Ăn khoẻ - Ăn ngon

NGUYÊN NHÂN, CÁCH ĐIỀU TRỊ CHƯỚNG BỤNG Ở TRẺ BỐ MẸ CẦN NẮM RÕ

Ngày đăng:

11/04/2018

Chướng bụng ở trẻ em được xem là vấn đề về hệ tiêu hóa phổ biến nhất. Bởi hệ tiêu hóa của trẻ em chưa được phát triển hoàn toàn. Đôi khi các mẹ rất lo lắng, hoang mang khi con gặp phải triệu chứng này. Vì vậy, bài viết này Vinamilk sẽ hướng dẫn những cách phòng ngừa và đối phó với chứng chướng bụng đầy hơi của trẻ một cách triệt để nhất. 

Nguyên nhân và cách điều trị chướng bụng ở trẻ em

Khắc phục tình trạng chướng bụng ở trẻ em

1. Chướng bụng ở trẻ em là gì? Dấu hiệu nhận biết trẻ đang bị chướng bụng

Chướng bụng ở trẻ em là tình trạng bụng của trẻ bị căng cứng, to lên do tích tụ khí gas trong dạ dày quá nhiều. Chướng bụng là một trong các triệu chứng gây khó chịu ở bệnh nhân có rối loạn chức năng ruột. Trẻ gặp phải chướng bụng đầy hơi thường có cảm giác khó chịu ở bụng, quấy khóc và không chịu bú. 

Trẻ em bị chướng bụng thường có rất nhiều triệu chứng khác nhau, nhưng các triệu chứng phổ biến nhất là: 

  • Bụng trẻ bị căng tròn và khi vỗ nhẹ vào bụng có thể tạo ra âm thanh gần giống tiếng trống sau 1 - 2 giờ ăn. 
  • Trẻ bị ợ hơi sau khi ăn. 
  • Trẻ có cảm giác khó chịu, quấy khóc sau khi ăn, bỏ ăn hoặc ăn ít hơn bình thường. 
  • Trẻ có dấu hiệu nôn mửa. 
  • Trẻ đi ngoài có phân lỏng hoặc táo bón nhiều ngày. 
  • Trẻ thường khó ngủ do đau bụng, khó chịu trong bụng vào ban đêm. 

Khi thấy con có biểu hiện khó chịu, các mẹ thường lo lắng, bối rối mà quên mất rằng việc quan trọng đầu tiên là nhận biết dấu hiệu bất thường của bé yêu. Sau đó mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân gây ra những vấn đề bất thường đó. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đầy bụng ở bé sơ sinh. 

Dấu hiệu trẻ bị chướng bụng

Trẻ em bị căng bụng, to lên do tích tích khí trong dạ dày

2. Nguyên nhân gây chướng bụng ở trẻ em 

2.1 Do chế độ ăn uống của mẹ

Các bé trong độ tuổi sơ sinh – trẻ nhỏ, đa phần còn đang bú mẹ. Vì thế, chế độ ăn uống của mẹ cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe hệ tiêu hóa của bé. Khi bé có dấu hiệu đầy bụng, mẹ cần nghĩ đến nguyên nhân đầu tiên là do chế độ ăn uống của mình. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến nhất đối với những bé còn bú mẹ hoàn toàn.

Có thể mẹ ăn phải thức ăn ôi thiu, thức ăn cũ nguội lạnh, thức ăn chưa được nấu chín hoặc thức ăn có tính hàn, có nhiều vị tanh khi còn trong thời gian ở cữ.

Chế độ ăn uống của mẹ

Mẹ ăn những thực phẩm có tình hàn, cay, vị tanh…khi cho con bé sẽ làm trẻ bị chướng bụng.

2.2 Do thay đổi chế độ ăn đột ngột

Nguyên nhân này xảy ra khi bé đang trong giai đoạn chuyển tiếp chế độ ăn uống. Ví dụ như khi bé đang bú mẹ chuyển sang bú bình; đang bú sữa hoàn toàn chuyển sang ăn dặm,…Hệ tiêu hóa của bé sơ sinh còn non nớt và chưa quen tiêu hóa nhiều loại thức ăn khác nhau. Nên khi có bất kỳ sự thay đổi nào trong chế độ ăn uống, những bé có hệ tiêu hóa nhạy cảm thường “phản ứng” bằng triệu chứng đầy bụng.

Thay đổi chế độ ăn của bé

Mẹ thay đổi đột ngột chế độ ăn của bé là nguyên nhân làm chướng bụng ở trẻ.

2.3 Do bé không dung nạp lactose trong sữa

Lactose là thành phần có trong hầu hết các loại sữa. Khi cơ thể bé không thể dung nạp được hoặc không dung nạp hết lactose, bé cũng sẽ bị đầy bụng. Sở dĩ cơ thể bé không hấp thu được lactose là vì không sản sinh đủ lượng men lactase cần thiết. Vì thế,  lactose bị tích tụ ở ruột và gây đầy hơi, chướng bụng.

2.4 Do dị ứng với protein trong sữa

Nhiều trường hợp bé bị dị ứng với thành phần này trong sữa. Việc này có thể khiến bé bị nôn trớ, khó thở, tiêu chảy ngoài biểu hiện đầy bụng, khó tiêu. Mẹ nên kiểm tra xem đây có phải nguyên nhân không trước khi nghĩ cách chữa đầy bụng cho trẻ sơ sinh.

2.5 Do dùng kháng sinh hoặc thuốc

Các loại thuốc kháng sinh tiêu diệt các vi khuẩn có hại đồng thời cũng tiêu diệt luôn hệ vi sinh có lợi trong đường ruột. Việc này giúp hệ tiêu hóa của bé “gặp trục trặc”. Và đầy bụng là một trong số những vấn đề thường xảy ra nhất. Trong một số trường hợp cá biệt, bé cũng có thể bị đầy bụng do dị ứng với các thành phần của thuốc chữa bệnh hoặc thuốc tiêm phòng.

2.6 Do trào ngược dạ dày, tiêu chảy hoặc táo bón

Không thể phủ nhận những bệnh lý về tiêu hóa này lại có thể dẫn đến bệnh lý về hệ tiêu hóa khác. Cụ thể hơn, khi bé bị trào ngược dạ dày, hơi bị tống xuất theo chiều ngược so với bình thường. Vì thế, bé hay bị trướng bụng, ợ hơi, dễ nôn ói.

Táo bón lại gây hiện tượng gây ứ phân. Vi trùng sẽ sinh hơi trong đại tràng cũng làm bé bị đầy bụng. Còn khi bị tiêu chảy, bé bị mất điện giải nên bị trướng bụng. Cơ hoành bị chèn ép lại làm bé nôn ói nhiều. Tình trạng mất điện giải càng thêm trầm trọng kéo theo đó là hiện tượng đầy bụng có biểu hiện nặng hơn.

Bé bị bệnh tiêu hóa gây chướng bụng

Bé bị táo bón cũng có triệu chứng chướng bụng 

3. Cách điều trị chướng bụng đầy hơi ở trẻ em nhanh và đơn giản 

3.1 Massage bụng

Sau khi bé ăn được khoảng 30 phút, mẹ hãy dùng các ngón tay xoay nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ từ lỗ rốn ra ngoài bụng của bé yêu. Để giảm việc chà sát mạnh vào làn da mỏng manh của bé, mẹ có thể dùng thêm dầu massage, vừa giảm đau, vừa giúp bé thêm thư giãn, thoải mái, giảm cảm giác khó chịu vì bị đầy bụng.

Massage bụng cho bé sau ăn 30 phút

Mẹ massage bụng bé nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ sau khi cho bé ăn 30 phút.

3.2 Chườm nóng

Mẹ thực hiện bằng cách lấy 2 chiếc khăn tay, làm ấm chúng bằng cách nhúng vào nước nóng và vắt khô. Khi độ nóng phù hợp và đảm bảo không làm bỏng da bé, mẹ đặt 1 khăn đã gấp gọn lên bụng và dùng cái còn lại quấn quanh bụng để cố định lại. Hơi nóng và sức nặng của cái khăn sẽ giúp đẩy hơi trong bụng bé ra dễ dàng hơn.

3.3 Vỗ ợ hơi

Đây là việc làm được các bác sĩ khuyên mẹ nên làm sau khi cho bé sơ sinh bú xong để giảm triệu chứng nôn trớ, trào ngược thực quản ở các bé. Khi bé bị đầy hơi, việc này càng cần thiết. Mẹ hãy bế bé sao cho đầu bé tựa vào mẹ. Sau đó, mẹ vỗ nhẹ lưng bé cho đến khi bé phát ra những tiếng ợ hơi.

3.4 Xì hơi

Mẹ hãy giúp bé đưa hơi từ dạ dày ra bằng cách ôm bé sát vào ngực, hơi ngả người ra sau hoặc mẹ bế bé sao cho bụng bé nằm ngang trên cánh tay mẹ. Sau đó, mẹ dùng tay vuốt lưng cho bé xì hơi dễ hơn.

Khi thực hiện cách chữa đầy bụng cho trẻ sơ sinh này, mẹ cũng có thể đặt bé nằm ngửa, nắm chặt phần chân gần đầu gối, đẩy chân lên phía ngực, chân còn lại đẩy xuống phía dưới. Mẹ đổi bên và lặp đi lặp lại động tác “đạp xe” này. Động tác này cũng giúp giảm khí trong bụng hiệu quả.

Ngoài ra còn nhiều cách khác mẹ có thể áp dụng như cho trẻ uống nước gừng mật ong, cho trẻ uống nước chanh…Tuy nhiên, đây là những cách chỉ có thể áp dụng được với những bé trên 1 tuổi. Mẹ cần cân nhắc kỹ khi dùng những cách này.

4. Cách phòng ngừa chướng bụng đầy hơi cho trẻ

Chướng bụng, đầy hơi là một vấn đề phổ biến có thể khiến trẻ khó chịu và quấy khóc. Các mẹ có thể tham khảo các lời khuyên này để phòng ngừa và đối phó với chứng đầy hơi ở trẻ em: 

  • Cho trẻ bú hoặc ăn chậm rãi, nuốt từ từ. Khi mà trẻ bú hoặc ăn nhanh sẽ nuốt nhiều khí vào bụng, dẫn đến đầy hơi.
  • Giữ đầu cao khi cho trẻ bú hoặc ăn giúp trẻ dễ nuốt và giảm lượng khí nuốt vào.
  • Massage bụng cho trẻ theo chiều kim đồng hồ giúp giảm căng tức và giúp khí thoát ra ngoài.
  • Cho trẻ uống nhiều nước giúp cơ thể hoạt động trơn tru, bao gồm cả hệ tiêu hóa.
  • Cho trẻ ăn các loại thực phẩm dễ tiêu hóa, ít gây đầy hơi như cháo loãng, súp,...

Các mẹ cần chú ý để theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ. Nếu trẻ bị chướng bụng kéo dài quá lâu hoặc kèm theo các triệu chứng nghiêm trọng như nôn mửa, sốt cao, đau bụng, đi ngoài phân có máu hoặc nhầy, cần đưa trẻ đi khám bác sĩ ngày lập tức. 

Phòng ngừa chướng bụng cho bé

Cho trẻ ăn chậm rãi và nuốt từ từ để tránh bị chướng bụng

Kết luận

Triệu chứng chướng bụng ở trẻ em thường không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Thông qua các cách phòng ngừa và đối phó được hướng dẫn giúp các mẹ có thể xử lý kịp thời vấn đề. Tuy nhiên, cần theo dõi tình trạng của trẻ để nhanh chóng phát hiện những nguy cơ về bệnh lý ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con. Sau khi phát hiện, cần đưa trẻ đi khám và điều trị ngay lập tức.