm mà không cần phải uống sữa bầu. Việc nên uống sữa tươi hay sữa bầu này sẽ phụ thuộc vào sự thích nghi và thể trạng của mẹ. Mỗi người sẽ có khả năng thích nghi khác nhau. Một số mẹ không chịu được mùi vị của sữa bầu trong khi những mẹ khác không thể uống sữa tươi.

Tìm hiểu thêm: Có nên uống sữa bầu trong 3 tháng đầu không?

Bà bầu nên uống sữa bầu

Bà bầu nên ưu tiên uống sữa bầu để cung cấp đủ dinh dưỡng cho mẹ và bé

5.2 Nếu không uống được sữa bầu thì mẹ bầu nên làm gì? 

Đối với những mẹ không thể uống sữa bầu thì sẽ có nhiều cách khác để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng đầy đủ cho cả mẹ và thai nhi, cụ thể các mẹ có thể bổ sung:

  • Các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai. Những sản phẩm này đều là sự lựa chọn tốt để cung cấp canxi và protein, đồng thời ít ngậy và dễ tiêu thụ hơn.
  • Các thực phẩm giàu canxi, protein, DHA như cá, thịt bò, tôm, rau xanh.
  • Sử dụng viên uống vitamin tổng hợp theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho mình và thai nhi.

Nếu mẹ đang trải qua giai đoạn ốm nghén muốn uống sữa bầu thì có thể chia nhỏ khẩu phần sữa trong ngày thành các lượng nhỏ để giảm cảm giác ngán và nôn mửa.

Tham khảo thêm: Sau sinh uống sữa bầu được không?

Sử dụng sản phẩm khác thay thế sữa bầu

Mẹ bầu có thể thay thế sữa bầu bằng những sản phẩm dinh dưỡng khác

Sữa bầu đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của cả mẹ và thai nhi. Do đó, ngay từ khi biết mình mang thai cho đến cuối giai đoạn thai kỳ, mẹ nên bổ sung sữa bầu với liều lượng phù hợp. Bài viết trên đây đã giúp bạn giải đáp phụ nữ mang thai có nên uống sữa bầu không và cách uống hiệu quả. Hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp bạn tham khảo và biết cách bổ sung sữa bầu phù hợp. 

Tài liệu tham khảo:

Get the calcium you need during pregnancy (2023) WebMD. Available at: https://www.webmd.com/baby/get-the-calcium-you-need-during-pregnancy (Accessed: 26 January 2024).