Thông Tin Dinh Dưỡng

NHỮNG ĐIỀU MẸ CẦN BIẾT VỀ QUÁ TRÌNH CHUYỂN DẠ

Ngày đăng:

06/10/2016

Thông thường vào tháng cuối cùng của thai kì, tử cung của người mẹ sẽ làm việc liên tục hơn, dẫn tới tình trạng co thắt theo từng cơn khiến mẹ nhầm lẫn với hiện tượng chuyển dạ và chuyển dạ giả. Và có những dấu hiệu phổ biến chẩn đoán chính xác nhất báo hiệu kỳ sinh nở cận kề như bụng bầu tụt xuống, đi tiểu thường xuyên, đau lưng dưới, co thắt thường xuyên, tiêu chảy, tiết dịch âm đạo, âm đạo ra máu hoặc cũng có thể là hiện tương vỡ ối. Vậy cụ thể những dấu hiệu ấy sẽ diễn ra như thế nào và người mẹ cần làm gì trong những tình huống dự báo ấy?

8 dấu hiệu chuyển dạ báo hiệu sắp sinh ở mẹ

  1. Vỡ ối đột ngột

Mẹ sẽ biết mình bị vỡ ối khi xuất hiện chất lỏng chảy hoặc nhỏ giọt từ âm đạo. Tuy nhiên, dấu hiệu sắp sinh này chỉ xảy ra với khoảng 15-25% thai phụ. Một số người khi vỡ ối thì nước chỉ chảy ri rỉ, nhưng có người sẽ chảy rất nhiều giống như đang đi vệ sinh. Nước ối vẫn có thể chảy sau khi vỡ ối. Một số đặc điểm của việc chảy nước ối là:

  • Mẹ không kiểm soát được việc rỉ nước.
  • Các vật lót không thấm kịp nước.
  • Không có mùi nước tiểu.

Chỉ có 10% các ca sinh nở có túi ối bị vỡ trước khi xuất hiện những cơn đau. Khi thấy nước ối tràn ra ào ạt, mẹ bầu cần đến ngay bệnh viện vì có thể em bé sẽ chào đời sau 1-2 giờ nữa. Thông thường chị em sẽ thấy hiện tượng vỡ ối trong quá trình đau đẻ. Đây là lúc đứa bé cần phải được hít thở không khí bên ngoài. Dấu hiệu chuyển dạ này là rõ rệt nhất. Khi bị vỡ nước ối cũng có nghĩa là mẹ cần phải cho bé ra thôi.

Một số người nói rằng nước ối có mùi giống “tinh dịch”. Nếu mẹ thấy có mùi bất thường thì hãy báo lại gấp cho bác sĩ nhé. Nước ối thường trong hay có màu ánh hồng, vậy nên nếu nó có màu xanh hay nâu hay màu khác thì cũng cần gọi bác sĩ. Vỡ ối thường diễn ra vào ban đêm, thường mẹ sẽ thấy mình mắc tiểu và khi đi vào nhà vệ sinh sẽ nhận ra mình bị vỡ ối.

  1. Các cơn co thắt

Các cơn co thắt là dấu hiệu phổ biến nhất cho thấy mẹ sắp sinh.

Các cơn co thắt là dấu hiệu phổ biến nhất cho thấy mẹ sắp sinh.

Ban đầu, mẹ sẽ cảm thấy cơn co thắt giống như đau lan từ lưng ra bụng hoặc ngược lại trong vòng 20-30 phút. Khi nào các cơn đau trở nên mạnh và thường xuyên hơn, mẹ mới cần chuẩn bị mọi thứ để sinh bé.

Vì các cơn đau sẽ diễn ra không xác định, vậy nên đừng quá lo lắng với những cơn đau sớm và nhẹ. Khi mẹ thật sự chuyển dạ sắp sinh, các cơn đau sẽ mạnh và kéo dài hơn. Mẹ nên xem các cơn co thắt kéo dài bao nhiêu giây và cách nhau bao nhiêu phút. Nếu cách nhau khoảng 3-5 phút và đau tầm 1 phút, đó là dấu hiệu tốt cho thấy mẹ sắp sinh. Một số trường hợp việc xuất hiện các cơn đau thắt nhiều nhưng tử cung lại không được mở rộng ra. Mẹ vẫn sẽ chưa thật sự sắp sinh nếu:

  • Các cơn co thắt của mẹ không đều
  • Các cơn co thắt không ngày càng mạnh hơn
  • Thay đổi vị trí đứng ngồi, xoa bóp hay đi bộ lại khiến biến mất những cơn đau
  • Cơn đau không kéo dài, chỉ trong vài phút.

Những dấu hiệu co thắt thật sự:

  • Cơn đau không nhẹ hay ít đi.
  • Rơi vào thời gian phổ biến: kéo dài trong 5-10 phút và cách nhau tầm 8 phút
  • Tần suất càng lúc càng tăng lên.
  • Đau kéo dài hơn, đau nhiều hơn.
  • Thường có cao trào của cơn đau rồi lại từ từ giảm đi rồi lại cao trào.
  1. Xuất hiện dịch âm đạo

Khi cổ tử cung bắt đầu giãn ra, âm đạo tiết ra chất dịch nhầy giúp bảo vệ thai nhi khỏi nhiễm trùng. Chất dịch âm đạo này có thể có dạng lỏng hoặc đặc, đôi khi tiết ra theo từng phần hoặc một mảng lớn và có màu nâu, hồng hoặc ánh đỏ. Việc này thường diễn ra trong vài ngày và chấm dứt trước khi mẹ sinh 2 tuần. Hầu hết những ai thấy dấu hiệu này đều sẽ chuẩn bị đi sinh trong vài ngày sau. Tuy nhiên có trường hợp thai phụ sẽ không có dấu hiệu này khi họ đã bị vỡ nước ối trước đó.

  1. Bị ớn lạnh

Dù thời tiết không hề lạnh nhưng khi sắp chuyển dạ, mẹ vẫn cảm thấy run chân tay hoặc rùng mình. Hiện tượng này có thể diễn ra trong suốt thời gian sắp và sau khi sinh. Đây như là cách giúp cơ thể giảm căng thẳng khi mang thai và thường chỉ kéo dài vài phút. Nếu không muốn bị vậy, hãy thư giãn bằng cách tắm nước ấm, mát xa, hít thở sâu.

  1. Bụng bầu sẽ bị tụt xuống thấp

Trong vài tuần cuối của thai kỳ, mẹ có thể dễ dàng nhận thấy bụng bầu có chiều hướng tụt xuống thấp đáng kể. Điều này báo hiệu cho biết em bé sẽ chào đời trong khoảng 1-2 tuần tới. Tuy nhiên ở lần bầu thứ 2, do cơ xương chậu đã giãn nở đủ rộng, mẹ sẽ không nhận thấy bụng bầu tụt xuống cho đến ngày sinh nở. Để biết bụng bầu đã tụt chưa, mẹ có thể quan sát ngực xem có còn chạm vào phần trên của bụng nữa không? Nếu thấy ngực không chạm được vào phần trên của bụng nữa thì chắc chắn em bé đã tụt sâu xuống dưới. Có nhiều mẹ còn cảm nhận thấy rõ đầu em bé đã lọt xuống khung xương chậu, vài ngày sau đó, em bé của mẹ sẽ chào đời.

  1. Bị tiêu chảy

Đây là một trong những vấn đề Hội chứng ruột kích thích trong thai kì. Trong những ngày gần sinh, cơ thể sẽ sản xuất ra chất prostaglandin khiến ruột bị kích thích nhiều hơn. Tiêu chảy chính là dấu hiệu cho thấy mẹ sắp sinh, nó giống như một cách “dọn đường” để bé ra đời vậy. Có khi mẹ còn sẽ “đi ngoài” ngay trong lúc rặn sinh nữa đấy. Đừng quá lo lắng, lo lắng nhiều sẽ ảnh hưởng đến các cơn co thắt khi sinh. Nếu quá căng thẳng, mẹ nên trò chuyện với gia đình hay những người có kinh nghiệm.

  1. Cơn gò sinh lý Braxton-Hicks (cơn đau giả/co thắt tử cung giả)

Một số thai phụ chỉ có cơn đau giả này trong vòng khoảng 60 giây và không quá nghiêm trọng, ngược lại có nhiều người không xảy ra dấu hiệu này . Để phân biệt cơn co thắt giả và cơn đau chuyển dạ, hãy nhớ rằng Braxton Hicks sẽ không kéo dài và không theo tần suất nhất định, trong khi đó đau thắt lúc chuyển dạ sẽ diễn ra ngày càng lâu và gần nhau hơn.

  • Khi nhận thấy những cơn co thắt mạnh ở tử cung (dạ con) trong giai đoạn cuối thai kỳ, đó có thể là dấu hiệu mẹ chuẩn bị lâm bồn đấy. Tuy nhiên, những cơn có thắt này có thể xuất hiện trong suốt 3 tháng cuối thai kỳ, được gọi là những cơn đau giả (Braxton Hicks).
  • Tuy nhiên, nếu chỉ còn cách ngày dự sinh từ 1-2 tuần thì cần đặc biệt chú ý dấu hiệu này. Khi cơn co thắt mạnh mẽ (kéo dài khoảng 30 giây) và thường xuyên hơn thì ca sinh nở đã sắp bắt đầu rồi đấy. Thông thường, những cơn đau đẻ sẽ ở mức độ nhẹ, ngắn cho đến mạnh mẽ và thường xuyên hơn.
  • Khi các cơn co thắt xuất hiện, bụng mẹ thường sẽ cứng lên và mẹ dễ dàng nhận ra nếu đặt nhẹ bàn tay lên bụng. Các cơn co thắt này sẽ đẩy em bé xuống gần hơn với cổ tử cung để sẵn sàng chào đời.
  • Thông thường, bác sĩ khoa sản sẽ khuyên mẹ nên ở nhà cho đến khi các cơn co thắt kéo dài từ 30-60 giây và khoảng cách giữa các cơn co là 5-10 phút thì hãy đến bệnh viện (trong trường hợp nhà xa bệnh viện, sản phụ cần được đưa đến sớm hơn).

8. Đi tiểu thường xuyên hơn

Vì đầu của thai nhi đã nằm gần sát bàng quang của chúng ta nên chị em sẽ thường xuyên có cảm giác buồn đi tiểu và đi tiểu nhiều lần. Khoảng 2 tuần trước sinh thì thậm chí khoảng 1 giờ các mẹ đi tiểu một lần. Chị em bầu nhớ là đừng nhịn tiểu nhé, sẽ làm không chỉ mẹ khó chịu mà còn ảnh hưởng đến con nữa đó.

  1. Một số dấu hiệu khác

– Thai ít máy hơn: Giai đoạn cuối thai kỳ, tử cung của người mẹ không còn không gian cho bé quẫy đạp như trước, bé sẽ ít hoạt động hơn trước. Nếu mẹ cảm thấy bé không cử động trong nhiều giờ liên tục và đã dùng nhiều cách để kích thích sự trả lời của bé thì cần nhanh chóng thăm khám bác sĩ.

– Giảm cân: Những tháng cuối thai kỳ, một số mẹ bầu sẽ giữ nguyên cân nặng. Tuy nhiên càng gần đến ngày sinh thì có hiện tượng giảm cân từ 1-1,4 kg. Đây cũng là chuyện bình thường không có gì đáng lo.

m đạo có thể ra máu: Trước ngày sinh nở khoảng 2-3 ngày, âm đạo có thể bị chảy máu khá nhiề do nút nhầy ở cổ tử cung đã bong. Chỉ khoảng mấy giờ sau đó, nước ối có thể bị vỡ và ca sinh nở bắt đầu. Vì vậy khi thấy âm đạo chảy máu, mẹ cần đến bệnh viện ngay nhé.

Đau lưng dưới những tuần cuối: Những ngày cuối thai kỳ, do lúc này em bé đã khá nặng và tụt xuống dưới, tạo áp lực cho lưng và kéo dãn dây chằng ở tử cung, xương chậu khiến mẹ bầu đau nhức lưng. Sau sinh, triệu chứng bệnh sẽ giảm dần. Khi thấy lưng thường xuyên đau đớn, chứng tỏ thời điểm sinh đẻ đã cận kề.

Khi nào cần đi bệnh viện?

Khởi phát chuyển dạ và hạ sinh em bé không phải xuất hiện cùng lúc vì vậy mẹ bầu nên bình tĩnh để thu xếp đồ dùng, thông báo cho người thân và di chuyển đến bệnh viện một cách an toàn.

Tuy nhiên, nếu đã có những dấu hiệu đặc biệt sau, mẹ nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt:

– Các cơn đau xuất hiện cách nhau dưới 5 phút. Muốn biết điều này, khi các cơn đau bắt đầu, mẹ nên đo thời gian từ lúc bắt đầu cơn gò này đến lúc bắt đầu cơn gò tiếp theo.

– Vỡ ối hoặc ra máu tươi.

– Cần sự giúp đỡ của chuyên gia y tế để chống chọi với những cơn đau.

Một số biện pháp làm giảm cơn đau khi chuyển dạ

– Xoa bóp: Mẹ có thể nhờ sự giúp đỡ của người thân trong gia đình để xoa bóp vùng quanh thắt lưng hoặc các điểm nhức mỏi khắp cơ thể. Đừng ngần ngại nói ra mẹ đang đau ở đâu và muốn được trợ giúp.

– Đi lại nhẹ nhàng: Điều này nhằm mục đích thúc đẩy quá trình chuyển dạ diễn ra nhanh hơn đồng thời giúp mẹ quên bớt đi sự “hành hạ” bới những cơn đau.

– Cố quên đi những cơn đau: Trong thời gian chờ đến lúc được lên bàn sinh, mẹ có thể làm mọi cách miễn sao phân tán sự tập trung hiện tại vào những cơn đau.

– Tắm nước ấm: Nước ấm có tác dụng làm giảm sự căng cơ, giảm căng thẳng và hạn chế những cơn đau chuyển dạ cho thai phụ. Một số bệnh viện có phòng dịch vụ thường khuyến khích mẹ bầu tắm hoặc ngâm mình thư giãn trong bồn nước ấm vào giai đoạn chuyển dạ cuối thai kỳ.

Với những dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh được cung cấp trên, mong rằng sẽ giúp mẹ sớm nhận biết được những cơn đau, co thắt hay những biểu hiện thất thường để sẵn sàng vể mặt sức khỏe, thể chất cũng như tâm sinh lý cho cuộc vượt cạn chính thức. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng, tùy theo cơ địa của mẹ, sẽ có những dấu hiệu chuyển dạ khác nhau, do đó hãy tìm hiểu kỹ và chọn cho mình một biện pháp chăm sóc thích hợp.

PGS. TS. BS Trần Đình Toán

Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk